Chuyện tình trên mạng. ( phần 4) Câu chuyện của người sắp ra đi.
Chiếc xe taxi chạy không bao lâu dừng lại trước nhà Bạch Vân, An Duy bước theo sau cô, vừa qua hàng rào, Anh đã thấy một ông lão ngoài 70 tuổi, người gầy ốm, mặc quần lững, lưng trần đang đang xới đất vô phân cho dàn mồng tơi dọc theo lối nhỏ dẫn vào nhà. Thấy có người vào, ông dừng tay lại đưa mắt nhìn, không chờ tới gần, Bạch Vân đã cúi đâu và nói:
– Thưa cha, con mới về.
Ông lão lấy làm ngạc nhiên khi thấy con mình đi với một thanh niên lạ mặt về nhà nên hỏi:
– Sao con về sớm vậy, Còn chú nầy là ai?
– Dạ con đưa bác sĩ về khám bệnh cho chị.
An Duy biết ông này là ba của Bạch Vân, anh cúi đầu lễ phép chào, anh thấy Bạch Vân có vẽ luống cuống nên anh trả lời thế cho cô:
– Thưa bác, cháu là bạn của cô Thủy, cô Thủy có nói về bệnh tình của chị, cháu đến để xin phép bác để chẩn bệnh.
Ông nhìn An Duy từ đầu đến chân rồi nói:
– Mời cháu vào nhà.
Nói xong ông lại nhặt chiếc áo ở cạnh đó mặc vào và đi dẫn đường. Đây là một ngôi nhà nhỏ, phòng khách có hai bộ đi văng nhỏ và ở giữa là bàn dài để tiếp khách, tiếp theo với bàn dài là bàn thờ tổ tiên; phòng khách được ngăn cách với phòng ngủ bởi một vách ván cũ kỹ. Vào trong nhà, ông bảo Bạch Vân đi nấu nước pha trà, ông đưa An Duy lại ghế bàn dài và nói:
– Mời cháu ngồi.
– Dạ cháu mời bác.
Anh Duy chờ ông ngồi xuống, rồi anh mới ngồi đối diện nhưng bỏ một cái ghế đầu để theo lễ nghĩa chủ khách, tiền bối và hậu bối để tỏ lòng tôn kính ba của Bạch Vân. Anh vừa ngồi xuống vừa hỏi:
– Xin lỗi bác thứ mấy?
– Tôi thứ tư. Còn cháu tên gì? Và quê ở đâu?
– Thưa bác tư, cháu tên là Duy! Quê ở Vĩnh Long
-Ồ! Cháu ở xa như vậy à!
– Dạ!
– Làm sao cháu biết con bác bị bệnh?
– Cô Thủy có kể cho cháu về bệnh của chị, nhân dịp đi tham quan Đà Lạt, cháu ghé ngang xem bệnh của chị coi như thế nào, có giúp gì cho chị ấy được hay không.
– Cảm ơn cô Thủy đã có lòng nghĩ đến con bé. Cô ấy cũng mấy lần khuyên con bé đi khám bệnh. Nhưng thú thật với cháu, không một ai có thể nói mà nó chịu nghe, cho dù tôi là cha nói cũng không được.
– Cháu cũng nghe nói chị không chịu đi chữa trị nên cháu mới mạo mụôi đến nhà; bác tư hãy thông cảm cho chị ấy, làm con ai cũng muốn hiếu thảo với cha mẹ, muốn giúp cho cha mẹ lúc tuổi già. Chị ấy không giúp được chị ấy buồn, còn phải tốn tiền bạc của gia đình để chửa bệnh làm cho chị ấy khổ tâm.
– Cháu mới đến mà đã biết nhiều về con bé.
– Nghe cô Thủy kể lại, chị ấy là người giàu tình cảm và luôn nghĩ cho người chung quanh.
– Đúng rồi đó cháu, con bé nhà tôi trước đây thường giúp đở mọi người, rất có hiếu, thường nghe lời tôi.
Nói đến đây bác tư dừng lại ho vài tiếng, tiếng ho không lớn vì bác cố nén lại, An Duy từ lúc gặp bác thấy bác thỉnh thoàng bị ho nên hỏi:
– Ho của bác tư như vầy đã lâu rồi phải không?
– Đúng rồi, ho cũng đã lâu.
ảnh minh họa nguồn Net
– Có phải bác thấy nhột nhột ở cần cổ khiến bác phải ho và ho xong dễ chịu.
– Đúng rồi đó cháu, nó nhột nhột ngứa ngứa ở cuống họng, ho rồi nó hết và một hồi sao nó bị lại.
– Có phải cái ho nầy có từ khi sau khi bị cảm?
Ông như nhớ lại rồi trả lời:
– Đúng rồi, hôm đó bác dầm mưa để xới góc mấy góc dâu tây rồi bị cảm, bệnh cảm sau đó thì hết; nhưng cái ho nầy kéo dài đến bây giờ uống cái gì cũng không hết đó cháu.
– Để cháu khám và chữa luôn cho bác.
An Duy vừa nói vưa đưa tay vào túi sách anh luôn mang bên mình lấy ra một ống nghe. Bẹn bè thường thấy anh đi đâu cũng xách cái túi theo, chọc anh cái túi đựng tiền đô, chớ đâu biết là đựng ống nghe và dụng cụ đo huyết áp. Thấy anh mang ống nghe ra ông liền nói:
– Cảm ơn bác sĩ, nó chỉ ho khúc khắc vậy thôi không có gì là tầm trọng. Nếu bác sỉ có lòng, làm ơn coi bệnh cho con bé nhà tôi.
An Duy, trao đổi với ông, nhưng cũng nghe được tiếng nói nho nhỏ của hai chị em Bạch Vân, anh biết cái vách ngăn cách giữa phòng khách và phòng ngủ không cách âm, nên anh nói với ông với âm thanh hơi to cố ý để chị ấy có thể nghe. Từ bên trọng phòng ngủ có giọng nói khàn khàn của người phụ nữ đã lớn tuổi vang ra phòng khách:
– Ba! Con nói với ba rồi. Con không có khám chữa bệnh gì hết, sao ba lại nhờ bác sỉ!
Ông nghe con mình nói như vậy, ông quay mặt vào buồng và nói:
– Con Thanh muốn nói gì thì ra đây, sao không biết phép tắc gì hết vậy.
Rồi ông quay mặt sang An Duy nói:
– Xin lỗi bác sĩ, con bé trước đây ngoan và lễ phép lắm, gần đây rất là nhạy cảm nghe chữ khám bệnh, xin bác sỉ thông cảm.
An Duy nghe lời nói của lão bác biết được lòng cha mẹ thương con vô bờ bến, lời nói nghe qua như rầy la con nhưng thật sự bảo vệ cho con mình với người ngoài.
– Dạ cháu hiểu, bác đừng có bận tâm, lỗi là do cháu, cháu đến mà không xin phép bác trước và chưa hỏi ý kiến của chị ấy; được bác mời vô nhà như thế nầy, cháu biết bác là người cha thương con.
– Bác sĩ đến đây, cha con tôi thật là biết ơn.
Tiếp lời nói của ông là giọng khàn khàn lại vang lên:
– Tôi cũng cám ơn bác sĩ, nhưng tôi không muốn khám bệnh, xin bác sỉ đừng bận tâm về bệnh của tôi.
An Duy mừng quá khi cô ấy lên tiếng, có lên tiếng, có trao đổi thì anh có cơ hội để thay đổi ý tưởng của cô ấy. Anh sợ nhất là những bệnh nhân không hợp tác, hoặc là bệnh nhân im lặng hoặc không phản ứng. An Duy liền tận dụng câu nói của cô ấy mà nói tiếp để cô ấy phải nói chuyện với anh:
– Lời cám ơn của chị tôi chưa dám nhận, chỉ xin chị đừng cách chức thầy thuốc của tôi.
Ông nghe An Duy nói cũng trố mắt nhìn, còn cô ấy liền hỏi:
– Ủa, sao bác sĩ nói vậy?
– Quan tâm đến bệnh là chức năng và trách nhiệm của người thầy thuốc. Người thầy thuốc mà không quan tâm đến bệnh thì không còn là người thầy thuốc nữa. Chị bảo tôi đừng quan tâm đến bệnh tức là chị đã cách chức tôi rồi.
Anh Duy có lúc nghe tiếng khóc của Bạch Vân dường như dùng nước mắt để thuyết phục chị để khám bệnh, bây giờ anh nghe câu nói của An Duy cô lại cười khúc khích. Lời giải thích dí dỏm của anh làm cho cổ tức cười, còn người chị vẫn lạnh nhạt qua câu đáp trả:
– Tôi chỉ nói bác sỉ đừng quan tâm đến bệnh của tôi, chớ đâu có dám nói gì khác. Xin bác sĩ đừng để mất thời gian vì tôi.
– Mất thời gian thì cũng đã mất rồi, đến nhà thì tôi cũng đến nhà rồi,chị cho tôi trao đổi với chị một chút được không?
Bác tư thấy hôm nay con gái mình nói nhiều cũng đã mừng, muốn con ra khổi căn buồng nên hói :
– Con hãy ra đây thưa chuyện cùng bác sỉ đi con.
An Duy biết cô ấy chưa sẳn sàng để gặp anh, cũng chưa đến lúc mà anh phải cần gặp mặt, nên nói:
– Bác Tư, để chị Thanh ở trong đó được rồi, cháu muốn nghe chị nói một cách tự nhiên.
– Bác sĩ làm sao biết tôi Thanh?
– Tôi nghe bác tư gọi. Chị nói chuyện với tôi chị có mệt không?
– Không! Tôi không thấy mệt.
– Vậy là quá tốt.
Nói xong câu nầy, An Duy quay sang ông lão hỏi:
– Chị Thanh bị sưng vậy bao lâu rồi vậy bác?
– Ủa, bác sĩ đâu có thấy con bé mà biết con bé bị sưng
– Cháu nghe tiếng nói.
Theo ông lão, xưa nay thầy thuốc bắt mạch mới biết bệnh, nay nghe thầy thuốc nầy nói như vậy’ bác thấy lạ nên hỏi lại:
– Nghe mà cũng biết được bị sưng sao bác sĩ?
An Duy mừng thầm câu hỏi của ông, sẽ giúp anh có cơ hội giải thích để tăng thêm niềm tin cho người nhà và bệnh nhân. Anh nghe giọng khàn khàn của chị ấy giống như phụ nữ lớn tuổi, nhưng anh nghe ông gọi là con bé nên anh chắc lớn hơn Bạch Vân vài ba tuổi, giọng nầy là do sợi day thanh âm bị phù nên nói:
– Thưa bác tư, người thầy thuốc phải dùng 4 cơ bản: VỌNG, VĂN, VẤN, THIẾT để biết bệnh. Văn: là nghe, ngửi; nghe là nghe tiếng nói, nghe tiếng ho, tiếng nấc, tiếng thở của người bệnh. Nghe tiếng ho của bác cháu biết, cái do đó do bệnh cảm chửa chưa khỏi hẳn để biến chứng ở phổi. Nghe tiếng nói của chị Thanh với giọng khàn khàn là do phù nề sợi dây thanh âm, khi sợi dây thanh âm bị phù như vậy toàn cơ thể đã bị phù.
– Bác sĩ nói đúng rồi, con gái tôi bị sưng từ đầu cho đến chân.
Nghe cách giải thích của An Duy lão bác lại lóe lên một niềm hy vọng nên lên tiêng thúc dục:
– Thanh mau ra chào bác sĩ đi con, để bác sỉ khám bệnh cho con!
– Khám bệnh để làm chi hởi cha. Con đã chữa bao nhiêu năm rồi mà không hết. Bác sĩ từ xa đến đây có mấy ngày thôi hãy để bác sĩ đi du lịch cho vui vẻ.
Chị ngưng lại đôi chút để lấy hơi rồi nói tiếp :
– Bác sỉ ơi! Đừng bận lòng vì tôi, tôi biết anh là một thầy thuốc giỏi; nhưng bệnh tôi hết thuốc chửa rồi.
Nghe câu nói tuyệt vọng, như một lời trăn trối khiến người nghe phải đau lòng, An Duy rất thông cảm tâm trạng của chị ấy. Nghe câu: “.. .Bệnh tôi hết thuốc chửa”, anh nhớ đến mẹ của anh những ngày sắp ra đi, và nhớ sự đau khổ tột cùng của anh khi biết bệnh của mẹ không còn cách nào chữa. Nhưng mẹ anh rất bình thản, mẹ không muốn mang cái không khí ảm đạm đau thương đến mọi người. An Duy không biết bệnh cô ta là gì, không biết có điều trị được hay không, điều trước mắt anh muốn làm sau cho cô ấy bớt đau khổ, bớt phần tuyệt vọng chán đời; anh hy vọng cô ấy ngày nào còn sống thì phải vui vẻ và biết trân quý cuộc sống, anh nói:
– Nghe câu nói của chị, những khổ tâm của chị tôi lại nhớ mẹ của tôi, lúc đó mẹ bệnh rất nặng, nhưng mẹ không nghĩ về bản thân mà luôn nghĩ đến những người chung quanh nghĩ về con về cháu.
Ông tư nghe An Duy nói như vậy nên hỏi:
– Mẹ bác sỉ bị bệnh ra sao?
Từ khi đặt chân vào căn nhà nầy, thấy ông tư già yếu có bệnh trong người mà luôn lo lắng đến con cái, anh liên tưởng đến mẹ của anh; nhìn chung quanh, An Duy có cảm giác gần gủi thân thiện như những người thân nên không ngại ngần kể câu chuyện về mẹ mình:
– Thưa bác tư, cách đây 5 năm, cháu đang ở nước ngoài thì mẹ cháu có gọi điện thoại hỏi cháu công việc như thế nào, cháu kể cho mẹ biết cháu đang trong giai đoạn rất ư là quan trọng cho tương lai và sự nghiệp, nếu lỡ cơ hội khó mà tìm lại được. Nghe vậy mẹ chỉ động viên cháu cố lên. Qua điện thoại nghe tiếng của mẹ rất khác thường nên cháu hỏi: “ Mẹ có khỏe không?” Mẹ cháu trả lời là bình thường rồi cúp điện thoại. Cháu thấy không bình thường chút nào hết, lời nói yếu ớt, đứt quãng như người không còn sức để nói, cháu có linh cảm mẹ cháu sắp phải ra đi. Cháu quyết định bỏ hết công việc và đi về ngay. Khi về đến, cháu mới biết linh cảm của đúng, nhà của cháu lúc đó cả một rừng người từ con cháu đến bà con lối xóm kéo đến với tâm trạng chia tay với mẹ cháu. Còn mẹ cháu nằm trên giường với đôi mắt như người đang ngủ, hơi thở yêu ớt, nghe tiếng của cháu mẹ mỏ mắt ra nói với giọng thìu thào: “ Tại sao con về”. Cháu chỉ còn biết ôm mẹ vào lòng mà khóc. Mẹ cháu đã bệnh một thời gian dài, đã chữa từ bệnh viện tĩnh đến thành phố, tất cả những bác sĩ có tiếng tăm đã chịu bó tay nên về nhà chờ ngày ra đi. Sau khi khám bệnh cho mẹ cháu mới biết các bác sỉ ấy chẩn đóan không sai, nhưng cháu không chấp nhận cháu bắt tay ngay vào việc điều trị cho mẹ; gần 3 tuần lễ trôi qua có những ngày cháu quên cả ăn, có những đêm cháu không ngủ, mà không thể nào kéo má ra khỏi bàn tay của tử thần, cháu giận cho mình không chuyển được tình thế, có một hôm, nửa đêm cháu ra giữa đồng gào thét cùng trời đất để bớt sự đau khổ. Mẹ cháu biết cháu đang đau buồn mẹ cháu lại khuyên: “ Con à! Mỗi người có số mệnh, phần số của mẹ đến rồi mẹ phải ra đi; mẹ rất vui và hạnh phúc cám ơn ông trời đã xui khiến con về đây để mẹ con ta gặp nhau”. Bây giờ cháu mới hiểu tại sao mẹ lại vui vẻ và bình thản trong khi cơ thể chịu đựng bao đau đớn khốn khổ do cơn bệnh hoành hành. Đây là thời điểm rất quý, thời gian không còn là bao, sao không tranh thủ nói hết những yêu thương của mình đối với mẹ mà chưa có dịp mở lời.
An Duy nói đến đây thấy Bạch Vân nắm tay của chị mình đi ra, hai chị em khóc sướt mướt, An Duy nhớ lại những giây cuối của mẹ mình nên cũng không cầm được dòng nước mắt, để hai dòng lệ lăn dài trên má. Thấy chị em của Bach Vân bước ra anh vội lau nước mắt và nói:
– Chị chịu ra đây rồi sao?
– Bác sĩ ơi! Câu chuyện của anh làm tôi rơi nước mắt nè.
– Tôi biết chị là người tình cảm và là đứa con hiếu thảo.
Bác tư thấy con gái mình ra vui mừng lên tiếng:
– Đây là con gái thứ ba của tôi tên là Thanh Vân, Còn con trai thứ hai đi làm mướn ở xa không có nhà.
Bạch Vân đứng cạnh chị không thấy cha giới thiệu mình nên nói:
– Con là con gái út không thấy ba nhắc đến!
– Còn con Bạch cha bảo nấu nước pha trà, nước trà đâu, khách khô cả cổ họng không thấy nước đâu hết.
– Ý quên, chắc cạn nước rồi.
Nói xong Bạch Vân đi ra lối xuống nhà bếp, bác tư nhìn An Duy với giọng thiết tha của người cha muốn con mình được khám bệnh:
- Bác sỉ làm ơn chẩn mạch cho con tôi, xem em nó bệnh gì?
Thanh Vân thấy cha nói như vậy sợ làm khó cho bác sỉ vì bệnh kỳ lạ của cô, nên nói:
- Tôi ra để gặp mặt bác sĩ để nói lời cảm ơn vì anh có lòng đến đây, chớ bệnh tôi rất khó và hết cách chửa rồi.
Từ lúc Thanh Vân bước ra, An Duy đã quan sát thấy cổ bị phu toàn thân, khuôn mặt bầu tròn, đôi mắt hi hí vì sưng húp, quần áo đều chật, thậm chí nút áo bị căng , tưởng chừng sắp đứt.
– Bệnh của chị Thanh , tôi biết rồi và bệnh này có thuốc chửa.
Hai cha con bác tư và Thanh Vân nghe An Duy nói đều kinh ngạc nhìn vào anh nửa ngờ nửa mừng chưa biết phải nói gì, thì Bạch Vân từ nhà bếp chạy lên mừng ra mặt:
– Bác sĩ! Anh quả thật biết bệnh của chị tôi?
Chẩn đoán bệnh rất là quan trọng, có những bệnh khám đi khám lại dùng hết những phương tiện hiện đại cũng không tìm ra bệnh; trái lại có những bệnh chỉ nhìn qua có thể chẩn đoán ngay như bệnh của Thanh Vân, nên An Duy nói:
– Đúng rồi, đây là bệnh thận hư, hay còn gọi là bệnh thận nhiễm mở các thầy thuốc thường họi là hội chứng thận nhiểm mở.
Lão bác nghe nói bệnh thận lại lo lắng nhiều nói với An Duy:
– Bác sĩ ơi! Canh phường tôi có chị Bảy cũng bị bệnh thận, chị giàu có lắm mà đi lọc máu bán hết tài sản rồi cũng không qua khỏi.
An Duy biết ý tưởng của bác tư cũng như các người trong gia đình bấy lâu nay cứ nghĩ bệnh của Thanh Vân cũng giống bệnh bà bảy, và bà đã chạy chửa hao tốn hết tài sản, rồi cũng chết nên đâm ra tuyệt vọng. Anh phải giải thich cho mọi người biết sự khác nhau là điều rất quan trọng, anh nói:
– Bà Bảy đi lọc máu là bị bệnh suy thận mãn. Bệnh suy thận mãn là một bệnh hai quả thận coi như đã chết. Thận có nhiều chức năng trong đó có chức năng lọc máu, qua đó một lượng nước, muối và một số chất độc được loại ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Khi suy thận mãn thận không loại được nước và muối gây sưng phù, còn chất độc ứ lại trong cơ thể gây tổn thương cho cơ thể ảnh hưởng đến tính mệnh. Người bệnh suy thận mãn muốn sống còn có hai cách: một là thay thận hai là phải đi lọc máu.
An Duy thấy cả ba đều chăm chú nghe thật kỹ nên anh nói tiếp một cách rõ ràng và chặm rãi:
– Còn bệnh của chị Thanh là bệnh thận nhiễm mỡ hoàn toàn khác bệnh của bà bãy. Trong mỗi quả thận của chúng ta có chứa cả triệu vi cầu thận, và mỗi vi cầu là đơn vị chức năng của thận, bệnh của chị Thanh bị tổn thương màng của vi cầu thận hay còn gọi là màng lọc, chỉ tổn thương thôi nếu chữa đúng thì màng đó sẽ trở lại bình thường và chị sẽ khỏi bệnh.
Nghe khỏi bệnh Bach Vân và bác tư vui mừng ra mặt, còn Thanh Vân đăm chiêu không rõ về cái sưng như thế nào, nó đã làm chị khó chịu bấy lâu nên hỏi:
– Bác sỉ ơi! bà bãy bị sưng, bệnh tôi cũng bị sưng, hai cái sưng nầy có khác nhau không?
– Hoàn toàn khác nhau, bênh suy thận mãn thận hết chức năng không thải được nước và muối ra khỏi cơ thể, gây sưng, còn bệnh thận nhiễm mở màng lọc bị tổn thương chất đạm theo nước tiểu đi ra ngoài, cơ thể thiếu chất đạm trầm trọng gây ra sưng phù.
– Thanh Vân nghe An Duy giải thích chỉ hiểu phần nào, nhưng cô cũng mừng vì hai cái bệnh khác nhau, nhưng vẫn còn lo lắng nên hỏi tiếp:
– Bác sỉ nói bệnh tôi có thuốc chửa; có phải nói để tôi mừng không? Chớ bệnh tôi đã chửa nhiều năm rồi mà vẫn không khỏi.
An Duy cũng có những nghi vấn tương tự trong đầu, nhưng người thầy thuốc phải nói sao để không mang lại thất vọng đến bệnh nhân, ảnh hưởng quá trình điều trị vì tinh thần và lòng tin là những yếu tố quan trọng giúp cho điều trị,nên anh nói:
Theo tôi biết, bệnh của chị có thuốc trị, còn cơ thể có thể đáp ứng được thuốc không tùy người nhưng yếu tố tinh thần lạc quan và niềm vui cũng giúp cho thuốc có hiệu quả.
Bác tư có một niềm tin nào đó ở An Duy, ông lại sợ con gái mình nói không khéo làm cho bác sỉ trẻ nầy đổi ý không trị. Đây là cơ hội có một không hai, nên ông nói với con gái:
– Để bác sỉ khám và chửa bệnh cho con, anh nói vậy là quá tận tình với cha con mình rồi.
Rồi ông quay sang nói với An Duy:
– Bác sĩ ơi hãy làm ơn chửa trị cho con tôi, bệnh khỏi hay không, tôi cũng vô cùng biết ơn .
– Bác yên tâm, cháu sẽ cố gắng với tất cả khả năng của cháu có. Trước hết cháu phải hỏi tỉ mỉ về bệnh, cũng như cần biết rõ đã điều trị ở đâu, và đã dùng những thuốc gì thì mới có cách điều trị thích hợp.
Câu nói nầy của An Duy đã làm cho Thanh Vân thấy an lòng, cô nghĩ có khám bệnh một cách tỉ mỉ thì mới rõ được bệnh một cách chính xác, từ đó mới có thể chữa được; chớ cô đã có kinh nghiệm nhiều qua những lần điều trị trước đây, thầy thuốc nói hay, tiền bạc mất sạch mà bệnh vẫn mang.
(Còn tiếp)
VÕ CHÂU PHƯƠNG
Bác sĩ An Duy thật giỏi, vừa am hiểu chuyên môn, vừa sành tâm lý người bệnh. Bước đầu đã lấy được lòng tin của một bệnh nhân khó tính. Rất nóng lòng được biết phương pháp và kết quả điều trị của bác sĩ đây.
Cảm ơn chị My Nguyen tiếp tục theo dỏi câu chuyện. Những bệnh thông thường điều trị chủ yếu là thuốc, nhưng những bệnh lâu năm lòng tin của bệnh nhân của bệnh nhân đối với thầy thuốc rất quan trọng trong chửa trị đó chị. Có một câu chuyện kể rằng, có bệnh nhân nữ trẻ đẹp giữa đám tiệc ói ra những con giun, sau đó bị ám ảnh đến bệnh chửa hoài không hết, suy kiệt sắp chết. Người nhà đưa đến một ông thầy giỏi khám và đưa ra kết luận khác những bác sỉ trước đây, bs chẩn đoán trong bụng bên nhân chứa đầy giun cần mổ lấy ra hết thì mới khỏi, ông cho bệnh nhân ngủ dùng dao rạch da ở vùng bụng, không làm gì hết khâu lại. Cô ấy cứ tưởng đã mổ ổ bụng bắt hết giun nên bệnh đã khỏi. Mời chị xem tiếp phần sau.
Bài viết kỳ 4 nầy cho thấy tài năng của BS An Duy, một BS rất giỏi về mọi khía cạnh thu phục được bệnh nhân khó tánh . Đợi xem cách điều trị của BS ở phần tiếp theo về bệnh của cô Thanh Vân .
Chị họ kính mến phần 4 câu chuyện đã đi vào phần chuyên môn của người thầy thuốc, tùy bệnh nhân mà người thầy thuốc phải tận dụng để thu phục lòng tin. Sư tổ ngành ý có nói rằng: Một thầy thuốc sau khi tiếp xúc nói chuyện với bệnh nhân mà bệnh nhân không thay đổi về tâm lý về lòng tin thì thầy thuốc đó không phải là thầy thuốc giỏi. Bước đầu An Duy đã thực hiện được còn điều trị hiệu quả như thế nào xin mời chị xem tiếp phần sau.
Cảm ơn tác giả đã cho đọc phần 4 của CHUYỆN TÌNH TRÊN MẠNG thoảng vào chuyện đoán già đoán non , tưởng đâu anh chàng bác sĩ An Duy muốn ” sang ” thời bắt cầu ” kiều ” nhưng càng đọc càng hiểu tấm lòng ” từ mẫu ” đáng trân quí trong con người của ” lương ” y An Duy . Một chàng BS trẻ thoáng nhìn chất phác nhưng ở anh không kém phần nghệ thuật trong giao tiếp đời thường … cái nét chân trong vẻ am hiểu của một nhà trí thức khiến sao khỏi 1 cô bé Bạch Vân đến là xao lòng hay vài ba cô Hoàng Vân ,Tuyết Vân , Hồng Vân nào đó cũng phải lụy …. bác sĩ Võ Văn Chín à !
Cảm ơn em gái Tây Nguyên đã Theo dõi câu chuyện, đừng lẫnl lộn nhân vật trong truyện và tác giả mà đưa ra chẩn đoán lầm thì nguy hiểm. Xin hỏi Ngọc Diệp ghe giọng khàn của cô gái trẻ mà AnDuy cho là bệnh nhân phù tòan thân có hợp lý không, Nếu được cho biết ý kiến của em.
Dạ ! bác sĩ An Duy chuẩn đoán rất đúng , có nhiều bệnh lý gây nên phù nề thanh quản dẫn đến khàn … em múa rìu qua mắt thợ chút nhe anh !?:
* Nếu một bác sĩ có kinh nghiệm , trong thăm khám sẻ tinh ý phát hiện :
– Khàn trong phù toàn thân do bệnh lý về thận thì âm thanh khàn ta nghe như có vẻ ồ ề .
– Khàn trong một bệnh cấp tính về đường hô hấp do siêu vi thì ta nghe âm thanh khàn như có vẻ khao khô .
– và khàn của một cô vợ hiếu chiến sau nóng giận ta nghe âm thanh như có vẻ sắp mất.
… … … … hihi … hihi … hihi …
Ngọc Diệp trả lời đúng rồi, khàn giọng do nhiều nguyên nhân, nhưng mỗi nguyên nhân lại khàn khác nhau và đi kèm với bệnh lý đo cùng, ở đây An Duy khẳng định bị phù nhờ nghe giọng nói và đồng thời đã hỏi bệnh sử với Bạch Vân khi ngồi ăn sáng nên An Duy mới nói mạnh miệng với lão bá. Cảm ơn Ngọc Diệp đã tham gia trao đổi cho phong phú hơn.
Bài viết cho thấy những yếu tố vô cùng quan trọng của một BS vừa có cái tâm đức độ vừa chuyên nghiệp vốn nằm sẵn nơi BS An Duy rồi . Cảm ơn bài viết hay của Võ Châu Phương nhé !
Hoành Châu (Gia đình C )
Cảm ơn chị Hoành Châu đã xem qua câu chuyện. Câu chuyện lòng vào vấn đề y khoa có phần khó hiểu mà được chị cho biết ý kiến như vậy em thật là vui. Chúc chị sức khỏe dồi dào, sáng tác nhiều bài thơ hay.