NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MÙ SƯƠNG KÝ ỨC

Ngày đăng: 7/09/2017 09:44:59 Sáng/ ý kiến phản hồi (17)

 Hôm qua, rỗi rảnh, vô những trang nhà của những ngôi trường tôi đã một thời dạy học… Cũng một vài blogs, vài websites (tên gọi tuy khác nhau chút đỉnh nhưng tên của ngôi trường thì vẫn vậy), trang nào cũng tràn ngập tình yêu thương, mong kết nối bạn xưa, tri ơn thầy cô, nhớ về trường cũ, đầy đủ mục văn chương thi phú, sinh hoạt nhóm, hồi ký nhắn tin, tìm bạn… Rất phục tinh thần vì ngôi trường thân yêu của các em, làm việc không so đo, không vụ lợi… Tuy mỗi trường, mỗi nhóm, mỗi hướng đi…Vô tình, tôi xem được video của Phan thanh Phu uploaded vào 24 tháng 5 – trên you tube… về trường T.PH và Lưu văn Liệt..năm 2011.

image1Hình 1

Bồi hồi, xúc động tìm lại kỷ niệm xưa của mình qua hình ảnh ảo… Hình như (đoán vậy) hàng cây huỳnh đàn dẫn vào sân trường, ngày tôi đến nhận nhiệm sở , còn non, bây giờ đã già, tuổi đời chắc cũng hơn nửa thế kỷ (nhìn thấy trên video năm 2011) và những cây cổ thụ khác rải rác trong sân vẫn còn giữ lại, sân cỏ thì ít mà khoảng ciment thì nhiều. Mái ngói tường vôi, những dãy lớp trông có vẻ nhếch nhác, xuống cấp… (có lẽ vì sắp đập phá để xây trường mới), cố tìm những tà áo trắng hay đồng phục nam sinh quần xanh dương áo sơ mi trắng… Hình ảnh quen thuộc khi nghĩ về, mà không thấy. Đoạn ghi lại Ngày tri ân thầy cô được tổ chức chu đáo, nụ cười thầy trò ấm áp bên nhau (thấy hình Chí Hiếu )…Một số cựu học sinh về lại lớp mình ngày xưa, ngồi lại chỗ mình đã từng ngồi… Chỉ thiếu trên bục giảng hình ảnh thầy cô xưa đã trống vắng. Xem đoạn video xong… nhiều ấn tượng vui buồn đan xen nhau trong vùng ký ức của một bà giáo già!!! (Các em cựu học sinh TPH trên f.b đã nói với tôi, hiện tại, trường đã bị đập phá, xây mới hoàn toàn, không còn nhiều vết tích xưa… lại buồn… vì hình ảnh ngôi trường mang một phần kỷ niệm của đời mình… đi vào cổ tích…

Với tôi, một năm dự bị V.K, ba năm ĐHSP.để trở thành Giáo Sư (cấp bậc trước 1975) mang hoài bão đứng trên bục giảng, tiếp bước thầy cô của mình để cống hiến cả đời cho nền giáo dục… nhưng chỉ được mười năm!!!!

image2                Hình 2

Mười năm trên bục giảng, trải qua 3 ngôi trường Tống Phước Hiệp (V.L) 1969-1971. Trường Trung Thu nằm trên đường Thành Thái, gần trường Quốc gia Sư Phạm (Trường đặc biệt dành cho con em Cảnh sát quốc gia) từ 1971-1975… Sau 1975… trường nầy cũng như Quốc gia Nghĩa tử đã hoàn toàn mất tên, mất dấu, có còn chăng là trong hồi ức của các thầy cô và các em học sinh đã từng dạy, từng học nơi đây!!..Tôi còn nhớ thuở ấy các em học sinh thường hát đùa về ngôi trường của mình “Con đường Thành Thái nằm, nghe chuyện tình Trung Thu”… Và Lê Hồng Phong (tiền thân là trường P.Trương vĩnh Ký) từ 1975-1979. Trường vẫn còn giữ được dáng xưa nhưng theo thời gian cũng có nhiều thay đổi…

image3                Hình 3

Bao nhiêu lớp lớp học sinh đi qua đời mình , bao nhiêu buồn vui đời nhà giáo, bao nhiêu gương mặt lưu lại trong trí nhớ, có những sự việc bị xóa nhoà lãng quên theo dòng thời gian, có những niềm vui, nỗi buồn khắc sâu thành kỷ niệm.

Thương lắm, cảm động lắm… Tinh thần tôn sư trọng đạo, được thể hiện bằng con đường “Tầm thầy” của những em học sinh các trường, sau cuộc đổi đời, dâu bể chia lìa. Các em đã cố gắng tìm lại thầy cô cũ.(trong nước cũng như hải ngoại) biết được tin nhau, gặp nhau trong vòng tay tha thiết ân tình. Những ngày Hội Ngộ được tổ chức. Bên nhau, thầy già, trò cũng không còn trẻ. Phong ba cuả đời, thầy trò đều học được một bài học như nhau.

Trên f.b đọc status của Nhu Thuong Nguyen “Một thoáng hương xưa”… Em ơi !! Em đã đi về vùng quá khứ, tìm về ngôi trường xưa, bâng khuâng với sự đổi thay, mất mát. Nhưng với em là đời thực, em đã đến, đã nhìn, đã thấy… Và tôi cũng nương theo bài viết của em để đi về vùng kỷ niệm. Nhưng em ạ, với tôi… mù sương của thời gian, không gian… gần như che khuất lối về.

Nơi đây, mỗi lần đi ngang qua một ngôi trường, hình ảnh những ngôi trường ở quê nhà như những đợt sóng ngầm trổi dậy.

Cũng may, các em đã lập ra Hội Ái hữu, Webs, để giữ gìn sợi dây thân ái, giúp đỡ thầy cô neo đơn, liên lạc bạn bè, chia sẻ cuộc sống chung quanh… Những trang nhà của trường Tống Phước Hiệp, Trung Thu, hay P.ký-Lê Hồng Phong khi rỗi rảnh tôi hay vào… như đi vào vùng kỷ niệm, nhớ về một thời đã qua, tìm lại chút hương xưa như còn vương lại.

Phần 1 : https://youtu.be/WFbdyunPLjc

Phần 2 : https://youtu.be/GjL

Phạm Thị Trí Ptt

Hình ảnh : nguồn Net


Có 17 bình luận về NHỮNG NGÔI TRƯỜNG MÙ SƯƠNG KÝ ỨC

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Cô kính mến ! Nhìn hình những ngôi trường đọc lời cô viết,nhất là lời cô nói về ngôi trường TPH thân yêu của chúng em , đọc bài cô viết làm em cảm động chạnh lòng nhớ một thời ngày hai buổi đến trường mà thấy nao nao trong dạ và cay cay nơi mắt. Qua bài viết của cô, chúng em hiểu được nổi lòng cô , thấy thương cô rất nhiều . Ngôi trường TPH bây giờ không còn chút gì  của ngày xưa, từng hàng cây, viên gạch ..v..v… đều đã bị xóa sổ. Tất cả đã được thay vào một ngôi trường lớn hơn, cầu kỳ hơn , vì trường lấn qua nhà hiệu trưởng và dãy nhả công chức ngày xua phía bên trái . Cám ơn cô đã cho em giây phút chạnh lòng nhớ về kỹ niệm môt thời . Kính chúc cô luôn vui khỏe .

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Chúng ta tuy vai vế cô trò nhưng cùng chia nhau và giữ gìn trong tâm hình ảnh những ngôi trường mình đã một thời gắn bó , đã gửi vào niềm tin , nơi tiếp thu kiến thức để làm hành trang bước vào đời…Từng kỷ niệm ấy làm sao quên phải không Võ thị Lài ?

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cô có cả một kho tàng đề tài đó cô Trầm Hương ạ.

    Đề tài nào cô viết cũng thiệt hay!

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Hạnh a…Hy vọng được như em nói…Bà giáo già nầy sẽ từ từ qua trang TPH , gửi tâm tình đến với các em…

      • Luong Minh nói:

        Em xin ủng hộ cô hết mình

      • NHA nói:

        Bà giáo già? Trầm Hương Ptt khiêm nhường nói vậy chứ không phải thế đâu nha bà con.

        “…sẽ từ từ qua trang TPH”: có nghĩa là đang ở một trang nào khác? Facebook hay …? Thế thì phải qua lẹ lẹ đi …

        • Trầm Hương Ptt. nói:

          Đại huynh NHA ơi…Từ từ, không vội, nhường sân cho các em góp mặt với chứ. Chúc đại huynh vui vẻ..Thấy hình đại huynh và chị Vân trên f.b ” Biển lộng gió, nhờ tay anh che chở” vừa tính comt. vài lời thị phi thì tìm không thấy…Chắc gió bay đi

  3. Hoành Châu nói:

    Vừa học và dạy ở ngôi trường này  gần 20 năm   biết bao nhiêu là kỷ niệm  vui buồn !
    Hoành Châu (Gia đình C  )

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Hoành Châu thì quá gắn bó với ngôi trường nầy..Học TPH , dạy LVL. Em là một trong những học sinh chứng kiến những thay đổi của ngôi trường…Viết lên, cho mọi người biết tình cảm gắn bó nầy đi Hoành Châu.

  4. Chúng ta, những người đưa đò cô đơn nhưng may mắn thay còn nhận được sự thương mến cùng trải nghiệm được tinh thần “tôn sư trọng đạo” của các em cựu học sinh mà chúng ta có cơ duyên gặp gỡ hoặc ở ngoài đời hoặc ở trên mạng. Tôi nghĩ, bạn cũng như tôi, những người tha thiết với nghề giáo, với học trò của mình xem đó như là một trong những phần thưởng quý báu mà chúng ta nhận được trong cuộc đời.

  5. Phong Tâm nói:

    Người đưa đò cô đơn, không cô độc, bởi dòng sông vẫn còn xanh ngát!

    Chỉ có một Lão tự cho mình an nhiên; sau mười lăm năm chánh thức làm ông lái, khi chèo gãy, lái rơi, ngồi bờ sông ngắm một mình thôi. Nhớ đò!…

     

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Nhà thơ viết phản hồi như một dòng thơ. Khi muội… bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông, lòng thật bâng khuâng huynh ạ !

       

  6. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Cô ơi,

    Thật là tình cờ. Ở VN Cô dạy 3 trường, em đã học tại  2 trong 3 trường đó. Với trường Trung Thu em cũng có biết và có kỷ niệm. Em cũng là người đưa đò và giờ ngồi nhìn dòng sông với những nỗi niềm khó tả.

    Trái đất bao la, con người nhỏ bé. Nếu có thể đến với nhau được ắt là do một chữ DUYÊN. Cô ơi, theo thời gian ký ức có thể mù sương nhưng tình cảm cô trò là rất rõ, rất thực, dù có phải cách xa nửa vòng trái đát.

    • Trầm Hương Ptt. nói:

      Cô còn nhớ trong một bài viết Nguyễn Hoàng Long , thuở học P.Ký đã đi ” thả dê” học trò T.T của cô bằng cách xem chỉ tay… Tuổi học trò hồn nhiên và quá dể thương…Mái trường là nơi chứng kiến những buồn vui của cả thầy lẩn trò . Phải không em ? Chính vì vậy trong tim ta, hồi ức về những ngôi trường …thật khó quên !

Trả lời Trầm Hương Ptt. Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác