Nói thêm về cá cháy ở Trà Ôn

Ngày đăng: 2/12/2017 09:13:13 Chiều/ ý kiến phản hồi (12)

Tôi ở xóm Chùa quận lỵ  Tam Bình từ nhỏ cho đến 16 tuổi.  Xóm Chùa chỉ cách Trà Ôn khoảng 15 km đường sông trên nếu lưu thông trên con kênh xáng Măng Thít. Kênh Măng Thít là con sông do trời sanh và một phần  được người Pháp dùng xáng nạọ vét, phóng thẳng  để nối liền Tiền Giang tại vàm Cái Nhum  và Hậu Giang tại vàm Trà Ôn. Vùng Giáp Nước (khu vực liên ranh xã Hoà Hiệp và Xuân Hiệp)  là nơi tiếp xùc hai dòng chảy của 2 nhánh Cữu Long nổi tiếng nhất. Đoạn sộng Măng chảy ngang Tam Bình tương đối sâu rộng, tải lưu lượng nước rất lớn nếu so với những con sông trong khu vực. Cũng là nơi có một thời cung cấp nhiều  loại cá tôm thiên nhiên cho dân sống dầy đặc hai bên bờ. Trong đó có những loại cá nước ngọt  thân lớn và thịt ngon như: Cá Leo, Chẻm, Duồng, Phèn, Mè Dinh, Thác Lác,  Bóng Tượng,  Ba Sa, Dồ Cờ, Bông Lau,  Ngát, Trê Trắng, Lăng Nghệ, Chạch Lấu…và tôm càng xanh. Chỉ thiếu một loại sống  lưỡng cư là cá Cháy.

Tôi có người cậu ruột làm thầy giáo ở Trà Ôn vào những năm 1960. Năm đó tôi còn nhỏ để biết con cá Cháy sinh sống ra sao. Chỉ nghe má tôi hay nói “Năm nay mù sương nhiều, trúng mùa cá Cháy”.

Ba tôi quen với ông chủ  tàu đò chạy Tam Bình-Cần Thơ, lộ trình đi về mỗi ngày đều ghé bến Trà Ôn và rời khỏi đúng giờ qui định. Tàu về tới bến nhà là  cầu tàu Tam Bình thường là 3 giờ hơn. Lâu lâu ông chủ tàu cho người bưng giao tận nhà một nồi cá Cháy kho sẵn, nói rằng của mợ Bảy ở Trà Ôn gởi qua cho ba má. Cái xoong nhôm lớn lắm, má tôi mở sợi dây cột giữa hai quai ràng  giữ cho nắp kín. Thường là hai hoặc ba con cá cháy rất to. Nước cá kho lạt lỉnh bỉnh trong veo có lẫn những khúc hành hương. Thấy Tám tui đứng nhìn con cá hoài, má kêu đi qua mua bún tại  lò của bà Tám Ri gần sát bên nhà. Má bắc  nồi lên bếp  hâm sơ lại dù lúc ban đầu tôi rờ xoong cá  vẫn còn âm ấm.

Má nói thịt cá có xương nhiều lắm, khi rảnh mới dùng tay mằn lấy những cọng xương chữ y-cà-rết để cho tôi ăn. Má xé bún tơi ra và chan nước cá âm ấm vào tô đầy xâm xấp để cấp cứu cơn thèm thằng con lúc đó chừng 10 tuổi. Má dẻ thêm một khối trứng trong những cặp trứng cá Cháy thật to.

Má nói, mợ Bảy đặt  người đánh bắt giao cá tươi ngon và mợ kho liền để kịp gởi chuyến tàu đò duy nhất về Tam Bình mỗi chiều. Ôi, hương vị cá Cháy thiên nhiên và những  mối thâm tình nầy,  quả thật  ngon nhất thế gian.

Một Lúa

 

 

Có 12 bình luận về Nói thêm về cá cháy ở Trà Ôn

  1. Phong Tâm nói:

    Hồ Tĩnh Tâm là nhà văn đã định hình từ lâu, khi tôi biết ở Hội VHNT Cửu Long (Vĩnh Long). Không biết anh có rành bằng Một Lúa về vùng đất Trà Ôn, Lục Sĩ Thành? Vì Một Lúa gần như “Thổ địa” ở vùng nầy.

    Ông, Bà ngoại tôi gốc người Vũng Liêm – Mang Thít, mất sớm. Má tôi được ông chú thứ Mười ở Trường Thọ, Vũng Liêm (ông ngoại tôi thứ Hai) đưa về nuôi dưỡng, lớn lên gã cho Ba tôi về Bến Tre. Lúc tôi còn nhỏ lắm có vài lần được ăn khô cá cháy (con khô khá lớn), chưa nướng thấy có màu vàng vàng, lâu quá không còn nhớ rõ nữa.

    Từ lúc hiểu biết tôi thường nghe nói đến địa danh “Cái Nhum – Mang Thít” cả báo chí và trên bản đồ, nhưng sau nầy mỗi lần nghe và đọc lại thấy từ địa danh “MĂNG THÍT), như vậy xin hỏi tên nào gọi là đúng? Một Lúa ơi, giải thích giùm cho tôi hiểu đi. Rất cám ơn bạn.

    Người Bến Tre có một nửa Vĩnh Long.

    PT

     

  2. Nguyễn Thị Bé ( Xuân Hiệp ) nói:

    Anh Một Lúa năm 1960 tôi mới có 5 tuổi chưa biết gì nêm xuất xứ cá cháy ngay quê mình mà không biết con cá ra sao thật là rất tiếc mà không hiểu sao tôi cũng không nghe má tôi nhắc tới con cá nầy đúng là mình còn phải nghiên cứu thêm rồi.

    • Một Lúa nói:

      Bạn Nguyễn Thị Bé,

      Cá Cháy không sống thường xuyên trong sông nước Hậu Giang. Và giống cá nầy gần như tuyệt chủng từ thập niên 70 trên vùng quen thuộc của chúng. Vì vậy mà ít người biết có giống cá ngon nầy.

      Trước đây chắc là lâu lắm, mỗi năm có những bầy cá Cháy trưởng thành trở về khúc sông từ Đại Ngãi dài lên Trà Ôn để sanh sản. Hành trình kỳ diệu  về nguồn nước ngọt là nơi chúng sinh ra để làm công việc đẻ trứng thì gần giống như loại cá ‘Hồi’ (salmon) trên vùng nước lạnh Mid-Atlantic và Alaska. Những con cá Cháy con nở ra và tuôn ra biển Đông lớn dần và sống ở vùng biển Nam Dương và có khi tới Ấn Độ Dương.

      Người ta biết rõ ngày tháng vào mùa để thả lưới đánh bắt không kiểm soát loại cá trứng thường có trọng lượng 2-3 kg. Một trong nhiều lý do khiến  loại cá nầy mất dạng.

       

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Đọc thêm bài nói về con cá cháy của anh Một Lúa, em cảm thấy thèm con cá cháy và thèm cả tình yêu thương của Má .

    • Một Lúa nói:

      Cảm ơn bạn Lài Võ.

      Cá Cháy dù hiếm tới đâu cũng kiếm được.

      Sơn hào hải vị dù ngon tới đâu cũng không sánh bằng tình mẹ!

       

  4. Một Lúa nói:

    Đại huynh Phong Tâm,

    Tánh của đệ  rất lông bông, nhiều khi cũng giật mình. Cảm ơn đại huynh nhắc nhở.

    Em gọi Măng Thít như là một thói quen vô thức chòm xóm trao đổi về một địa danh, em nghĩ cũng giống như em từng nghe có người gọi Bến Te. Em hiểu ngay ngoài miệng bà con nói là te, lòng họ là tre. Còn Mang hay Măng và Thít  trong vụ nầy đều  không có nghĩa trong chữ Việt thời đại của em. Riêng em, nếu có cửa cho chọn lựa, em sẽ chọn Măng trong tâm tư  an nhiên giò  không theo  đường mòn thôn ấp. Và dĩ nhiên em phải chấp nhận sai sót cũng như bao nhiêu  năm quen miệng gọi “Ông Tấm”, bây giờ sửa lại Danh Tấm (vàm sông gần chỗ chị Hoa Đoàn). Cảm ơn anh đọc qua nhé!

     

  5. NHA nói:

    Anh Phong Tâm ơi,

    Từ năm tuổi tôi sống với bà ngoại và má tại Tân Long Hội, Cái Nhum/Măng Thít/Minh ̣Đức…..cho tới khi ra đời bôn ba, tôi luôn nghe bà con nói tên Măng Thít mà thôi.

    Chế ̣̣độ nước ta thay đổi thường xuyên, địa danh nhiều vùng theo ̣đó cũng bị thay ̣đổi và quận huyện của quê ngoại tôi cũng không ngoại lệ.

    Tôi góp ý với anh, phụ với Một Lúa,  bằng cách nhờ “ông” Wikipedia, hy vọng anh sẽ giải tỏa phần nào thắc mắc <NHA>

    “Mang Thít xưa có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lý. Vào năm 1827, đổi là huyện Tuân Ngãi, thuộc phủ Lạc Hoá, trấn Vĩnh Thanh. Năm Minh Mạng thứ 13, huyện Tuân Ngãi thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm 5 tổng là Ngãi Hoà, Ngãi Long, Thành Trị, Tuân Giáo, Tuân Lễ. Đầu thời Pháp thuộc, huyện bị giải thể, nhập địa bàn vào hạt thanh tra Lạc Hoá.

    Ngày 25 tháng 01 năm 1908, Pháp lập quận Cái Nhum, gồm có 2 tổng là Bình Thạnh với 3 làng và Bình Chánh với 5 làng. Ngày 18 tháng 12 năm 1916, quận Cái Nhum bị giải thể, nhập tổng Bình Thạnh vào quận Chợ Lách và tổng Bình Chánh vào quận Tam Bình cùng tỉnh.

    Ngày 18 tháng 05 năm 1955, chính quyền Sài Gòn lập quận Cái Nhum, thuộc tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở tách ra từ quận Châu Thành, gồm tổng Bình Long với 9 xã, quận lỵ đặt tại Cái Nhum. Ngày 08 tháng 10 năm 1957, giải thể quận Cái Nhum, nhập địa bàn vào quận Châu Thành và quận Chợ Lách cùng tỉnh. Ngày 10 tháng 03 năm 1961, quận Cái Nhum được tái lập, gồm 2 tổng là Thanh Thiềng với 4 xã và Bình Thiềng với 4 xã. Ngày 31 tháng 05 năm 1961, đổi tên quận Cái Nhum thành quận Minh Đức.

    Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Cái Nhum là huyện của tỉnh Cửu Long. Ngày 11 tháng 03 năm 1977, huyện Cái Nhum hợp với huyện Châu Thành Tây (trừ các xã Tân Ngãi, Tân Hoà) và các xã Hoà Hiệp, Hậu Lộc của huyện Tam Bình thành huyện Long Hồ.

    Ngày 29 tháng 09 năm 1981, huyện Mang Thít được thành lập theo Quyết định số 89/1981/QĐ-HĐBT, trên cơ sở tách ra từ huyện Long Hồ, gồm có 8 xã: An Phước, Chánh Hội, Tân Long Hội, Nhơn Phú, Mỹ An, Hoà Tịnh, Bình Phước, Long Mỹ; huyện lại đặt tại xã Chánh Hội.

    Ngày 17 tháng 04 năm 1986, giải thể huyện Mang Thít, nhập địa bàn vào huyện Long Hồ. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Cửu Long tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, huyện Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngày 13 tháng 02 năm 1992, tái lập huyện Mang Thít trên cơ sở tách ra từ huyện Long Hồ, gồm 8 xã như cũ.

    Ngày 18 tháng 03 năm 1994, thành lập thị trấn Cái Nhum trên cơ sở tách ra từ xã Chánh Hội. Ngày 09 tháng 08 năm 1994, lập thêm 4 xã mới: Tân An Hội, Tân Long, Mỹ Phước, Chánh An.

    Cuối năm 2003, huyện Mang Thít có thị trấn Cái Nhum và 12 xã: Mỹ An, Long Mỹ, Hoà Tịnh, Bình Phước, Nhơn Phú, Mỹ Phước, Chánh Hội, An Phước, Chánh An, Tân Long, Tân An Hội và Tân Long Hội.”

    Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Mang_Th%C3%ADt

    • Một Lúa nói:

      Đại huynh NHA,

      Em gọi là Măng Thít quen miệng  theo bà con xóm giềng. Cảm ơn các anh nhìn qua và bỏ công truy nguyên nguồn cội. Nhưng dù sao em cũng phải sửa cho đúng theo bản đồ và văn bản thời hiện đại.

  6. Phong Tâm nói:

    Một Lúa thân,

    Ở đây là anh em, tôi chỉ muốn biết rõ tên một địa danh, không có ý bắt bẻ nghen. Tại vì tôi chưa có cơ hội tới đó lần nào, hẳn là tôi chưa thấy biển đề tên xã, huyện nên không biết, nghe vậy thì tôi hiểu rồi.

    Có những từ gốc của một số địa danh như Cái Vồn, Cái Mơn, Cái Nhum, Chợ Lách, Ba Vát… khó hiểu, có lẽ Mang Thít cũng trong số đó, hổng chừng người ta ghép “Măng cho Thít” như “Biển Măng” thấy hay hay (?). Ở Bến Tre có nhiều khu vực quen (nói đớt) ra Bến Te, nhưng trên văn bản vẫn viết đúng Bến Tre, không thì người chưa biết dễ hiểu lầm. Vậy là tôi hiểu ý dùng từ Măng của Một Lúa… chính xác là Mang Thít. Cám ơn người anh em mình.

    • Một Lúa nói:

      Đại huynh Phong Tâm,

      Em có 2 việc muốn thưa với anh.

      1- Bài viết nầy thật ra là cmt của bài “Mùa Cá Cháy Năm Xưa” của tác giả Hồ Tĩnh Tâm. Cảm thấy trùng khớp món nợ ân tình lâu nay của mình, em hăng hái đánh máy ngay trên khung trả lời. Nhưng mắt kém và chữ nhỏ quá không dò đíc-tê nổi. Bài được ông Sãi tách ra  đăng như một tình cờ với nhiều lỗi hơn ngày thường. Mong độc giả và bậc đàn anh lượng thứ.

      2- Chữ Măng Thít như đã nhập tâm, nên em không để ý. May mốt em  dùng thì cố nhớ phải nói đúng theo bà con. Chỉ trừ một vài trường hợp xài theo tình huống mốc thời gian. Anh thấy thằng em sai sót thì chỉnh dùm, em cám ơn không hết, anh không phải ái ngại. Em có trả lời lằn nhằn quanh quẹo thì chỉ là chút nhỏ mọn thường tình thôi.

  7. Phong Tâm nói:

    Cám ơn anh Nguyễn Hồng Ẩn (NHA).
    Nhờ anh chịu khó giải thích, tìm văn bản chứng minh cho tôi hiểu được rõ ràng hơn, hết thắc mắc rồi anh à. Anh biết không, hồi nhỏ xíu nghe má tôi nói quê bà ngoại ở Mang Thích tôi cứ in trí như vậy, tôi có điểm yếu đáng bị đánh đòn là lười sưu tầm, nghe nhiều hơn thấy. Tôi vẫn cứ đinh ninh Mang Thích là đúng. Bởi vậy khi truyền thụ kiến thức phổ quát rất là quan trọng, trẻ em mà nghe người lớn nói sao là khắc sâu vào ký ức như vậy, do đó khi viết cần chính xác là điều hết sức quan trọng. Như tôi, mỗi lần đọc thấy từ Măng Thích lại suy ra người ta thích Biển Măng nên ghép cho vui đâu ngờ gốc của nó là vậy. Chúc anh Khỏe.

  8. Hồ An Nhiên nói:

    Anh Một Lúa ơi , nhìn hình mấy con cá thấy ngon lắm , nhưng hình như xương nó có hình chữ y , em thích ăn cá mè Vinh vì nó béo nhưng sợ mắc xương lắm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác