Tình Cũ Nghĩa Xưa 

Ngày đăng: 28/10/2017 12:25:52 Sáng/ ý kiến phản hồi (16)
Cậu  Kỉnh  mang trong người hai dòng máu của cha là gốc Tiều và mẹ Việt. Ba  cậu là ông chủ Dìn  kinh doanh  vựa gạo Dìn Ký, chuyên nghề mua bán lúa gạo tại chợ Sóc Trăng. Má cậu là cô Tư Lam,  con gái út của gia đình  phú hộ nổi tiếng  ở Kế Sách.
Cuối thập niên một chín ba mươi, vựa gạo Dìn Ký sống sót và chuyển mình hồi sinh  qua đợt sóng thần suy thoái  kinh tế toàn cầu trong những năm ba mươi mấy, sự suy sụp kinh khủng từng  bao trùm cả vựa lúa miền Nam. Nơi có lúc giá nông sản rẻ mạt chỉ còn 2 cắc một giạ lúa, tương đương 20 kg lúa khô và sạch.
Ông chủ Dìn đang thời làm ăn phát lên thịnh vượng và gia đình họ ngập tràn hạnh phúc.  Một  hôm từ nhà ông vang ra tin như sấm động  giữa trời quang, làm kinh tâm hàng xóm và bà con thân thuộc:  Bà Tư Lam  đột ngột qua đời. Giấc ngủ trưa  thường lệ đã đưa bà vào cõi thiên thu vĩnh biệt.  Cái chết của bà Lam để lại vô vàn đau đớn cho ba cậu Kỉnh và cho 4 anh em của cậu gồm người anh cả 26 tuổi đang làm việc  ở Mỹ Tho, hai chị gái  một người 22 một người 19 đều có chồng ở  Chợ Lớn,  và bản thân cậu là thằng út Kỉnh mới 15 tuổi.
Chưa tròn năm đầu  tang chế, niềm thương nhớ chưa nguôi ngoai trong lòng đứa con bắt đầu hiểu biết chút đời thì ba cậu tục huyền với người đàn bà góa có chút nhan sắc ở  cùng quê với mẹ cậu. Bà kế mẫu mà bà Tư Lam lúc sinh thời hay  kêu thân mật  là “con Thuần”. Chuyện cũng lâu rồi,  trong  lần bà Lam về Kế Sách  thăm  cha mẹ ruột nhân một lễ giỗ thường niên.  Hôm đó có chị người làm lâu đời cho nhà cha mẹ bà, chị ấy  dẫn cháu  gái khoảng mười mấy tuổi  rất dễ thương  đến chào ra mắt. Mục đích  chị bếp là hỏi bà có cần nó để  làm đứa sai vặt hay giữ em cho nhà bà ở Sóc Trăng. Bà Lam được nhà chồng mướn người giúp việc,  nhưng bà không quên  tấm chân tình của chị bếp. Vì thế vài năm sau  bà Lam đứng ra mai mối cho đứa cháu chồng cũng là tài xế  trong 2 chiếc  xe tải của vựa Dìn Ký. Cha mẹ anh ta mang lễ vật cầu hôn  “con Thuần”, lúc đó là cháu nuôi của bà Tư Lam.  Đàng trai tổ chức lễ cưới  long trọng  lúc cô ấy vừa tròn 18 tuổi.
Người thanh niên cưới cô Thuần không lâu thì tử nạn thảm thương trên  tuyến đường quen thuộc, xe tải hàng do anh ta lái bị lủi  xuống một con mương nước sát lộ bên dưới  dốc cầu Cai Lậy.  Bà Thuần không có con nhưng cũng được thừa hưởng căn sạp bán hàng tạp hóa tại một chợ nhỏ nội ô tỉnh lỵ Sóc Trăng trong thời gian dài.  Chồng chết là do tai nạn trời kêu, bà Thuần không mang ơn bà Lam thì thôi tại sao lại  mang lòng oán hận. Từ  khi bà Thuần chấp vai  kế mẫu thì trở mặt hành hạ cay nghiệt cậu con út của tiểu thơ Tư Lam  tốt bụng vừa qua đời năm trước.
Năm 1940 đối với ông chủ Dìn thiệt  là  họa vô đơn chí , vợ chết chưa qua 49 ngày thì có người mở ra vựa gạo đông người mạnh vốn,  khiến cho việc làm ăn của ông sụt giảm. Ông thường xuyên vắng nhà để dành nhiều thời giờ tới lui quà cáp các ông chủ nông trại  để ổn định nguồn lúa tốt và giao thiệp các chành vựa ở Sài Gòn  là đầu mối  tiêu thụ quan trọng. Đó là lý do ông cưới bà Thuần gấp gáp với mong muốn tìm người mẹ cho con ông. Nhưng ông không ngờ đã làm hư tình cảm gia đình  và hỏng  việc học hành của  thằng con trai Út. Ông chủ Dìn  không bao giờ biết là đã mang về nhà  một bà kế mẫu mặt ngoài tử tế nhưng tâm địa không tốt, bà luôn kiếm chuyện chi chiết  hành hạ con ông .  Bà Thuần  thêu dệt  thêm bớt để  lựa thế tâu cáo với ông. Việc làm ăn khó khăn và lắm khi thua lỗ  dễ làm ông cáo gắt, rồi gặp cả làng xóm   toàn là nói xấu thằng con. Mọi sự không vui khiến  hai cha con gặp nhau là ông có sẵn mọi thứ để la rầy đứa con còn thơ dại.
Mỗi ngày cậu học trò Kỉnh học hành càng tệ  và thường hay  la cà bàn bi-da, trường đá gà, sòng bài, bàn cờ tướng và tham gia luôn các  đình đám ma chay, là những nơi không dành cho con nít nhất là trong giờ học. Bà Thuần muốn cậu Kỉnh học dở tệ đến mức vô phương  cứu chữa, vì thế mà bà dấu nhẹm ông chủ Dìn về các thơ báo của trường và những lần thầy giáo đến nhà nói chuyện học hành sụt giảm đáng lo của trò Kỉnh.  Còn vị thầy và ban giám hiệu nghĩ rằng ảnh hưởng bởi chưa hết nỗi đau mất mẹ.
Từ những chỗ rong chơi đó mà cậu Kỉnh làm quen với  chú Tư Tam Quốc. Mọi người  biết chú Tư là một thanh niên cở ba mươi không vợ con, sống bằng nghề đờn ca tài tử. Riêng cậu Kỉnh biết thêm chú Tư  là cháu ông Cai đình,  nhờ mối liên hệ mà chú  được trú ngụ trong căn nhà khói phía sau ngôi đình thần. Cũng là nơi mà cậu Kỉnh đến chơi cả ngày nghỉ học để nghe tài kể chuyện mà phục trí nhớ của chú Tư Tam Quốc. Mới đầu thì chú Tư định moi tiền thằng công tử nhà giàu. Nhưng vài lần thay vì nó trả công kể chuyện bằng tiền thì nó trả chú bằng gạo, hay có bữa nó lén bưng một tô thịt kho cho chú. Chú Tư Tam Quốc thấy thằng nhỏ cũng dễ thương, chú nói:  lúc nào cậu có tiền thì cho chú Tư uống cà phê, chứ đừng ăn cắp bất cứ vật gì ở nhà mà đem đến đây.  Còn truyện chú kể cho cậu nghe thì bảo đảm đúng sách và không có vụ qua loa hay  ‘nhận lớp’.
Cậu Kỉnh thích nghe sự tích  anh hùng liệt nữ võ nghệ cao cường  hành hiệp giang hồ, trừ gian diệt bạo vào thời xa xưa.   Những người xuất thân bụi đời hay gia đình danh giá mà bị ruồng bỏ phải sống lang bạt  ngoài vòng cương tỏa  của  triều đình, họ nghe tiếng của nhau mà tìm tới cắt máu ăn thề  dựng cờ khởi nghĩa, xưng hùng một cõi ở những xứ sở nào đó. Chú Tư cũng kể cậu nghe những tay cướp vang danh thời nay  theo gương anh hùng Lương Sơn Bạc chuyên cướp phú tế bần. Những chiêu thế thần kỳ qua mặt  những quan thanh tra hay thám tử lừng danh của Pháp.
Ngày qua ngày buồn chán, cậu Kỉnh không hiểu lý do tại sao ba cậu chưa biết cậu học đội sổ mấy tháng nay. Cậu chỉ nghe ông chủ Dìn hăm hoài những câu cùng một ý: Cậu mà học mất hạng so với năm rồi thì biết tay của ổng. Chỉ còn hơn tháng là nghỉ hè,  cậu Kỉnh phải quyết định trước khi ba cậu phát giác việc học của cậu vào lúc cuối khoá.
Mục tiêu hôm đó  là  chiếc ghe của gánh sơn đông mãi vỏ, cậu Kỉnh  biết ngày họ dọn mà quyết chí canh me. Thừa dịp mọi người chùm nhum sau lái  ăn bữa cơm trưa hơi trể,  cậu Kỉnh bò nhẹ như con sóc trên miếng ván đòn dài gát trên mũi ghe và lẹ làng  mở 2 cánh cửa mui  ghe chỉ khép hờ.  Trong nháy mắt là cậu khuất dạng trong khoang  chỉ dành chở đồ. Chừng lát sau thì ông chủ xuống tới và ra lệnh mở dây. Tiếng máy tàu khởi động đìếc tai, hơi khó chịu nhưng miễn là mọi người trên ghe đừng  phát hiện ra cậu.
Cậu Kỉnh tỉnh giấc, cậu cảm thấy cả người nóng ran ngứa ngái khó chịu, mồ hôi ướt dầm dề. Tiếng máy tàu nổ bum bum đều đặn khiến cậu nhớ ra là đang trốn trong khoang mũi chiếc ghe của đoàn sơn đông. Cậu Kỉnh tung lớp vải bố cũng nhơm nhớp mồ hôi. Trong vùng không gian mờ mờ bên dưới sạp mũi ghe nóng hầm hập và khó thở,  cậu Kỉnh nhìn ra lòng ghe, những vệt nắng xuyên qua các khe hở vách mui làm cho khoang chở đồ sáng lên. Cậu Kỉnh cảm thấy khát nước khô cả miệng và đói bụng vì hồi trưa mãi lo rình mò mà bỏ cử cơm. Cậu Kỉnh lẩm nhẩm,  hồi ghe lui bến khoảng 2 giờ trưa, ánh nắng rọi xéo như vậy là lúc nầy khoảng 5 giờ chiều. Cậu bò ra khoang chở đồ, thử đẩy hai cánh cửa mở ra sạp mũi thì biết chúng đã bị bóp khoá bên ngoài. Cố nhìn thật kỹ từng món sắp gọn trong lòng ghe, cậu Kỉnh thấy toàn là hòm rương và  bao vải lớn và không thấy một vật gì để ăn hay uống. Cậu moi óc và nhớ ra đoàn nầy có keo rượu ngâm bìm bịp và một con khỉ nhỏ, nếu có kiếm được cái keo đó thì thà cậu chết còn sướng hơn đụng đến.
Cậu Kỉnh ngồi bệt xuống sàn ghe dựa lưng vào một cái thùng to.  Ngẫm nghĩ,  cậu mới nhận ra  cái ăn cái uống nó quan trọng dường nào. Bấy giờ cậu mới hiểu sự cần thiết của mái ấm gia đình. Cậu hình dung cha mẹ cậu, cậu nhớ người mẹ hiền lương mà tại sao vắn số khiến cậu ra thân thời, phải tự nhốt trong cái khoang ghe bít bùng nầy. Cậu nhớ người anh trai má hay nhắc là học giỏi còn ba khen hào hoa, mỗi khi anh về nhà hay rủ cậu đến quán sâm bổ lượng của chị Muối, người chị  mà ai ở trên đường Hai Bà Trưng cũng chắc mẽm là chị dâu của cậu Kỉnh. Cậu nhớ  hai người chị xinh đẹp và hai đứa cháu thật dễ thương. Cậu nhớ những bữa cơm gia đình trước khi mẹ cậu mất mà nuốt nước miếng thì mới hay cổ họng rêm đau. Cậu Kỉnh đưa tay dụi mắt thì cảm thấy ươn ướt. Cậu tự cười thầm và nhớ lời chú Tư Tam Quốc hay nói về những nhân vật trong  truyện của chú “trầy da tróc vãy một chút đã nản lòng hay rơi lệ  thì mong gì  làm việc lớn”. Cậu Kỉnh tỉnh người và quyết định ngồi dựa như thế mà ngủ đêm nay, vì cái đống vải bạt cứng và nhám cào trong khoang mũi ghe làm cậu ngứa và nóng  không chịu nỗi.
Cậu Kỉnh sắp chìm trong giấc ngủ khó khăn  thì ngửi thoang thoảng mùi mắm kho theo gió lòn dọc  lòng ghe tràn ngập khoang chở hàng. Bụng cậu Kỉnh kêu òn ọt, cơn đói và khát tiếp tục hành  hạ. Cậu cố quên cơn đói, nhưng cái mùi quái ác càng lúc càng thúc dục người ta nghĩ tới món ăn. Cơn đói thì cậu ráng nhịn cho qua, nhưng cơn khát thì làm cậu hoa cả mắt.  Ghe đã chạy hơn ba tiếng, khoảng đường chắc cũng gần tới Bạc Liêu, nơi sẽ trình diễn  theo sự dò hỏi làm bộ như vô tình của cậu Kỉnh.
Nếu chiều nay họ biết cậu ở dưới ghe  thì giờ nầy cũng không còn xe đò để đuổi cậu về Sóc Trăng. Vậy thì việc bể ra chiều nay hay sáng mai đâu khác gì nhau. Tại sao cậu phải nhịn đói nhịn khát suốt đêm nay. Nghĩ ra như vậy, cậu Kỉnh đứng dậy tìm một vật cứng như thanh gỗ để gõ vào mui ghe cho những người phía sau nghe được.
(Còn tiếp)  
Một Lúa
                       H

Có 16 bình luận về Tình Cũ Nghĩa Xưa 

  1. Luong Minh nói:

    Mới đọc, chưa biết kết cục nhưng thấy hay à nhe

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay ,,cuộc đời câu Kỉnh sắp  rẽ sang một hướng mới ,,đón xem
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  3. Phan Lương nói:

    Câu nói của người xưa : “Mấy đời bánh đúc có xương….”

    Tội nghiệp cho cậu Kỉnh quá !

    Không biết mấy người trong đoàn mãi võ khi phát hiện cậu Kỉnh trên ghe sẽ đối xử với cậu ra sao  đây?

    Ơi ! Anh Lúa ơi …

     

    • Một Lúa nói:

      Đoán thử xem, bạn trẻ Phan Lương!

      Lời đoán có tốn gì đâu

      Rủi mà đoán trúng, thưởng chầu cà phe quán Cô Đơn! hihi

       

  4. Không lẽ khen hoài nhưng phải công nhận viết truyện về đồng quê, dân dã là biệt tài của Một Lúa, khó có ai qua mặt được. Hãy tiếp tục phát triển khả năng thiên phú của mình thì một ngày nào đó Một Lúa sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lãnh vực này.

    • Một Lúa nói:

      Kính chào cô Hồng Khanh

      Cảm ơn sự khuyến khích của cô. Em cố gắng để  có thể giúp vui bạn bè ấp Năm là quá vui rồi.

      Kính chúc cô và và gia đình luôn vui vẻ, mạnh khoẻ, cô nhé!

  5. VÕ THI LÀI nói:

    Em rất vui lại được đọc bài của anh Một Lúa , lúc nào cũng ngợi óc tò mò say mê cho người đọc . Câu chuyện rất hay lời văn giản dị như nhà văn Hồ Biểu Chánh mà em đã từng xem , đang chờ đợi rồi xem cậu Kính sẽ ra sao đây . nóng ruột đợi xem đoạn tiếp theo .

  6. Lyhuong nói:

    Bài Anh viết thật hấp dẫn ,lôi cuốn,rất mong được đọc tiếp.Em Lý hương kính chúc Anh nhiều sức khỏe,an vui .

  7. Một Lúa nói:

    Cảm ơn bạn Lý Hương,

    Tôi cũng mến chúc bạn được nhiều niềm vui và như ý!

  8. Nguyễn Thị Bé ( Xuân Hiệp ) nói:

    Bài  viết lôi cuốn người xem rồi đây cậu Kỉnh ra sao chờ xem tiếp bài  viết của anh một lúa.

    • Một Lúa nói:

      Thân chào người Xuân Hiệp, Nguyễn Thị Bé!

      Bạn ở cạnh sông Măng, tui ở rạch Bằng Tăng

      Quê bạn tui quen lắm, dòng nước chảy băng băng

      Cảm ơn bạn đọc qua, lời đơn sơ mộc mạc

      Lúa đồng hoa cỏ nội, mờ mờ dưới ánh trăng mùng một

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác