NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI ( Phần III)

Ngày đăng: 5/06/2017 09:27:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Vài năm sau khi cha mẹ tôi chia tay, mẹ tôi lập gia đình mới và cũng đòi hỏi sự trung thành của Lola với người chồng mới của mình, người này tên là Ivan, di dân gốc Croatia. Hai người gặp gỡ nhau qua một người bạn. Ivan chưa học hết trung học, đã lập gia đình bốn lần, cờ bạc hạng nặng, thích thú vì được hưởng sự trợ giúp của mẹ tôi và sự hầu hạ của Lola. Ivan đã làm xuất hiện nơi Lola một phần bản chất mà tôi chưa từng thấy. Cuộc hôn nhân với mẹ tôi ngay từ lúc đầu đã thấy là không ổn, vấn đề chính là ông ta muốn tiêu tiền của mẹ tôi. Một lần trong một cuộc cãi vã, mẹ tôi khóc và Ivan la hét, Lola bước đến đứng giữa hai người. Lola quay lại phía Ivan và nói thật rõ tên của ông ta. Ivan ngó Lola, chớp mắt rồi ngồi xuống ghế.

Em gái Inlay và tôi đứng như chôn chân xuống sàn, Ivan nặng hơn trăm kí và cái giọng của ông ta làm cho tường nhà phải lung lay. Lola đã bắt ông ta ngồi vào chỗ mà chỉ cần cất lên một tiếng thôi. Tôi cũng chứng kiến sự việc này vài lần nhưng phần lớn là Lola lại tiếp tục hầu hạ ông ta thể theo lời yêu cầu của mẹ tôi mà không nói năng gì cả.

Thật sự là tôi đã trải qua một thời kỳ khó khăn khi thấy Lola phải làm đầy tớ cho kẻ khác, nhất là kẻ đó lại là Ivan. Việc tạo ra sự rạn nứt giữa tôi và mẹ tôi lại do những chuyện tầm thường khác.

Mẹ tôi thường giận dữ khi Lola bị bệnh, bà không muốn dính vào chuyện lỡ dỡ và phải chi phí nên thường buộc tội Lola là giả vờ đau yếu hoặc là không chịu chăm sóc lấy bản thân. Mẹ tôi chọn chính sách thứ nhì, chẳng hạn vào thập niên 70, khi răng Lola bắt đầu muốn rụng, Lola nói cả tháng là răng, miệng bị đau.

” Bị đau như vậy tại vì cô không đánh răng cho kỹ”, mẹ tôi bảo Lola.
0 nole 5                                               Lola ở tuổi 50.

Tôi nói là Lola cần phải tới nha sỹ, Lola đã ở tuổi 50 và chưa bao giờ tới nha sỹ lần nào cả. Lúc ấy tôi đang theo học college cách nhà khoảng một tiếng lái xe, mỗi lần về thăm nhà, tôi lại đề cập đến vấn đề này. Một năm trôi qua, rồi đến hai năm, Lola phải uống aspirin mỗi ngày để chống đau, răng của Lola trông lả chả giống như mấy cục đá của

Stonehenge. Một buổi tối khi nhìn thấy Lola nhai bánh mì ở một bên miệng nơi còn vài chiếc răng hàm, tôi không kìm được.

Tôi và mẹ tôi cãi nhau suốt cả đêm, cả hai đều khóc ở những điểm khác nhau, bà nói, bà chán ngấy vì phải làm việc cực khổ để nuôi mọi người và phát bệnh khi thấy con cái của bà đứng về phe của Lola. Tại sao chúng tôi lại nhận Lola, người mà ngay từ đầu bà đã không muốn có. Bà còn nói bà ước mong với Chúa là bà không muốn sinh ra một thằng con hợm hĩnh và đạo đức giả như tôi.

Tôi để cho lời của bà lắng xuống rồi mới trả lời lại, chính  bà là người hiểu rõ thế nào là giả dối, cả cuộc đời của bà là một cái mặt nạ. Bà chỉ cần ngừng một phút thay vì thương cảm chính mình, để nhìn Lola thì sẽ thấy là Lola không thể nào nhai được vì hàm răng đã bị hư. Không lẽ bà chưa bao giờ xem Lola như một con người thật sự mà lúc nào cũng coi Lola như một tên nô lệ, sống chỉ để hầu hạ bà.

“Nô lệ,” mẹ tôi nhấn mạnh từng chữ “Nô lệ?”

Đêm đó được kết thúc sau khi bà tuyên bố là tôi không bao giờ hiểu được mối liên hệ giữa bà và Lola. Giọng của bà tắc nghẹn và đau đớn mà cho đến nay tôi vẫn có cảm tưởng như bà vừa bị một quả đấm vào vùng dạ dầy. Thật là khủng khiếp khi phải ghét mẹ mình và đêm đó tôi đã làm điều này. Nhìn mắt bà tôi biết bà cũng ghét tôi như tôi ghét bà.

Cuộc cãi vã đã làm nỗi sợ hãi của mẹ tôi càng tăng là Lola cướp mất con bà, cũng vì thế mà Lola phải trả giá. Bà đối xử với Lola nghiệt ngã hơn, dày vò Lola bằng câu nói

“Bây giờ thì cô sung sướng vì mấy đứa nhỏ của cô ghét tôi”. Khi thấy chúng tôi giúp Lola làm việc nhà, bà châm mồi vào lửa ” tốt nhất là bây giờ đi ngủ đi Lola”, bà nói một cách mỉa mai “cô làm việc cực nhọc quá, mấy đứa nhỏ nó lo lắng cho cô đó”. Sau đó bà đem Lola vào phòng ngủ để nói chuyện, Lola ra khỏi phòng với cặp mắt sưng húp. Cuối cùng Lola xin chúng tôi đừng giúp Lola nữa.

” Tại sao Lola còn ở đây?”, chúng tôi hỏi.

” Ai lo chuyện nấu nướng?”, Lola nói, nhưng tôi hiểu Lola muốn nói, ai sẽ làm mọi việc, ai sẽ chăm sóc chúng tôi, chăm sóc mẹ chúng tôi. Lần khác Lola nói ” Tôi đi đâu bây giờ”,

đây đúng là câu trả lời chân thực nhất đối với tôi. Tới nước Mỹ là một cuộc chạy đua điên cuồng, trước khi thở ra hơi thì mười năm đã qua, chúng ta quay một vòng nữa thì mười năm tiếp kết thúc. Tóc của Lola đã ngã màu xám. Lola nghe nói là bà con còn ở quê nhà không nhận được sự giúp đỡ mà Lola đã hứa, đều tự hỏi, không hiểu có chuyện gì xảy ra cho Lola không, cũng vì thế mà Lola xấu hổ nếu trở về lại quê hương.

Lola không có người quen ở Hoa kỳ và cũng không có phương tiện để đi đây, đi đó. Điện thoại làm Lola rối trí, máy móc như ATM, máy bán hàng, những máy có bàn phím đều làm cho Lola hoảng sợ. Người nào nói quá nhanh cũng làm Lola lặng câm, và tiếng Anh bồi của Lola cũng làm người đối thoại với Lola lâm vào cùng tình trạng như vậy. Lola không thể làm một cái hẹn, tổ chức một cuộc du ngoạn, điền giấy tờ hoặc kêu một món ăn mà không có sự trợ giúp.

Tôi giúp cho Lola có thẻ ngân hàng tự động ATM lấy tiền từ tài khoản của tôi trong ngân hàng và bày cho Lola biết cách sử dụng. Lola làm được một lần, đến lần thứ hai Lola bối rối và rồi sau đó không bao giờ sử dụng nữa. Lola vẫn giữ cái thẻ vì coi đó là món quà do tôi tặng.

Tôi cũng thử tập cho Lola lái xe, Lola khoát tay tỏ ý không chấp nhận đề nghị nhưng tôi vẫn lôi Lola ra xe, bắt ngồi vào chỗ của người lái xe và rồi cả hai chúng tôi cùng phì cười. Tôi dùng 20 phút để giải thích cách điều khiển và cách sang số xe, mắt Lola đang vui bỗng trở thành hoảng kinh. Khi tôi mở máy, các dấu hiệu thắp sáng thì Lola đã nhảy ra khỏi xe và chạy vào trong nhà trước khi tôi nói thêm được một tiếng nào.

Tôi cũng có thử thêm vài lần nữa vì tôi nghĩ việc lái xe sẽ thay đổi cuộc đời của Lola, nhờ đó Lola có thể đi nơi này, nơi kia và nếu không chịu nổi cuộc sống với mẹ tôi, Lola có thể lái xe ra đi vĩnh viễn.

Đường ba làn xe bây giờ chỉ còn hai, vệ đường trở thành sỏi cát, xe ba bánh chen lẫn giữa các xe hơi, mấy con trâu kéo hàng đống cây tre. Thình lình một con chó hoặc một con dê nhảy nhanh từ bên này sang bên kia đường ngay trước mũi xe vận tải, suýt nữa đụng sướt vào cây cản của xe.

Doods không bao giờ giảm tốc độ, không cho qua hôm nay thì ngày mai sẽ gặp, đó là luật đi đường của vùng quê.

Tôi giở bản đồ và theo dõi con đường đưa đến làng Mayantoc, điểm đến của cuộc hành trình. Nhìn ra ngoài cửa sổ, từ đằng xa những hình người thật nhỏ cúi còng lưng, trông như những cây đinh uốn cong. Dân quê đang gặt lúa, công việc mà tổ tiên của họ đã làm từ mấy  ngàn năm về trước. Chúng tôi càng lúc càng tiến tới gần, tôi đập nhẹ vào cái hộp nhựa rẻ tiền và hối hận đã không mua một cái bình đựng tro cốt thật sự bằng sứ hay bằng gỗ. Bà con của Lola sẽ nghĩ sao, cũng chẳng có nhiều người còn sống. Chỉ còn Georgia đã 98 tuổi vẫn ở trong làng, đầu óc cũng lẫn lộn. Bà con kể lại, mỗi khi bà nghe đến tên Lola là bà bật khóc rồi sau đó lại không biết là tại sao. Tôi liên lạc với người cháu gái của Lola, cô ta đề nghị ngày gặp gỡ như sau: Khi tôi tới nơi sẽ có một cuộc tưởng niệm đơn giản, tiếp đến là cầu kinh và chôn hộp tro tại một nơi ở Mayantoc Eternal Bliss Memorial Park. Lola mất đã năm năm nhưng tôi chưa nói lời từ giã vì tôi biết là sẽ có một ngày như hôm nay. Suốt ngày tôi đau buồn đến tận cùng nhưng tôi cố kìm hãm vì không muốn khóc trước mặt Doods. Thêm vào đó tôi cảm thấy xấu hổ về cách cư xử của gia đình tôi với Lola hơn là lo lắng về việc không hiểu bà con của Lola sẽ đối với tôi ra sao. Nỗi đau đớn đè nặng trong tôi vì sự mất mát Lola, chừng như Lola vừa mới qua đời hôm qua.

Doods hướng xe về phía đông bắc trên xa lộ Romulo, rồi rẽ ngoặt về phía trái ở Camiling, nơi sinh ra của mẹ tôi và trung uý Tom. Đường hai làn xe nay chập lại thành một, đá sỏi thành đất bụi. Con đường chạy song song với dòng sông Camiling, một nhóm nhà tre ở bên bờ, đồi xanh trước mặt, quê nhà trải dài…

Tôi đọc điếu văn trong tang lễ của mẹ tôi, những gì trong đó đều là sự thật: Bà thật can đảm và sinh động, đã đem hết sức để thực hiện mọi việc, khi sung sướng bà rạng  ngời, bà thương yêu con cái và cho chúng tôi một nơi êm ấm ở Salem Oregon trong thập niên 80, 90, nơi chúng tôi coi như là tổ ấm thường trực mà trước kia chúng tôi chưa từng có. Chúng tôi mong ước được cám ơn bà lần nữa, tất cả anh chị em chúng tôi đều yêu thương bà.

Tôi không nói đến Lola, dường như tôi đã cố ý bỏ Lola ra khỏi tâm trí khi tôi cùng với mẹ tôi trong những năm cuối cùng của bà. Thương mẹ, tức là cần phải giải phẩu để vứt bỏ một phần của tinh thần. Đó là cách duy nhất mà tôi phải làm để chúng tôi có thể sống với nhau như mẹ và con, nhất là khi sức khoẻ của mẹ tôi càng ngày càng kiệt quệ vào giữa thập niên 90. Tiểu đường, ung thư ngực, ung thư máu cấp tính làm mẹ tôi từ một phụ nữ khoẻ mạnh, cứng cáp trở nên một người gầy gò, yếu đuối một cách nhanh chóng.

Sau lần cãi vã dữ dội, tôi hầu như tránh về nhà, năm tôi 23 tuổi, tôi dọn về ở Seattle. Về thăm nhà, tôi thấy có sự thay đổi, mẹ vẫn là mẹ nhưng bớt gay gắt. Bà làm cho Lola một bộ răng giả đẹp và cho Lola một phòng ngủ riêng. Bà cùng với anh chị em chúng tôi giúp cho Lola được hưởng quyền cư ngụ hợp pháp theo TNT status. Tổng Thống Ronald Reagen đã ra đạo luật ân xá cho hàng triệu người cư ngụ bất hợp pháp tại Hoa Kỳ. Sau một thời gian dài làm thủ tục, Lola được nhập tịch làm công dân Hoa Kỳ vào năm 1998, bốn tháng sau khi mẹ tôi bị bệnh ung thư máu, bà sống thêm được một năm nữa.

Trong thời gian này, mẹ tôi và Ivan thường hay đi thăm Lincoln City, vùng biển của Oregon. Đôi khi Lola được đi cùng, Lola rất thích biển mà ở phía bên kia đại dương là nơi mà Lola mơ ước tìm về, thêm vào đó không gì làm Lola vui sướng hơn khi thấy mẹ tôi thư giãn bên cạnh. Một buổi chiều ở bờ biển hoặc chỉ 15 phút hồi tưởng lại những kỷ niệm nơi quê nhà là đủ để cho Lola quên hết những năm tháng bị hành hạ.

Tôi không quên được một cách dễ dàng nhưng tôi nhìn mẹ tôi bằng cặp mắt khác. Trước khi qua đời, mẹ tôi trao cho tôi nhật ký của bà, hai rương đầy. Lật từng trang nhật ký để đọc trong khi mẹ tôi nằm ngủ không xa, tôi mới biết được những mảnh đời của mẹ mà trước đây tôi đã từ chối để nhìn thấy. Bà theo học y khoa trong khoảng thời gian mà rất ít phụ nữ học ngành này, bà tới Hoa Kỳ và phấn đấu để nhận được sự nể trọng như một nữ bác sỹ gốc di dân. Bà đã làm việc 20 năm tại Fairview Training Center ở Salem, một cơ quan giúp cho việc phát triển những người bị phế tật. Một điều nực cười là suốt cuộc đời, bà chăm lo cho những người bất hạnh, họ tôn thờ bà, đồng nghiệp  nữ trở thành bạn bè thân thiết, cùng đùa vui như thiếu nữ, đi mua giầy, mở tiệc tùng luân phiên, tặng nhau những món quà dỡn chơi chẳng hạn miếng xà phòng có hình dương vật, một cuốn lịch đăng hình đàn ông ở trần rồi cùng cười với nhau.

Nhìn hình chụp trong các buổi tiệc này tôi mới biết mẹ tôi cũng có một cuộc sống và một con người khác hẳn với mẹ trong gia đình và với Lola.

Dĩ nhiên là mẹ cũng viết thật tỉ mỉ về mỗi người con của bà, cảm giác ra sao khi sanh chúng tôi, hãnh diện, thương yêu cùng oán hận. Rồi những phần bà viết về hai ông chồng của bà, cố gắng để diễn tả họ như những nhân vật chính phức tạp trong câu truyện. Chúng tôi đều là những người được chọn lựa, chỉ có Lola là tình cờ mà hiện hữu. Khi Lola được đề cập đến thì giống như đó là một nhân vật của một cốt truyện nào khác, “Lola dẫn con cưng của tôi đến trường mới, sáng nay, hy vọng là con sẽ kết bạn nhanh và không còn cảm thấy buồn khi lại phải dọn nhà đi nơi khác…” có hai trang nói về tôi nhưng chẳng còn đề cập gì đến Lola.

Một ngày trước khi mẹ tôi qua đời, một vị linh mục được mời đến để làm lễ lần cuối, Lola ngồi cạnh giường mẹ tôi, tay cầm một ly nước có ống hút và đưa vào miệng mẹ. Lola đã thật tận tuỵ và tử tế với bà, Lola có thể lợi dụng tình trạng yếu đuối của mẹ để trả thù chính đáng nhưng Lola đã làm ngược lại.

Vị linh mục hỏi mẹ tôi xem bà có muốn tha thứ cho ai hoặc muốn được ai tha thứ cho mình hay không. Bà đưa cặp mắt mà mí mắt dường như đã sụp xuống để nhìn khắp phòng mà không nói gì cả, và rồi, không nhìn Lola nhưng đưa tay ra và để tay lên đầu Lola. Bà không nói một tiếng nào.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: My Family’s Slave của Alex Tizon

Bản dịch Lê Thân Hồng Khanh

Có 4 bình luận về NGƯỜI NÔ LỆ CỦA GIA ĐÌNH TÔI ( Phần III)

  1. Hoành Châu nói:

    Bài dịch phần này quá hay , đúng là tất cả mọi người đều có số phận cả rồi , Tư tưởng còn  cố chấp , đó là   ý tưởng củ kỹ ,  mầm móng của tội lỗi và đau thương .  Em mong đọc đoạn kế  tiếp  , hấp dẫn  lắm , Cô ơi !                 Hoành Châu (Hoành Châu )

  2. Trầm Hương Ptt nói:

    Mong được đọc tiếp bạn ơi.Hay quá.

  3. Diệp Bích Ngọc nói:

    Em đang đọc phần hấp dẫn lắm cô ơi ,em mong đọc được phần tiếp .

  4. VÕ THỊ LÀI nói:

    Em đang bị lôi cuốn ở phần 3 nầy, rất hay sâu sắc của từng nhân vật, em đang đợi đọc phần  kế tiếp đấy Cô ạ !

Trả lời Diệp Bích Ngọc Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác