Kỷ niệm với Nguyễn Bạch Dương (*)

Ngày đăng: 7/12/2017 09:33:20 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Tôi với nhà thơ Nguyễn Bạch Dương quen nhau từ thời cùng cộng tác với Nhà thiếu nhi Vĩnh Long (NTNVL) vào khoảng từ năm 1987. Bấy giờ, thỉnh thoảng Ban Giám đốc NTNVL vẫn mời tôi và anh Nguyễn Bạch Dương nói chuyện với bút nhóm Áo trắng về kinh nghiệm sáng tác. Anh Bạch Dương nói về thơ, tôi nói về truyện. Thường thì anh Dương nói trước, nhưng đến lúc tôi nói, bao giờ anh Dương cũng ở lại ngồi nghe; nghe một cách chăm chú và tỏ ra rất khiêm tốn. Có lẽ khiêm tốn là một nét  tính cách rất đẹp của anh Bạch Dương.

Khi NTNVL chuyển từ Tiểu chủng viện về Đại chủng viện, và đổi tên thành Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên (TTHĐTTN), tôi được Ban Giám đốc trung tâm mời tham gia biên tập và trình bày maquette tờ Áo trắng,  anh Bạch Dương vẫn gởi bài đều cho mỗi số; và khi mỗi số Áo trắng ra đời, bao giờ anh cũng có những ý kiến đóng góp về nội dung bài vở với cách trình bày rất chân tình

Sau này, do bận công việc giảng dạy, tôi nghỉ không tham gia biên tập và trình bày tờ Áo trắng, anh Bạch Dương thay tôi đảm trách công việc này, và đảm trách rất tốt.

Qua công việc của anh Bạch Dương với TTHĐTTN và tờ Áo trắng, tôi hiểu ra thêm một điều nữa, đó là tính trách nhiệm cao và lòng yêu công việc, tận tận tình với công việc của nhà thơ Nguyễn Bạch Dương. Dưới sự giúp đỡ và dẫn dắt của anh, nhiều em trong bút nhóm đã trưởng thành rất tốt trong việc sáng tác, trở thành những cây viết tương đối mạnh ở trong tỉnh và trong khu vực.

Khi nhà thơ Nguyễn Bạch Dương chính thức nghỉ hưu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mời anh tham gia dẫn dắt Câu lạc bộ sáng tác trẻ của Hội, với cương vị Chủ nhiệm CLB, mặc dù đang rất bận bịu với việc nuôi người mẹ già đã không đi lại được, anh Bạch Dương vẫn vui vẻ nhận lời.

Cống hiến đầu tiên của anh là thảo ra quy chế sinh hoạt CLB, tập hợp lực lượng và thành lập được CLB với gần 30 thành viên. Điều không may là ngay sau lần sinh hoạt CLB đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương đã đột ngột lâm bệnh nặng, phải lên Trung tâm ung bướu TP Hồ Chí Minh xạ trị hóa chất và điều trị dài ngày. Tất cả  anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh ai cũng biết, đây là giai đoạn mà nhà thơ Nguyễn Bạch Dương phải chịu nhiều đau đớn nhất về thể xác, bởi căn bệnh không những không hề thuyên giảm, mà còn có chiều hướng càng ngày càng nặng.

Tuy từng giờ phải chịu đựng sự hành hạ về thân xác của bệnh tình, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương vẫn thường xuyên thăm hỏi về hoạt động của CLB sáng tác trẻ, về công việc sáng tác của lực lượng văn nghệ tỉnh nhà; và… điều xúc động mọi người là nhà thơ Nguyễn Bạch Dương vẫn sáng tác ngay trên giường bệnh. Thơ với anh như là máu thịt của cuộc đời, như là hơi thở trong cuộc sống; và hơn thế, thơ của Nguyễn Bạch Dương chính là thơ của một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống đến cồn cào cháy bỏng, mà vẫn tỉnh táo, mà vẫn thăng hoa, độc đáo đến lạ kỳ.

Tôi về vay mượn trái ngang

Khắc lên bia mộ chấm than cuộc tình

Tôi về sông rộng mông mênh

Loa tay tôi gọi một mình tôi nghe.

                     (Gọi) 

Tôi đã đọc rất nhiều thơ tình anh viết dưới tên Nguyễn Bạch Dương; tôi cũng đã từng đọc rất nhiều thơ thiếu nhi anh viết dưới tên Lê Trung Hiệp. Và tất cả những bài thơ của anh mà tôi biết, bài nào cũng có một tứ thơ rất mới, rất lạ. Ngay cả một bài thơ rất ngắn, chỉ vỏn vẹn mười sáu chữ, Nguyễn Bạch Dương vẫn cứa được vào lòng người đọc một ám ảnh thơ rất khó phai mờ.

Lời như bông bí

Nói rồi héo khô

Tình như không khí

Trong veo mơ hồ

                   (Không đề) 

Đó là ám ảnh thơ mà nhà thơ Nguyễn Bạch Dương đã gieo được từ rất lâu vào lòng bạn đọc. Nói một cách chính xác là từ trước những năm 1975.

Cuộc hành trình thơ đã đi suốt cùng Nguyễn Bạch Dương từ khi tập “Sau cơn địa chấn” ra đời vào năm 1964 đến tận bây giờ.

Thơ cho người lớn và thơ cho thiếu nhi. Lĩnh vực nào nhà thơ Nguyễn Bạch Dương cũng để lại khá nhiều bài thơ đầy ấn tượng. Thế hệ tham gia CLB Áo trắng của tỉnh Cửu Long cũ và tỉnh Vĩnh Long bây giờ, không ai không biết nhà thơ Nguyễn Bạch Dương dưới một cái tên rất thân quen là Lê Trung Hiệp, với tập thơ ngộ nghỉnh “bí mật của bé”.

Còn với Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long, Nguyễn Bạch Dương thuộc thế hệ hội viên đầu tiên từ ngày thành lập Hội, với tư cách là một cán bộ thuộc biên chế của Hội, tham gia biên tập thơ cho tạp chí Văn nghệ Cửu Long.

Dấu ấn Nguyễn Bạch Dương trên văn đàn Vĩnh Long và văn chương Nam Bộ khá đậm nét, thuyết phục được rất nhiều người yêu thơ về một tài năng đương độ. Nhưng căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã không buông tha cho hồn thơ của anh tiếp tục bay lên.

Chiều ngày 11 tháng 12 năm 2006, nhà thơ thân yêu Nguyễn Bạch Dương (Lê Trung Hiệp) đã trút hơi thở cuối cùng, tại tư gia số 198/44 – Nguyễn Sơn – Quận Tân Phú – TP. Hồ Chí Minh.

Thân thể sau hỏa táng của anh sẽ được miên viễn tại chùa Pháp Vân.

Đau đáu đâu đó trong nỗi đau này, vẫn như còn văng vẳng lời thơ Nguyễn Bạch Dương khóc bạn:

Tắt chiều. Tùng Nghĩa tối nhanh

Đã không nhìn thấy xung quanh nữa rồi

Làm sao bắt được lá rơi

Khi em lặng lẽ về nơi cuối cùng.

                        (Chiếc lá xanh rơi ở Tùng Nghĩa)

Và… biết nói gì nữa… Chạnh lòng lắm bài thơ “Kiếp khác” của anh.

Khuya đêm ấy có cành hoa dưới vực

Nở một mình lẳng lặng tỏ đêm sương

Hồ Tĩnh Tâm

                                                                  Hồ Tĩnh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác