Cuộc hội ngộ câm

Ngày đăng: 7/08/2017 10:28:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Âm thanh náo nhiệt và những bài hát vô hồn, nhạt nhẽo như tra tấn người nghe! Người người, từ bạn bè cô dâu chú rể đến bà con quyến thuộc… ai nấy đều tranh nhau micro để bước lên sân khấu, mỗi người mỗi cách, ca hát, lắc lư nhảy múa để thể hiện cái tôi của mình.

DSCN0086

                                                                 ảnh minh hoa của LM

Có lẽ đó là cơ hội để họ phô bày “kỹ năng”, giải phóng những ức chế cá nhân thường ngày bị chôn sống giữa đám đông vô danh, lạc lõng trong lòng đô thị.

Hình như đám cưới nào cũng vậy! Tổ chức nơi đâu cũng thế! Công nghệ cào bằng đều có một công thức và quy trình có sẵn; nơi nào cũng giống nhau, đám cưới nào cũng na ná. Nhận được thiệp mời, đến chờ cả tiếng vì ai cũng đến trễ. Nghi thức vội vàng, hấp tấp. Ngôn từ sáo rỗng. Nơi đâu, lần nào sự ồn ào phản cảm vẫn luôn là hằng số. Khai tiệc trễ, thế nhưng sau “giờ thứ 20” thì thức ăn dọn ào ạt, trái cây, tráng miệng liên tục bưng ra, vội vội vàng vàng để đuổi khách phải rời bàn trước 21 giờ.

Gặp lại mấy người bạn cũ sau thời gian dài bặt tin nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng nhưng thời gian và không gian không cho phép nói chuyện được nhiều. Tiếng hò hét, gào rú từ sân khấu cùng những tiếng dzô dzô liên tục áp đảo mọi câu chuyện tâm tình.

Sau khi cố gắng nói vào tai mà vẫn không nghe rõ, chúng tôi đành trao đổi qua nụ cười. Tuấn nói: “Ồn quá. Hôm nào rảnh gặp cà phê đi?”. Thành chụm đầu hai ngón cái và trỏ của bàn tay phải theo hình chữ O đưa ra trước mặt: “OK”. Còn “đại gia” Sơn mặt lầm lì, anh vốn ít nói, cũng mỉm cười “Được quá đi chứ!”. Vậy là vui, bạn bè cũ, lại là đồng hương… chắc hôm đó sẽ có bao điều để nói.

– Nè Trung, tài khoản Facebook của mầy tên gì?

Khi Tuấn hỏi, Thành và Sơn đều có ngay thông tin. Còn tôi thì ú ớ. Lâu nay cũng có nghe nói về Facebook nhưng vẫn chưa dùng. Thấy thái độ lúng túng của tôi, Thành bảo tôi lấy giấy ra ghi rồi giải thích: “Ngày giờ hẹn, địa điểm trao đổi qua “inbox” cho tiện”!

Kể từ khi xuất hiện các mạng xã hội, bạn bè, người quen gặp nhau hình như chẳng còn hỏi thăm địa chỉ hay số điện thoại mà chỉ hỏi “tài khoản Facebook”!

Thực ra thì cũng đúng thôi! Khi chỉ qua cú click chuột mà mọi người có thể liên lạc, thăm hỏi, trao đổi thông tin và ôm trọn thế giới trong tay thì sao phải mất thời gian, công sức đi lại để gặp nhau? Nhanh, gọn. Mà còn miễn phí.

Vậy nên không khó để nhận ra là điện thoại thông minh (smartphone) hiển hiện khắp nơi, nhiều người trong túi có không chỉ một, mà tới hai, ba cái. Duy có thằng “cù lần” “lạc hậu” như tôi, đến giờ mà vẫn còn sử dụng chiếc cùi bắp, chỉ có hai chức năng nghe và gọi.

***

Trên đường đến nơi hẹn, khoảng cách từ nhà không xa nhưng suýt có hai tai nạn. Thì có gì đâu! Trên đường phố, bao nhiêu người vừa chạy xe vừa cúi gằm mặt vào “chiếc hộp điện tử” để đọc và trả lời tin nhắn.

Chưa bao giờ sự xao lãng trở nên toàn diện như hiện nay. Cảnh quen thuộc là tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại, người đi bộ đeo tai nghe hay vừa chạy xe máy vừa bấm bấm tin nhắn… mọi người cứ tự nhiên làm việc này mà đầu nghĩ đến việc khác.

Lưỡi dao công nghệ thông tin đang cắt lìa con người khỏi không gian xung quanh mình. Nó phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại. Bao người đang trở thành “nô lệ” vào chiếc smartphone mà không hay biết.

***

Quán cà phê Hội Ngộ là một nơi yên tĩnh, đầy cây xanh và cách xa phố chính. Nhìn quanh quất chưa thấy ai, tôi ngồi đọc báo ở một bàn gần cổng để chờ các bạn.

Vài phút sau Tuấn đến. Anh kéo ghế ngồi đối diện. “Đến lâu chưa?”. Tôi vừa nói “mới đến” thì anh đã cho tay vào túi lôi cái điện thoại di động ra và hỏi cô phục vụ: “Password wifi là gì, em gái?”.

Trong khi chờ cà phê, Tuấn ngồi cúi đầu, ngó chăm chăm vào màn hình điện thoại. Thi thoảng anh ngước lên nhìn tôi: “Xin lỗi nhé! Tao phải trả lời vài tin quan trọng. Mình chờ Thành và Sơn đến rồi nói chuyện luôn thể!”.

Tôi ngồi lật tờ báo mà đầu óc nghĩ ngợi mông lung. Ngày xưa nhà tôi gần nhà Tuấn nên chúng tôi rất thân nhau. Đi học, đi chơi, đạp xe hái hoa, bắt bướm; từ chơi tạt hình đến đá banh, bóng rổ, lúc nào cũng vui vẻ bên nhau và hai đứa thường tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tốt nghiệp đại học, ai cũng đều bận bịu mưu sinh, ít có thời gian gặp gỡ.

Nhìn dáng Tuấn cúi đầu tôi chợt nhớ đến thời học luyện thi, bạn chăm chú cúi đầu trên trang sách. Nhưng bây giờ trang sách được thay bằng một chiếc hộp hình chữ nhật, giống như những hành khách mà tôi thường gặp trên xe buýt, tàu hỏa. Những chuyến xe không còn là cơ hội để gặp gỡ, làm quen; chất xúc tác đến từ sự thân mật, gần gũi hình như đã biến mất. Những người bạn ngồi gần mà tai người nào cũng gắn tai nghe, các cặp tình nhân ngồi tựa đầu âu yếm, nhưng không còn thủ thỉ những lời yêu thương mà dán mắt vào màn hình điện thoại. Bữa điểm tâm, vợ nói chuyện học của con, chồng liếc vào màn hình, hay ngược lại. Đôi khi điện thoại còn là một cái cớ bận rộn để tránh đối thoại.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một phụ nữ vừa đọc trên trang đời sống lúc nãy, cô miêu tả chiếc điện thoại thông minh của chồng là “kẻ thứ ba”. Một phụ nữ khác than phiền là cùng nằm trên giường ngủ nhưng vợ và chồng sống trong hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Có khi chồng còn “yêu” vội để có thời gian trả lời tin nhắn trên Facebook.

Xã hội hôm nay luôn khó khăn về những quan hệ giữa người với người. Một xã hội đang bị tách rời và không còn khả năng đối thoại với người xung quanh. Chúng ta dường như không còn sống cho những giây phút quan trọng. Chúng ta đang có mặt mà không hiện diện. Ngồi nơi đây mà trao đổi với bạn bè ở Pháp, Đức hay ở Mỹ. Chúng ta lấp lửng với hiện thực, suốt ngày chạy đua với thời gian và chiếc điện thoại trên tay.

Mỗi giây phút trong đời bỗng trở thành một cái cớ để chụp hình, quang cảnh nào vớ vẩn cũng đủ cho một cuộc ghi hình tự sướng (selfie). Chúng ta đánh giá tầm quan trọng của những khoảnh khắc, dựa vào số lần like nhận được trên Facebook.

Chúng ta vô tư chạy, hồn nhiên chụp ảnh… nhưng chẳng ai nhận ra là mình đã và đang đánh mất điều quan trọng nhất còn lại trong đời: sự riêng tư.

Có phải là đoàn tụ gia đình không nếu mọi người ngồi vào bàn ăn mà không ai rời chiếc smartphone của mình? Hay chỉ là gần đó mà vẫn xa cách núi sông.

Rồi thông qua chiếc điện thoại kè kè bên cạnh mỗi người đang mở cửa, cho phép cả thế giới được bước vào trong nhà mình.

Đứa cháu của tôi có lần thú nhận, đi đâu mà quên cái điện thoại là thấy như bị lạc ngoài hoang đảo, bơ vơ, mất phương hướng! Nó còn nói là ăn không ngon, ngủ chẳng yên…

Thấy không khí im lặng khá lâu, Tuấn ngẩng lên, lí nhí xin lỗi. Thấy tôi im lặng, anh mỉm cười giải thích là vì công việc nên đã lệ thuộc vào smartphone lúc nào không hay: “Sáng thức dậy, vật đầu tiên tìm là điện thoại. Tối đi ngủ, vật cuối cùng buông ra cũng là điện thoại. Khi điện thoại hết pin là thấy bứt rứt”.

Tôi ậm ừ cho qua nhưng trong lòng cảm thấy khó chịu. Tôi biết rất nhiều người cảm thấy bất an, thiếu tự tin khi không có điện thoại, thường liếc mắt kiểm tra dù không có bất kỳ thông báo nào.

Các bạn Thành và Sơn vẫn chưa đến. Tôi lật lật vài trang báo nhưng chẳng có gì để đọc. Toàn là tin tai nạn giao thông hay các vụ lừa đảo, bắt bớ vì tham nhũng. Khi gọi vài cuộc điện thoại vớ vẩn cho đỡ sốt ruột thì Sơn đến. Anh cho biết là trên đường đến bị kẹt xe hơn 30 phút. Vừa bắt tay anh vừa hỏi:

– Thành chưa đến sao?

Tôi vừa lắc đầu thì từ túi quần của Sơn phát ra một tiếng “tíc”. Sơn lôi chiếc điện thoại ra, bấm bấm. “Chà, chờ mãi hôm nay mới thấy thông báo đây!”.

Anh hồn nhiên ngồi xuống, dán mắt vào màn hình, xin lỗi phải dành vài phút để trả lời gấp cho khách hàng.

Nắng lúc này đã lên cao. Dưới bóng cây phượng đang nở những chùm hoa đỏ rực, tôi ngồi yên lặng quan sát những giọt nắng xuyên qua lá soi lốm đốm trên mái tóc và khuôn mặt Tuấn, Sơn thành nhiều vùng đen, trắng. Gió lay. Những vùng đen và trắng như ảo và thực chập chờn, lay động, có khi trộn lẫn vào nhau.

Khó thể phủ nhận chiếc điện thoại thông minh giúp con người kết nối với thế giới rộng lớn, liên lạc công việc nhanh chóng nhưng nó cũng khiến con người bị phụ thuộc và ít dành thời gian, quan tâm thực sự cho những người quan trọng trong cuộc sống. Tất cả những đối thoại trực tiếp đều bị thay thế bởi những tin nhắn. Mọi liên kết bằng ngôn ngữ đã bị giảm thiểu. Những người quen, thật và ảo, bày tỏ sự quan tâm bằng những cái “like” trên mạng thay vì nhìn nhau trực tiếp.

Truyền thông. Quảng cáo. Công nghệ. Tất cả đang góp phần dạy dỗ và huấn luyện lớp trẻ lớn lên theo cách tách rời thực tại. Nhưng cuộc đời có thể bị khép trong một chiếc hộp điện tử? Có thể dửng dưng với hiện thực xung quanh mà do lỗi kết nối, liên kết với những gì ở tận đâu đâu?

Tôi nghĩ thử thách lớn nhất của con người hiện nay là giáo dục để kết nối trở lại!

Đang ngẫm nghĩ thì điện thoại reo. Thành! Anh cho biết đêm qua đi nhậu về, ói mửa rồi vật vã, thức suốt đêm. Sáng nay còn mệt và trên đường đến cà phê với chúng tôi anh lại bị té xe. Không nguy hiểm gì, nhưng quần bị rách gối nên phải chạy về nhà. Trễ rồi, chắc không đến được…

Nghe xong thông báo, Tuấn ngồi nhổm dậy, nhìn đồng hồ: “Ui chao, hơn 10 giờ rồi à?”.

Sơn cũng hỏi: “Trễ vậy sao?”.

Chưa ai kịp nói gì thì Tuấn đề nghị: “Lát tao có cuộc hẹn. Hay bữa khác mình gặp nhau nói chuyện đi!”.

Sơn nói “OK” rồi đứng lên. Tuấn cũng ngồi dậy. Rồi cả ba cùng về.

         Trương Văn Dân

 

Có 11 bình luận về Cuộc hội ngộ câm

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Tui cũng có nhiều cuộc hội ngộ câm lắm rồi. Nhớ có lần, ở nhà đám cưới con người bạn, khoảng sân thì hẹp, cái sân khấu choáng chổ quá nhiều, thêm mấy cái loa tra tấn lổ tai quan khách. Ở bàn của tôi, tất cả đều quá lâu mới gặp nhau, nên tôi nói nhỏ với MC :

    -Tụi em ngưng lại khoảng 10 phút, để anh em tui nói chuyện, cảm ơn !

    – Đang vui, ông làm mất hứng, coi chừng đó ! MC dõng dạt tuyên bố.

    Tôi nắm tay mấy người bạn ra quán cà phê gần đó tâm sự, tự nguyện làm khổ chủ.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cảm ơn nhà văn Trương Văn Dân nói hộ chúng tôi những nghĩ suy, cảm nhận về mấy vấn đe thời sự rất nóng: đi đám tiệc bị tra tấn bởi nghi thức sáo mòn và âm thanh hỗn độn; tác động 2 mặt của công nghệ thông tin, của Facebook …

  3. Nguyễn Gương nói:

    Trong bài viết ở trang nhà tựa đề” Những âm thanh tưởng chừng như đã mất” tôi rất bức xúc chuyện nhạc trong đám tiệc.

  4. Phong Tâm nói:

    Bài trên của tg. Trương Văn Dân tôi đã được đọc trên báo Thanh Niên (Chủ Nhựt), quá tâm đắc vì bài viết đánh trúng cái bịnh chung mà mấy chục năm phải chịu đựng. Sáng mở mắt là tai hứng loa phóng thanh Ấp, Xã treo chót vót ngọn cây, hả miệng ra bốn hướng…mới tắt tiếng đâu chừng gần năm nay, nghe như “có lịnh”?. Còn chuyện “Cuộc hội ngộ câm” chắc ai ai cũng nếm mùi, không riêng thành thị nó phát triển tận ngóc ngách miền quê, không chỉ đám cưới, đám giỗ…  Cứ đẻ con chờ đầy tháng là “có chuyện” cả xóm liền!

  5. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật không ít thì nhiều đã làm thay đổi đời sống con người theo hướng tích cực, tiếc là theo hướng tiêu cực cũng có. Cuộc Hội Ngộ Câm đã nói lên một mặt tiêu cực đang có trong cuộc sống: thấy tai nạn, cháy nhà… chen vào chỉ để quay phim, chụp hình! Tôi cũng rất bức xúc khi đi cùng một số bạn uống cà phê, tôi đã hy vọng sẽ được trao đổi, được nói cho bạn biết và được nghe bạn nói nhưng vừa vào quán bạn đã móc smartphone và hỏi số wifi. Buổi đó tôi đã hút thuốc nhiều hơn thường lệ vì tôi cảm thấy cô đơn, ngồi với 3 – 4 người bạn nhưng thấy mình là người thừa. Phim Thời Đại Tân Kỳ của Charlot đến bây giờ vẫn hay.

  6. Trầm Hương Ptt. nói:

    Tôi rất tâm đắc với bài viết của nhà báo (?) Trương Văn Dân…Đã nhiều lần đi Mac Donald uống cà phê , tôi  chứng kiến nhà 4 người, cha mẹ và 2 đứa con, mỗi người một cái điện thoại, vừa ăn , vưà chăm chú vào điện thoại, bấm bấm, quẹt quẹt  màn hình… không ai nói chuyện với ai …Nhiều lần tôi phải nói với thằng con…Nếu con muốn đi ăn với ba má, thì dẹp đt của con qua một bên…

  7. Đồng cảm với anh Trương Văn Dân, tôi cũng xin góp vào ‘Cuộc hội ngộ câm’, hôm ấy chúng tôi đi từ thiện trên chuyến xe 15 người, từ Tri Tôn, Châu Đốc về đến VL trời đã tối mịch, ai nấy đều uể oải, mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài, anh Năm trong đoàn mời chúng tôi ghé quán cà phê Ánh Xuân uống nước, vừa ngồi vào ghế chị L hỏi password wifi ngay với em phục vụ, sau đó cả 14 người ai cũng mở smarphone ra, vừa uống nước vừa chơi facebook (tôi không chơi FB bằng smarphone, nên ngồi quan sát, nhìn cảnh ấy rất buồn cười), sau đó anh Năm trả tiền, chúng tôi từ giã nhau ra vềvà không quên cám ơn anh, hôm sau trên trang fb cá nhân, chị L đã comment: ‘Cám ơn anh B. trưởng nhóm từ thiện đã mời chúng tôi uống sinh tố rất ngon!’ thật là lãng xẹt! Đấy, đúng là khi ta chúi đầu tập trung vào mạng, thì ta đã thiếu sự quan sát xung quanh, rồi dẫn đến nhìn gà hóa vịt?

    Rất tâm đắc với bài viết của anh, đã nêu chủ đề này, để chúng tôi có dịp bày tỏ cảm xúc!

    Cám ơn anh Trương Văn Dân thật nhiều!

  8. cảm ơn tt cả các bạn đã vào đọc và bình luận về câu chuyện Cuộc Hội Ngộ Câm với những trải nghiệm thực tế và các nhận xét rát thú vị.  Cái thời đại mà chúng ta đang sống nó lạ lùng lắm. NGồi với nhau mà chúng ta không nhìn  hay tiếp xúc với nhau, nhiều người chỉ thích nhìn người khác  đang ở Canada, Mỹ hay Pháp… qua một màn hình, khoảng cách Gần bỗng xa, khoảng cách ảo lại gần… và chúng ta chỉ “thực sự” có mặt trên không gian … siêu thực . CHúc các bạn  NGuyễn Văn Lần, Nguyễn thị Hạnh, NGuyễn Gương, Phong Tâm, NGuyễn Hoàng Long, Trầm Hương, Mỹ Nhung NGuyen… vá các bạn TPHVL… vui vẻ và có nhiều dịp càfe khong điện thoại…
    TVD

  9. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Cảm ơn anh Trương Văn Dần đã phản ảnh thực trạng thời đại văn hóa , thông tin hiện đại ngày nay còn nhiều vấn đề, rất đồng cảm với anh bây giờ đám tiệc gì cũng nhạc sống ồn ào hết cở, bạn bè người thân lâu ngày nhân dịp nầy cũng không thể nói gì chỉ ra dấu mà thôi . Một hôm tôi ngồi chờ khám bệnh thì anh ngồi kế bên than rằng bây giờ đám gì cũng nhạc sống ( đám giỗ, đám sinh nhật, đầy tháng.v.v..) ông từng đi cấp cứu và nằm viện 1 tháng vì nhà hàng xóm có đám giổ từ đó đến nay con trai anh nghe tin hàng xóm có đám tiệc gì là chuẩn bị cho anh di tản đi nơi khác để an toàn sức khỏe cho cha mình.

  10. VÕ THI LÀI nói:

    Đọc bài viết anh Trương Văn Dân , tôi cũng như các anh chị đều đồng cảm với anh . Chúng ta ai cũng ít nhấ một lần chứng kiến , hoặc là nạn nhân của  cảnh ” Cuộc Hội Ngộ Câm ” như anh Dân đã kể . Rất cám ơn anh đã cho thưởng thức một chủ đề rất hay rất thời đại .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác