BÍ QUYẾT VÀ GIẤU NGHỀ

Ngày đăng: 1/08/2017 12:36:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Mỗi lần cầm chai tương ớt Sriracha tôi lại nhớ má tôi thật nhiều. Chắc mọi người đều ngạc nhiên nghĩ, tương ớt thì dính chi đến má tôi?  Hồi tôi còn nhỏ thường nghe má phàn nàn về chuyện dấu nghề của bà ngoại tôi. Đó là bí quyết nấu tương ớt. Bà ngoại tôi nấu tương ớt ngon không chê vào đâu được, tôi dám chắc ngon hơn món tương ớt Sriracha nay nổi tiếng khắp thế giới đó.  Mỗi lần má tôi về Huế, khi vào, việc đầu tiên của chúng tôi là lục valy tìm hũ tương ớt bà ngoại gởi cho. Tương ớt bà ngoại tôi nấu, chỉ cần nhỏ 1 giọt vào chén nước mắm là cay xé lưỡi, thơm nồng nàn. Bí quyết nấu tương ớt thơm ngon này đã theo bà ngoại đi luôn.

Vì vậy má tôi mỗi lần nói đến kỹ thuật nấu tương ớt của bà ngoại là phàn nàn không ngớt.

h1Hính                                 Kệ gia vị ngon trong siêu thị

Bà ngoại tôi không hé răng cho ai biết kỹ thuật nấu tương ớt của bà cả. Bà giấu đến cả với con gái là má tôi. Má tôi chỉ biết, mỗi mùa làm ớt bột, phố Huế có những người gánh nước ớt do những nhà làm ớt bột, giã ớt, vắt nước cho khô ớt, sau đó phơi, giã nhuyễn ớt (kỹ thuật làm ớt bột này cũng không kém phần nhiêu khê), nước ớt vắt ra, họ đem đi bán. Chỉ nói sơ vì sao người Huế gánh nước ớt đi bán mà thôi. Bà ngoại tôi mua những thùng nước ớt này, không nấu ở nhà mà đem về vườn nấu. Bà có một căn nhà ở quê, mỗi mùa nước ớt được gánh bán khắp nơi, bà mua nước ớt, chở về vườn, không cho ai lai vãng, ngay cả má tôi. Khi bà nấu tương ớt, chỉ một mình bà biết. Và khi “ra đi” bà mang cả kỹ thuật nấu tương ớt đi theo với bà luôn. Nhìn chai tương ớt mà tôi cứ mỉm cười nghĩ, nếu bà dạy cho má tôi thì có thể ngày nay anh em chúng tôi nấu tương ớt ngon hơn tương ớt Sriracha, và tiếng tăm của chúng tôi cũng vang khắp thế giới nếu chúng tôi mở xí nghiệp làm…tương ớt (tương ớt của bà ngoại tôi không có xác ớt)!!!

Chỉ một bí quyết nhỏ đủ làm cho một sản phẩm trở nên độc đáo và chỉ một chút dấu nghề thôi, sản phẩm đó biến mất không tăm hơi.

h2Hình 2                                                       Kỷ thuật làm bánh

 Khoảng năm 1987- 88, xem phim Hồng kông, tôi thấy nam tài tử mặc áo sơ mi, cổ áo rất đặc biệt, trông giống cổ Tàu mà lại là cổ sơ mi. Lúc đó, nghề may của tôi cũng đã khá lắm rồi. Lấy vải, hì hục cắt áo sơ mi, cố tìm cách may cổ áo cho giống nhưng may ra cũng chỉ là cổ áo…sơ mi. Thử lui, thử tới, cắt tới, cắt lui, vẫn thất bại.

Lúc đó tôi có một tiệm uốn tóc, khách tới lui tiệm đủ loại, người giỏi nấu ăn, người giỏi may vá, người giỏi… làm tiền. Vậy là ngày ngày tôi được nghe đủ thứ chuyện, chủ tiệm bánh ngọt thì khuyên nếu tới tiệm đặt bánh sinh nhật hay bánh cưới, phải nói với tiệm, mình muốn làm bánh bằng trứng gà, thêm tiền, nếu không, mình sẽ được ăn bánh làm bằng hột…vịt mà không hay, vì dùng hột vịt, làm bánh lợi hơn…hột gà. Vì lợi nhuận, họ dùng hột vịt…Cho đến việc làm sao để chiên cái bánh cam tròn quay, đường làm bánh trung thu nấu xong phải ủ bao nhiêu ngày mới nhồi bột thì bột bánh nướng mới mềm v..v.. và v…v…  Nghĩa là tôi được nghe đủ thứ bí mật, bí quyết từ những người khách đến cắt, uốn tóc.

Trong lúc chuyện trò chờ giờ ra tóc, tôi nói cái khó khăn của tôi khi may cổ áo sơ mi giống cổ Tàu, có người khách học may, đã tới thợ may chuyên may loại cổ này để học, cười, nói với tôi, dễ lắm chị ơi, em phải trả biết bao nhiêu tiền mới học được, khi học xong mới biết là quá dễ.

h3 Tôi hỏi dễ lắm sao? Cô ấy nói, chị cắt cổ áo sơ mi như bình thường nhưng khi may, kéo căng phần cổ trong, có nghĩa là cắt cổ áo phần trong cổ ngắn hơn phần ngoài cổ áo, rồi khi may kéo căng thật căng thì tự nhiên cổ rút cong, dựng đứng. Nghe xong, tôi làm liền và…thành công. Chỉ chút bí quyết nhỏ nhưng người dạy phải dấu nghề vì…tiền. Nếu không dấu nghề làm sao lấy được tiền của mọi người?

Viết đến đây, tôi nhớ đến phần tôi, cũng phải nộp một số tiền không nhỏ để học cách đánh kem bơ đứng, không vữa, khi bắt bông kem không cần bỏ vào tủ lạnh, chỉ cần cái kéo, cắt ngang chân rồi đặt vào bánh. Cái bánh làm xong không cần cho vào tủ lạnh, để cả đêm bên ngoài, vẫn không bị chảy.

Khi nghe cô giáo diễn tả, tôi nói với má tôi rằng, nếu bỏ ra một số tiền như vậy để học thì mình không phải mất toi tiền do những giã kem đánh bị vữa vì sức nóng của xứ Việt. Tiền mua bơ không rẻ, rồi đường, rồi trứng, đánh hư là…thùng rác thẳng tiến!!! Má tôi đồng ý. Vậy là tôi đóng tiền để học.

Thật vô lý khi tới học, ba của cô giáo bắt tôi hứa, học xong thì không được dạy cho người khác vì đây là nghề kiếm cơm của con ông. Biết là vô lý, vì mình đã phải đóng một số tiền lớn mà phải kèm lời hứa, nhưng vì quá thích học nên tôi phải chịu. Đến lúc này thì tôi nghĩ, có lẽ bà ngoại tôi cũng phải hứa, không được truyền nghề lại cho ai, dù đó là con gái của mình nên bà mới một mình âm thầm nấu tương ớt mà không cho ai bén mảng đến xem.

Tôi nghĩ  bây giờ ông cha cô giáo chắc đã quy tiên, cô giáo chắc cũng đã về hưu, không còn làm nghề, tôi có nói ra bí quyết đã được học cũng không ảnh hưởng đến ai cả và nhất là…không động chạm đến sự kiếm tiền của cô.

Bài dạy của cô làm tôi chưng hửng, giống như cái trứng của Kha Luân Bố vậy!!! Và có lẽ thấy mình lấy học phí hơi nặng tay với 1 bài học quá giản dị (nhưng nếu không học thì mình không biết), nên sau đó, cô giáo dạy thêm cho tôi vài chiêu của cô nữa. Tạm an ủi.

May thay, ngày nay những sáng kiến đã được bảo vệ bởi “nhãn hiệu cầu chứng”, đã giảm thiểu sự mất mát của nhân loại vì người có sáng kiến đã được bảo vệ tí chút bằng luật pháp. Và cũng nhờ vậy mà người người mạnh dạn chỉ vẽ những điều mình biết cho đại chúng chứ không giữ riêng cho mình và gia đình mình nữa. Giấu nghề chỉ là một cách để tự bảo vệ mình mà thôi. Nay xã hội đã tìm được phương cách để bảo vệ cho những sáng kiến thì vấn đề giấu nghề cũng nhẹ bớt.

Có những bí quyết rất nhỏ, rất dễ nhưng người biết bí quyết không nói, nghĩa là…giấu nghề thì mình có loay hoay tìm cách mấy cũng không làm được.

Con gái tôi rất thích món bò lúc lắc tôi làm cho cháu ăn. Có ngày đi học  về muộn, cháu lấy thịt bò tôi đã ướp sẵn trong tủ lạnh ra, vì không muốn làm phiền mẹ, cháu tự xào nấu. Sau đó, cháu đem dĩa thịt bò lúc lắc vào nói, mẹ ơi, sao con nấu, không giống mẹ làm. Liếc nhìn dĩa thịt bò, tôi cười nói, bí quyết đó con à, chỉ một điểm nhỏ thôi, nhưng con không biết thì bò lúc lắc lắc con làm, thịt bò con xào, sẽ không ngon, nước thịt ra xập xều như con đã làm. Muốn làm ngon, lửa  phải thật to, chỉ vậy thôi. Bỏ thịt bò vào đảo nhanh tay, thịt chưa ra nước kịp thì đã cháy xém, đủ để đổ ra…ăn. Không cần bột mì, không cần thêm gì cả, chỉ cần lửa…to

Và từ giọt tương ớt cay nồng, thơm phức của bà ngoại tôi, đã bị chôn vùi theo bà, má tôi nói rằng bà quyết không giấu nghề. Cũng vì cứ nghe má phàn nàn về bí quyết nấu tương ớt của bà ngoại và sự giấu nghề của bà khiến đời mất đi một món ăn ngon, tôi cũng tự nhủ quyết không giấu nghề cho dù không có…bảo chứng.

Bài Viết Hương Cau

(06-06-2017)

Hình : Nguồn Net

 

Có 1 bình luận về BÍ QUYẾT VÀ GIẤU NGHỀ

  1. Những ai đã áp dụng công thức của Hương Cau đăng trên Bếp Ấm đều phải công nhận là Hương Cau quả thật không dấu nghề, đã thế bao nhiêu bí quyết để nấu món ăn ngon đều đưa ra và chỉ dẫn một cách tận tình, dễ hiểu khiến người nấu thích thú với thành quả đạt được.

    Bếp Ấm thật may mắn đã có sự góp sức của Hương Cau, đây cũng là một duyên kỳ ngộ. Trong tương lai, chắc chắn các fans của Bếp Ấm sẽ học hỏi được thêm thật nhiều bí quyết qua các công thức của Hương Cau. Cám ơn bà nội trợ giỏi và đa tài Hương Cau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác