Thư Về Phố Tịnh: Dư vang ngày tháng cũ, trên ấy

Ngày đăng: 20/10/2017 07:45:05 Sáng/ ý kiến phản hồi (7)

Ngày… tháng… năm….

Phố Tịnh thương mến! Hãy tưởng tượng, bây giờ em và tôi đang bước lên cầu thang Phòng Khánh Tiết đó nhé. Bước nhẹ thôi để tiếng guốc đủ vang một giọng trung nhẹ như tiếng lá khô bay dưới sân. Đừng cho tiếng guốc vang lên sắc đanh, e kinh động không gian mênh mông trên kia. Tôi thích lắm, mỗi lần bước lên cầu thang, không vội, không nặng nề. Để đủ một thoáng dấu lặng mà nghe tiếng vang nhẹ của những đôi guốc, đôi dép chim sáo.

Tôi thật có duyên với cái Phòng Khánh Tiết ấy. Tôi đã kể em nghe chuyện một buổi văn nghệ Chiều thứ năm thật duyên dáng mà tôi ngẫu nhiên đến tham dự khi mới chân ướt chân ráo đến làm việc tại trường. Sau buổi chiều thứ năm ấy, tôi còn nhiều dịp lên xuống cầu thang rộng thênh thang ấy. Chỉ để nghe tiếng guốc, tiếng đế giày gõ nhẹ trên sàn ván. Để nhớ những tiếng guốc vang hiên trường thời niên thiếu. Em có nhớ những tiếng guốc học trò của em và các bạn không? Những tiếng guốc, tiếng đế giày gõ nhẹ trên sàn gỗ như e sợ nó kinh động lên trên lầu, khiến các cô, các cậu chỉ bước nhẹ bước nhẹ cho những tiếng kêu dòn chỉ đủ cho ai đó nghe thôi.

Tôi  cũng có nhiều buổi lên đứng trên lầu nhìn xuống lối sân từ cổng chính dẫn vào trường. Có thể đứng bên cửa sổ mà nhìn xuống để thấy những tà áo trắng đã ngả màu xanh tư mã, dấy khởi chút lãng mạn thầm kín của một cậu bé thoát ra từ giàn bậu nậm của Nguyễn Tuân mà say đắm nhìn những chiếc bóng áo xanh thấp thoáng dưới kia.

Có bao giờ em đứng trên cửa sổ bên này mà nhìn mông sang dãy lớp học cũ mé góc sau cột cờ không? Đẹp lắm. Màu tường vôi vàng buồn tẻ mà sao ăn nhịp với màu ngói đỏ xỉn chút rêu, đứng vững chãi bên hàng cây phượng trên lối sân. Màu sắc đó, kiến trức đó luôn gợi nhắc những kỉ niệm rất riêng của tôi tại trường tôi ở Sài Gòn bốn năm trước. Nơi phòng học trên lầu toà nhà cũ kĩ như ở đây, có những buổi trưa vắng tôi nhìn mưa bay nghiêng cửa sổ, bỗng nhiên nghe có tiếng kêu chíp chíp trên mái ngói, rồi có khi một con chim vụt bay ra từ chỗ có tiếng chíp chíp mỏng manh kia. Một cảnh tượng bất chợt trong giây lát mà đọng lại trí nhớ rất dài lâu. Vì thế mà tôi vẫn muốn đi tìm lại một cánh chim bay vụt ra từ một ô cửa nào đó, nơi đây. Và cũng vì thế mà chỉ có đứng trên khung cửa sổ của hội trường mênh mông này tôi mới được những phút riêng tây mà chờ một vết dĩ vãng chưa xa có thể bất chợt quay về.

                                       Bên ngoài khung cửa sổ là phượng còn xanh

Những phút giây yên tĩnh như thế không nhiều. Cửa ra vào Phòng Khánh Tiết thường khoá trái ở dưới. Khi cửa mở là cái hội trường mênh mông của trường mà mọi người vẫn quen gọi là Phòng Khánh Tiết ấy thường náo nhiệt tiếng cười nói, tiếng loa phóng thanh, tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống.

Tôi vẫn nghe vang vang đâu đó giòng nhạc dặt dìu như sóng lúa, như sóng trùng dương của bài Lòng Mẹ mà nhóm hợp xướng tám nữ sinh thôi đủ làm xôn xao trong tôi những cảm xúc vừa nghẹn vừa hạnh phúc của một đứa con xa nhà nhớ về người mẹ nơi biển cát Sơn Trà ngày ấy. Tôi cũng nghe dìu dặt đâu đây giai điệu của bài hát Phượng Còn Xanh mà Lệ Thuỷ, Tuyết và Bích Vân hát trên sân khấu này. Tiếng hát run rẩy e lệ của ba cô bé lại tạo thêm nét hoa mĩ cho bài hát. Hạnh phúc chứ!

Chắc em cũng còn nhớ, vào một ngày nắng tươi, hội trường này cũng vang lên tiếng hát khoẻ mạnh, giòn chắc của mấy anh chị lớn trong giai điệu mượt mà hùng của bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Đức Quang), hay tiếng hát sắc đanh của các anh chị đó khi hát cho chúng ta nghe Chưa mòn giấc mơ, Huế-Sài Gòn-Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Tôi đã nghe các bạn trẻ hát lên những tâm nguyện của chúng tôi, những người trẻ cùng thao thức trăn trở về đất nước, về tương lai mà tâm hồn tự do của chúng tôi không khép vào trong những định hướng, những chỉ thị có rất nhiều quanh đấy. Em thấy không, những ngày ấy cũng có những người bạn trẻ thao thức trở về với quê hương không qua những cặp kính màu nào, để đập cùng nhịp thở của đất mẹ, nhắc nhở cùng nhau nỗi vui và niềm đau của quê hương mình. Còn mãi lâu về sau tôi vẫn nghe vang vọng đâu đó tiếng hát chất phác nhưng đầy sức sống của những người bạn trẻ quanh tôi trên hôi trường thân quen ấy.

Nói về những thao thức, những ước mơ của tôi, một anh giáo trẻ trong những năm 1970 đó, tôi cũng muốn kể em nghe một chút kỉ niệm khác, rất khác.

Trong tập Kỷ yếu Tống Phước Hiệp 74 còn hai tấm hình rất quý hiếm một thời. Đó là hai tấm hình chụp tại ngay trên hội trường này, với số lượng người thật hùng hậu. Đó là khoảng giữa năm học 1973-1974. Trong một buổi họp hội đồng giáo sư hàng tuần, có sáng kiến đưa ra một buổi hướng dẫn chọn ban chuyên khoa cho các học sinh lớp 9 năm đó. Đây là phần hành của Phòng Tâm Lý-Khải Đạo của trường, nhưng lúc ây ban này chưa hoạt động đúng mức độ yêu cầu của nó. Nhóm giáo sư trẻ được huy động để hỗ trợ và lần này sẽ do Thư Viện nhà trường điều hợp phần thuyết trình và giải đáp thắc mắc của học sinh trong việc chọn hướng theo ba Ban A (Sinh & Hoá), B (Toán & Lí), C (Ngữ, Văn & Triết, Sử).

                                          Vẫn còn nghe những tiếng thì thầm…

Có những lúc tôi lướt nhanh xuống khối học trò đông đảo lúc ấy mà vui niềm vui của việc ươm trồng những định hướng mới cho việc học hành của lớp trẻ. Không vui sao được khi nhìn thấy trước mặt mình là một lớp người trẻ mới mà hai thập niên nữa thôi sẽ là những người góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước liên tục và bền bỉ qua bao đời. trong niềm phấn khích bất ngờ ấy, tôi không nói nhiều về những nội dung đã ghi sẵn trên tập giấy viết sẵn, mà nói nhiều về hướng nhìn khác về Ban C mà lâu nay tôi vẫn tâm nguyện là sẽ phải góp phần thay đổi. Ngồi trước micro trên bàn thuyết trình, tôi cứ thấy những thoáng chớp loé của thời gian mười năm trước, tôi cũng đi qua kinh nghiệm bản thân về chuyện chọn lựa hướng đi lên. Mặc dù được ưu tiên chọn ban và đã chọn ban B, tôi chỉ ngồi trong lớp chưa đến 7 ngày mà đã nếm trải khá đủ hương sắc của ban B. Khi tôi lặng lẽ xuống xin thầy quyền Hiệu Trưởng lúc ấy cho qua lớp Tam C, thầy trợn mắt nhìn tôi như nhìn một thằng dở người. Tôi mơ hồ hiểu rằng có một điều gì không ổn quanh đây, nhưng tôi vẫn dứt khoát xin chuyển. Tôi đã thấy rất sớm khi ngồi trong lớp Tam C đó rằng cái Ban C của tôi bị bao phủ kha khá những định kiến, những ngộ nhận. Cần phải chuyển hoá cách nhìn nhận của xã hội quanh đấy về cái ban C của tôi. Trong vài phút ngẫu hứng, tôi đã nói với các cô bé hồn nhiên ngây thơ trong hội trường về ước nguyện của tôi đối với Ban C, để các cô bé sẽ tự tin như tôi mười năm trước khi bước vào hoặc không bước vào cửa lớp 10 C sắp tới.

Nghe nhạc: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/truong-cu-ngoc-mai.1g2gCkqFer.html

Hơn 40 năm rồi, tôi vẫn như thấy anh giáo trẻ kia say sưa với niềm đam mê và thao thức về con đường anh chọn. Tôi còn nghe thoảng đâu đây những khoảnh khắc yên lặng đầy ngạc nhiên của bao nhiêu cặp mắt đang lên nhìn đấy.

Không lâu sau ngày nắng đẹp ấy, những ước mơ của tôi về một nền giáo dục ngữ-văn nhằm phát huy tự do suy tưởng trong một nền giáo dục khai phóng bị thử thách nghiêm trọng. Sao đến nông nỗi đó, quê hương tôi ơi. Một ước mơ thầm kín về một nền giáo dục mà có thể cất cánh cho những Nguyễn Du, những Ngô Thì Nhậm của tương lai mà khó thế ư?

Nhiều lần tôi nhìn lâu vào những tấm ảnh hội trường lớn với những khung cửa sổ gợi nhiều kỉ niệm, tôi chỉ còn nghe được những lời thì thầm vương vất trong những góc khuất của căn hội trường cao rộng kia. Tôi vẫn còn nghe những lời thì thầm đó. Khôn nguôi.

Phố Tịnh ơi, hãy bước khẽ để những dư vang ngày cũ đừng tan biến, nghe em.

Thương mến, và hẹn em thư sau,

             Đoàn Xuân Kiên

bản nhạc Trường cũ của tác giả Đoàn Xuân Kiên ( bấm dưới ảnh số  4)

 

Có 7 bình luận về Thư Về Phố Tịnh: Dư vang ngày tháng cũ, trên ấy

  1. Cám ơn thày Kiên đã cho tôi được trở về lại trường xưa…Tôi vẫn nhớ tới phòng khánh tiết mà trong suốt thời kỳ ở TPH, chỉ đến đó vài lần khi trong trường có đại hội, họp mặt giáo sư. Nhớ cầu thang bằng gỗ lên phòng khánh tiết và cầu thang ở trong góc của dãy lớp học phía sau mà hàng ngày tôi vẫn phải dùng để đến lớp ở lầu một. Những tiếng kĩu kịt theo bước chân trên từng bậc thang như tiếng reo vang, vẫn còn trong trí nhớ của tôi đến ngày nay.

    Phải chăng Phố Tịnh của thày Kiên cũng là vùng trời kỷ niệm của bao nhiêu nhà giáo đã có một thời gắn bó với ngôi trường TPH với bao nhung nhớ khó quên.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Phòng Khánh tiết xưa, còn đâu

    Chỉ còn trong nỗi nhớ khôn nguôi của ” thầy giáo trẻ ” – mà nay tóc nhuộm trắng màu thời gian

    Và trong ký ức của lũ học trò – cũng tóc bạc da mồi rồi, thầy Kiên ạ!

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      …Bởi vậy anh giáo già mới biểu em hãy tưởng tượng, như anh ta tưởng tượng khi ngắm nhìn lại hai tấm hình cũ. Hình như anh ta học đúng theo “ai đó! mà “đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp hai hình lại để dành hương”…Cũng không nên tiếc gì cái hội trường già nua gần trăm tuổi, có ngày xảy ra thảm hoạ. Thời hiện đại thì cũng cần những kiến trúc bớt hại… điện, cho con em nhờ. Lòng tôi rất thoải mái khi cùng anh chị em tưởng tưởng lại một hình ảnh kỉ niệm. Chúc vui.

       

  3. Trầm Hương Ptt. nói:

    Đọc bài văn anh, tôi thấy lại mình trong không gian của ngôi trường TPH ngày nào…Kỷ niệm xưa như con đường dài. Người ngày xưa chìm trong sóng đời. Một thời đã qua !!!. Cám ơn anh Đoàn Xuân Kiên.

  4. Phuong Mai nói:

    Thầy nhắc em mới nhớ đúng là mỗi lần lên cầu thang ấy em đều bước rất khẻ, từng bước, từng bước…Cả cái cảm giác nôn nao mỗi khi đứng phía sau cánh gà chờ lên hát.Em vừa học vừa dạy tính ra ở đó cũng tròn chục năm. Em yêu ngôi trường đó đến nỗi không  thể chấp nhận bất cứ môt thay đổi nào. Trường em đã mất rồi, buồn thay!

  5. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Cô giáo Phương Mai? Tôi còn nhớ một Phương Mai (con gái thầy HT trường SP VL năm 1973), cũng yêu thích những bài tản văn của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân. Những kỉ niệm ấy thật lắm, sống lắm, suốt hơn 40 năm qua. Còn những cái xác trường cũ kĩ quá cũng nên cho được yên nghỉ, kẻo tai hoạ cho thế hệ trẻ. PM dạy ở đó 10 năm? Hạnh phúc đấy, chúc mừng (muộn) nhân ngày nhà giáo!

  6. Phuong Mai nói:

    Dạ, em cám ơn thầy! Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác