Nói về cuốn sách LƠ THƠ VẠT CỎ

Ngày đăng: 24/10/2017 09:49:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Cuốn sách của tôi vừa được NXB Hội Nhà Việt Nam cấp phép phát hành, bản thảo được giữ gần như nguyên vẹn. Thực ra sách đã gặp không ít khó khăn khi gởi đến những nhà xuất bản khác. Như trong một status, tôi nói: “Đường đi ngoằn ngoèo, gập gềnh, nhiều “ổ gà”… Có lúc tôi nghĩ, thôi đi, về Mỹ in, nhanh, giản đơn.”.

Ngay khi bắt đầu, thân hữu tôi phỏng đoán và phán rằng: “Cuốn sách sẽ không được in, có in thì không trừ khả năng bị thu hồi…”. Có thể do lối viết của tôi, như một người bạn, Trần Thị Ái Việt cho rằng, “Nguyễn Đông A, một đại ca, chí ít cũng còn gây bão giông nhiều chục năm nữa.”. Tôi nào dám. Tôi viết như là một nhu cầu, trước hết là viết cho tôi.

Nhưng tôi thích sách mình đến được bạn đọc ở Việt Nam, đến hợp pháp. Tôi viết về những số phận, thân phận nhỏ nhoi ít người quan tâm đến, đâu viết về điều lớn lao mà ngại.

Thế là tôi chuẩn bị, điều chỉnh nội dung cho phù hợp với đối tượng đọc, dĩ nhiên chỉ điều chỉnh về tiểu tiết, chỗ được cho là “nhạy cảm”, chứ tinh thần chung về nội dung thì không có gì đổi, vẫn như từng nói: “Tôi là người viết tự do, không chịu bất cứ áp lực, ràng buộc nào.”.

Ngoài bìa sách tôi chỉ ghi: “Truyện ngắn – Cảm nhận văn chương”, nhưng trong sách còn một phần nữa là “hỗn văn”. Vấn đề mà gần đây tôi có trao đổi với nhà nghiên cứu Đỗ Tiến Bảng, “… tôi không dám nói, đây một thể loại mới trong sáng tác, nó của riêng tôi, như thể hiện một phong cách viết”.

Nhưng trục trặc lại về “tiểu tiết”, có những điều hết sức vô lý, như họ đòi tôi bỏ đôi, ba bài “cảm nhận”.

Họ nói “Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đâu có tên tuổi, tiếng tăm gì, sao tôi đưa vào sách”. Thực ra cô nhà thơ này từng được giải thơ của Hội Nhà văn. Người tôi đưa vào, hầu hết đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những người tài năng, thành danh, thậm chí tỏa sáng trên văn đàn đến vài chục năm rồi.

Hoặc họ đòi bỏ anh Trần Mạnh Hảo, có thể vì anh từng có một tác phẩm rất nổi tiếng, phản ảnh về một giai đoạn lịch sử, tác phẩm “Ly thân”… Nhưng tôi chỉ cảm nhận về một bài thơ anh làm trong kháng chiến… , mà thi tài như anh thì ai có thể chối bỏ được.

Đòi bỏ Du Tử Lê, hay là vì ông ấy sống ở nước ngoài. Phải nói rằng ông là một trong vài nhà thơ hàng đầu ở miền Nam trước 1975, có vị trí trong văn chương Việt Nam đương đại, chỉ Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng… mới có thể xứng đứng ngang hàng. Hiện nay trong nước nhiều luận án khoa học nghiên cứu thơ ông.

Mà tôi cũng chỉ cảm nhận thơ văn như một người đọc, dù khá nhiều người gọi tôi là “nhà lý luận phê bình” gì gì đó, tôi đâu dám nhận.

Với đề nghị như thế, dĩ nhiên thà không in, chứ sao tôi chấp nhận…

Ở phần truyện ngắn, càng gặp trục trặc lớn.

Họ đòi sửa đổi, bỏ truyện này, truyện nọ. Lại là những truyện giới chuyên nghiệp đánh giá cao, như “Đi tìm đỉnh tình yêu”, “Người thi hành án tử”, “Phát súng vô tình”, “Hai con ma đường hàng dương”.

Trong sách, tôi chỉ chọn in bảy truyện. Như tôi đã nói “ truyện ngắn là hư cấu, không nhắm vào ai…”. Ngoài những truyện về tình yêu viết theo truyền thống, bốn truyện nói tên trên, hầu như không còn tuân thủ theo các qui ước về thể loại, mỗi truyện đều khác nhau về phương thức biểu hiện.

Với “Đi tìm đỉnh tình yêu”, tôi kết hợp giữa thực và ảo, đan xen giữa đời sống trần tục và huyền thoại dân gian để chuyển tải điều mình muốn nói: về tình yêu, về thân phận, về cuộc sống, về điều trăn trở…

Với “Người thi hành án tử”, chí ít có đến bốn lớp không gian trong truyện, hai hiển hiện bề mặt và hai là mạch ngầm. Tôi lấy cái không gian hẹp, thời gian ngắn: phòng bệnh, phút giây hấp hối để lồng cái không gian rộng, thời gian dài là quá khứ. Nhà viết truyện tài danh Sương Nguyệt Minh, một cây bút có sức cuốn hút đông đảo bạn đọc, là người viết truyện thành công nên anh rất am hiểu về kỹ năng viết truyện ngắn, anh nhận xét: “Truyện hay! Lối viết giản lược, cô đọng mà vẫn xúc tích, gợi cảm. Các không gian nghệ thuật chồng chéo, đan xen làm cho truyện thoát khỏi hệ tuyến tính thô giản, mà đạt được tính phức tạp phong phú. Nhân vật cũng hay – một kiểu nhân vật thô giản, hành động như cái máy. Ngôn ngữ giàu có, nhiều từ lạ, cách sử dụng câu tạo nên nhịp điệu nhanh. Nhiều chi tiết hay, ám ảnh. Truyện dữ dội, gai góc, có thể những người yếu bóng vía đọc thấy sợ và cảm giác nặng nề. Chúc mừng Nhà truyện ngắn Nguyễn Đông A.”.

Với “Phát súng vô tình”, cấu trúc truyện phát triển tuyến tính đơn giản, nhưng ít nhất có vài thủ pháp được sử dụng. Thủ pháp liên kết lô gích các chi tiết rời rạc, nằm rải rác để tạo mạch ngầm, thủ pháp viết “gãy khúc”, “nhảy cóc” vượt thời gian, không gian…Tạm trích lời nhận xét của cô giáo ngữ văn, tiến sĩ Hoàng Kim Oanh, cô nói như thế này: “Truyện ấn tượng, anh Nguyễn Đông A. 494 chữ mà gói cả mấy mươi năm một đời người, một số phận. Từng chữ thật chặt, không có độ dư thừa. Sự kiện nhanh, dồn dập diễn tả cái khoảnh khắc của định mệnh bất ngờ. Vô tình hay cố ý? Lấp lửng. Còn bảy năm tù và mấy chục năm cuộc sống vô vị còn lại thật lạnh lùng gói chưa hết hai dòng nhưng đầy sức gợi. Để cho người đọc tự nhận xét, tự suy ngẫm… “

Với “Hai con ma đường hàng dương”, trong truyện tôi xây dựng hai nhân vật, không chính, không phụ, mà đều là chính, để hai tuyến nhân vật cùng phát triển song hành, với không gian “ma” và “người”, hư và thực, cứ thế mà viết, nội dung từ từ bộc lộ. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân thì lại nói: “Vẫn là phong cách viết dấu cảm xúc, nhẩn nha, không dàn trải, chi tiết độc. Thích truyện ngắn này, vì nhiều đặc tả rất tận cùng, rất “đời”, và đoạn cuối, tác giả cứ tiếp tục viết như hững hờ rơi từ chữ này qua chữ nọ, mà lòng mình lại nghe đau hoang mang, nghe chông chênh nhiều nỗi…”

Còn nữa, về trục trặc, khi họ nói về yếu tố tục trong truyện, khiến tôi có cảm giác, nghi ngờ về khả năng thẩm định. Hình như họ không thể phân biệt được giữa hai khái niệm “tục” và “dâm”, không hiểu được điều khác biệt giữa một bức tranh nude nghệ thuật với một ảnh khiêu dâm. Hình như họ không hiểu “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương, “tục” trong ca dao, dân ca… vốn dĩ là một thực tế trong văn học nghệ thuật và trong cuộc sống…

Còn nhiều nhiều, nhưng không nói nữa, mệt quá… Dĩ nhiên tôi không chấp nhận.
Tôi không làm nghề kinh doanh sách, tôi không viết lách để kiếm sống, tôi không in sách mua danh. Tôi bán sách, không tặng (trừ người liên quan). Tôi thích sự quan tâm, trân trọng từ người đọc.

Người viết có thể là tôi hay bạn văn khác, người viết không thể uống nước lả để viết, không nên để họ chật vật, hoặc chạy vạy tìm tài trợ, khi in một cuốn sách. Tôi thích những người bạn, như Tram Nguyên…, dù được tặng vẫn mua thêm sách, đó là một sự trân trọng qua lại.

Nhà văn sao nghèo thế…

Nguyễn Đông A

 

************************
Để có sách, các bạn có thể liên lạc qua:
Dương Ngọc Vân ( TP.Mỹ Tho – Tiền Giang )
Đt: 0919751176
Tài khoản số: 0071005806327 , Vietcombank Chi nhánh Bình Tây
Lê Thị Khánh Hồng
Giá sách 80.000đ , ship toàn quốc

 

Có 1 bình luận về Nói về cuốn sách LƠ THƠ VẠT CỎ

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thế mới thông cảm cho nhà văn nhà thơ, ” đẻ ” được đứa con tinh thần , sao mà trần thân khổ nhộng!

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác