HAI ĐỨA TRẺ

Ngày đăng: 26/12/2017 09:00:03 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Tôi gặp An vào một ngày đầu hè khi tham gia đợt tình nguyện ở một viện dưỡng lão. Khi đó An mười tuổi, một thằng bé khá đẹp trai nhưng nhút nhát. Cô Lan – viện trưởng bảo tôi An bị tự kỷ, bố mẹ gửi An vào đây vì gia đình nghèo, đi làm suốt không có thời gian trông nom, nên nhờ cô nhận An vào để có người canh chừng thằng bé. Ấy vậy mà từ đó họ biệt tăm chẳng thăm thằng bé thêm lần nào. Cô bảo ngày đầu vào viện, An quấy khóc, thậm chí cắn người khác nếu họ động vào đồ đạc của cậu. An vào được một năm, trong cái không khí bình lặng của viện, An điềm tĩnh hơn mặc dù vẫn thích được ở một mình.

An đặc biệt say mê vẽ. Suốt ngày An loay hoay ở góc phòng nhỏ của mình, tay chân, quần áo lấm lem màu vẽ, sơn nước, chìm đắm vào từng bức tranh. Nhìn thằng bé vẽ, tôi nhận thấy quả thật, ông trời không lấy đi của ai cái gì mà không bù đắp lại cho họ một thứ khác tốt đẹp hơn. An vẽ rất đẹp, rất có hồn.

An thu hút sự chú ý của tôi và cứ cuối tuần, tôi xuống viện một lần để làm quen với cậu nhóc. Thời gian đầu tôi chỉ im lặng ngồi kế bên để cậu quen tôi. Lần đầu tiên khi tôi cầm những bức tranh của cậu lên và khen “Đẹp quá”, cậu đột ngột nhìn tôi chầm chầm rồi không nói không rằng giật phăng bức vẽ lại, vô cùng khó chịu. Tôi vội vàng buông xuống và giơ tay lên tỏ ra vô hại. Tôi lại phải bắt đầu tiếp cận từ đầu và may mắn thay sau đó, cậu tỏ ra dễ chịu với tôi hơn. Rồi tôi bắt đầu được phép “hợp tác”, khi thì đưa dùm cục gôm, khi thì đưa dùm giấy vẽ, màu mực.

Cậu chưa bao giờ nhìn thằng vào mắt tôi. Chúng tôi im lặng với nhau hàng giờ như thế vì cậu không thể nói nhiều, nhưng đôi lúc cậu cười với tôi và có thể nhận ra tôi từ xa mỗi lúc tôi ghé qua thăm. Có lần, khi tôi vừa đến, cậu đã đón ở cổng, kéo tôi vào và chỉ vào bức tranh cậu vẽ lọ hoa trên bàn cô viện trưởng. Cậu nhìn vào bức tranh trên bàn, dù chỉ nói được những câu chữ rời rạc nhưng ánh mắt trẻ thơ ấy chan chứa yêu thương: “Sinh nhật… má Lan… quà của An”. Tôi nhìn cậu ứa nước mắt.

  • Sắp tới, sinh nhật chị, An cũng tặng chị nhé?

Cậu không nhìn tôi nhưng mỉm cười và khẽ gật đầu. Sinh nhật năm ấy, tôi có được một bức tranh chân dung với những nét vẽ mộc mạc và đáng yêu vô cùng.

Thân thiết được một thời gian, tôi phát hiện ra cậu có một bức vẽ luôn giấu theo bên mình không cho ai xem. Một bữa tôi lén kéo nó ra khỏi cuốn tập vẽ nhưng bị cậu phát hiện, An gào lên và đuổi tôi khỏi phòng, tôi không cách nào khiến cậu bình tĩnh được nên đành phải rút lui. Lần đó tôi hoảng hồn vì tôi vốn nghĩ và chủ quan là An đã chấp nhận sự có mặt của tôi hoàn toàn.

Cô viện trưởng thở dài cho tôi biết bức tranh đó, cậu vẽ một cậu bé đang ôm một con mèo đen. Cậu bé trong bức vẽ ấy chính là An. Trước đây có một con mèo đen hay lui tới ăn ké thức ăn của mấy con chó trong viện. An rất thích nó nhưng khá nhút nhát nên chỉ nhìn mà không dám tới gần. Dần dà, cậu lén lấy thức ăn trong bếp, ngồi chờ con mèo ở cổng phía sau viện. Con mèo quen hơi cậu và quen giờ giấc ấy, nên mỗi ngày đều đến. Rồi nó cứ đi theo An, leo lên bàn nằm cạnh đống tranh của cậu, nũng nịu xin ăn. Từ ngày đó, An bắt đầu cười nhiều hơn và quấn quít với con mèo. Chú mèo ấy thường chỉ đến chơi một lúc rồi nó sẽ đi, cô Lan giải thích với rằng An đó là mèo của nhà người ta, đến chơi rồi phải về nhà.

Nhưng rồi một ngày không lâu sau đó con mèo không tới nữa, mỗi ngày An đều chờ và có khi lấy thêm nhiều thức ăn, vậy mà “người bạn” ấy của An vẫn bặt tâm. Có lẽ nó đã bỏ đi nơi khác hay ai đó bắt mất rồi. An buồn lắm nên bức tranh đó cậu không cho ai đụng vào nữa…

Sau lần đó hiển nhiên là tôi không thể nào tiến lại gần An được nên những thứ bảy tôi chỉ ghé qua rồi nhìn cậu một lúc rồi rời đi, sợ cậu lại bị kích động. Sau đó một tháng, tình cờ tôi cứu được một bầy mèo nhỏ ở công viên, trước khi giao cho chủ mới, tôi kịp giữ lai một cô mèo đen tuyền, mắt vàng trông rất đẹp. Tôi chăm sóc con nhóc cứng cáp hơn để tặng cho An. Ngày tôi mang cô mèo tới, An đứng tần ngần một hồi lâu nhìn ngó rồi bỏ chạy về phòng lục tấm hình của mình, lẩm nhẩm “không … không phải”. Tôi nhỏ nhẹ nói “An nè, đây là bạn của chú mèo trong hình đó, An chăm em luôn nhé, em tên là Đen, em cũng muốn làm bạn với An”.

  • B…ạn? An? Đen?
  • Đúng rồi, bạn mới của An, chị là bạn của Đen, Đen muốn làm bạn với An, vậy chị cũng là bạn của An, được không? Đưa tay đây cho chị nào.
  • B…ạn!!!

Thằng nhóc rụt rè đưa bàn tay nhỏ bé cho tôi, tôi cho cậu vuốt ve bên bộ lông cô mèo Đen. Đột nhiên An quay lại nhìn tôi đăm đăm, An cười, cười tít mắt. Lần đầu tiên An nhìn vào mắt tôi và cười vui như vậy, bỗng dưng tôi khóc, tôi vui đến phát khóc.

Tôi ở lại đó suốt tháng hè để phụ việc với cô viện trưởng, phần để dạy An cũng như trông chừng cậu với cô mèo. An và Đen kết thân nhanh lắm, những đứa con bị bỏ rơi bao giờ cũng quấn quít với những ai thương yêu và chăm sóc cho nó. Đen cũng vậy, Đen quấn lấy cậu chủ, nằm trên tập vẽ hoặc nằm trên đùi cậu. An vẽ rất nhiều hình của cô mèo, nằm này, ngáp này, ngồi rình bướm này, vểnh tai này và đặc biệt có một tấm cậu vẽ tôi ôm cô mèo trong lòng. An, tôi và Đen cùng ăn, cùng ngủ suốt tháng hè ấy. Và tôi cuối cùng đã thành bạn của cậu một cách chậm rãi và kiên nhẫn như thế. Cô mèo từ từ lớn lên, An cũng dần dà vui vẻ, hoạt bát hơn dù cũng thi thoảng nổi nóng với các ông bà không hiểu ý cậu trong viện.

Thế rồi năm tháng trôi qua, tôi ra trường rồi đi làm, công việc bận rộn khiến thời gian lui tới thăm An cũng ít đi, tôi hiếm khi ở lại qua đêm nữa, cậu dù buồn nhưng tôi bảo là Đen thay tôi chăm sóc An rồi, cậu gật gù đồng ý.

Cô mèo tám tuổi là An tròn mười chín. Tôi thương An, mười chín tuổi nếu là những người bình thường khác, cậu đã có thể đi học đại học, có ước mơ riêng của mình. Thế nhưng mười chín tuổi, thế giới của cậu vẫn nhỏ bé và chỉ có tranh vẽ, cọ bút, cô viện trưởng, tôi và Đen. Mười chín tuổi, An vẫn như một đứa bé, hồn nhiên và không va vấp, chẳng biết được ngoài kia đời đen trắng vô thường, người ta vất vả trong những tranh chấp, dèm pha. Mười chín tuổi An tươi cười ngô nghê khoe tôi bức tranh cô mèo Đen đang ngồi liếm lông. Mười chín tuổi An khác tôi nhiều quá.

***

  • Alô cô Lan ơi, cô đến phòng tranh cô nhé, hôm nay sinh nhật của An, cháu muốn tổ chức cho An ạ.
  • Ok Linh. Chiều cô sẽ đến nhé.

Hôm nay là sinh nhật An tròn hai mươi lăm, tôi mua một cái bánh to, ghi dòng chữ “Đen và Bình An”. Hồi ấy, An nói với tôi là “Sao Đen không có sinh nhật? Đen sẽ sinh cùng ngày với An” nên sau đó tôi mà làm sinh nhật là làm luôn cho hai đứa. Mà thật ra, sinh nhật của An cũng là do cô viện trưởng đặt ra chứ có ai biết cậu sinh chính xác ngày nào đâu, bố mẹ đưa đến ngay cả miếng giấy khai sinh có cái tên đầy đủ cũng chẳng có nữa là.

Cô Lan đến và chúng tôi cùng ngồi với nhau, thổi nến và cắt bánh. Cô bảo:

  • Con đừng áy náy nữa Linh à, con đã làm rất tốt.

Tôi lại nấc lên từng tiếng, cô Lan tiếp lời:

  • Trẻ tự kỷ không thể sống lâu được, con cũng biết điều đó mà, chỉ là sớm hay muộn thôi. Con đã đưa Đen đến làm bạn và đó là điều ý nghĩa nhất với thằng bé. Những năm tháng đó, An đã sống rất hạnh phúc. Con đừng dằn vặt mình nữa.

Ba năm trước đó, khi tôi đang đi công tác châu Âu, cô Lan gọi và báo tin An mất. Người ta tìm thấy cậu nằm trên phần “mộ” của Đen vì kiệt sức, trước đó nghe cô Lan bảo An đã nhịn ăn nhiều ngày sau khi Đen ốm rồi ra đi và trong người cậu vốn dĩ đã nhiễm bệnh phổi trước đó không lâu. Không ai lại gần cậu được, đến mức phải tiêm cả thuốc an thần nhưng cũng không ngăn cậu được.

Ba tuần sau, tôi về nước, tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn và ám thị bản thân là mình đã hại chết An. Vì tôi đem Đen tới cho An mà không hình dung được sự gắn kết thân thiết đến mức độ này. Và ngày Đen ra đi, tôi cũng đã không thể bên cạnh An, nếu như tôi có mặt ở đây thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi. Cô Lan phân tích rất nhiều lần là lỗi không phải ở tôi mà vì cơ thể An đã không chịu đựng nổi cơn bệnh trong người và sự việc của Đen chỉ làm tình hình thêm trầm trọng…

Một năm sau đó, tôi mở phòng trưng bày tác phẩm của trẻ tự kỷ và tất nhiên, tôi dành hẳn một gian cho An và Đen của tôi. Số tiền thu được tôi chuyển cho một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỉ. Phòng trưng bày được bạn bè ủng hộ là chủ yếu, riêng những bức tranh của An, tôi chỉ bán đi những bức về phòng cảnh, tĩnh vật… còn lại những kí ức của An về Đen và tôi, tôi chẳng nỡ bán đi bức nào cả. Tôi giữ tất cả chúng lại để dành riêng cho An và Đen một khoảng không gian và thời gian ấm áp nhất của hai đứa trẻ đã từng bị bỏ rơi.

Lạc Nhiên

Có 2 bình luận về HAI ĐỨA TRẺ

  1. Hoàng Hưng nói:

    Gần nhà cũng có đứa bé bị bịnh tự kỷ. Hôm nào có nhiều giờ, viết phản hồi nhiều hơn. Bây giờ mới 8 giờ tối, sao buồn ngủ rồi.

    • Lạc Nhiên nói:

      Dạ, em chào anh, rất vui được giao lưu cùng anh và mong nhận được đóng góp của anh ạ 🙂 chúc anh năm mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Trả lời Lạc Nhiên Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác