Thu Hà Nội trong mắt người lữ hành phương Nam

Ngày đăng: 25/10/2017 03:53:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Thuở nhỏ đọc Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, tôi đã mê Hà Nội, thế rôi mãi đến năm hơn 50 tuổi tôi mới được diện kiến với Hà Nội nhờ chuyến đi thăm tòa soạn báo cùng với anh em phóng viên. Thế nhưng những lần đi tập thể, tôi không có cơ hội được cảm nhận hết những vẻ đẹp mà người nghệ sĩ  nhìn thấy cảnh vật ở thủ đô, phải những lần sau  đi đơn lẻ để ngắm nhìn, tìm hiểu thì họa chăng biết được một phần nhỏ về thủ đô ngàn năm lịch sử này.

Cà phê Hà Nội

Biết tôi thích la cà các quán, mấy anh bạn  họa sĩ ở hà Nội đưa tôi đi uống cà phê ở các quán gần khu Tuệ Tĩnh. Những ngày này tòa soạn báo còn làm việc nên anh em chỉ tranh thủ ngồi với tôi một chút. Quán cà phê Hà Nội không có mặt bằng rộng, cà phê cũng không đặc sắc vì sở thích người Bắc thì trà, người Nam thì uống cà phê. Đó là những nhận xét lâu đời của những người lớn tuổi, còn bây giờ ở Hà Nội quán cà phê nhan nhản khắp chốn không thua gì ở các tỉnh thành phía Nam, có cái là giá không rẻ. Điều này có thể lý giải được vì mặt bằng ở Hà Nội giá cao và nếu đến trễ thì khách thiếu chỗ ngồi. Một buổi sáng, các bạn dẫn tôi đi  hai quán theo phương thức” xa luân chiến” để còn về cơ quan làm việc. Tôi là người đi du lịch nên thời gian rất ư là nhàn rỗi, ai đưa đi đâu, tôi đi đó nhưng rồi  không có cái gì hấp dẫn một người hiếu kỳ như tôi.

Trước khi đến Hà Nội, tôi cũng biết sơ về quán cà phê Lâm với chủ nhân là nhà sưu tập tranh bất đắc dĩ. Ông chủ sưu tập tranh của các danh họa một thời ở Hà Nội như  Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng… thế nên ở tòa soạn báo Tài Chính tâm sự với  họa sĩ  Tạ Thanh Thủy là muốn đến nơi nầy. Tôi biết kiến thức về tranh là sở trường của họa sĩ, yêu thích ngồi quán cà phê cái khoái của Thanh Thủy nên chọn hướng dẫn viên có đủ hai tiêu chuẩn như vậy là đúng người. Thủy chở tôi đến đường Nguyễn Hữu Huân đến quán cà phê Lâm, nơi có đông đảo khách sành điệu đến  để thưởng thức. Từ ngoài vào trong, quán không có gì biểu hiện sự sang trọng, tường vách cũ kỷ, bàn ghế thấp lè tè dường như chủ nhân cố tình giữ những nét cổ xưa chứ tài sản của quán giá trị hơn nhiều so quán được xây dựng trang trí theo lối mới. Thanh Thủy kêu cho tôi ly cà phê đen nóng, anh uống nâu nóng và gói thuốc con mèo để thả khói nhìn tranh.

Tôi nhìn quanh tường , các bức danh họa khá nhiều nhưng  người xem chẳng được bao nhiêu vì những bức đó quen thuộc với khách đến đây hàng ngày. Họ là những người trẻ đến đây tìm không gian để trò chuyện với bạn bè, cũng có một ít người tìm hương vị của cà phê rang khét cổ truyền.

Một người bạn khác cho biết, so với các quán phía Nam thì quy mô các quán ở Hà Nội không lớn bằng, nhưng tìm nét riêng biệt thì thủ đô có nhiều quán lạ. Cụ thể như quán cà phê Cộng. Doanh đưa tôi ra số 152 Triệu Việt Vương, một quán cà phê nhỏ ở đó, bàn ghế thì lôi thôi, kiểu của những nhà bình dân trước năm 1955, tranh trên tường thì toàn là tranh cổ động, một vài kỷ vật thời chiến tranh được đem trưng bày trong quán như chiếc Radio dùng điện, cái nón cối. Những kiểu trang trí ở quán cà phê như vầy ở Sài Gòn thiếu gì, nhưng không biết ai bắt chước ai vì không có theo dõi kỷ. Tuy nhiên , với lối trang trí này hay nên nó được nhân rộng, riêng quán cà phê Cộng này thì cũng đã có một chuỗi quán, ở Hà Nội có hơn hai mươi quán, ở Sài Gòn có một cái ở phố Tây (đường Bùi Viện).

Dạo quanh phố sách

Ngồi ở quán cà phê, tôi lại mơ về phố sách, chẳng qua là tôi thích đi tìm một số bản đồ ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, những địa phương mà tôi sắp đi qua. Còn sách thì lưu hành toàn quốc đâu có sách nào Hà Nội có mà TP.HCM không. Thanh Thủy lấy xe đưa tôi đến phố sách Tràng Tiền, cả đoạn đường sách khách hàng tấp nập, ai nói thị trường sách đang đến hồi dãy chết (?) sách của Công ty Nhã Nam, Thái Hà in rất đẹp, hẳn là dân chơi sách ưng ý. Tôi hỏi Thanh Thủy vì sao sách ở đây được ưa chuộng thì được biết giá bán thấp hơn giá bìa từ 30% đến 40%, do vậy mà có lời ra tiếng vào là sách ở đây phần nhiều là “sách luộc” in không có bản quyền. Thật ra, giá sách bớt 30% ở miền Nam đã có từ năm  1968, mua ở nhà sách Sống Mới bớt 30%, mua ở Lá Bối bớt 40% , vì vậy mà chúng tôi những người mê sách phải đạp xe đến chung cư Minh Mạng để mua sách rẻ.

Thanh Thủy gom cho tôi một lô bản đồ, nào là du lịch Tây Bắc, du lịch Đông Bắc đến Cao Bằng, Quảng Bình, thậm chí bản đồ miền Trung như Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẵng đều có hết. Đi du lịch có bản đồ dễ ghi nhớ các địa danh, các quán ăn ngon, chọn nơi có thắng cảnh mà đi tới.  Thời điểm đó các tỉnh làm du lịch chưa biết cách phục vụ du khách. Giờ thì tỉnh nào cũng biết, ngành du lịch tỉnh đã phát miễn phí cho du khách mới bước chân xuống phi trường của tỉnh mình.

Nơi thích đến

Đi đến tình thành nào tôi cũng muốn đi chợ, ở đó thể hiện kinh tế và văn hóa của địa phương. Hà Nội có chợ Đồng Xuân, một chợ có tuổi đời trăm năm và được trùng tu lại cách nay hơn hai mươi năm nhưng mặt tiền vẫn lấy lại kiểu kiến trúc cũ. Chợ buôn bán lớn như chợ Bình Tây (Chợ Lớn), chợ Bến Thành ở thành phố Hồ chí Minh, tiểu thương có trao đổi hàng hóa với các chợ lớn phía Nam do có nguồn hàng Trung Quốc lớn. Cái ưu điểm của bà con bán hàng là cho đổi, cho trả nếu thấy chất lượng kém. Khách hàng ở phía Nam mua hàng chỉ cần a lô , diễn tả mặt hàng mới là sẽ được gửi hàng đúng số lượng và kiểu dáng. Có một cái hay nữa là tiểu thương không ngại  bán ở tầng cao, không như ở các chợ trong Nam, tiểu thương chỉ thích bán hàng ở tầng trệt.

Hà Nội có nhiều chợ, nhưng tôi cứ nhớ chợ 19/12 ở quận Hoàn Kiếm, vì đó là ngày sinh của tôi. Chợ còn gọi là chợ “âm phủ” do nơi đây chôn cất đồng bào bị chết hồi năm 1946. Chợ không lớn, phía trước chợ có nhiều sạp bán hoa, phía trên còn chữ số 19-12, tôi đứng đây chụp ở chợ một bức hình làm kỷ niệm. Nghe đâu, hồi tháng 5 vừa qua khu chợ đã biến thành phố sách.

Lương Minh

Bài đăng báo Nông Nghiệp Việt nam ngày 24 tháng 10 năm 2017

(Phố sách Đinh Lễ, ảnh Kế Toại)

http://nongnghiep.vn/thu-ha-noi-trong-mat-nguoi-lu-hanh-phuong-nam-post205214.html

 

 

 

 

Có 7 bình luận về Thu Hà Nội trong mắt người lữ hành phương Nam

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Ngày xưa em cũng thích đọc  Hà Nội 36 phố phường  , chưa dến Hà Nội lần nào nhưng trông lòng em nghĩ Hà Nội 36 phố phường chắc đẹp lắm . Hôm nay nghe anh Minh kễ những  điều về HàNội em cũng biết được phần nào  cám ơn anh nhiều .

  2. DIEP BICH NGỌC nói:

    Đọc bài viết ,BN cứ tưởng như được đi ra thăm Hà Nội nơi chưa được đến ,Hà Nội thủ đô rất đẹp ,thành phố Hà Nội được anh Lương Minh kể thật hay tỉ mỉ từ quán.xá ,đặc biệt quán cà phê ,cả đoạn đường sách ,khu chợ …..đông đúc ,tấp nập …..Chúc anh Lương Minh vui ,khỏe đi nhiều nơi viết bài hay nữa nhé .

  3. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay  thể hiện  đúng bản chất  tác giả  là người yêu cà phê , sách báo   và  chợ tỉnh chợ quê ,,
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  4. Hanoi ba mươi sáu phố phường, tiếc rằng Hanoi ngày nay không còn là Hanoi thanh lịch

    của tôi hơn nửa thế kỷ về trước. Đành rằng ” thương hải biến vi tang điền” nhưng lòng vẫn đau và tiếc nhớ một thời đã qua.

  5. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Hà Nội em đã từng ở hànv tháng trời nhưng chưa đi nhà sách lần nào chỉ đi tham quan các thắng cảnh với phố cổ văn miếu .v.v do tính nhút nhát nên ít đi một mình đọc bài viết của anh Minh em biết thêm Hà Nội bản đồ Hà Nội em cũng được các anh trong lớp mua cho,nhưng bây giờ Hà Nội thay đổi quá nhiều rồi.

  6. Em đã từng ghé Hà Nội hai lần với đoàn du lịch, cả hai lần đều vào ban đêm, ngồi trên ô tô lướt qua một vài con phố để đến khách sạn, nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, rồi vội vã rời nó khi bình minh chưa ló dạng, thế là xem như chưa biết gì về Hà Nội, trong khi qua ngòi bút của các văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ…Hà Nội thật đẹp, cổ kính, thơ mộng và lãng mạn, dĩ nhiên sẽ đặc biệt hơn khi ở trong thu mà em rất say mê từ đó !
    Nay, qua góc nhìn của người lữ hành có thời gian khám phá và trải nghiệm, em biết thêm về cảnh quang, phố xá và những nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội.
    Cảm ơn anh thật nhiều! Chúc anh luôn vui, khỏe, hạnh phúc!

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác