NHÌN HÌNH CŨ LAN MAN NHỚ VIÊC XƯA

Ngày đăng: 12/09/2017 10:23:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)

Tôi bắt đầu biết chuẩn bị cho việc thi cử vào cuối năm lớp nhứt. Kinh nghiệm đàn anh truyền lại là sau tết phải để dành tiền lì xì để còn đi chụp hình gắn thẻ lập hồ sơ thi đệ thất.

Lúc ấy tỉnh lỵ Phước Long mới thành lập, cư dân chủ yếu là công chức và gia đình, rất ít dân thường nên không có tiệm chụp hình. Muốn chụp hình phải đi xe Lam một đoạn đường hơn chục cây số ra chợ Phước Bình mới có tiệm. Thế là ba người bạn chung lớp chúng tôi rủ nhau một sáng Chủ nhật đón xe ra chợ Phước Bình. Khi tôi và hai người bạn đến bên xe có tài sắp chạy nói với người lái chúng tôi muốn đi chợ Phước Bình, thấy chúng tôi lần khần không chịu leo lên thùng sau xe người lái xe nói, “Tụi bây đi tới bến (chợ Phước Bình) thì leo tuốt vào trong mà ngồi. Con nít lanh chanh mà đòi ngồi cabin để cho tao mang họa? Mà nè, một lát khách đông thì hai thằng ngồi chồng vào nhau nghe. Còn thằng kia cu ki (thuật ngữ bài tứ sắc có nghĩa quân rác lẻ), moi dưới gầm băng lấy cái thùng đồ dết ra mà ngồi!” Anh bạn lớn nhất bọn tính khôn tính dại đề nghị, “Hai đứa bây đưa tiền xe cho tao giữ để lát tao trả chung.” Tôi móc túi đưa anh ta 1 đồng, vì học sinh được giảm 50% mà giá tiền xe từ tỉnh lỵ ra chợ Phước Bình là 2 đồng. Người lái xe nói đúng thật, lúc rời bến xe đã đầy khách thế mà vừa đổ dốc Tư Hiền, cách bến hơn 2 cây số, đã có thêm khách đón xe đi. Người lái xe quay người ra phía sau nhìn về phía chúng tôi hất hàm. Hai đứa nhỏ con chúng tôi riu ríu đứng dậy, đầu tôi đụng trần xe đánh “cốp” đau điếng. Anh bạn tôi nhanh tay moi dưới gầm băng lấy được thùng đạn đựng phụ tùng nên có chỗ ngồi, tôi chậm tay đành phải ngồi lên lòng anh bạn bự con, thật ra là ngồi trên 2 cái đầu gối xương xẩu chụm lại. Trần xe thấp nên mỗi lần xe sụp ổ gà nếu không chú ý cúi đầu xuống sẽ bị đụng đầu lên trần, thế là suốt chuyến đi tôi phải ngồi khom lưng, nhưng cũng không tránh khỏi đầu đụng trần những khi xe sụp ổ voi! Lúc xe đến bến chợ Phước Bình người lái xe đứng chắn cửa thu tiền.

      _ Ba đứa, ba đồng.

      _ Nhưng tụi tui chỉ ngồi…

      _ Học sinh bớt 50%. Một đứa một đồng, ba đứa ba đồng!

Anh bạn tôi mặt ỉu xìu móc túi đưa 3 đồng trả cho cả bọn.

Phước Long thuộc vùng cao nguyên đất đỏ, lúc đó lại là tháng 2, tháng mùa khô nên bụi đỏ trời. Bụi bám đỏ tóc người, nhà cửa, cây cối, vật dụng, mọi thứ. Lúc nầy đã gần 10 giờ, chợ Phước Bình thưa người vì đã bắt đầu tan. Tiệm chụp hình là một căn nhà thuộc dãy phố trước chợ. Mặt trước tiệm đặt một tủ kính thật to trưng hình chân dung các cô gái đẹp có má hồng, môi đỏ chót, mắt sáng tóe sao, lông mi dài cong vút, các anh quân nhân oai dũng, đa tình, quý bà mặc áo dài cổ cao chỏi càm, cổ đeo dây chuyền mặt đá quý to bằng đồng 5 cắc, quý ông mặc áo vest ngồi bệ vệ trên ghế nệm. Đến trước chúng tôi là 2 chị đang chăm chú nhìn và bàn luận những hình cảnh “Bến Sông Xưa Em Vẫn Đợi”, “Sơn Nữ Chải Tóc Bên Bờ Suối” (không phải ni cô chải tóc bên bờ suối!) Phước Long chỉ có mỗi con sông Bé nhiều ghềnh, lắm thác làm gì có thuyền mà có bến? Và cũng vì là cao nguyên nên mùa khô từ trên bờ cao xuống được mé nước không phải chuyện đùa, sao không đợi nhau ở … lô cao su cho dễ? Còn sơn nữ trong hình cũng rất lạ, vai cũng có gùi, bên dưới quấn xà rông nhưng không giống những phụ nữ S’tiêng gùi bắp, măng đi bán đầy đường. Đối tượng quan sát của chúng tôi là những bức “Hiệp Khách Phong Trần”, “Tráng Sĩ Kiêu Hùng” … cầm đao, mang kiếm trông thật oai dũng, giống như vừa bước ra khỏi những quyển truyện kiếm hiệp. Sau khi hỏi mục đích của chúng tôi, chú chủ tiệm vạch tấm màn dầy, bụi đỏ, cho chúng tôi vào bên trong phòng chụp hình. Vật đầu tiên đập vào mắt tôi là cái máy chụp ảnh có 3 chân gỗ cao với tấm vải đen phủ bên trên, phía cúi phòng là vô số phông cảnh, cái được cuộn treo trên trần, cái có chân đứng được xếp gọn sát hai bên góc phòng, một tủ to chứa áo dài, áo vét, xà rông… Tôi bây giờ đã qua nhiều lần chụp hình, đã có kinh nghiệm, không như lần đầu xuất hiện trước ống kính sợ phát khóc khi thấy ông thợ chui vào dưới tấm vải đen loay hoay làm cái gì đó, mặc dù trước đó tôi đã rất hăng hái đến tiệm, vì để chuẩn bị buổi đi chụp hình mẹ mua cho đôi giày bec canard có mũi tròn như quả cà chua, cái áo kiểu áo vareuse của lính thủy màu trắng có cổ và viền tay màu xanh mà tôi rất thích. (Hình nầy chụp tôi rất tự nhiên, rất đẹp nhưng tôi dấu kín mấy mươi năm qua, không bao giờ đưa cho người nào xem vì kỳ lắm. Ai đời nam nhi đại trượng phu mà khóc nhè?) Những người chụp hình gắn thẻ được ưu tiên chụp trước vì đơn giản. Tôi theo hai bạn đến chỗ treo tấm gương to, cạnh tấm gương là cái kệ có để mấy cây lược, chai nước có cần xịt và một hộp thiếc dẹp đựng brillantine. Trước khi chụp hình chú thợ lấy một tấm bảng đen to bằng 2 bàn tay xòe của tôi gắn vào máy. Tôi được ngồi trên cái ghế đẩu cách máy ảnh khoảng 3m, sau lưng tôi là tấm màng trắng. Chú thợ sau khi “bẻ đầu, xoay cổ” cho tôi nhìn ngay về hướng máy ảnh đã dặn, “Cười lên cho tươi. Khi nghe đếm đến 3 là chụp.” Xong chú bước đến bật công tắc đèn bình chiếu sáng khuôn mặt của tôi (thời ấy Phước Long chưa có điện) rồi chui xuống dưới tấm vải đen nhưng tay trái đưa ra ngoài  làm dấu đếm 1, 2, 3. Biên lai tôi nhận là một phần trang giấy được xé ra từ quyển tập học sinh. Anh bạn kia cũng chỉ chụp hình gắn thẻ, còn anh bạn bự con lúc đó đang loay hoay móc hết túi trước, túi sau lấy tiền ra đếm. Ngoài hình gắn thẻ anh bạn còn muốn chụp thêm một vài hình cảnh. Kiểm xong tiền, anh bạn cùng chú thợ ra trước tủ kiếng để chỉ cảnh muốn chụp. Chú thợ phải gọi vợ ra giúp vì trong cảnh “Kiếm Khách Oai Hùng” kiếm khách đứng một tay chống hông, tay kia cầm kiếm mũi hơi chỉa xuống đất, trán kiếm khách quấn dải băng có gắn mái tóc giả búi củ hành có chừa đuôi gà, và phải vận cổ trang. Vì anh bạn tôi còn quá nhỏ nên trang phục phải được chỉnh sửa: bóp thân áo cho nhỏ, phải lên lai. Tất cả mọi việc bóp thân, lên lai… đều bằng kim tây. Chụp hình xong anh bạn rủ:

      _ Tụi mình đi bộ về chơi cho vui.

Tôi giảy nảy:

     _  Không được. Ba tao dặn chụp hình xong là đi về liền, không được la cà ngoài chợ. Mà cả chục cây số đi gì nỗi?

     _ Từ chợ Phước Bình vô tỉnh mà làm gì cả chục cây số? Đi với tụi tao cho vui. Thằng Chín cũng đi với tao.

    _ Thôi, tụi bây đi đi. Tao phải về.

Mấy hôm sau có anh bạn cùng lớp và sống cùng khu phố đến nói với tôi:

     _ Mầy lấy cho tao mượn cái quần tây dài mặc. Chủ nhật nầy tao phải ra chợ Phước Bình chụp hình.

    _ Nhưng tao ốm nhom, còn mầy bự như vầy làm sao mặc vừa?

    _ Thì mầy lấy cái nào lớn nhất cho tao mượn, mầy có 2 cái quần dài mà. (Trời đất. Tôi có 2 cái quần dài mà nó cũng biết!) Tao chỉ cần xỏ được cẳng vào ống quần, còn ở trên tao lấy dây buộc!

Thế là tôi nói bạn ra hàng rào phía sau nhà đứng chờ để tôi lén mẹ vào mở tủ lấy cái quần dài cũ nhất gói trong tờ báo đưa qua hàng rào cho bạn mượn. Lúc ấy tôi quên nói cho bạn biết chụp hình gắn thẻ chỉ chụp nửa người trên nên không cần mặc quần dài.

Hình chụp của tôi như các bạn thấy phải nói là một tuyệt tác nghệ thuật nhiếp ảnh. Một cậu bé 10 tuổi, đẹp trai, khả ái với đôi mắt bồ câu sáng ngời, hàng mi dài và thẳng “như hàng rào ấp chiến lược” (như nhiều người vẫn nói), nụ cười đờ mi chúm chím thu hút hồn người, với mái đầu xanh không rẽ ngôi và vạt tóc trước trán nhấp nhô như… sóng biển! Hình như sau đó chủ tiệm lấy hình tôi phóng to thêm để treo lên vách trưng vì tôi đã mở ra một style tóc mới. Tôi không nhớ sau vụ chụp ảnh ba má tôi có ra “làm việc”chú hớt tóc vì đứa con trai yêu dấu của họ, khách hàng mối của tiệm, tiệm hớt tóc lớn nhất tỉnh, mà sau khi xem hình có người xấu miệng nói, “Tóc hớt kiểu gì giống như bị… chó gặm!”

Ba má tôi có quan niệm, trẻ con không nên cho xài tiền sớm, chỉ cho sử dụng tiền khi đã được dạy qua, đã đủ chin chắn, biết làm chủ đồng tiền nên những việc như hớt tóc, sửa xe phải trả khá nhiều tiền ba má tôi đến tiệm dặn trước, khi cần tôi đến tiệm sử dụng dịch vụ rồi về nhà báo, cuối tháng ba tôi sẽ đến tiệm đó trả tiền. Tôi cũng không phải nói câu, “Má cho con 2 đồng đi học.” như một số bạn. Có lẽ họ huấn luyện tôi từ nhỏ để sau nầy lớn lên thành một người đàn ông đầy lòng tự trọng, sống có kế hoạch và điều độ, biết tự lo cho bản thân, sáng sáng không phải làm động tác đưa tay ra xin tiền. Ngay từ lớp tư tôi đã được “lãnh lương hàng tuần!” Cứ mỗi tối thứ bảy khi gia đình tập trung ở phòng khách quanh chiếc radio Philip Hòa Lan 3 băng, niềm hãnh diện của ba tôi (niềm hãnh diện này kéo dài không lâu vì sau đó có người hàng xóm mua cái Philip 5 băng bắt được mọi đài trên thế giới, khi sử dụng có đèn xanh đỏ nhấp nháy, nấp mặt trước máy kéo xuống sẽ thấy hình bản đồ thế giới), nghe truyền thanh cải lương. Khi chương trình tạm ngưng để quảng cáo thương mại ba sẽ hỏi chuyện học của tôi. (Thật ra động tác nầy thừa vì thầy cô là hàng xóm của gia đình tôi, gặp nhau hàng ngày, còn các cô giáo vẫn thường cùng má tôi đi chợ, nhất là vào những ngày cuối tuần.) Trong dịp nầy tôi được nhận “khoảng lương tiền túi” tiêu vặt trong tuần tới, và nếu trưng ra được tờ giấy danh dự có thứ hạng cao tôi sẽ được lãnh thưởng. Hạng 1 sẽ được thưởng cao hơn hạng 2… có giá biểu hẵn hoi. Giấy khen phải thi lục cá nguyệt mới có, còn thường thấy cô ghi kết quả học tập vào một quyển vở của tôi, ghi bằng mực đỏ, bên dưới có chữ ký. Một lần thi lục cá nguyệt tôi được hạng cao ba cho tôi tờ 20 đồng mới. Tôi cầm tờ giấy bạc lên xem thấy mặt sau tiền kỳ kỳ. Đem so với tờ 20 đồng cùng loại mới biết mặt sau tiền in thiếu bản. Tôi đổi tờ 20 đồng khác, xin ba cho giữ tờ tiền in thiếu làm kỷ niệm, và giữ từ năm 1966 cho đến giờ. (Tôi có tìm trong Net trang những người sưu tập tiền quý hiếm được biết tờ tiền của tôi có giá rất cao vì nó do một công ty lớn Châu Âu in, và sơ suất như vậy là cực kỳ ít xảy ra.) Trong 3 người con tôi là người làm ba má tốn khoảng tiền nầy nhiều nhất. Hai năm học Tống Phước Hiệp kết qua học tập của tôi có thể nói là tệ nhất, không lần nào được khen thưởng vì tôi không được sự quản lý của cha mẹ, một phần cũng vì ở tuổi mới lớn tôi có nhu cầu lớn khám phá, đi chơi, nhưng có thể  vì 2 năm học ở đây tôi đi chơi nhiều quanh TX Vĩnh Long, biết được nhiều điều để bây giờ có thể kể lại! Đỡ tốn khoảng tiền thưởng cho tôi thì họ lại phải tốn tiền mua những chai eau de cologne to bằng bắp đùi mang hay gửi về để tôi “pha nước tắm cho thơm!” Năm học đệ ngũ Tống Phước Hiệp vì ngồi bàn đầu gần cửa tôi hay lên văn phòng xin phấn cho lớp, và trong những lần ấy cô thơ ký trẻ, trắng trắng làm ở văn phòng trường thỉnh thoảng vẫn kéo tôi lại trìu mến xoa đầu gọi là “nai con”, có thể là do tôi khét nắng và hôi bùn vì đi chơi ngoài nắng, đi tắm sông suốt. Thật ra trước đó có một thầy (hình như dạy tại trường Nhất Linh) đã gọi tôi là “gà con”, còn anh bạn ngồi cạnh tôi bị thầy bắt gặp đang chơi dây thun trong giờ học nên được thầy thân ái gọi là “dây thun”. Tôi đã học được của thầy cách tìm điểm đặc biệt ở học sinh để ghép vào tên cho dễ nhớ được nhiều như: cậu ngồi cuối lớp tên Hậu, cô học trò ngồi bàn đầu tên (Thanh) Trước, cậu có khuôn mặt già “cao” Niên… bên cạnh những tên dễ nhớ của học sinh ban cán sự lớp do thường tiếp xúc, học sinh giỏi, học sinh phá. Nhờ khả năng nhớ được nhiều tên học sinh nầy tôi đã phá được nhiều “vụ án lớn”, thường xảy ra ở học trò như  tự ý đổi người khi được thầy cô hỏi bài. Tôi vốn kỵ từ trả bài nên thường nói với các em: “Thầy cô vốn rộng lượng nên cho là cho luôn, không bao giờ đòi lại. Để kiểm tra việc học của các em thầy chỉ hỏi bài. Kiến thức học được các em giữ lấy. Thầy không cần trả!” Có lần tôi hỏi bài một em nữ sinh hệ B (hệ bán công). Do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể xây thêm trường, xây thêm phòng học để tiếp nhận thêm học sinh, Sở Giáo Dục yêu cầu các trường mở hệ bán công (hệ B) thu học phí. Do đầu vào điểm thấp (rớt hệ A mới vào hệ B), lớp tồn tại do học phí thu của học sinh nên sĩ số lớp hệ B thường rất đông (phải hơn 60!) nên giáo viên không thích dạy những lớp nầy dù có thêm chút ít thu nhập.  Em nầy hôm đó không học bài có lẽ hôm trước nhà có tiệc tùng hay đi chơi vì vào lớp mặt còn dấu vết trang điểm (hay cố tình chừa lại?). Khi tôi gọi tên, nhóm bạn ngồi quanh em xôn xao rồi một em nữ cầm vở lên bàn của tôi để được hỏi bài. Dĩ nhiên là em nầy có học bài nên trả lời trôi chảy những câu hỏi. Dù đã biết học sinh đổi người tôi vẫn giữ vẻ mặt trầm tĩnh. Như thường lệ tôi phân tích, đánh giá những câu trả lời của em rồi khen “Giỏi”, cho 9 điểm, ghi vào sổ và mời em về chỗ. Trước vẻ mặt vui mừng của nhiều học sinh trong lớp (thật ra tôi cũng thấy vẻ thất vọng trên mặt một số em khác) vì nghĩ đã qua mặt được thầy, tôi gọi ngay tên học sinh đã lên thay thế bạn. Niềm vui trên mặt các em biến mất, lớp trở nên im lặng, mọi ánh mắt đổ dồn về 2 học sinh tự ý thay tên cho nhau. Lần nầy không học sinh nào dám thay thế bạn nên người vừa được thay thế phải cầm vở lên bàn của tôi. Không học bài thì làm sao trả lời được? Tôi đặt câu hỏi, nghe trả lời, phân tích câu trả lời sai, phê bình và ban “cây gậy Trường Sơn” cho em. Nhiều em bật cười và nhìn về phía “khổ chủ” thật sự đang ngồi phía dưới. Có lẽ học sinh các lớp hệ B từ đây hết dám giở trò thay người khi bị tôi hỏi bài.

Nguyễn Hoàng Long

———————————————————————

Tái Bút:

Với chú hớt tóc tôi có một chuyện vui, nhưng lại không được vui cho những người hay mua vé số.

Khi đến hớt tóc tôi rất ngạc nhiên khi thấy có tờ vé số đã cũ dán gần tấm kiếng to trên vách trước mặt. Phải sau một số lần đến hớt tóc, đã khá quen với chú chủ tiệm tôi mới dám hỏi về tờ vé số, “Sao chú lại dán tờ vé số ở đây?” Chú cho biết tờ vé số mua trong một lần đi ăn đám giỗ nên dán lên vách trước mặt để dễ dò, và “tuần nào cũng dò, nhưng dò đã hơn hai năm nay mà chưa trúng một cắc!”

unnamed (4)                       H1

20839108_475829679444650_1742865857_n                                      H2

20884840_475829686111316_1156850814_nH3

Có 16 bình luận về NHÌN HÌNH CŨ LAN MAN NHỚ VIÊC XƯA

  1. Trầm Hương Ptt. nói:

    Hoàng Long có trí nhớ thật tốt, lại gìn giữ kỷ niệm quá chu đáo. Ảnh hồi nhỏ  đẹp trai, nhất là cặp mắt, thông minh từ thuở ấu thơ ha !! Học trò làm sao qua mặt được thầy giáo như Nguyễn hoàng Long !!!

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Hồi nhỏ đẹp con nít, bây giờ đẹp lão, tui chưa thấy Hoàng Long đẹp trai nhen.

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Nói về tỉnh Phước Long là em biết chuyện của anh Hoàng Long , anh là người ở nhiều nơi học nhiều trường. Anh có trí nhớ rất tốt , lâu lắm rồi mới thấy tiền 20 đồng ngày xưa hiếm lắm đấy . Hình thuở thiêu niên đẹp trai  giống nhân vật An trong phim Đất Phương Nam . Cám ơn anh Hoàng Long đã cho thưởng thức môt  câu chuyện của ngày xưa rất thú vị .

  4. Cũng không lạ khi hình của Nguyễn Hoàng Long được chủ tiệm ảnh trưng bày, chắc chắn vì kiểu tóc lạ mà phía trước thay vì bằng phẳng như tóc bom bê của các cô bé gái, đàng này lại có hình răng cưa độc đáo.

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Dạ, cũng vì trưng ảnh em lên đẹp quá nên nhiều người không thích. Thế là năm 1968 “bùm”, khu chợ mất tiêu, kể cả tiệm chụp ảnh!

  5. Thật ngưỡng mộ trí nhớ tốt của anh Hoàng Long, nhớ vanh vách từng chi tiết và tuôn ra như suối trào…, thời thơ ấu của anh thật tuyệt nhỉ?
    Nó càng tuyệt hơn với, “Một cậu bé 10 tuổi, đẹp trai, khả ái với đôi mắt bồ câu sáng ngời, hàng mi dài và thẳng “như hàng rào ấp chiến lược” (như nhiều người vẫn nói), nụ cười đờ mi chúm chím thu hút hồn người, với mái đầu xanh không rẽ ngôi và vạt tóc trước trán nhấp nhô như… sóng biển!” rất tự tin nhé?
    Hiện rất muốn biết “xem dung nhan đó bây giờ ra sao?”
    Luôn vui và khỏe để sáng tác tiếp nhe anh!

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Muốn Xem dung nhan đó bây giơ ra sao? Dễ ợt! MyNhung Nguyen cứ dùng phép chiếu hình học với hình trong ảnh chụp năm 10 tuổi, còn bây giờ là U70! Và  còn cách thứ nhì nữa.

      • Dùng phép chiếu hình học thì sau 5o năm anh vẫn đẹp lão chứ gì, ăn gian quá đi! Thực ra nhan sắc một con người sau vài chục năm nó phụ thuộc vào hoàn cảnh sống rất nhiều: anh có hạnh phúc không, có thành công không, có khỏe mạnh hay không…và anh đang sống vùng ôn đới hay nhiệt đới nữa? Có lẽ anh nên cung cấp thêm những thông tin trên để em hình dung ra anh hiện nay nhé?
        Còn cách thứ nhì thì sao, nói nửa chừng ai mà biết?

  6. Hihi … mặt búng ra sửa . Tấm hình quý anh Hoàng Long ơi !

  7. Anh Hoàng Long anh ở Phước Long, có phải Phước Long ngày nay thuộc về Bạc Liêu không? Quê ngoại của đệ ở Phước Long nhưng chưa đến bao giờ vì ông ngoại đã rời đó về Vinh Long sống  lúc mẹ của đệ vừa lên 8. Dù không đến nhưng nhắc chữ Phước Long thấy vui vui. Anh kể chuyện xưa mà quá chi tiết, khâm phục.

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Bạn Phương mến,

      Tỉnh Phước Long mà mình sống là tỉnh Bình Phước ngày nay, nếu gọi theo tên thời xưa lắm rồi là vùng núi Bà Rá. Gia đình mình sống ở tỉnh Phước Long 8 năm, mình trải qua thời thơ ấu ở đó nên cũng biết đôi điều về vùng quê hương cao nguyên đất đỏ đó. Cũng vì thế khi bạn đố về cây Kơnia trên facebook mình tham gia ngay, nhưng có bạn đã giải đáp trước và đáp rất trúng nên mình chỉ có nước hụ hợ ăn theo. Thế mà cũng được bạn tặng sách. Mình biết đọc giả trang là những người tuổi sồn sồn trở lên nên khi viết mình mang vào bài thật nhiều chi tiết xưa, mà mình còn nhớ, để đọc giả bùi ngùi và bản thân mình cũng được sống lại NGÀY XƯA THƠ MỘNG ẤY.

Trả lời Nguyễn Hoàng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác