Tấm Hộ Chiếu

Ngày đăng: 22/07/2017 07:54:52 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Năm đó quyết định một mình đi tham quan Angkor Wat một chuyến cho biết! Sau khi có được Visa. Tôi chạy chiếc Win100 lên tận Hồng Ngự rồi gửi xe chỗ nhà người anh bạn dì, sau đó quẩy ba lô ngồi xe ôm đến biên giới Thường Phước để làm thủ tục xuất cảnh sang Kampuchia. Anh công an biên phòng soi hộ chiếu xong rồi phán một câu khiến tôi rất đỗi bất ngờ và chới với! “ Hộ chiếu này không còn hợp lệ do thiếu con dấu nhập ở cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai” Thì ra trước đó tôi có chuyến đi xa cùng bà xã, chuyến đi TQ bằng đường bộ, nhập vào TQ ở cửa khẩu Móng Cái nhưng khi về thì lại về ngõ Côn Minh _ Hà Khẩu. Do chuyến đi kéo dài hàng tháng trời nên khi quay về cả hai đều đã rất mệt mỏi. Đóng con dấu xuất phía bên TQ xong nhưng khi vào lại VN, với hành lý đồ đac lỉnh kỉnh rồi cứ vậy mà lầm lũi bước theo đoàn người phía trước (Người địa phương qua lại biên giới miễn thị thực) mà quên khuấy việc phải ghé vào trạm hải quan để đóng dấu nhập.
Lẽ nào lại cam tâm quay về? Tần ngần một lúc tôi quyết định xuất cảnh chui! Thầm nghĩ nơi vùng biên giới người dân địa phương qua lại giữa hai nước thường xuyên và dễ như đi chợ. Mình tuy nhập cảnh lậu nhưng có cuốn hộ chiếu thì vẫn có thể thuê phòng khách sạn, mua vé xe, vé tàu, vé tham quan vv , đâu ai soi hộ chiếu như hải quan bao giờ, vậy thì chẳng việc gì phải ngại? Nghĩ là làm! Tôi gặp anh xe ôm rồi trình bày tình cảnh và ý muốn của mình. Anh xe ôm là người Khmer nên chỉ nói được lỏm bỏm tiếng Việt, cũng như tôi chỉ biết chút ít tiếng Khmer! Hai bên thống nhất là anh sẽ đưa tôi tới tận Phnom Penh. Lên xe anh đèo tôi đi trên con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo mà anh nói là đi đường tắt, sau đó rẽ vào một thôn làng mà quan cảnh khiến tôi phải nổi gai ốc. Vẫn là đường đất nhưng mỗi ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ, toạ lạc trên một vuông đất khá rộng. Điều đáng nói là mỗi nhà đều có một vài hình nộm dựng ngay lối vào. Thật là đáng ngạc nhiên, không hiểu đó là phong tục, tập quán, tâm linh hay là gì nữa? Chẳng lẽ đó lại là những bù nhìn dùng để xua đuổi chim như bên xứ mình, rồi khi xong vụ mùa họ lại đem về nhà bảo quản hòng dùng cho mùa vụ sau? Nhưng nếu là như vậy thì cũng đâu cần dựng hình nhân đó một cách thật trang trọng phía trước nhà? Bù nhìn bên VN thường chỉ dùng hai thanh gỗ buộc thành hình thập giá rồi khoác lên manh áo cũ, nếu kỹ thì đội thêm chiếc nón lá rách là xong. Nhưng những hình nộm ở đây được làm bằng rơm và mang hình vóc như 1 người trưởng thành, có đầy đủ tứ chi và ăn vận trang phục như người thật, mặt mày cũng được vẽ mắt mũi miệng hẳn hoi. Xe chạy sâu vào làng nhà cửa dần thưa thớt! Nhưng rồi chợt một cánh đồng không mông quạnh hiện ra, xe chạy chầm chậm trên một bờ đất nhỏ dưới cái nắng chang chang mà không một bóng người, tôi ngồi mà không dám cựa mình vì sợ xe sẽ lủi xuống ruộng lúa đầy nước. Trong lòng cảm thấy có chút bất an vì lộ trình thật kỳ lạ và bất thường này! Và rồi có một dòng sông nhỏ cắt ngang! Xe dừng lại, mặt sông không rộng lắm nhưng bãi bờ hai bên khá rộng. Anh xe bắt loa tay gọi to thì từ túp liều phía bên kia bờ được lợp bằng lá thốt nốt có một bé trai tầm 12 – 13 tuổi xuất hiện, em thoăn thoắt chống xuồng qua để rước cả người lẫn xe sang sông, lấy tấm ván bắt cầu cả 3 hì hục rồi cũng đưa chiếc xe lên xuồng. Qua đến bên kia bờ vẫn phải băng thêm một quãng đường đồng nữa thì mới đến một khu làng mạc. Ngôi làng nơi đây có vẻ sầm uất hơn và cũng không thấy nhiều hình nộm như ngôi làng bên kia sông. Chạy loanh quanh một lúc thì ra khỏi làng, nhác thấy xa xa bóng dáng một con đường có xe cộ đang lưu thông mà lòng mừng vui khôn tả, bao lo âu và hồi hộp đều đã tan biến. Chạy qua thêm một đoạn đường đất thì xe ra đến quốc lộ! Anh phu xe nói, giờ chỉ cần đi thẳng một lèo sẽ đến được Phnom Penh! Anh ấy còn nói, sở dĩ con đường này được mở rộng và phẳng phiu như vầy là do con đường này ngang qua nhà vị thủ tướng đương nhiệm Hun Sen.

Thật ra năm 1983 tôi từng sống và làm việc tại Phnom Penh ít lâu! Trong khoảng thời gian đó tôi cũng đã tranh thủ học tiếng Khmer nên có thể đàm thoại được ít nhiều với người bản xứ. Nhưng sau này do không còn dịp để tiếp xúc nên không còn nhớ được nhiều! Lúc bên đó tôi sản xuất dầu gội và bột khai (bột nổi dùng làm bánh) rồi đem bỏ mối ở các chợ! Nam Vang có tổng cộng 7 chợ, trừ chợ mới (Sa Thơ May) ngưng hoạt động, 6 chợ còn lại tôi đều có mối quan hệ làm ăn! Nhưng những ngày tháng đó tôi luôn đầu tắt mặt tối nên tuy mang tiếng là sống bên Miên mà chẳng am hiểu nhiều về đất nước này được bao nhiêu! Giờ nhàn rỗi và được dịp ngao du mới cảm nhận được sự trù phú của xứ sở Chùa Tháp hiền hoà này! Xe qua những cánh đồng rộng thênh thang , rải rác trên cánh đồng là những cây nhìn giống như cây cần thăng bên VN nhưng có lẽ là không phải? Vì nếu đó là cần thăng thì có cho cũng chẳng ai nhận chứ nói chi đến chuyện bán, bởi số lượng của chúng nhiều đến không đếm xuể. Xa xa từng bầy bò trắng nhẩn nha gặm cỏ dưới tán những hàng cây thốt nốt mà tuyệt nhiên không thấy bóng bò vàng, bò nâu, đen như bên VN mình. Vâng! Bên này tôi chỉ thấy toàn bò trắng.
Dừng lại xe nước mía bên đường 2 đứa uống vội 2 ly nước mía, tôi tranh thủ đổi lấy ít tiền Riel để tiện chi tiêu dọc đường, tiếp tục hành trình thêm khoảng 40 phút đã đến được thị tứ Takeo. Người xe nườm nượp, quán xá ven đường bày biện đồ ăn thức uống trông thật hấp dẫn và sung túc vô cùng. Vì cũng cảm thấy đói nên tôi đề nghị 2 đứa vào kiếm chút gì bỏ bụng rồi hãy đi tiếp. Cơm canh nóng hổi dọn ra vừa ăn 2 đứa vừa trò chuyện, cũng nhiều câu “quạ kêu tiếng quạ mà đa đa cũng gật đầu”. Cơm nước xong thấy anh có vẻ trầm ngâm và hơi ngập ngừng anh nói – Con gái nhỏ của tôi đang bệnh nên tôi muốn quay về cho sớm, anh có thể đi xe khác lên Phnom Penh không? Anh cũng có thể trả bớt lại chút tiền, chỉ mong được anh thông cảm thôi! Tôi nói đây đến Phnom Penh cũng gần lắm! Hơn nữa ở đây cũng thiếu gì xe, anh cứ về sớm để lo cho cháu, tôi thanh toán tiền cho anh ấy và biếu thêm chút ít, xem như chút quà mọn cho con anh ấy mau lành bệnh.
Chia tay anh xe ôm tôi quẩy ba lô thót lên chiếc xe lôi (chiếc xe gắn máy phân khối lớn kéo theo phía sau cái thùng xe dài ngoằn) Thoát cái đã đến được trung tâm thủ đô. Số là khi hay tin tôi đi sắp sang KPC anh Nguyen Anh Kiệt có đưa bức thư nhờ tôi chuyển hô cho người bạn của anh ấy đang kiếm sống bên này! Tôi tìm một quầy dịch vụ ĐTDĐ rồi gọi vào số mà anh Kiệt đã ghi sẵn trên phong bì! Bên kia đầu dây a lô! Tôi hỏi có phải anh là Hùng? Tôi là bạn anh Kiệt từ VN mới qua, anh Kiệt có nhờ tôi chuyển bức thư cho anh. – Tôi đang ở hơi xa, anh chịu khó đợi tôi mười mười lăm phút tôi sẽ đến đó! – Vâng! Tôi mặc áo gió màu nâu, đội nón bo và có mang cái ba lô đen, tôi đi chầm chậm vòng quanh chợ chợ Ô-xây (Urssey). , anh đến đó để anh em mình gặp nha!
Chợ búa đang giờ cao điểm nên đông nghịt người, lực lượng xe ôm đứng đón khách cũng rất đông! Thấy tôi, anh nào cũng hỏi tâu na bon? Bon tâu na? Tôi hươ tay ra dấu tôi không có nhu cầu, nhưng hết anh nọ lại đến anh kia và cứ thế cứ thế. Đi lòng vòng hoài cũng mỏi chân và mỏi cả tay, tôi đứng ngay cửa lớn để đợi anh Hùng đến hòng trao bức thư cho anh ấy! Kêu mình ráng chịu khó chờ mươi mười lăm phút mà đã nửa giờ trôi qua sao vẫn chưa thấy anh ta? Tôi bước đến dịch vụ ĐTDĐ cạnh đó để gọi cho anh Hùng lần nửa xem sao thì anh ấy xuất hiện ngay trước mặt tôi và nói! Lúc nãy nhìn thấy anh và theo như anh mô tả tôi đã nghĩ là anh nên đã phát tín hiệu nhưng anh lại hươ tay! Rốt cuộc 2 đứa đứng cạnh nhau để chờ nhau mà không biết. Hi – tôi lại tưởng anh chạy xe ôm, vì trước khi anh ngoắc tôi cũng đã có nhiều anh xe ôm ngoắc tôi! Anh nói – giờ về chỗ anh tắm rửa, cơm nước rồi nghỉ ngơi cho khoẻ. Vì không muốn làm phiền anh nên tôi nói dối là tôi đã thuê phòng, trao phong thư cho anh, hỏi thăm nhau đôi câu rồi tụi này chia tay!
Tôi vào khách sạn thuê một phòng khá sang với đầy đủ tiện nghi mà giá lại rẻ đến bất ngờ, có lẽ do không vào mùa du lịch nên một phòng sang trọng giữa trung tâm thủ đô mà chỉ 20 USD! Cô tiếp tân nói được nhiều thứ tiếng nhưng lại không biết tiếng VN, chúng tôi trao đổi bằng tiếng phổ thông! Cô ấy hỏi nếu tôi có đi Siem Reap cô ấy sẽ đăng ký vé hộ để sáng mai có thể khởi hành! Tôi nói để tôi tính lại, nếu tôi quyết định mai đi thì tối nay sẽ nhờ chị đăng ký lấy vé giúp tôi!
Tắm táp xong cảm thấy như đã rũ sạch được hết bụi đường xa, định nằm chút cho khoẻ nhưng thấy đã mát trời nên tôi bèn lấy máy ảnh và xuống tầng trệt để đi dạo và sẵn tiện sẽ tìm mua tờ báo tiếng Việt, để khuya mai dậy sớm có báo đọc cũng đỡ buồn! Vì tôi có thói quen dậy từ rất sớm. Ra khỏi khách sạn gặp ngay anh xe ôm! Thật may anh xe ôm người VN, anh giới thiệu anh là người gốc gác ở An Giang, anh đèo tôi chạy chầm chậm, 2 đứa chuyện trò như 2 người quen cũ gặp lại nhau! Anh đưa tôi đến khu đền vua, đền vua tiếng Khmer đọc là mục veng, cạnh đó là ngã tư của dòng Mekong! Một là dòng chính, 2 dòng đổ về Việt Nam tạo thành sông Tiền và sông Hậu, dòng nhỏ hơn là sông Tonlé Sap chảy về Biển Hồ. Những nơi đi qua nếu thấy cảnh sắc đẹp tôi đều khều vai kêu anh dừng lại, và đưa máy nhờ anh bấm hộ tôi vài kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Sau đó vì trời đã chạng vạng nên 2 đứa ghé vào một quán ven đường gọi thức uống! Anh nói Nam Vang này có vài tiệm ăn, tiệm uống chỉ toàn người Việt Nam lui tới chứ ít khi thấy bóng dáng của người bản địa, mỗi ngày anh đều ghé đó đôi ba bận nên hầu như người Việt qua đây làm ăn sinh sống anh đều quen mặt. Sực nhớ ngày xưa tôi có đứa thợ tên Giàu nghe nói sau này trôi giạt về phương này nên hỏi anh! Vậy ở đây anh có biết một người tên là Giàu không? Anh nói trong số bạn của anh có đứa tên Giàu, sau đó nghe anh tả về Giàu tôi thấy đúng là nó chứ không ai khác, và rồi anh cho tôi số phone của Giàu.
Thời khắc qua mau quá! Còn biết bao điều chưa kịp hỏi mà phố đã lên đèn! Anh đưa tôi về khách sạn và 2 đứa từ biệt nhau. Lên tới phòng tôi dùng điện thoại bàn để gọi cho Giàu! Thấy đầu dây bên kia đã có tín hiệu tôi hỏi biết ai đây không? Giàu nói giọng nghe quen quá chừng mà không thể nhận ra là ai? Là anh…nè, anh đang ở Nam Vang nếu rảnh em đến chơi liền nha! Vì có thể sáng sớm mai anh đi Đế Thiên, Đế Thích rồi! Giàu hỏi địa chỉ và sau khoảng 15 phút thì đã nghe tiếng gõ cửa phòng. Đã 12 năm trôi qua giờ mới gặp lại nó! Nó giờ rất ra dáng đàn ông và đẹp trai vô cùng.Tối vói tắt cái Tivi để tiện hỏi han nhau! Khi nghe nó nói giờ nó làm chủ một Gara, chuyên sơn sửa, làm đồng và bán Ô tô! Tôi mừng cho nó quá vì nghĩ giờ nó đã giàu, giàu như cái tên mà bậc sinh thành của nó đã hằng mong mỏi. Nhưng nó cho biết toàn bộ vốn liếng của nó tích cóp bao năm cũng chỉ vẻn vẹn khoảng 10.000 Usd. Mặt bằng thì thuê, mua mỗi chiếc xe cũ giá 700 – 800 hoặc có thể hơn 1.000, rồi tân trang lại để bán, mỗi chiếc trung bình kiếm được một vài trăm đô mà thôi! Ôi! Nếu chỉ vậy thì chuyện giàu có đối với nó vẫn còn là giấc mơ xa vời. Nhưng dù sao giờ đã là chủ chứ không còn phải làm thuê làm mướn cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Giàu nói sáng mai em cho đứa thợ đem xe đến rước để đưa anh đi Siem Reap, nên khi nào muốn khởi hành thì anh gọi cho em. Sáng hôm sau tôi vẫn dậy sớm như khi còn bên nhà! Vì còn khuya quá sợ làm phiền anh bảo vệ nên tôi bật ti vi lên xem để giết thời gian. Bên Campuchia vào thời điểm đó (2005) Tivi đã có thể xem hàng trăm kênh trên cả nước rồi chứ không như bên VN mình, với tính hiếu kỳ tôi cầm cái Remote hết bấm tới rồi lại bấm lùi mà chẳng dừng lại kênh nào, rốt cuộc chẳng xem được gì hết. Nhìn đồng hồ thấy đã 4h nên tôi xuống sảnh để rảo ra phố tìm tách café đen. Trong quán có mấy anh thợ hồ (nề) người Việt vừa cà phê vừa bù khú nghe rôm rả lắm! Nhờ hóng chuyện mà tôi biết bên Cam không hề phát hành vé số kiến thiết như bên Việt Nam. Thầm ước giá như bên nước mình được như nước bạn thì người dân nghèo sẽ đỡ khổ hơn biết mấy…
Quay về khách sạn để sắp xếp lại hành trang, bước vào sảnh thấy cô quản lý đã ngồi bên quầy tự bao giờ! Tôi gật đầu chào và buột miệng nói! Có lẽ tôi sẽ không làm phiền cô vì có đứa em bên này nó nói sẽ đưa tôi đi Siem Reap bằng Ô Tô. Cô ấy nói tháng hè nếu đi Siem Reap bằng đường bộ cảnh quan 2 bên đường bám đầy bụi nhìn sẽ không thích mắt bằng di chuyển bằng đường thuỷ, hơn nữa đường tương đối xấu khiến xe bị dằn sốc nhiều sẽ gây mệt mỏi cho người ngồi xe khi đến nơi. Lên đến phòng vừa gom đồ đạc cho vào ba lô vừa nghĩ thầm nếu đi bằng đường sông sẽ khỏi làm phiền Giàu và đứa thợ của nó mà tôi chưa hề quen biết! Lại còn được đi tàu trên dòng Tonlé Sap, được chiêm ngưỡng một địa danh hằng nổi tiếng là Biển Hồ, như vậy có lẽ sẽ còn thú vị hơn! Tôi gọi cho Giàu kêu nó khỏi cho người đến đón vì tôi đã quyết định di chuyển bằng đường sông. Giàu nói đi bằng đường thuỷ cũng hay nhưng khi về lại Nam Vang hãy gọi cho nó…
Xuống đến sảnh đưa lại chìa khoá và trả phòng, tôi nói hôm qua tôi có dùng một chai nước khoáng trong tủ lạnh và giờ lại lấy thêm một chai để mang theo (Loại chai lớn 1250ml) Cô quản lý nói tiền phòng là 20 đô còn nước thì khách được dùng miễn phí. Cô ấy nói nếu anh có ý định đi bằng đường thuỷ thì để cô ta liên hệ giúp! Vì cũng sắp đến giờ tàu khởi hành nên không biết có còn vé hay không? Nhưng nếu như hết vé cô ta sẽ can thiệp giúp bằng cách trả bằng tiền thay cho vé, tất nhiên tôi chỉ được ngồi ghế phụ. Sau cuộc gọi ngắn cô ta nói rất may vẫn còn một vài vé và cô ta đã đặt một vé cho tôi! Liền đó cô kêu tài xế đưa tôi ra bến tàu cao tốc. Khi xe chạy được một đoạn ngắn thì cái Nokia của anh lái xe đổ chuông, anh ta cầm máy lên nghe rồi liền chuyển máy qua cho tôi! Vội cầm máy lên áp vào tai vừa thầm nghĩ bụng. Quái lạ! Đây là đâu mà ai lại gọi cho mình kỳ vầy nè? Thì ra la cô quản lý khách sạn. Cô nói khi qua hết Biển Hồ tức đã đến điểm dừng đổ của tàu cao tốc sẽ có người đến đón, hoặc cũng có thể đi theo bất cứ đoàn khách nào để vào bờ. Tuy miệng nói cảm ơn cô nhưng thật lòng tôi khổng hiểu rõ lắm những gì cô ta vừa dặn dò tôi. Đến bến tàu tôi bước xuống xe định móc bóp trả tiền xe thì anh tài xế cười xoà và khoát tay, sau đó nhấn ga chạy mất hút. Tiến đến Cabin bán vé, tôi chìa Passport ra nhận và được tấm vé tàu, thấy có ghi giá 25 USD, tôi thanh toán tiền và bước xuống tàu, thấy đã có cả hơn trăm khách nhưng chỉ toàn người Phương Tây. Lần tim số ghế khớp với số ghi trên vé, tôi tháo ba lô ra và yên vị, chỉ khoảng 5 phút sau thì tàu xuất phát. Khi tàu rời bến tôi thấy có nhiều người thót lên mui tàu ngồi để tiện ngắm cảnh 2 bên bờ sông! Sông bên Miên rất khác so với sông bên xứ mình, từ mặt sông lên đến bờ là một khoảng cách rất lớn, tôi thấy một phụ nữ gánh đôi thùng nước đang cố vượt con dốc dựng đứng một cách khó nhọc để lên bờ.
Tàu di chuyển với vận tốc khá nhanh, vậy mà phải mất hơn 3 tiếng mới tới được Biển Hồ! Thật không hỗ danh với 2 chữ Biển Hồ, nhìn quanh chỉ thấy bao la là nước. Tàu chạy băng băng trên biển nước nhưng phải mất gần 3 tiếng mới qua được hết Biển Hồ để tới được bến, Tuy là bến nhưng vẫn cách bờ cả Km, do vùng nước ven bờ khá cạn nên tàu có trọng tải lớn không thể vào sát thêm. Tôi thấy có tới 8 – 9 chiếc ghe nhỏ từ bờ lao ra để tăng bo khách vào bờ. Phân vân chưa biết tính sao vì đa số du khách đều đi theo nhóm và theo tour, nên mỗi ghe ngoài tài công đều có một nhân viên du lịch cầm tấm bìa ghi danh đoàn mà họ sẽ đón. Chợt nhớ đến lời dặn của cô quản lý và vừa khi đó tôi nhác thấy có chiếc ghe cũng vừa cặp vào, từ dưới ghe có một anh chàng bước lên tàu và lấy từ trong túi ra mảnh giấy, anh ta banh giấy ra và giơ lên, tôi thấy trên mảnh giấy đó ghi vẻn vẹn 3 chữ L.C.Đ nên tôi chỉ tay vào ngực và theo anh ấy xuống ghe để vào bờ. Thầm nghĩ mình chỉ là một lữ khách quèn mà lại được người ta đối xử với mình như một thượng khách, dù rằng cũng chưa phải mất bao nhiều tiền cho họ nên lòng cảm thấy xúc động vô cùng.
Vào đến bờ là một bãi hoang tương đối rộng có nhiều cây cối mọc đan xen, Rải rác là nhiều xe cộ và hàng quán! Từ nơi này về đến Xiêm Riệp còn non 20 Km nữa! Anh tài xế khi nãy đón tôi từ tàu giờ đưa tôi đến chiếc 4 chỗ màu trắng trông khá cũ kỹ, tôi ngồi vào xe và anh lái xe đi. Xe chạy một quãng thì ra khỏi nơi hoang sơ đó! Khi về đến khách sạn anh nói, bổn phận của anh đối với khách tới đây là xong. Tôi có thể thuê phòng tại đây hoặc cũng có thể thuê nơi khác nếu thích. Trời ơi! Sao có thể thuê nơi khác được kia chứ? (Đưa khách về tận Siem Reap nhưng không thu bất cứ khoản nào) Tôi tiến vào phòng tiếp tân và chọn một phòng nơi tầng trệt để tiện ra vào khách sạn hơn, và giá thuê phòng cũng chỉ 20 USD cho một ngày đêm. Hơn nửa tiếng sau cũng lại là anh tài xế đó đến gõ cửa phòng, tôi mở cửa và mời anh vào! Anh trình bày anh là lái xe chuyên đưa khách đi tham quan nếu khách có nhu cầu. Tôi hỏi giá thuê xe là bao nhiêu tiền một ngày? Anh cho biết mỗi ngày là 25 USD, Thấy giá cả rất phải chăng, tôi nói vậy sáng mai khoảng 7h anh đến đón tôi nhé! Trông anh còn có vẻ lưỡng lự, tôi hỏi còn vấn đề gì nữa không? Anh nói anh có đứa em bà con mới từ Ba Chúc, VN qua, nó đang học thông ngôn, nếu anh thuê nó theo thì xem như anh đã giúp đỡ anh em tôi! Tôi hỏi tôi phải trả bao nhiêu cho cô ta, nếu như tôi đồng ý? Anh muốn cho nó bao nhiêu là tuỳ tâm, vì nó chỉ mới tập sự mà! Ok, vậy thì sáng mai rủ luôn cô ta theo cho vui.
Sáng hôm sau xe đến và chúng tôi lên đường đi Angkor wat! Dọc đường xe dừng lại mua vé nhưng chỉ du khách mới phải mua, lái xe và thông dịch được miễn mua vé, trạm bán vé trông giống như các trạm thu phí bên VN mình. Angkor Wat là một công trình đồ sộ được trải rộng và phân bố trên diện tích hàng ngàn heta nên đâu thể nào đi bộ mà ngắm cho hết được? Lúc còn bên nhà anh Nguyen Anh Kiệt hay tin tôi chuẩn bị đi Đế Thiên, Đế Thích nên đã tìm cho tôi một ít tư liệu về kỳ quan này để tôi tham khảo trước. Đó là những cuốn như Chân Lạp Phong Thổ Ký (真臘風土記) của Chu Đạt Quan, Đế Thiên, Đế Thích du ký của tác giả Nguyễn Hiến Lê vv Nhờ vậy mà tôi cũng có chút hiểu biết sơ về nơi mình đang đứng. Được biết, quần thể đền Angkor Wat được Quốc Vương Suryavaman ll xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 7 sau công nguyên và để thờ Thần Vishnu của đạo Hindu. Và cũng nhờ đọc kỹ các tư liệu trước khi đến nơi này nên khi đứng trước núi Trái Vải hay từng ngôi đền tôi đều như thấy được cả bóng dáng của người xưa hiển hiện. Riêng cô thông dịch viên thì không có chút kiến thức gì về nơi này! Hỏi tới đâu cô ta trả lời ba xàm đến đó, riết rồi tôi nói cô cứ ngồi chơi với anh cô, chứ tôi đi lòng vòng chụp hình cô theo tôi sẽ mỏi chân lắm! Qua hôm sau tôi vẫn phải quay lại nơi này lần nữa vì vẫn chưa được chiêm bái đền Banteay Srei, đền Taprom và Phnom Bakheng…
Chuyến đi và về chỉ vỏn vẹn 6 ngày nhưng đã cho tôi thật nhiều trải nghiệm! Dù đã 12 năm trôi qua nhưng giờ khi ghi lại những dòng này cảm xúc như vẫn vẹn nguyên trong tôi. Một ấn tượng vô cùng tốt đẹp với cách người Kampuchia kinh doanh về du lịch lữ hành…
Sau chuyến đi tiền xung hậu kiết đó chỉ mới mấy tháng! Một hôm anh Lê Triều Điển gọi cho tôi! – Đồng ơi, chuẩn bị sẵn số ít tranh khổ nhỏ nha! Ít bữa nữa mình qua Malaysia triển lãm héng! Anh phác sơ về cách thức hoạt động cũng như lộ trình, nhóm anh em hoạ sĩ sẽ không bay từ Tân Sơn Nhất mà sẽ di chuyển bằng xe khách qua Kampuchia sau đó mới sang Mã Lai. Được đi đến một đất nước mới lạ đối với tôi cùng anh chị dĩ nhiên là tôi cảm thấy thật hạnh phúc trong lòng. Các tác phẩm tranh, tượng đã được chuyển riêng nên khi xuất phát mọi người chỉ phải mang theo hành lý mà thôi! Sát ngày đi chị Lê Triều Hồng Lĩnh gọi điện và dặn tôi. – Tụi chị có việc nên đi trước một ngày! Sáng hôm sau em lên SG đến địa điểm 64 – 68 Hai Bà Trưng đợi Trum Le đến rồi 2 chú cháu ngồi xe Mai Linh qua Phnom Penh, Khi tới nơi thì kêu xe nhỏ đưa đến King Get House Hotel, tụi chị sẽ chờ em ở đó nha!
Sáng hôm sau tôi lên đến SG khi trời còn sớm ửng! Phải đợi đến nắng lên cao nửa sào thì Trum Le mới đến, cháu nói xin lỗi vì đã ngủ quên. Lâu quá không gặp không ngờ Trum Le giờ trông cao to và bảnh bao vô cùng! Hai chú cháu lấy vé rồi lên xe ngồi đợi khá lâu thì xe mới lăn bánh. Xe chạy rề rà vì đường sá nhiều xe cộ cùng lưu thông, khi ra đến ngã tư An Sương tài xế mới bắt đầu tăng tốc vì đường đã thoáng hơn! Do đêm trước thức khuya lại dậy quá sớm nên mắt cứ lim dim cho đến khi xe tới biên giới Mộc Bài. Anh phụ lái gom hết hộ chiếu của hành khách trên xe để mang vào trạm hải quan làm thủ tục và cấp thị thực tại chỗ. Nghe nói phải mất nửa tiếng mới xong! Đang mơ mơ màng màng bỗng có tiếng nói mà tôi nghe chừng như tiếng sét bên tai. Trên xe ai là …..? Tôi bèn đứng dậy và tiến về phía anh nhân viên hải quan, anh đưa trả tấm hộ chiếu cho tôi và nói! Tấm hộ chiếu này thiếu một con dấu trong chuyến đi TQ nên không còn hợp lệ. Vậy là tôi bị buộc phải quay về. Thật là kỳ lạ, một việc thật hệ trọng liên quan đến tấm hộ chiếu như vậy mà sao tôi lại có thể quên được một cách dễ dàng đến vậy? Tôi đã lơ đễnh đến nỗi xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra với tấm hộ chiếu này! Mặc dù tôi đã bị ách lại tại biên giới Thường Phước chỉ mới mấy tháng trước đây thôi. Thật ra nếu tôi lưu tâm đến điều này thì khi còn ở nhà, tôi chỉ cần cái lưỡi lam với cục tẩy và 15 phút là đã có được con dấu nhìn còn sắc sảo hơn cả con dấu thật. Hơn nữa nếu hải quan có soi thì soi xem hộ chiếu thật hay giả hoặc visa là thật hay giả, không ai vô công để soi con dấu đã đóng trong quá khứ là thật hay giả bao giờ!
Tôi ngoắc Trum Le đến và dặn! Khi xe đến nơi con dặn xe ôm đưa con đến khách sạn King Get House, con hỏi thăm quản lý số phòng của ba má con, khi gặp ba má con nói cho ba má con biết tình trạng của chú. Riêng chú, chú sẽ tìm cách để hợp thức hoá tấm hộ chiếu và tranh thủ qua đó cho kịp để mình còn được đi chung chuyến. Tạm biệt Trum Le và chiếc xe cũng từ từ trờ qua vạch sơn để vào nước bạn.
Từ giã Trum Le, tôi với chiếc vali nặng trĩu và lòng tôi cũng nặng trĩu! Chính lúc này đây tôi mới có thể nhận diện được chính mình! Nếu khi chú tâm để làm một điều gì đó? Tưởng chừng tôi có thể chẽ cọng tóc ra làm đôi theo chiều dọc của sợi tóc. Nhưng đôi khi tôi lại quá vô tư với những điều hệ trọng vô cùng. Nhưng giờ việc đâu tiên tôi cần làm là vào trạm hải quan để gặp cấp thẩm quyền để trình bày tình cảnh của tôi và nhờ giúp! Viên sĩ quan xem sơ qua hộ chiếu rồi nói! Trước tiên anh nên đi đóng phạt cho lỗi đã thiếu con dấu này! Theo sự chỉ dẫn của anh sĩ quan, tôi phải bắt xe ôm đi ngược về hướng đã đi khoảng 3 Km, Cũng không rõ đó là đồn hải quan hay biên phòng? Đến nơi tôi gặp một chiến sĩ và trình bày, tôi đến để nộp phạt do mắc lỗi về hộ chiếu! Rất không may cho tôi là hôm đó đơn vị đang có buổi liên quan nên tôi phải chờ khá lâu, trong khi thời gian đối với tôi trong lúc này lại quý báu vô cùng. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ tôi mới thấy anh lính đó xuất hiện, anh kêu tôi ký tên vào mảnh giấy đồng thời nộp tiền phạt, giao biên nhận và trả lại hộ chiếu cho tôi kèm câu thông báo! Tấm hộ chiếu này của anh đã vô hiệu lực. Sau này nếu có nhu cầu xuất ngoại anh có thể xin cấp hộ chiếu mới, nhưng phải kèm theo biên lại nộp phạt này! Hoặc anh có thể ra Lào Cai nộp đơn nhờ chứng nhận và xin con dấu vào chỗ khuyết.
Quay trở ra tôi thầm nghĩ thế là công cốc! Cứ tưởng nộp phạt sẽ được cho qua, ai dè nộp phạt xong lại bắt quay về! Vậy thì có khác gì mình vừa đóng tiền ngu đâu? Vừa mất thời gian vừa mất tiền nếu không ngu thì là gì? Chợt nhớ đến anh sĩ quan đã kêu tôi đi đóng tiền phạt, tôi muốn quay lại đó gặp anh ta xem sự thể là như thế nào? Gặp tôi anh ta hỏi! Đã đóng phạt rồi à? Tôi nói vâng, và lấy biên lai nộp phạt đưa anh xem, xem xong anh nói tốt lắm rồi xếp mảnh giấy lại cho vào túi áo và nói, anh theo tôi! Dắt tôi đến ngay quầy của các nữ nhân viên hải quan, anh vói tay lấy con dấu, cô nhân viên cau mày tỏ vẻ không đồng tình cho lắm! Anh ấn mạnh vào thiếp mực rồi đóng mạnh vào chỗ khuyết trên tấm hộ chiếu của tôi! Anh nói, giờ thì anh có thể qua được rồi! Chúc anh may mắn! Tôi kéo anh anh ra góc khuất và nói! Tôi rất biết ơn anh đã giúp tôi! Nhưng xin anh hãy nhận chút tấm lòng của tôi nếu không sẽ khiến tôi áy náy lắm! Vừa nói tôi vừa dúi vào túi anh chút ít! Dù tôi đã nhận ra sự giúp đỡ của anh anh sĩ quan đó là vô tư không vụ lợi!
Đóng thêm con dấu phía hải quan Bavet Campuchia nữa! Và giờ xem như tôi đã đang bên xứ Cao Miên rồi! Theo quy định của hãng xe Mai Linh, ai có vé của hãng thì có thể lên bất cứ xe nào cũng đều được, tất nhiên vé chỉ có giá trị trong ngày. Lên một xe Mai Linh để đến trạm dừng cách Biên giới 1 vài km, đó là nơi xe sẽ dừng lại khoàng 30 phút để hành khách được ăn uống mà tiền ăn đã được tính trọn gói luôn vào vé xe rồi! Tôi biết mình còn rất ít thời giờ để có thể vượt được 170km, nên vội tìm 1 chiếc 4 chỗ để mong tới được Phnom Penh nhanh hơn di chuyển bằng xe khách! Nơi bến dừng luôn có nhiều xe 4 chỗ đậu chờ được đón khách. Trao đổi với bác tài, chúng tôi thoả thuận với nhau, anh không được rước thêm khách dọc đường và phải chạy nhanh nhất có thể, bù lại tôi sẽ trả anh gấp rưỡi con số mà anh đã đưa ra, và rồi chúng tôi đã thống nhất được với nhau.
Phải công nhận là anh chạy rất nhanh! Mặt đường nhựa khá cao so với mặt ruộng và lác đác là những ổ gà. Nhưng rồi trời bỗng đổ cơn mưa như trút, cái gạt nước chừng như không kịp gạt hết lượng nước quá nhiều đã bắn như xối vào kính lái, nhìn không gian phía trước thấy như nhoè đi, dù vậy nhưng dường như anh vẫn cố chạy thật nhanh, tới chỗ có dãy nhà ven đường anh tấp xe vào căn nhà có dựng mấy chiếc thùng phuy và có mái de ra phía trước, từ trong nhà một thanh niên da đen nhẻm, quấn xà rông mình trần xách vội 2 cal xăng ra đổ vào xe. Tôi dặn bác tài, nếu thấy đường mưa trơn trượt chạy nhanh nguy hiểm thì có thể chạy chậm lại cũng được, miễn sao an toàn! Thanh toán tiền xong anh lên xe chạy tiếp và vẫn chạy với tốc độ rất nhanh vứa lái anh vừa nói! Thật ra tôi cũng gấp lắm! Vì đưa anh đến nơi tôi còn phải quay về chỗ ban nãy tôi đã đón anh! Đi và về trên ba trăm km chưa nói còn phải qua lại 2 lần đò.
Vượt qua cả trăm km dưới mưa cuối cùng cũng đến được bến phà Hố Lương (Neak Loeang) Nhưng rồi hoạ vô đơn chí! Do mưa to gió lớn nên phà đã tạm dừng hoạt động tự bao giờ. Nhìn xuyên qua màn mưa tôi thấy bên kia bờ chiếc phà chất đầy người và xe cộ đang nằm im lìm tại bến! Nghe trong lòng nóng như lửa đốt và thần kinh căng như dây đàn. Đúng là người tính đâu qua được trời tính! Nhưng rồi bỗng đâu cường độ mưa có vẻ như giảm bớt lại, và bên kia bờ chiếc phà cũng phun luồng khói đen sì và chậm chạp quay đầu sang phía bờ bên này! Tôi cảm thấy có được chút hy vọng, nhưng nhìn số lượng xe đậu phía trước khá nhiều, có lẽ do phà ngưng hoạt động hơi lâu nên lượng xe dồn ứ lại. Tôi nghĩ nếu vậy thì có lẽ phải đợi tới chuyến phà sau cũng chưa chắc đến lượt xe mình. Tôi nói với bác tài cho tiền anh bảo vệ và xin ưu tiên xem có được không? Thấy 2 người to nhỏ nhau đôi câu và anh bảo vệ bước đến gỡ chiếc móc ở đầu sợi lòi tói ra khỏi cây cột sắt. Anh tài xế mau chóng ngồi vào xe và luồn lên phía đầu đoàn xe.
Giờ thì xe đã qua phà Neak Loeang, nhưng tới được Phnom Penh vẫn còn phải vượt qua thêm 60 km trên quốc lộ 1 nữa! Trời cũng đã chiều cộng với cơn mưa khiến bầu trời trở nên xám sịt và buồn bã vô cùng. Những người đồng nhóm có lẽ đã ra sân bay từ vài tiếng trước rồi cũng nên?! Cũng rất có thể họ nghĩ giờ mình đã về tới Vĩnh Long. Không đâu! Nếu họ nghĩ vậy là do không hiểu tính cách của mình đó thôi! Chỉ một tia hy vọng dù rất mong manh mình vẫn sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Trừ khi không còn gì để mà bám víu thì khi ấy dù có muốn hay không vẫn phải buông tay…
Chiếc xe vẫn lao như tên bắn, nhìn vào công tơ mét thấy kim đồng hồ có lúc nhích lên tới số 120 – 125. Và rồi cũng đã đến được Phnom Penh. Lúc này đang giờ tan tầm nên lưu lượng xe quá đông, bác tài đúng là một tay lái lụa, hết đánh trái lại ngoặc phải, có lúc leo lên cả hành lang dành cho bộ hành. Tôi thúc anh mau chóng ra thẳng sân bay Pochentong luôn may ra còn kịp! Đến cổng sân bay anh chạy thẳng đến tận cửa phòng chờ và dừng lại. Mở cửa và mang vali xuống hộ tôi! Tôi thanh toán lộ phí theo hợp đồng và thưởng thêm chút ít để anh vui! Anh siết tay tôi thật chặt và chúc tôi nhiều may mắn! Bước vào phòng chờ tôi thấy quan cảnh sao vắng như chùa Bà Đanh. Có một vài cô lao công đang làm vệ sinh, trong các quầy vé vẫn còn vài nhân viên ngồi trực. Thấy có anh nhân viên đứng bên chân cầu thang nên tôi tiến đến và hỏi. Anh nhân viên trông rất đô con và có nước da sáng, tôi thầm nghĩ nếu anh ta là người VN thì may cho mình lắm! Tôi thử dùng tiếng Việt và nói. Chào anh! Anh nhìn tôi cười cười nhưng tỏ vẻ không hiểu tôi nói gì? Tôi lại dùng tiếng Triều Châu thử xem anh có nghe được không? Anh lắc đầu và nói, Ot che! (không biết) Tôi buộc phải dùng chút vốn tiếng Khrme thật nghèo nàn của mình để hỏi anh ta! Tôi hỏi có phải ở tầng trên vẫn còn có một đoàn khách đang chờ chuyến bay không? Phải hỏi đi hỏi lại và cả ra dấu nhưng may mắn là anh cũng hiểu và trả lời, Mẹn é! (đúng rồi) Lòng mừng khấp khởi, tôi nói anh có thể liên lạc với những người đồng nhóm của tôi để giúp tôi có được chiếc vé bay không? Vì tôi gặp sự cố nên đến muộn và vé của tôi hiện đang được họ giữ hộ! Anh nói vì anh đang ca làm việc, tức phải đứng đây và chỉ cho phép những ai có vé bước lên cầu thang này mà thôi! Thấy có nói gì cũng chẳng ăn thua, tôi bèn đánh liều bỏ chiếc vali đó để bước vôi lên tầng trên, ngoái nhìn lại thấy anh vừa cười vừa xách chiếc vali và chạy theo tôi lên tầng trên. Lên tới tầng trên tôi thấy một khu vực khá rộng, nhưng không thấy hành khách nào ngoài nhóm 5 – 6 nam nhân viên đang đứng trò chuyện cùng nhau! Lúc đó anh cũng vừa tới nơi và cố nói giúp cho các đồng nghiệp của anh hiểu tình cảnh của tôi! Thấy mọi người đều nhìn tôi chằm chằm. Tôi bèn hỏi trong các anh có ai nói được tiếng Hoa không? Lúc này mọi người lại hướng mắt vào một anh có vẻ là tổ trưởng! Trông anh nhiều tuổi hơn các đồng nghiệp và nơi tay áo có đính băng. Anh ấy bỗng xổ một tràng tiếng Tiều khiến tôi hết sức vui mừng. Sau khi nghe tôi trình bày xong, anh cho biết mọi hành khách đều đang ở khu vực cách ly và theo nguyên tắc khu vực đó hiện đang trong thời điểm ngoại bất nhập nội bất xuất. Nhưng sau đó thấy anh to nhỏ với các đồng đội điều gì đó rồi quay sang tôi và kêu theo anh, Cả 2 đi đến một cánh cửa lớn bằng thuỷ tinh đục. Anh mở cánh cửa ra tôi thấy có hơn trăm người đang kẻ ngồi người đứng và xí xô xí xào cùng nhau huyên náo vô cùng! Tim tôi đập thật mạnh và vừa bước đi vừa ngó quanh ngó quất mong thấy được anh chị Lê Triều Hồng Lĩnh, nhưng càng tiến về phía trước càng cảm thấy tràn trề.nỗi thất vọng! Chẳng nhìn thấy anh Tư, chị Tư hay thằng Triết đâu cả? Đi đến cuối hành lang đành quay trở lại với một nỗi buồn chất ngất trong lòng! Tự nhủ có lẽ họ đã bay chuyến trước rồi cũng nên? Vì chị Tư nói sẽ bay chuyến 4h30 mà giờ này đã gần 5h rồi còn gì? Hơn nữa nếu anh chị Tư và Triết có mặt nơi này thì chỉ cần khi mình bước vào anh chị và Triết đã phát hiện ra chứ đâu cần mình phải tìm trong vô vọng như thế này! (Còn thêm vài người trong nhóm nhưng khi đó tụi này vẫn chưa biết nhau)
Bước những bước chân nặng nề đến gần cửa để ra khỏi khu cách ly thì…Ôi! Trời ơi! Chẳng phải là chị Tư Điển đây hay sao? Cả nhóm xúm xít vây quanh tôi, Thấy vậy anh đổi trưởng vẩy tay chúc mừng tôi rồi bước ra ngoài, riêng cô bé mà sau đó tôi biết tên là Ngọc, đã nhanh chóng chạy xuống phòng chờ để hợp thức hoá sự hiện diện của tôi trên cùng chuyến bay và nộp các khoản phí tinh tinh khác. (Bé Ngọc là nàng dâu hụt của anh chị Tư, cô bé nói lưu loát tiếng Anh và tiếng Hoa) cũng vào thời điểm này lầu đầu tôi gặp và quen biết chị Minh Nguyen.
Riêng phần chị Tư mọi khi ăn mặc thật giản dị lại nuôi mái tóc dài, nhưng lúc tôi gặp thì chị ấy lại ăn vận khá mode và lại cắt tóc cô bồi, chẳng những vậy chị còn ngồi quay lưng lại nên sao tôi có thể nhận ra? Tôi hỏi còn anh Tư đâu và Triết đâu? Chị nói Triết vào restroom còn anh Tư chắc lẻn đi hút thuốc nãy giờ chưa thấy quay lại! Ngọc vừa làm xong thủ tục và quay trở lên thì chuyến bay cũng đáp xuống để trả khách. Nhóm chúng tôi cùng toàn thể hành khách của chuyến bay rồng rắn nối đuôi nhau lên máy bay.
Thật ra tôi cũng đã dự trù phương án 2 cho mình rồi! Nếu được đi chung chuyến với nhau thì không gì vui hơn! Còn giả sử khi đến sân bay trể khiến lỡ hẹn thì sẽ quay về Phnom Penh thuê phòng, có thể nhờ khách sạn đặt vé sẵn rồi sáng hôm sau quay lại phi trường để sang Kulalumpur thế thôi! Và khi qua đến bên đó chỉ cần thót lên Taxi kêu đưa đến Đại Sứ Quán VN thì lo gì không tìm được đồng nhóm! Vì tụi này qua đó triển lãm tranh nhân sự kiện NGÀY VIỆT NAM TẠI MALAYSIA kia mà!
Vĩnh Long 21/7/2017
Lâm Chiêu Đồng

0 dong 1                       H1

0 dong 3                   H2

0 dong 4                     H3

P1020381 - Copy                      H4

P1020411 - Copy                H5

              H6

Có 8 bình luận về Tấm Hộ Chiếu

  1. My Nguyen nói:

    Bài viết này MN đã đọc lần hai nhưng vẫn bị lôi cuốn bởi chuyến đi đầy thú vị. Năm 2015, MN đến Siem Reap bằng đường bộ đầy khói bụi. Đâu được cái thú đi trên dòng Tonlé Sap, qua Biển Hồ mênh mông…như anh Lâm Chiêu Đồng.

    Điều mừng là qua hai lần bị rắc rối bởi “Tấm Hộ Chiếu”, anh đã vượt qua và bây giờ nó đã trở nên hợp lệ. Vậy là anh có thể tiếp tục những chuyến du lịch nước ngoài với Tấm Hộ Chiếu của mình rồi. Chúc mừng anh nhe!

  2. Chỉ là một nhà (văng) nên có được dăm độc giả đã cảm thấy ấm áp trong lòng! Vậy mà trong số độc giả hiếm hoi và quý báu ấy lại có một chị My Nguyen đọc những hai lần! Thật là cảm ơn và cảm động vô cùng chị ạ! Cầu chúc chị thân tâm luôn an lạc nha!

    • My Nguyen nói:

      Anh khiêm tốn mà nói thế thôi. Chứ theo tôi biết, anh có rất nhiều độc giả, đặc biệt là trên Fb. Sở dĩ tôi đọc hai lần vì là một lần trên Fb và lần nữa ở đây thôi. Cảm ơn lời chúc tốt đẹp của anh.

  3. Neang Phi Rom nói:

    Bài viết của Chiêu Đồng thật hay, thật ý nghĩa, tôi đây rất thích, hay nhất ở văn phong chân chất. Tôi đọc rất nhiều lần nhất là viết về một đất nước mà tôi hằng quý mến.

    Đúng như vậy, tại đất nước Campuchia không hề có phát hành vé số, tôi hỏi chị ruột của tôi sống tại Phnom Pênh từ lúc 10 tuổi đến nay, chị nói trước cũng có  bán vé số nhưng bán không ai mua, rồi họ dẹp luôn…không như ở VN những nạn chèo kéo bán vé số, cảnh chèo kéo bán nhan, chim phóng sinh… ở Núi Sam Châu Đốc…, không những khách nước ngoài mà cả người trong nước cũng rất bực mình. Tại đất nước Campuchia không có nạn chèo kéo.

    Còn Hộ Chiếu cũng hên cho LCĐ lúc đó nhờ được nộp phạt mà được hợp thức hóa, hay thiệt, chớ không phải đóng tiền ngu đâu, hên thiệt đó, nếu cạo sữa dù tinh vi cỡ nào cũng bị phát hiện, tội làm giả dấu, vì khi vào hệ thống mạng XNC là họ biết ngay giả thiệt còn tệ hại hơn.

    Rất cám ơn bài viết thật hữu ích. Chúc LCĐ dồi dào sức khỏe, viết thật nhiều nữa để mọi người được thưởng thức.

    TB: Sẳn dịp thay mặt trang nhà, PR thân mời Chiêu Đồng đến dự tiệc sinh nhật lần 5, nhằm ngày 5 tháng 8. Nhớ đến chung vui cùng anh chị em trang nhà nhé.Thân mến.

     

  4. Thật ra thì không phải nhờ nộp phạt mà tấm hộ chiếu từ bất hợp lệ lại thành hợp lệ một cách đơn giản như vậy đâu chị ơi! Vượt chặng đường 170km trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục cũng là điều kỳ diệu lắm rồi, hơn nữa mưa to gió lớn khiến phà ngưng hoạt động, trong khi xe mình lại ở sau chót của đoàn xe dài ngoằn rồi lại được lắn bánh xuống phà đầu tiên… Cũng như chuyện không có vé mà có thể lên được tầng trên của phòng chờ là điều không tưởng đó chị à!  Càng khó tin hơn không có vé mà có thể ra được đến khu vực cách ly, điều này hầu như chưa có tiền lệ đó chị Neang Phi Rom ơi hihi

    Tôi không dám tự nhận mình là bản lĩnh! Nhưng tôi biết có một điều gì đó rất nhiệm màu và rất phi thường chị à! Chị hãy tưởng tượng trong chưa đầy một ngày mà phải vượt qua 5 trở ngại lớn như 5 cửa ải. Chỉ 1 cửa ải thôi nếu muốn vượt qua đã là quá sức lắm rồi…

    • Neang Phi Rom nói:

      Thật hoan nghinh Chiêu Đồng, gan cùng mình, dù gian nan, gai góc “không tới nơi không vìa” chí khí có thừa…hihi …nhờ vậy mà biết được cuộc sống dân tình ở mỗi nơi và có được những chuyến du lịch thật kỳ thú , thật tuyệt vời.

       

  5. Diệp Bích Ngọc nói:

    Đọc bài Tấm Hộ Chiếu cả bài viết này thật là hay hồi hộp,hấp hẫn …..họa sĩ ,nhà văn ,nhà thơ anh rất đa tài Lâm Chiêu Đồng ạ .Em khâm phục anh ,một mình nơi đất khách .Chúc anh luôn khỏe ,viết nhiều bài khác hay nữa nhé.

  6. Anh cảm ơn Diệp Bích Ngọc nhiều lắm! Thật ra anh không biết nhiều như em nhận xét về anh đâu! Nhưng có thể anh là một gã luôn thật cố gắng em à! Anh luôn cố gắng nhất có thể những gì anh làm và không hề màng đết kết quả của việc làm ấy sẽ ra sao? Cuộc đời của mình rồi cũng chẳng biết sẽ ra sao ngày sau thì chút việc làm vụn vặt có đàng gì đâu đúng không em hihi

    Anh cảm ơn Diệp Ngọc Bích, chị My Nguyen cùng chị Neang Phi Rom vì đã đọc bài viết và động viên anh nha! Cầu chúc mọi người luôn vui và an lành!

     

Trả lời Neang Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác