Viết cho con gái nhân sinh nhật gần kề

Ngày đăng: 4/06/2017 12:04:33 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)

Sinh nhật con gái của tôi sau sinh nhật của tôi 10 ngày, đúng vào những ngày diễn ra giải bóng đá vô địch Châu Âu, nếu số năm chia chẵn cho 4, hay World Cup những năm chẵncòn lại. Cháu ra đời tại bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ. Hai mẹ con nằm trong một phòng của khu bệnh viện phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, bên kia đường có trụ sở báo Sài Gòn Giải Phóng, vốn là tư thục Hoàng Nguyên tôi đã học thêm môn lý và hóa tại đây trước năm 1975. Các trận đấu của giải EURO vì tổ chức ở châu Âu nên diễn ra rất muộn, thường là 1 hay 2 giờ sáng, theo giờ  Sài Gòn, và các biên tập viên báo Sài Gòn GP lúc ấy phải thức khuya xem các trận bóng để ghi nhận hình và viết bài tường thuật vì thời nầy truyền hình Việt Nam chưa có phương tiện truyền trực tiếp. Đêm khuya yên tĩnh và đường cũng vắng xe nên từ bên nầy đường tôi có thể nghe tiếng trực tiếp trận đấu phát ra từ máy truyền hình của tòa báo. Thế là tôi trèo lên cửa sổ ngồi nghe.

Cháu học cấp 3 , làm lớp phó phong trào của lớp vì chịu hoạt động, thích chơi thể thao và mua bán rất giỏi; nắm sát giá, tổ chức sự kiện không sơ sẩy một đồng nên rất được bạn cùng lớp tín nhiệm. Tuy nhiên cháu rất tức vì từng tổ chức sinh nhật cho rất nhiều bạn trong lớp nhưng bản thân lại chưa từng được mừng sinh nhật trong lớp bên cạnh thầy và bạn vì sinh nhật vào tháng 6, tháng nghỉ hè.

Cháu lúc nhỏ rất giống người chị kế đã quá cố của tôi nên rất được mẹ của tôi (bà nội của cháu) thương. Lúc khoảng 2 tuổi cháu vẫn chưa nói được nhiều, cả nhà cứ nghĩ cháu chậm biết nói. Lần mẹ tôi phải vào bệnh viện Chợ Rẫy mỗ cườm mắt bà nói nhớ cháu nên một trưa Chủ Nhật, lúc các cô y tá nghỉ trưa tôi lén mang cháu vào bệnh viện cho bà cháu gặp mặt. Buổi trưa hôm ấy trời mưa. Trước 4 giờ chiều tôi phải bồng cháu rời bệnh viện trước khi y tá trở lại thăm khám bệnh nhân. Lúc ấy tôi nghèo, phương tiện đi lại là chiếc xe cub cánh én cũ, dây điện câu nối lòng thòng mà không có băng keo điện quấn che mối nối, thợ phải cắt bao nylon quấn tạm rồi dùng lửa đốt để ép cho dính. Xe gửi ở bãi mắc mưa, mối nối dây điện quấn không kỹ bị nước mưa chảy vào làm mát điện; cho nên khi xe chạy khỏi bệnh viện được khoảng một cây số thì chết máy. Tôi cho cháu đứng xuống lề đường rồi đạp máy khởi động, phải đạp vài chục lần máy xe mới chịu nổ, chạy được khoảng một cây số xe lại chết máy. Đến lần chết máy thứ ba, lúc ấy hai cha con tôi đã về đến gần đầu đường Nguyễn Hoàng, bên hông trường Lê Hồng Phong thì trời đã nhá nhem tối. Khi được tôi đặt đứng xuống lề đường cháu đi ra phía sau xe đứng theo thế đẩy xe và nói: “Thôi, mình đẩy xe đi về đi ba. Con thấy ba đạp máy xe vất vả quá!” Nghe cháu nói câu ấy tôi nổi “da gà” dù người đang nóng bừng, mồ hôi đầm đìa sau gần cả trăm lần đạp máy xe. Cháu đã nói một câu dài, phát âm rất chuẩn, phát được cả âm /v/.

Gia đình tôi gốc người miền Nam, những chữ như “về” hay “vất vả” thường phát âm không chính xác và lúc ấy chưa ai nghĩ đến việc dạy cháu phát âm cho chuẩn.  Khi cháu lớn hơn mỗi lần được dẫn ra chợ thăm mẹ (mẹ cháu có sạp bán quần áo may sẵn), mẹ cháu phải khó khăn lắm mới tìm lại được con vì các bà, các cô bán ở chợ dẫn cháu đi suốt bởi họ thích nghe những lời cháu thỏ thẻ.

Bà ngoại cháu có quan niệm trẻ con phải sống được với cả bên nội lẫn bên ngoại, và phải biết ăn tất cả các món. Vế đầu thì tôi hoàn toàn đồng ý vì bản thân tôi đã từng sống như thế nhưng với vế sau thì tôi rất ngại vì tôi kén ăn, những món đặc sản ít dám đụng đến, thấy con vịt trong trứng vịt lộn là quay mặt đi chỗ khác dù biết món nầy là bổ, là cần ăn.

Cháu không ăn được trái sầu riêng. Nghe mùi sầu riêng là cháu hĩnh mũi bỏ đi nơi khác. Bà ngoại cháu biết được việc ấy. Thế là khi gia đình ăn sầu riêng bà lấy một múi gí vào mũi cháu, cháu nhoài người né tránh. Bà nhanh tay quệt một ít sầu riêng lên mũi cháu rồi để cho cháu đi. Cháu vừa đi vừa hĩnh mũi, mặt cứ nghệch ra như đang nghĩ “Sao hôm nay nhà bà ngoại thúi quá!” Cả nhà phải bật cười trước cảnh nầy. Sau nầy cháu ăn được sầu riêng và ghiền sầu riêng không thua ai. Cháu tính toán rất nhanh, quản lý tiền bạc chi ly nhưng nhất định không chịu thi vào ngành kinh tế do sợ trách nhiệm vì từng chứng kiến những việc bất trắc xảy đến với vài người thân khi kinh doanh. Người hùng của cháu về nghề nghiệp là mẹ tôi, bà nội của cháu. Mẹ tôi có người cậu họ là bác sĩ có mở phòng mạch tư, khi còn trẻ bà hay đến phòng khám chơi hay phụ việc gì đó nên thu thập được chút ít kiến thức về chữa trị, thuốc thang nên bà là người chuyên trị những bệnh vặt cho con, cháu trong nhà hay bày cho người nầy, người nọ cách chữa bệnh, mẹo trị bệnh, chỉ tên thuốc. Mẹ tôi còn nghĩ ra những cách trị bệnh được chị em tôi và các cháu cực kỳ ưa thích: Uống thuốc bằng xá xị, ho cho ăn tôm nướng nhét muối nhiều tiêu, cảm uống thuốc “Bé Nóng” kèm với tô hủ tiếu nóng. Các cháu thường đến bên bà nội miệng ho khặc khặc hay cầm tay bà đặt trên trán để khai bệnh. Cháu muốn học ngành y để có thể giúp đời (tối thiểu cũng làm được như bà nội!) nhưng do hoàn cảnh chỉ học được y tá. Không sao con gái, nếu được là bác sĩ thì quá tốt, y tá cũng được miễn là có năng lực và làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm cùng y đức.

Nguyễn Hoàng Long

    0 long 01                   H1

0 long 02              H2

0 long 03                                 H3

                     0 long 04H4

Có 6 bình luận về Viết cho con gái nhân sinh nhật gần kề

  1. Trầm Hương Ptt nói:

    Người ta nói …hay hát ..Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào…Cô bắt gặp nơi đây tình cha cũng bao la không kém…Thương cha mẹ nên cháu cố học, bây giờ cháu tốt nghiệp, cha mẹ vui nghe.Chúc mừng gia đình Long.

    • Thưa Cô,

      Em vẫn nhắc các cháu phải sống xứng đáng với nước Mỹ cưu mang và không làm xấu hổ quê hương Việt. Ngày  nay cả 2 cháu đều có việc làm ổn định, nghề nghiệp rõ ràng, tuy không là ông nọ, bà kia nhưng khi trở về VN không là “Việt kiều hồi hộp” là em vui rồi. Em cám ơn Cô đã quan tâm.

  2. Chúc mừng Hoàng Long vừa nhận được phần thưởng lớn do con gái quý tặng. Không cha mẹ nào mà không vui mừng cùng hãnh diện trước sự thành công của con cái trên đường học cũng như đường đời. Gởi lời mừng cháu gái cùng lời chúc sinh nhật sắp đến. Cuộc đời rộng mở, mong cháu sẽ theo gương của Florence Nightingale để vinh danh cho nghề nghiệp mà cháu đã chọn.

    • Thưa Cô,

      Theo truyền thống người Việt ta khi có con phải nuôi, dạy cho nên người và tạo lập gia thất. Ba mẹ em đã làm  được như vậy cho em và thậm chí còn hơn thế nữa. Nhưng đến em thì khác rồi. Hai cháu phải bươn chải nhiều trong cuộc sống nơi xứ người, dù bên cạnh có mẹ và bên ngoại, việc học hành vẫn vô cùng khó khăn. Hai cháu được như thế nầy em mừng lắm, nhất là cháu gái. Cháu theo Công giáo của mẹ, đi nhà thờ Notre Dame de Mission, làm công tác từ thiện cho nhà thờ, cho khu vực. Được như Florance Nightingale thì không chắc nhưng em biết chắc nước Mỹ có 1 công dân tốt, Chúa có một con chiên ngoan, và không làm xấu hổ nguồn gốc Việt. Sinh nhật nầy em rất vui.

  3. Hoành Châu nói:

    Một y tá  chuyên  cần , đầy lòng trắc  ẩn  còn hơn   một bác sĩ vô tâm , vô trách nhiệm !!

    Hoành Châu (Gia đình C )

    • Mình hoàn toàn đồng ý với bạn. Hãy làm tốt phần việc của mình dù phần việc ấy nhỏ nhoi thế nào. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính bạn ạ. Có cháu học lớp 2 đã biết hỏi câu: “Năm điểm là được lên lớp phải không ba?” thì làm sao mà dạy? Mình nghĩ mình thuộc diện may mắn.

Trả lời Nguyễn Hoàng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác