Chuyện cũ ở Cầu Mới

Ngày đăng: 7/09/2017 09:32:11 Chiều/ ý kiến phản hồi (20)

Anh Nhung tổ trưởng mời tôi đến nhà bác ba Bánh dự buổi họp. Khoảng nửa tiếng sau mọi người trong tổ tề tựu đông đủ. Anh Nhung giới thiệu ba người, chú Út Điểm là trưởng ấp của chế độ trước, vừa được tha, sau hơn hai năm cải tạo ở Bến Giá. Kế đến hai Thành là công an ấp và sau cùng là chú út Mỹ trưởng ấp mới. Sau khi giới thiệụ ba người liên quan đến buổi họp. Tổ trưởng cho biết hôm nay mời bà con đến, đóng góp ý kiến về việc hai Thành kiện trưởng ấp cũ, đòi lại hai ngàn đồng. Người xử vụ kiện là trưởng ấp mới út Mỹ.Tổ trưởng bắt đầu đọc đơn kiện của hai Thành.

Sau khi tổ trưởng đọc đơn kiện xong. Chú út Mỹ trưởng ấp mới hỏi: “Bà con có ý kiến gì không?.” Thấy không ai có ý kiến, tôi đưa tay lên. Chú út Mỹ cho phép, tôi nói:

– Tôi chỉ muốn hỏi lại hai Thành, để hiểu rõ hơn nội dung của tờ đơn. Hai Thành nói, cứ hỏi. Tôi hỏi hai Thành:

– Có phải lúc hai Thành 18 tuổi, theo luật định của thời trước, phải thi hành nghĩa vụ quân dịch. Nói gọn lại, là phải đi lính. Hai Thành nhờ chú út Điểm trưởng ấp cũ, làm giấy khai sanh sụt xuống còn 14 tuổi, nhờ vậy hai Thành không phải đi lính. Hai Thành trả cho chú út Điểm hai ngàn đồng. Bây giờ chế độ trước đã tàn rồi, không còn phải đi quân dịch nữa. Hai Thành khiếu nại, đòi chú Út Điểm phải trả lại hai ngàn, có phải vậy không?

Hai Thành trả lời, đúng vậy. Tôi nói với chú Út Mỹ trưởng ấp mới, tôi đã hiểu rõ đơn khiếu nại rồi, xin chú tiếp tục xử.

Chú út Mỹ lại hỏi tiếp:

– Bà con có ý kiến gì không? Sau mấy phút, mọi người vẫn yên lặng. Chú út Mỹ nói tiếp:

– Bà con không có ý kiến, vậy là tới phiên tôi xử: Tôi xử, HUỀ.  Tôi cũng lưu ý đồng chí hai Thành, không được khiếu nại chuyện này ra ủy ban xã, đích thân tôi ra trình việc này với ủy ban xã ngay bây giờ.

Chú út Mỹ xử huề, hai Thành lại “thò lõ” mắt nhìn tôi.

Tôi nghĩ, làm một giấy khai sanh sụt 4 tuổi, cũng như được hoản dịch 4 năm, sao chỉ tốn có 2 ngàn, chỉ bằng giá trị của 10 tô phở. Chắc chắn chuyện này có liên quan đến má tôi. Về nhà tôi kể cho má tôi nghe về chuyện hai Thành. Má tôi nói:

-Không biết thằng hai này, nó làm sao. Làm cái khai sanh như vậy, một trăm ngàn đồng, chưa ai dám làm. Chuyện đổ bể ra, ông quận, ông xã không cạo đầu sao. Bà ngoại hai Thành năn nỉ má quá, má cậy chú út Điểm làm dùm. Chú út Điểm thật sự làm dùm. Má đưa chú 50 chục ngàn. Chú không lấy. Má nhét vô tay chú.Chú nói, thôi  lấy 2 ngàn uống cà phê, cho chị vui. Mang ơn người ta không hết, lại đi kiện người ta.

Thật ra chú út Điểm là dượng của tôi, là chồng kế của người cô bà con của tôi. Chú trước đây cũng là người làm dưới quyền của ba tôi, nên má tôi nhờ, chú khó từ chối.

Mấy hôm sau tổ trưởng đi tìm tôi, căn dặn phải có mặt đúng ngày giờ để đi đắp lộ cho nghĩa trang liệt sĩ. Mấy lần trước chỉ đến nhà cho hay, lần này gặp mặt dặn dò kỹ lưỡng. Tôi thấy cũng hơi lạ, nhưng cũng không hỏi lại.

Phần đất được chọn làm nghĩa trang liệt sĩ, ngày xưa là sân vận động. Khoảng năm 1957 hay 58 vào ngày 26 tháng 10, tôi còn nhớ mang máng, ba tôi dẫn tôi xuống sân vận động này xem những cuộc tranh tài thể thao.

IMG_4127Khoảng trước năm 1953 chợ Tân an Luông cũng ở gần sân vận động . Lúc đó tên chợ là Hồi Luông. Tên xã cũng Hồi Luông. Đình gần đó cũng tên Hồi Luông. Bây giờ sao đổi thành đình Hồi Long?.

Khoảng năm 1953 chợ được dời về địa điểm chợ Tân an Luông bây giờ, nằm trong ấp 8 xã Tân an Luông. Thời điểm năm 53, ông Quản Ngọc có quyền hành lớn nhất xã, kế đến là ông xã Nén. Ông Quản Ngọc muốn dời chợ về ấp 7. Ông xã Nén muốn dời về ấp 8. Không biết lúc đó hai ông thương lượng như thế nào, chợ được dời theo ý ông xã Nén.

Từ Vĩnh Long đi xuống Cầu Mới, vừa qua cầu, bên trái là ấp 7, bên phải là ấp 8. Nhà ông Quản Ngọc là căn nhà đầu tiên ngay dốc cầu phía ấp 7. Đối diện  nhà ông, tức là phía bên phải dốc cầu là Công Sở xã.

Trước năm 1975 quân đội giải phóng giựt sập Cầu Mới. Năm 1985 chánh quyền Cách Mạng xây lại Cầu Mới. Công Sở xã và cả dãy nhà dọc theo lộ bên phải bị dời đi nơi khác. Nhà tôi và cô 9 dọc theo lộ nhưng phía bên trái, cách nhà ông Quản Ngọc 7 căn, không bị dời. Trước khi xây cầu tôi rời Việt Nam. Buổi tối có người đến gõ cửa quấy phá, cô 9 phải bỏ nhà đó, đi qua ấp 8. Căn nhà đó do chính tay tôi cất lên. Tôi chèo tam bản từ Cầu Mới lên  đến Cầu Lộ mua gạch bông và vật liệu xây cất.

Ngay lúc tôi còn ở nhà, buổi tối có người leo lên nóc nhà. Tôi đã biết rồi, cô 9 khều nhè nhẹ. Tôi nói lớn lên: “ngủ đi, lo gì, ai mà ngu để tiền bạc trong nhà. Buổi tối mang vô chợ gởi hết rồi.”

Nhà có tủ sắt, buổi tối tôi mở toang tủ sắt, ai có vô, khỏi mất công tra khảo. Tiền bạc tôi nhét ngay dưới ngạch cửa trước, nhưng không bao giờ nói cho cô 9 biết nơi tôi dấu tiền mỗi tối.

Có lần, để tất cả tài sản vào chính giửa 1 trong 10 bó lá dừa. Một toán người vô nhà lục soát, mở “ngẩu nhiên”, không theo thứ tự, 6 trong 10 bó. Không tìm thấy gì hết, họ không mở nữa. Đúng là vận còn may.

Khoảng năm 1959, lúc đó tôi đã biết đọc, biết viết. Tôi đọc một giấy gì đó do ông xã Nén ký, tên ông là Đăng Long, tôi không nhớ rõ họ. Chức vụ lúc đó của ông xã Nén là chủ tịch xã, sau này đổi  danh xưng chủ tich xã thành đại diện xã, sau cùng là xã trưởng.

Vào khoảng thời gian cũng gần gần năm 1959, người con thứ 5 của ông xã Nén đi vào kháng chiến. Tôi còn nhớ rõ, từ nhà ông có thể quẹo trái, ra đón xe đi Sài Gòn. Ông lại quẹo phải đi ngang qua phố chợ, mọi người bàn tán, ông đi Sài Gòn đăng báo, từ chối trách nhiệm về đứa con, để tránh mật vụ theo dõi. Ít lâu sau thì ông từ chức.

Đứa con thứ 6 của ông xã Nén học Tống phước Hiệp trước tôi 3 lớp, tôi thường gọi bằng chú. Bà nội tôi nói, có bà con với ông xã Nén gần lắm. Tôi phải gọi ông xã Nén bằng ông.

Đứa con kế của ông xã Nén tên Sơn, tôi gọi bằng thằng, vì học chung lớp với tôi. Những đứa em của Sơn lại gọi tôi bằng anh. Lên  học Tống phước Hiệp, Sơn học sau tôi 2 lớp, chung lớp với Mỹ Phước. Sơn cũng là học trò của cô Hồng Khanh. Học xong Tống phước Hiệp, Sơn trở thành sĩ quan không quân của chánh quyền trước.  Sau năm 1975 Sơn làm Quản Lý chợ Bến Thành cho chánh quyền Cách Mạng. Một trong hai người anh của Sơn, tôi không rõ chú 5 hay 6 tiếp quản quận 1, Sài Gòn. Sang năm sau,căn nhà của Sơn, là căn nhà đầu tiên ở Cầu Mới được xây cất lại khang trang. Nhà tôi càng ngày càng tệ, dù có tiền cũng không sửa được. Bờ sông Mang Thít phía chợ Cầu Mới, càng ngày càng bị sạt lở. Chợ Cầu Mới sẽ dời sâu vô trong, dãy phố chận đường dời chợ, phải dời đi trước, trong đó có nhà của tôi. Xã đã cho biết khoảng 20 năm nay, nhưng chưa biết lúc nào dời.

Khoảng năm 73 tôi xuống Bạc Liêu nhờ người thím, quen thân với ông tỉnh trưởng Điệp, dẫn tôi vào gặp ông tỉnh trưởng, xin giấy giới thiệu đến gặp những thương gia, để xin đăng quảng cáo trong tờ đặc san. Tôi đã có giấy của không đoàn giới thiệu xuống gặp tỉnh trưởng rồi. Nếu gặp được tỉnh trưởng, chắc chắn tỉnh trưởng sẽ ký, vì bên không quân biệt phái cho ông chiếc L19.  Tôi chỉ phòng hờ trường hợp những người ở ngoài văn phòng không cho gặp tỉnh trưởng, nên nhờ người thím dẫn đến. Vừa đến nơi tỉnh trưởng làm việc, hình như gọi là tòa hành chánh, gặp ngay chú Hổ, người con thứ 6 của ông xã Nén. Chú dẫn vô gặp tỉnh trưởng liền. Chú giúp tôi, tôi cám ơn chú, nhưng lúc đó lòng tôi cảm thấy hoang mang.

Tôi  kể chuyện này cho anh Lưu Vĩnh Khương nghe. Chức vụ cuối của anh Khương là chánh văn phòng tổng thống, nên anh biết nhiều. Anh nói, ông Điệp cũng làm việc cho hai bên như chú Hổ của Hưng.

Ông xã Nén nghỉ, ông thầy thuốc bắc Lê Công Truyền lên thay. Chợ Cầu Mới được xây lại như bạn Tô Quốc Quang bên Úc đã biết. Chợ cầu Mới được xây lại vào năm 1960, không phải được xây vào thời Tây như bạn nghĩ. Chợ cũ lợp lá, thấp lắm, hồi nhỏ tôi có thể trèo lên cây cột, chuyền bằng tay như con khỉ theo cây xuyên qua cột kia.

Bạn họ Tô, quê Cầu Mới định cư ở Úc, biết chắc bạn là con cô 4 tiệm hột Kỳ Thạnh, nhưng không biết bạn là Khén, Uông thợ bạc (xin lỗi, tôi không biết viết chữ “Uông” như thế nào), Vinh “đá gà” hay là người em Út có bắp thịt ở cánh tay thật to, thường kéo tay với tôi, lúc nào tôi cũng thua.

Khi sửa soạn xây chợ, xã cho đổ một đống cát thật to ngay miếng đất, sau này tiệm hột Kỳ Thạnh đã xây trên một phần của miếng đất đó. Đống cát to là nơi chúng tôi đến vọc cát trong mấy tháng trời. Kế bên đóng cát là một cái hồ, nhà của ông xã Nén và nhà của thầy giáo Mân dạy lớp nhì quay mặt ra cái hồ này. Kế bên hồ là hai phòng học cho ba lớp năm, tư và ba. Kế bên trường học là tiệm cây Tân Hòa của Nguyễn Thị Bé NK 75. Nghe nói khóa này không có ngày chia tay lúc bải trường, không có kỳ thi tốt nghiệp?

Kế bên tiệm cây Tân Hòa là cây cầu, bước qua cầu một đoạn là hai phòng học cho lớp nhì và nhất. Đến năm 1962 xây trường học mới, là trường học bây giờ. Lúc đó tôi học lớp nhứt, và được thầy Tuyết chọn vào toán sơn trường. Thầy Tuyết quê ở Vĩnh Long, nhà thầy ở dãy phố bà Thông Vịnh. Lúc đó thấy thầy “đeo” theo cô Hoàng dạy lớp nhì quê ở Trà Vinh. Không biết mộng của thầy có thành không?

Sau năm 75 tôi được tập trung ngay lớp nhứt, ngày xưa tôi đã học. Tôi nhớ lại, lúc sơn trường, tôi viết tên tôi và ngày tháng phía trên cây ngang. Tôi định leo lên coi lại, nhưng nghĩ lại, lúc leo, mấy ông du kích thấy, tưởng trốn trại, bắn cho một tràng AK lủng bụng, nên thôi.

Sau này nữa, xã muốn xây trường trung học, nhưng không tìm được địa điểm nào tốt hơn bên Tân Long Hội. Nên trường trung học do xã Tân An Luông đóng góp nhiều nhất, được xây bên Tân Long Hội, đó là trường trung học của Phan Lương học sau này.

Ngày đắp lộ cho nghĩa trang đến, người trong tổ đứng ở sân chợ chờ tổ trưởng. Tổ trưởng đến, điểm danh và đợi lịnh công an ấp Hai Thành, mặt hầm hầm đang đứng gần đó. Công an hai Thành bắt đầu dẫn toán đắp lộ đi. Tôi đi sau nhất, ngang nhà cô hàng xóm, cô chạy ra nói, đợi em đi với. Cô trở vô lấy hành trang. Tôi nói với cô sao hồi nãy không ra điểm danh. Cô nói, có nói với tổ trưởng từ hồi sáng rồi. Đi một đoạn, cô hàng xóm đề nghị:

– Anh vô chung toán với em, em nấu cơm cho anh ăn.

– Như vậy phiền quá.

– Có một, hai ngày mà phiền gì.

– Anh không thích làm phiền ai một hai ngày. Có làm phiền ai, anh thích làm phiền cả cuộc đời.

– Anh nói gì em không hiểu. Tôi nhe răng khểnh ra cười và nghĩ, cô không hiểu, hay giã vờ không hiểu càng tốt. Tôi không lập lại. Biết đâu cô hiểu, tôi thêm một tội nữa. Đời tôi có nhiều tội rồi.

Đi đến dốc cầu Gò Ân, tôi thường gọi là cầu Gò Ân. Trong hình cây cầu này của Nguyễn Gương chụp mấy năm trước, khi Nguyễn Gương đi xuống đình, thấy tên cầu là  Rạch Dầy.

Tôi từ giả cô hàng xóm, bước vô quán 9 cô. Cô hàng xóm nói, hồi sáng thấy anh uống cà phê rồi, bây giờ anh uống nữa.

Vừa bước vô quán, 3 thằng bạn đã đến trước, cằn nhằn, đi với gái chậm như rùa, tưởng mê mồi quên hết rồi chớ. . Đủ 4 tay, chúng tôi bắt đầu gọi rươu và mồi ra nhậu.

Đời có gì vui hơn, có bạn có rượu, “thiên bôi thiểu”, phải không anh Cả? Hôm đó chúng tôi không uống đến ngàn chén, khá lâng lâng rồi đi lảnh phần đất.

Bốn đứa tôi đi qua cầu, tiến về hướng nghĩa trang. Vừa đi vừa ca hát ngêu ngao. Đến nơi, công an ấp hai Thành dạy dổ sơ sơ, rồi dẫn chúng tôi đến lãnh phần đất. Hai Thành chỉ cho chúng tôi, một cái mương. Chúng tôi phải đắp đầy cái mương và cao hơn mặt đường cũ 2 tấc rưỡi. Tôi đến hỏi cô hàng xóm, cô nói phần đất của cô và của tất cả mọi người là bốn mét chiều dài, hai mét chiều ngang, đắp lên 2 tấc rưỡi. Như vậy mọi người phải đắp hai mét khối đất. Chúng tôi, “thép đã tôi” rồi, đắp hai mét khối đất cũng ớn. Làm sao cô hàng xóm làm nỗi?

Tôi đến gặp ba tên kia, tôi nói:

– “Giang thâm chung hữu để”, còn cái mương này chẳng biết đáy ở đâu. Đào cục đất bỏ xuống mương, cục đất sẽ chìm mất. “Chỉ tiêu” bốn thằng phải đắp 8 mét khối đất. Lấp đầy cái mương này, 50 mét khối đất chưa chắc đủ. Lắp đầy cái mương, cũng không đắp cao thêm 2 tấc rưỡi, vì chân quá mềm. Thôi, “chẩu”. Tôi quảy túi đi về.

Công an ấp hai Thành chạy theo hỏi:

– Anh đi đâu?

– Về

– Anh đi về, tôi bắn anh.

– Bắn thì bắn, về thì về. Tôi đi về chẳng ngó lại phía sau. Lúc đó rượu cũng bắt đầu thấm, thấy đường đi quay quay. Chẳng biết hai Thành có bắn không. Tôi thấy trong chưn vườn, có người chạy ra, la lớn.

Chân nam đá chân chiêu, cũng về đến quán 9 cô. Người ta đặt tên quán là 9 cô, vì trong quán có 9 cô gái, Oanh, Yến, Tiến, Phúc, Chung, Thủy, 3 cô bé nhỏ sau tôi không nhớ tên.

Tin tức loan truyền đến quán như thế nào, tôi vừa bước vô quán, mọi người chạy ra nhìn tôi. Oanh kêu tôi vô trong nhà sau ngồi, pha cho tôi ly trà gừng. Tí sau Oanh bưng lại cho tôi tô cơm, kêu tôi ở lại đừng về, có thể công an tìm tôi. Tối đó thêm một chầu nhậu phía nhà sau kéo dài đến gần sáng. Buổi nhậu này Oanh đải, không tính tiền. Sau này Oanh cũng chơi đẹp lắm. Nhà Oanh có tiệm may khá lớn dưới dốc cầu Bông. Sau năm 75 hồi hương về Gò Ân, Cầu Mới. Ở Gò Ân khoảng 5 năm, ba Oanh mất, 2 đứa em gái lấy chồng vùng Gò Ân. Má Oanh và mấy đứa em trở về vùng cầu Bông Sài Gòn. Không biết Oanh còn nhớ chuyện Cầu Mới ngày xưa không?

Mấy ngày sau nghe nói công an ấp hai Thành bị cho nghỉ việc. Vậy là hai Thành đã bắn, nhưng không biết chỉ bắn thị uy hay bắn thiệt. Hay là nhờ oan hồn của chị có nấm mồ ở phi trường Trà Nóc bay qua, đẩy dùm họng súng cao lên. Sau đó ông trong chưn vườn chạy ra can thiệp kịp, hai Thành không bắn nữa.

Hoàng Hưng

 

Có 20 bình luận về Chuyện cũ ở Cầu Mới

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bài viết hay từ tên tựa ” Chuyện CŨ ở Cầu MỚI ” , hay đến nội dung, đến cách diễn đạt, khen hoài cũng kỳ, Út Hưng hén.

  2. Hoành Châu nói:

    Vậy là mạng  anh ÚT còn lớn quá , chắc gan dạ là nhờ có chút rượu , đi  liêu xiêu nên đạn bị lạc , lại có người kịp thời cản ngăn ,,,đó là những yếu tố phù hợp thật vô vi  ?
    Hoành Châu (Gia đình C  )

    • Hoàng Hưng nói:

      Không phải đâu Cát Cát ơi. Không phải “gan dạ là nhờ có chút rượu”, phải nói là, quá khùng vì có chút rượu, nhưng mà: “Cho anh phát súng tim anh nát. Nhưng anh tin số phận anh còn”  (CAPSTAN)

  3. Nguyễn Gương nói:

    Đọc hồi ức của anh nghe như tuổi trẻ sống lai. Hơn 4o năm rồi còn gì, bản thân lại là nguời CM..Sau chiến tranh có những cái ” đòi nợ” buồn cười, cắc cớ là những việc nhờ  đều có hiệu quả. Phải chi nguời ta áp đăt, cưỡng đoạt thì không nói…Chỗ anh lao động xưa bây giờ là trường bắn, cũng xử tữ mấy lần , con bé gần út của các con ông Tư thợ may sau này đẹp nổi tiếng xứ ta, mấy chị có chồng ở lại , gia đình đã trở về SG…Lâu lâu nghe anh nhắc lai chuyện cũ thấy đả làm sao, khi phần lớn người trong cuộc mình đều biết.

    • Hoàng Hưng nói:

      Vậy là Cầu Mới cũng có pháp trường, điều hơi buồn. Thế giới từ từ tìm cách bỏ án tử hình. Bao giờ tới Việt Nam?

  4. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Con người ta có số hết phải không anh Hoàng Hưng, người làm sai phải bị trừng trị chứ,tôi quê ở xã Xuân Hiệp cách Tân An Luông khoảng 6km đường chim bay, hồi chiến tranh tôi từng theo gia đình tản cư ra Cầu Mới ở và học tại trường tiểu học Tân An Luông học chung với bạn Hào, 10 Tạ tiệm vàng, Ngọc Hoa con anh 6 thợ bạc, Mai.v.v..năm học lớp 3 và sau đó là lớp tiếp liên . Năm 1968 thi vào đệ thất Tống Phước Hiệp và học chung với Bé Hòa Hiệp con chủ trại cưa Tân Hòa nghe anh kể thì có nghe tên ông xã Nén và biết những địa danh anh nhắc đến còn có cô bạn thân nhất là Kim Cúc nhà ở ấp 7 Tân An Luông, đọc bài viết của anh nhớ lại những hồi ức xưa gian nan và vất vã.

    • Hoàng Hưng nói:

      Mười Tạ là em cô 9. Khi anh Hưng đi rồi, cô 9 cất tạm căn nhà nhỏ sau nhà 10 Tạ. Bé cũng có thời gian ở Cầu Mới, vậy cũng là người đồng hương. Chào mừng người đồng hương.

  5. Phan Lương nói:

    Ôi ! Nghe anh Hoàng Hưng kể về Cầu Mới mà em nhớ quá đi thôi

    Cầu Mới của một thời tuổi nhỏ mà em đã sống. Em biết nhà ông Ngọc có vợ là dì 9 sau giải phóng bán quán nhậu ngang nhà thờ .Em biết tiệm hột kỳ thạnh , biết nhà ông xã nén , nhà thầy giáo Ký , thầy chích , tiệm may, tiệm tạp hóa của bác sáu Tân Thành, tiệm vải của dì chín má của Thu Hà bạn học cùng lớp em , tuêmj Nhơn hòa hưng ,… ôi nhớ như in

    Vậy là khi anh đi đào kinh ở Tân Long Hội là em đang học lớp 3 của cô giáo Nhành tiệm thuốc tây. Năm 74 em thi vào lớp 6 của trường TH Tỉnh hạt Tân Long Hội và đổ hạng nhì

    Hôm đi sn trang nhà em có gặp chị Bé Hòa hiệp. Chị nói  chị là con bác tư Tân Hòa ( trại cây bên sông đối diện )

    Trong đầu của em nhớ như in từng dãy phố , từng cửa tiệm anh à. Nhiws lắm !

    • Hoàng Hưng nói:

      Sau khi anh rời Việt Nam, cô 9 mở tiệm vàng 10 Tạ tại căn nhà của tiệm Nhơn hòa Hưng ngày xưa.

      Phan Lương gọi Bé Hòa Hiệp hay Bé Cầu Mới đều đúng. Ba của Bé là bác ba Tân Hòa, không phải là bác tư. Người ở Cầu Mới thường gọi là Bác Tân Hòa ba. Bác tư Tân Hòa có cơ sở buôn bán ở Sài Gòn và Vĩnh Long, người Cầu Mới gọi là Tân Hòa tư.

      Phan Lương gọi Bé Hòa Hiệp cũng đúng, không phải là Bé có trại cưa ở Hòa Hiệp. Bé vềquê chồng Hòa Hiệp. Chồng Bé học Tống phước Hiệp cở với anh, đi học tên Khỏe, ở nhà gọi Việt Nam. Em trai của Khỏe là em rể của anh.

  6. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Cám ơn anh Hoàng Hưng xem tôi như là đồng hương tuy hồi ở Cầu Mới tôi còn nhỏ nhưng vẩn nhớ tiệm Hồ Kỳ ở kế bên tiệm của chị 2 Lượm con cô 4 Ấu hồi ấy ba tôi có thuê một  căn nhà nhỏ của bác 9 Cốm để bán tạp hóa và chị tôi may đồ.

    • Phan Lương nói:

      Hi hi

      Chị Bé nhớ tiệm Hồ Kỳ , kế bên là tiệm may cô Hai Lượm , 9 Cốm… nếu trở về phía bên phải tiệm Hồ Kỳ là tiệm tạp hóa chú 5 Nhuận là tới nhà em đó chị Bé ui .Chị có biết em hong dị ?

       

    • Hoàng Hưng nói:

      Bé có thời gian ở Cầu Mới, vậy đúng Bé là người đồng hương rồi. Anh còn nhớ, có một dạo nhà bác 9 cốm có đông người lắm. Trước cửa bác 9 cốm, dưới mé sông lúc nào cũng có rất nhiều ghe xuồng, bắt đầu từ nhà ông thầy Hoạch là ông nội của Nguyễn Gương chạy dài đến tiệm hột Kỳ Thạnh. Bây giờ đổi đời, dưới mé sông không còn một chiếc ghe, xuồng.

  7. Nguyễn Gương nói:

    Sao Phan Lương không kể đến hết dải nhà, cuối là tiệm thuốc bắc của Thầy Hoạch cũng từ XH tản cư ra.

  8. VÕ THI LÀI nói:

    Đọc chuyện ” Chuyện Cũ Ở Cầu Mới ” của anh Hoàng Hưng em rất thích, chuyện dẫn dắt người xem từ giai đoạn, chuyện xưa, chuyện nay rất thú vị. Em không ở Cầu Mới chỉ nghe tiếng thôi, nhưng qua câu chuyên của anh em biết những địa danh, con người, cuộc sống ở Cầu Mới . Đọc đoạn anh công an  Hai Thành chạy theo hăm bắn anh lúc anh bỏ ra về thật là hồi hộp, nhưng cuối cùng không sao.cũng mừng. Có dịp anh Hưng viết về thời mới qua ở xứ lạ quê người cho tụi em biết nhé !

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài đã đọc hết chuyện Cầu Mới. Không biết sao, ngày xưa quá khùng, dám đùa với công an.

      Mai mốt viết chuyện qua Mỹ đánh lộn, chịu không?

  9. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Em Phan Lương phải em ở tiệm hột Tân Thành không vậy, lúc chị ở Cầu Mới còn nhỏ quá chỉ đi học nên cũng không nhớ chi tiết lắm.

     

    • Hoàng Hưng nói:

      Phan Lương ở kế tiệm hột Tân Nguyên, không phải là Tân Thành. Sau này tiệm hột Tân Nguyên dời về xóm Củi, Chợ Lớn. Thỉnh thoảng anh có ghé thăm dượng ba Tân Nguyên. Dượng ba Tân Nguyên là ân nhân của nhà anh. Thí dụ như, có một lần anh thấy dượng ba nói với ba anh, sắt sẽ lên giá, chỉ cần ba anh ký vào giấy, muốn nhập cảng bao nhiêu tấn. Sau đó dượng ba sẽ mang về Chợ Lớn lo hết mọi việc. Sắt lúc mua giá 7 đồng một ký, lúc sắt nhập cảng về lên giá gấp đôi.

      Một lần ghé thăm dượng ba, hôm đó dượng ba dẫn anh đi ăn uống lâu lắm. Tuần sau hay tin dượng ba bị đột quỵ. Qua Mỹ gặp lại gia đình dượng ba, ở cách anh khoảng 40 cây số, thỉnh thoảng anh cũng ghé thăm. Dượng ba nằm 30 năm, dượng qua đời cách đây khoảng 10 năm.

  10. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Anh Hoàng Hưng thân mếm em đã nói nhớ không hết  nên viết sai tên tiệm nhớ mại mại, Tân nguyên hay Tân thành vậy mà, em biết  dượng ba là người Hoa hồi ấy giàu có lắm xây nhà lầu ở chợ cầu Mới mà em đã vào tiệm mua hột vịt lộn cho cô giáo của em sau đó dượng về Sài Gòn thì em có  nghe nói nhưng không biết gia đình dượng qua Mỹ sinh sống, nhà dượng cách nhà anh 40km quá gần nhau rồi.

  11. “Chuyện cũ ở Cầu Mới”, anh dùng từ hay quá! Anh kể lại thật rõ và chi tiết những câu chuyện quê anh rất sống động, bái phục nhé! Qua bài viết đã cho độc giả thấy được những vui, buồn lẫn lộn của anh thời ấy, có những kỷ niệm đẹp đáng lưu giữ suốt đời, có những kỷ niệm đáng quên cho lòng thanh thản anh ạ! Em là người khác tỉnh, chỉ đi ngang qua và biết nó là Cầu Mới khoảng gần đây thôi.
    Cám ơn anh thật nhiều, đã cho mọi người biết rõ những chuyện cũ ở Cầu Mới.
    Chúc anh luôn vui và khỏe để sáng tác tiếp nhé!

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác