Giải Thoát ( The Saved )

Ngày đăng: 11/09/2017 09:56:36 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Năm năm sau ngày thành hôn, Salma vẫn chưa có được một mụn con để gỡ bỏ sự đố kỵ giữa hai gia đình; và để làm mối dây thắt chặt tình nghĩa vợ chồng; ví như bình minh là báo hiệu cho một ngày mới.

Ở mọi nơi trên đời nầy, người đàn bà hiếm muộn đều bị người ta xem thường; bởi tính ích kỷ thường khiến đa số đàn ông nghĩ rằng họ cần có con để nối dõitông đường.

Một người đàn ông có đầu óc hẹp hòi ích kỷ, luôn coi người vợ hiếm muộn của mình gần như là kẻ thù. Y ruồng bỏ, khinh miệt nàng, coi nàng như kẻ thù muốn giết hại y, và y mong nàng sớm chết đi cho khuất mắt. Công tử Bey Ghalib thuôc hạng người nầy. Cứ theo vật chất mà so sánh thì y cứng nhắc như thanh thép, tham lam tàn bạo như huyệt mộ. Khát vọng có được đứa con của y để nối dõi tông đường đã khiến y ghét bỏ Salma, mặc dù kỳ thực nàng là một cô gái đoan trang thùy mị.

Một thân cây sinh trong hang hốc thì không bao giờ đủ sức đâm hoa kết trái; Salma Karamy, người phụ nữ sống trong hốc hẻm cuộc đời nên khó lòng tránh khỏi số phận hẩm hiu.

Con họa mi nhốt trong lòng thì không muốn xây tổ, hầu tránh số phận tù đày cho lũ con thơ sau nầy; Salma là một tù nhân khốn khổ nên Trời dạy nàng không nên bày ra thêm một tù nhân nữa, e ngại số kiếp của nó sẽ giống như số kiếp nàng. Hoa thơm đồng nội là những đứa con sinh ra do tình yêu thương của Đất và Trời; con cái Loài Người là những đứa con kết tinh bằng tình yêu thương giữa Adam và Eva. Nhưng Salma không hề cảm nhận rằng mình có được sự thương yêu trong ngôi nhà tráng lệ, nằm trên bờ biển vùng ngoai ô thủ đô Beirut. Nhưng hằng đêm nàng âm thầm cầu nguyện Đất-Trời cho nàng xin một mụn con để làm nguồn an ủi.

Nàng vẫn tiếp tục cầu nguyện ngày đêm trong đau khổ cho tới một ngày kia Đất-Trời cũng đáp lại tấm lòng thành khẩn của nàng. Cuối cùng nàng cũng trở thành người mẹ, và xóa đi sự tủi nhục cho nàng.

Cái cây trồng trong hang hốc, cuối cùng rồi cũng đơm bông kết trái. Con họa mi trong lồng khởi đầu xây tổ bằng chính lông của mình. Salma Karamy dang đôi tay xiềng xích của mình ra để nhận lãnh món quà Đất-Trời ban cho.

Không gì trên đời nầy làm nàng cảm thấy sung sướng cho bằng khi Đất-Trời cho nàng được phép làm người mẹ. Nàng bồn chồn đợi chờ được nghe điệu nhạc tuyệt vời đó phát đi từ đỉnh Trời—tiếng khóc ban đầu của đứa trẻ—ngân vang trong tai mình.

Lúc đất trời vào Xuân thì cũng là lúc Salma nằm trên chiếc giường đang chuyển dạ đớn đau, nơi sự sống giằng co với cái chết, nơi Salma sẽ nhận lấy đứa con đầu lòng của mình. Bác sĩ và cô đỡ đã sẳn sàng trao cho đời một người khách ‘lạ’ . Gần nửa đêm, Salma bắt đầu rên la dữ dội; sự dằng co kêu khóc kéo dài cho tới gần sáng. Lúc rạng đông, Salma cho ra đời một bé trai kháu khỉnh. Salma bật mở mắt ra khi nghe tiếng khóc của đứa con vừa chào đời. Nàng thấy vẻ mặt mọi người xung quanh đều vui mừng hớn hở. Nhưng khi nhìn kỹ lại, Salma chợt nhận ra rằng sự sống và cái chết dường như đang giằng co nhau bên người mẹ. Lần đầu tiên Salma cất tiếng, “ Ôi, con trai ! Con trai cưng của mẹ !”

Cô đỡ quấn tả cho hài nhi và đặt nó nằm cạnh mẹ. Riêng người Bác sĩ thì thỉng thoảng lại lắc đầu và luôn liếc nhìn Salma, nét mặt trông có vẻ đăm chiêu tư lự.

image1Hình 1

Tiếng hân hoan vui mừng đã đánh thức người lối xóm. Họ rủ nhau chay đến chúc tụng người cha từ nay có kẻ nối dõi; nhưng Bác sĩ vẫn đăm chiêu nhìn  Salma và đứa bé với vẻ mặt không vui.

Gia nhân thì vội vã chạy đi báo tin vui cho công tử Bey Ghalib : rằng kể từ nay ông ta đã có người thừa kế. Trong lúc nầy, người thầy thuốc vẫn nóng bụng đứng ngồi không yên, đăm đăm nhìn Salma và đứa nhỏ, nét mặt thoáng có vẻ âu lo.

Ngoài kia, mặt trời đã lên. Salma bồng con cho bú; thằng nhỏ mở mắt nhìn mẹ lần đầu .Bỗng chốc, thằng nhỏ run lẩy bẩy và từ từ nhắm mắt. Bác sĩ liền bồng lấy đứa bé từ tay Salma, nước mắt hai dòng lăn dài trên đôi má ông. Ông lẩm nhẩm: “ Người khách lạ đã quay về lại với quê xưa chốn cũ.”

Đưa trẻ ra đi trong lúc người dân khu phố đang ăn uống hân hoan chia vui cùng người cha ở phòng khách. Salma, một bà mẹ bất hạnh, nhìn chăm chăm ông Bác sĩ và bật khóc, “ Xin Ông đưa con tôi lại cho tôi; tôi muốn ôm ấp nó.”

Mặc dù đứa bé không còn nữa; nhưng tiếng ly chén cụng nhau vẫn tiếp tục kêu vang ở phòng tiệc.

Thằng bé đến lúc tinh sương; và ra đi lúc mặt trời ló dạng. Ai có thể so sánh và biết chắc được thời khắc giữa lúc con người sinh ra và chết đi lại ngắn ngủi đến như thế ?

Nó được sinh ra bằng như một ý nghĩ; chết đi âm thầm như một tiếng thở dài, và  biến nhanh như chiếc bóng . Nó cho Salma nếm lấy mùi vị làm mẹ nhưng  không ở lại để vỗ về an ủi mẹ nó, đồng thời để cất bỏ bàn tay tử thần ra khỏi số phận hẩm hiu của Salma. Cuộc sống ngắn ngủi bắt đầu lúc đêm tàn và kết thúc khi ngày sắp đến; những giọt lệ như sương đêm rơi xuống từ Vô cùng, và chúng sẽ khô đi khi gặp nắng ban mai.

Y như viên ngoc trai mà dòng thủy triều ném lên bãi cát, rồi nó lại mang về  lòng biển khơi khi con nước rút đi.

Như một cái bông huệ từ nụ đời vừa hé nở, thì liền bị dẫm nát dưới bàn chân tử thần.

Một người khách quý Salma mà mong đợi đã đến; nhưng cuối cùng anh ta  lại cũng bước qua khung cửa ra đi mất dạng, để lại cho nàng nỗi sầu thiên thu vạn cổ.

Salma quay sang nhìn Ông Bác sĩ, nàng âu sầu thở ra và thét to, “ Xin Ông đưa con tôi cho tôi bế nó. Đưa con tôi lại cho tôi để tôi cho nó bú.”

Người Bác sĩ cúi đầu, nghẹn ngào, “ Thưa bà, cháu bé đã đi rồi. Xin bà bình tĩnh, và giữ gìn sức khỏe.”

Salma bật khóc thảm thiết khi nghe báo tin dữ. Nàng im lặng một hồi lâu, rồi mỉm cười sung sướng; nét mặt rạng rỡ vui tươi như thử nàng ngộ ra được  điều gì kỳ diệu mà trước đó nàng không hề biết. Nàng bình thản nói, “ Đưa con tôi cho tôi, dù nó đã lìa đời !”

image2Hình 2
Bác sĩ bồng xác đứa bé đặt vào vòng tay Salma. Nàng liền ôm chặt xác đưa con mình vào lòng ,quay mặt vào tường và nói với cái xác không hồn , “ Con ơi, con đến đây để đưa mẹ đi xa, đưa mẹ quay về với cố quân quê xưa ?! Mẹ đây con ơi ! Hãy dắt mẹ đi.Chúng ta nên giả biệt cái nơi tăm tối nầy !”

Chừng một vài phút sau, ánh nắng xuyên qua tấm màng cửa sổ và đọng lại trên hai cái xác, nằm bất động trên giường, bao phủ bởi đôi cánh tử thần.

Ông Bác sĩ vội vã rời khỏi căn phòng, đôi mắt đẫm lệ. Khi ra đến tiền sảnh, thì tiếng vui cười bây giờ đã biến thành những lời than oán buồn thảm. Nhưng Công tử Bey Ghalib vẫn tỏ ra điềm nhiên, không hề thốt một lời, hoặc nhỏ một giọt nước mắt. Y đứng bất động như pho tượng, và ly rượu vãn cầm trên tay.

image3Hình 3
Ngày hôm sau, Salma được khâm liệm  trong chiếc áo như chiếc áo  cô dâu, màu trắng. Xác của nàng được đặt nằm trong chiếc quan tài có lót vải nhung. Phần đưa con của nàng, áo liệm của nó là tấm lụa bà mụ quấn cho nó lúc chào đời, qan tài của nó là đôi cánh tay của người mẹ, huyệt mộ của nó là lòng ngực của người mẹ khốn khổ.

image4Hình 4

Hai cái xác nằm chung nhau trong một cổ quan tài. Cùng với đám đông, tôi kính cẩn đi đưa hai người về nơi an nghỉ cuối cùng; mặc dù đám đông không ai nhận ra tôi là ai và họ không thể đoán biết được tôi đang ưu tư và nghĩ ngợi điều gì.

Khi đám tang đến nghĩa địa, ông Tổng Giám mục Paul Ghalib đọc kinh trong khi các linh mục khác thì cầu nguyện với vẻ mặt ủ rũ, ơ thờ.

Khi hạ huyệt, một người đi đưa sụt sùi, “ Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến hai cái các chhết nằm chung trong một quan tài.”

Một người khác xúc động, lẩm bẩm trong miệng, “ Dường như đứa nhỏ đến để giải thoát mẹ nó khỏi bàn tay độc ác của người chồng.”

Người thứ ba vừa nói vừa gạt lệ lắc đầu, “ Hãy nhìn cái mặt của Công tử Bey kìa !. Y đang ngửa mặt nhìn trời, đôi mắt thủy tinh tỉnh bơ như thử y không phải là một người chồng mất vợ, một người cha mất con, chỉ trong một ngày.”

Người thứ tư thêm, “ Ngày mai, chú của anh ta, ông Tổng giám mục sẽ gá cho y một người vợ khác, giàu có và khỏe mmạnh hơn.”

Ông Tổng giám mục và các linh mục khác cùng đọc kinh cầu nguyện cho đến khi mấy tên đạo tỳ đắp xong nấm mồ. Lần lượt từng người đi đưa đám tiến đến tỏ lòng chia buồn cùng với hai chú cháu ông Tổng giám mục, còn tôi, tôi đứng chơ vơ một góc, chẳng ai có lời nào an ủi tôi như thử Salma và con nàng chẳng là gì đối với tôi !.

Những người đi đưa đã quay về nhà, người phu đào huyệt mộ, tay cầm sẻng, đứng bên nấm mồ mới đắp xong. Tôi tiến lại gần ông ta, làm quen và gạn hỏi, “ Bác có còn nhớ mộ của viên ngoại Faris Karama nằm ở chỗ nào không ?”.

Ông ta nhìn tôi một hồi lâu rồi đưa tay chỉ về phía mộ của Salma và nói, “ Tại chỗ nầy. Tôi đặt con gái ông phía trên, trên ngực nàng là đưa nhỏ con nàng, và trên cùng tôi dùng sẻng đắp đất lại.”

Tôi liền nói, “ Trong ngôi mộ nầy, Bác cũng đã chôn luôn cả trái tim tôi.”

Rồi chúng tôi chia tay.

Khi người phu khuất lấp sau rặng bạch dương, tôi không còn đủ sức đứng vững được nữa và quỵ ngả, úp mặt khóc nức nở trên nấm mồ của Salma ./.

Người dịch: Nguyễn văn Chương

Chapter X- The Saved

The Broken wings

Kahlil Gibran

LỜI DỊCH GIẢ

Đến đây coi như chấm dứt câu chuyện bi tình. Người dịch xin gởi tặng người quá cố — Salma Karamy và Gibran Kahlil Gibran—  hai câu ca dao như một chiêu niệm và an ủi :

Tóc mai sợi vắn, sợi dài,

Lấy nhau không được, thương hoài ngàn năm.

Tôi nói coi như chấm dứt bởi vì còn bài đầu : Nỗi Buồn U-Uẩn ( Chapter I : Wordless Sorrow ) , sẽ được giới thiệu tiếp theo.

Sáigòn, Ngày 27 tháng 8 năm 2017

Tức ngày mồng 6 tháng 7 năm Đinh Dậu.

Có 3 bình luận về Giải Thoát ( The Saved )

  1. Hoành Châu nói:

    Tuyệt phẩm bi thương !Cảm ơn Thầy , chờ xem tiếp Wordless   Sorrow  ( Chapter  ONE  )
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thế là kết thúc bi kịch tình yêu của đôi Uyên Ương gãy cánh.

    Đúng là thơ truyện hay thường buồn, thưa thầy Chương.

    Còn 1 chương đầu nhưng khi tác giả viết thì đảo ngược thời gian hở thầy?

    Xong tác phẩm này thầy dịch truyện vui vui đi thầy! Chúng em chờ đọc tiếp.

  3. Cám ơn thày Chương đã bỏ công sức dịch xong cuốn truyện The Broken Wings của Kahlil Gibran để chia sẻ với các anh chị em cũng như bạn đọc trang nhà.

    Cốt truyện thật hay nhưng thật bi thảm và dưới ngòi bút dịch thuật tuyệt vời của thày Chương, người đọc đã cảm nhận được tất cả nét đẹp lẫn bi thương của một cuộc tình không lối thoát.

    Cái chết của Salma và đứa con sơ sinh của nàng đã để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả nhưng đồng thời cũng cảm nhận được đó là điều may mắn cho Salma vì cả hai mẹ con nàng đã thoát khỏi được ngục tù giam hãm, không tình người để tìm về một cõi êm đềm, hạnh phúc bên nhau.

    Hy vọng thầy Chương sẽ hoàn thành cuốn truyện này dưới hình thức e-book trong một ngày gần đây để gởi đến tất cả các anh chị em cùng đọc giả trang nhà. Mong lắm thay!

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác