May mà có Saigon : Để nhớ Để Thương.

Ngày đăng: 6/06/2017 08:03:59 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Thương quá Sài Gòn ngày trở lại, tập truyện ký mới của anh Nguyễn Minh Nữu đến với tôi vào những ngày cuối cùng của tháng tư Sài Gòn. Cơn mưa sáng nay dường như làm cái nóng thiêu đốt gắt gay chuyển mùa của thành phố phần nào dịu lắng lại. Mùa mưa đang trở về thành phố này… Và tập truyện ký ăm ắp bao nhiêu là ký ức xa gần của anh xoay quanh mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên này bỗng dịu dàng như một tà áo lụa Hà Đông mềm mại thấp thoáng phố phường…

Cho tôi nói một lời rất thật
Dẫu xa người, người chẳng mất tôi đâu.
(NMN, Lời ghi trên đá, tr.28)

 

h1

Thật lòng, không hiểu sao tôi đã nhận lời ngay không ngần ngừ khi từ dòng Potomac bên kia đại dương anh inbox, rồi email bản thảo về… tính chưa đầy 10 ngày. Thời gian tiếp cận quá ngắn cả với tác phẩm lẫn tác giả. Có lẽ bởi ngay từ tựa đề của tập truyện ký đã cuốn hút tôi. Có lẽ bởi nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến những gì tha thiết nhất, thương nhớ nhất không chỉ trong tôi mà có lẽ cả thế hệ của tôi – những người đã sinh ra và lớn lên, đã khóc cười cùng những thăng trầm bể dâu của mảnh đất “thương quá” này. Những khuôn mặt thân thương bè bạn cứ lần lượt hiện ra qua từng trang viết thầm thì của anh. Và tôi đã đọc, đã cảm nhận từ điểm nhìn ân tình sâu nặng ấy ngay từ phút chạm cái tựa đề tác giả cố tình đảo trật tự cú pháp một câu kể thành câu cảm…mở ra cả một tâm thế đau đáu hoài niệm yêu thương và tiếc nhớ không nguôi…
198 trang không kể bạt, bìa và phụ bản trong Thương quá Sài Gòn của anh Nguyễn Minh Nữu được sắp xếp thành bốn phần chính. Phần 1, chiếm hơn nửa dung lượng cuốn sách là 135 trang bút ký cùng tên với tác phẩm. Ba phần còn lại là ba truyện ngắn mang tính chất nửa kì ảo nửa lịch sử lẫn hiện thực của anh: Thuồng luồng mắt biếc, Con trai thủy thần và Hảo hán cuối cùng từng được đăng rải rác ở Quán Văn và một số trang mạng văn chương.
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tác giả chọn thể loại bút ký cho phần 1 Thương quá Sài Gòn trong suốt 12 chương. Bởi đây là một thể của ký, nằm trung gian giữa ký sự và tùy bút. Nguyễn Minh Nữu đã ghi lại khá chân thực những cảnh vật, sự kiện, chân dung bè bạn gần – xa, cũ – mới mà bản thân anh từng sống, từng đi qua bằng hơn nửa thế kỷ dâu bể đời mình. Gần như là những câu chuyện thật 99.9%…mắt thấy tai nghe, ghi nhận từ các chuyến đi-về và lang thang dong ruổi…trên các dặm đường. Không gian được xác định là Sài Gòn nên bao quát gần như những ngõ ngách mà bất kỳ ai chỉ cần nghe tên gọi đã thấy thân thuộc: Quận 1, Quận 3, Bàn Cờ, Thương xá Tax, Kênh Tẻ, Kênh Tàu Hủ… Những con đường. Những góc phố. Những tiệm sách hầu như ai cũng có lần từng đặt chân vào: Khai Trí, Xuân Thu, Vĩnh Bảo, Tự Lực…hay ngôi nhà ký ức nửa sau thế kỷ trước. Một vài chương tác giả lại ngược chiều không gian hiện thực SG bằng không gian kỷ niệm của ông: Đà Lạt, Mỹ Tho, Ban Mê Thuột, Pleiku…thuở thanh xuân. Sự chuyển đổi này được đi theo dòng ký ức tuôn trào hết sức tự nhiên bởi nó được vắt qua và đan xen giữa những trục thời gian cũng vô cùng linh hoạt. Mới ở chương 1 là ngày trở lại gần đây nhất (25.12.2016) và người bạn lâu năm nhất, thân nhất thưở mới lớn là nhà thơ Đoàn Văn Khánh (ĐVK), để từ nhân vật đầu tiên này, Nguyễn Minh Nữu – tác giả – tôi – người kể chuyện mở ra những sợi dây liên kết đến chuỗi những nhân vật khác, ở những không gian khác, thời điểm khác nhưng hữu duyên hay tình cờ đã dự phần đậm nét trong từng khoảnh khắc cuộc đời ông từ…nửa thế kỷ trước, ở các chương tiếp theo.
Tôi thật sự thú vị khi lần theo những mối dây liên kết này, qua cách kể – ghi chép lại tưởng như ngẫu hứng của tác giả. Và qua đó, bắt gặp khuôn mặt Sài Gòn những năm 60, 70, trở đi trở lại cùng thấp thoáng một Sài Gòn hiện tại.
Từ Đoàn Văn Khánh, tác giả mở ra những người bạn Quán Văn và các buổi sinh hoạt ra mắt tập san này như một sinh hoạt thuần túy văn chương nhân bản và tụng ca cái Đẹp (Chương 1,2,5). Chân dung chủ biên Nguyên Minh đến từng cây bút Quán Văn tuy chỉ là một lát cắt rõ nét hay thoảng qua nhưng rõ ràng tác giả có sự quan sát tinh tế, miêu tả chân thưc, tóm gọn vài dòng mà giúp người đọc cảm thấy như cũng gần gũi thân quen với đôi “trai tài gái sắc” Trương Văn Dân-Elena, hay sẽ tò mò tìm thử “Chuyện Làng Nguyệt Tui” qua giọng châm biếm của Từ Sâm-Nha Trang, biết người góp mặt từ số đầu tiên như Hiếu Tân-Vũng Tàu, Nguyễn Hòa vcv, các anh Khuất Đẩu, Mang Viên Long, Cao Quảng Văn, Vũ Trọng Quang, Thân Trọng Minh, Đỗ Hồng Ngọc…danh giá. Những ấn tượng của tác giả về Nguyễn Sông Ba, Đoàn Đình Thạch, Đặng Châu Long, Ngô Thị Mỹ Lệ, Trần Hữu Hội…cũng đầy chính xác và trìu mến thân tình. Và nơi cái tòa soạn “chuồng cu” đó, là những gặp gỡ đi-về của anh chị Phạm Cao Hoàng-Cúc Hoa, Phạm Thành Châu…cùng món cốm nén truyền thống xúc động tình quê gia truyền mà anh hoan hỷ mang đến đãi bạn bè…cũng đã thành nỗi nhớ.
Từ Đoàn Văn Khánh và những quán café Sài Gòn, tác giả kể với người đọc về phong trào Du ca Sài Gòn từ ngày anh tham dự lần đầu với những tên tuổi một thời Nguyễn Quyết Thắng, Bùi Công Bằng, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Phan Ni Tấn, Lê Hồng Thái, Phan Văn Huân…(Chương 4,6,8). Những ca khúc phổ nhạc một thời của Nguyễn Quyết Thắng, Phan Ni Tấn và các bạn hữu của ông đã nhắc nhớ lại cả một phong trào sôi nổi của thanh niên Sài Gòn một thời hồn nhiên khát khao lý tưởng, độc lập, hòa bình…Một thời…bản thân tôi như bao thanh niên Sài Gòn từng cũng háo hức đi theo. Tôi cũng xúc động như sống cùng các anh giữa không gian tiếng đàn, tiếng hát hừng hực tuôn tràn trong tiếng đại bác và tiếng còi hú inh ỏi của xe Quân cảnh…xứ núi những năm 1970. Đồng thời cũng lắng nghe tiếng lòng khát khao và những ước mơ tuổi trẻ rất đẹp của các anh:
Nhớ về những ngày tháng đó, trong hào hứng của tuổi thanh niên, chúng tôi ngồi và suy nghĩ thật viễn mơ rằng khoảng năm ba năm nữa, khi không còn chiến tranh, chúng ta cũng vừa vượt qua khỏi cái tuổi mới lớn, mỗi người làm việc từ vị trí riêng, sẽ cùng nhau thực hiện một cơ sở văn nghệ liên kết với nhau thành Ấn Quán, Xuất Bản, Thư Trang, Tạp Chí, và Câu Lạc Bộ. Đã qua rồi cái thời Bút Nhóm, Thi Văn Đoàn, nên chúng tôi đặt tên là Cơ Sở Văn Nghệ Con Người. (tr. 72)
Từ Đoàn Văn Khánh, người đọc cũng bắt gặp một Nguyễn Minh Nữu rất chân thành, chân thật rạch ròi với chính mình và bạn hữu qua những mối quan hệ tình bạn, tình yêu đầu đời. Có chia bùi sẻ ngọt. Có va vấp, ngộ nhận. Có giận hờn, tự ái tuổi trẻ. Nhưng cũng biết lắng nghe và chịu trách nhiệm, biết nhận lỗi, cảm thông. Kể về quá khứ không phải để khóc than tiếc nuối, mà chỉ là để thương lại những niềm thương:

Thương lắm đó khoảng trời xanh bất biến
Giữa đổi thay dâu biển của lòng tôi

(Nguyễn Minh Nữu, Ngát thơm ký ức, tr.37)
Chương 7 là một chương khá đặc biệt, như biệt lập với dòng ký ức ở các chương trước. Một khuôn mặt khác của tuổi trẻ Sài Gòn thao thức hiện lên và đọng lại trong tôi sau những đoạn miêu tả cặn kẽ của tác giả về những đổi thay của kênh Tàu Hủ nước đen bùn lầy nước đọng nay là con đường Xa lộ Đông Tây mới xây, được mệnh danh là “con đường “dài 300 năm” bởi nó chạy suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn”. Ở đó có Hùng, có Mai, có Phan Ni Tấn những ngày Sài Gòn tao loạn… và người sinh viên Đại học Khoa học hy sinh mùa xuân 1968 cùng tâm trạng một thế hệ lạc lõng mất mát niềm tin qua bài thơ anh để lại trong tập giấy học trò bỏ quên. Người lính ấy đã chết trong lúc di chuyển về căn cứ. Một thế hệ bị đánh cắp tuổi trẻ. Buồn.

Nếu đôi lúc nghe giảng bài con ngủ gục
Hoặc reo hò như một chỗ không người
Thầy tha thứ cho con đừng trách phạt
Vì bây giờ không còn chỗ vui chơi.
(trang 62)

Mặc dù chủ đích tái hiện con người và sự việc một cách chân thật, phong phú, sinh động như chính thực tế, nhưng qua đó Thương quá Sài Gòn còn biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả, nhiều đoạn đậm màu sắc trữ tình, suy nghĩ về con người và cuộc đời. Nhất là những đoạn viết về những kỷ niệm tình bạn. Chương 10 dành cho Đinh Cường và D’ran là một chương nhiều ký ức lay đọng tâm tình người đọc. Như Nguyễn Minh Nữu nhận định về Đinh Cường “Cái thú vị là những kỷ niệm nào của Đinh Cường cũng là những kỷ niệm đẹp, ngát thơm từ ký ức, là những chí tình bằng hữu cho nhau.” Với tôi, cả Đinh Cường, cả D’ran và người con của D’ran – nhà thơ “hào sảng, chí tình“ miền Nam Nguyễn Dương Quang, cùng bức thư cuối cùng người họa sĩ tài hoa của nền mỹ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ XX gửi cho tôi ấy đã là một miền ký ức tình cờ nhưng sâu nặng khó quên…
D’ran, tôi gọi thầm tên người họa sĩ tài hoa ở rừng Natick. Không cần phải ví dụ nữa đâu anh Đinh Cường ơi! Tôi tin rằng từ nơi xa tít tắp đó anh đang về trên miếu mạo đình đài rêu phong của Huế, anh đang về với ngôi trường mái đỏ của Thủ Dầu Một, anh đang về quanh sân của nhà thờ màu hồng ở Tân Định và chắc chắn đang về với rừng thông ngút ngàn sương khói, với mặt hồ xanh ngắt Đa Nhim, về với giàn su xanh, về với bầy két hoang sau vườn nhà gỗ, về với cổng nhà thờ có tháp cao Cầu Đất, về với nhà bưu điện đìu hiu Đơn Dương và về với muôn ngàn kỷ niệm bạn bè từng qua ở thị trấn Dran… (tr.104)
Người đọc cũng có thể bắt gặp nhiều đồng cảm ở chương 11 qua câu chuyện rất thật của tác giả những ngày bươn chải Sài Gòn-Đà Lạt-Thủ Dầu Một-Bình Dương… “Từ một người không liên quan gì tới mỹ nghệ, tôi bắt đầu bước vào và sống suốt hai mươi năm bằng nghề mỹ nghệ khởi đầu từ Thương Xá Tax này.” (tr.108 ) để tồn tại sau 1975.
Khác các chương trước, tác giả như ẩn mình đi, không phẩm bình mà cứ để sự kiện tự lên tiếng. Nào chuyện mua bán hàng mỹ nghệ từ Đà Lạt về ở Thương xá Tax. Nào chuyện bất đắc dĩ chuyển sang nghề cẩn ốc, làm đàn…chạy vạy từ nguyên liệu, đến nguồn mối nguồn hàng…Cả chuyện học nghề cũng được miêu tả chi tiết “làm một sản phẩm cẩn ốc, là phải qua 12 công đoạn: Can, Cưa, Ghép, Gắn, Vạch, Dàm, Đục, Thả, Mài, Chà, Tách, Bóng. Mỗi công đoạn là một nghệ thuật, mà chỉ cần một công đoạn làm ẩu, là sản phẩm thành không có giá trị” (tr.114). Chuyện bất đắc dĩ nhưng với ông làm gì cũng dành cả tâm huyết. Đây cũng là những trang viết với kỹ thuật dồn nén cao. Ông dẫn người đọc qua những trải nghiệm của chính những năm tháng gập ghềnh nhất của đời mình sau 1975 một cách thản nhiên như sự đời vốn vậy thì phải vậy. Thoảng hoặc, tinh ý, người đọc mới bắt gặp những chi tiết đan xen như cảnh “những ngày hàng ế, không giao được, tôi chạy xe đạp lòng vòng trong thành phố. Một nơi thường ghé lại nhất vào những buổi trưa hè là Vườn Tao Đàn. Một buổi trưa, khi chạy xe chầm chậm loanh quanh trong vườn Tao Đàn, tôi bỗng nghe một loạt tiếng động nho nhỏ đều đặn vọng tới, lách cách lách cách…” Nhiều từ “một” nhưng không phải chỉ một lần ế hàng… Chỉ cần liên tưởng một chút thôi, sẽ thấy bao nhiêu là cơ cực dồn nén mà ngòi bút ông vẫn nhẹ như đang đứng ở ngoài quan sát và ghi nhận. Rồi quanh cái Thương xá Tax bao nhiêu cuộc đời dâu bể, kẻ mất người còn như những thước phim chầm chậm xót xa. Điều khiến ta cảm động là từ những câu chuyển kể có vẻ khách quan chỉ là sự kiện nối sự kiện ấy, ta lại học được một quan niệm, một cách sống mạnh mẽ. Không lùi bước. Không nản chí. Không đầu hàng. Vươn lên bằng chính đôi tay và nghị lực của mình. Và theo cách của mình, những trang bút ký của Nguyễn Minh Nữu đã tự nói được biết bao điều về lẽ sống.
Em về đó, gửi một lời cho mộng
Cay đắng mặn nồng ta vẫn chắt chiu
(Hay em đừng về, quan tái biết ra sao, LGTĐ, tr.69)

Văn phong phần 1 khá linh hoạt. Có chỗ dí dỏm: “Tình yêu là vậy đó, bao giờ cũng tiếc nhớ một… con cá lọt lưới.” Có chỗ chỉ thuần sự kiện nối tiếp sự kiện bởi nhiều câu ngắn, rất ngắn, dồn dập. Có chỗ là những lời thoại lẫn trong lời kể như đang trực tiếp đối thoại cùng nhân vật. Song, sang 3 phần còn lại của tập truyện: Thuồng luồng mắt biếc, Con trai thủy thần và Hảo hán cuối cùng ông lại chọn một cách tiếp cận khác. Đây là các truyện ngắn có yếu tố kỳ ảo và hư cấu khá đặc sắc. Ngòi bút của Nguyễn Minh Nữu ở thể loại này vẫn giữ lối kể chuyện tự nhiên song có những kết hợp khá mới mẻ.
Sử dụng bút pháp kỳ ảo, với sự hiện diện của các thế lực siêu nhiên như Thần Sông, Thần Biển, Thần Mưa…, Nguyễn Minh Nữu không nhằm gieo cảm giác sợ hãi và khiếp đảm như các truyện kỳ ảo nói chung khi lồng vào những chi tiết hư cấu quen thuộc theo truyền thuyết dân gian về Con Rồng Cháu Tiên, về sự tích Núi Cấm, về chín khúc sông Cửu Long…
Trong Thuồng luồng mắt biếc, mở đầu với không gian bờ sông Potomac của Hoa Kỳ nhưng tác giả lại dẫn ngược về một căn bệnh lạ được người bình dân gọi là “Mắc Đàng Dưới” của nhân vật Trang, một cô gái hiền lành nết na những năm tháng bên bờ sông Hậu ở Hồng Ngự Đồng Tháp Việt Nam bỗng dưng có mang… Thủ pháp đồng hiện thông qua các sự kiện, các tình tiết hoang đường, các nhân vật đời thường lẫn nhân vật siêu nhiên “ được kết cấu theo trình tự thời gian, xuất hiện trong nhiều thời điểm, nhiều không gian cụ thể, cách biệt rất xa về địa lý nhưng có thật, làm tính chất hư hư thực thực cứ quyện lẫn vào nhau. Thực tại là chuyện gia đình ông Thái Lao sau năm năm ông đi học tập cải tạo, về Hồng Ngự sinh sống rồi định cư tại Mỹ. Thực tại là Trang và đứa con trai của nàng nay là một bác sĩ khôi ngô tuấn tú đang sống và làm việc bình thường như một người bình thường. Là chuyện Lân yêu đương và khao khát tìm kiếm một cô gái đích thực của mình. Kì kì ảo ảo là chuyện Trang té xuống nước, thoát chết, nhờ được Tử Kim Long – là một trong 18 thần tướng của dòng sông này, mấy trăm năm trước – cứu mạng và có mang sinh ra Lân. Khoa học tới nay vẫn chưa chứng minh được hiện tượng căn bệnh lạ dân gian vẫn lưu truyền này. Thuồng luồng trong đời sống tâm linh người Việt cổ là một con vật tưởng tượng, có sức mạnh siêu nhiên ở dưới nước và thường cứu giúp thuyền bè hay con người khi lâm nạn trên sông nước. Tác giả đã khéo léo tận dụng điều người đọc có thể biết sẵn ấy để nói lên một điều bí ẩn mà chỉ có tình yêu đích thực mới có thể lý giải. Màu sắc nghiệp duyên trong học thuyết nhà Phật dễ dàng được nhiều đối tượng người đọc tiếp nhận khi tác giả mượn lời vị Hòa Thượng ở chùa Quán Thế Âm đầu nguồn sông Potomac nói với Lân và cô gái tiền duyên thiên định của anh: “Các con tìm đến nhau và sẽ trộn lẫn vào nhau bởi vì đó là luật sinh tồn của tạo hóa” (tr.160)
Phải chăng tác giả muốn mượn mùi hương kinh giới lạ đặc trưng mà Lân được truyền hưởng từ người cha rồng Tử Kim Long, từng là vật cản khi Lân đến với Thúy, với Jenifer và chỉ hòa hợp khi gặp con gái Bạch Y Long bởi đó không phải căn bệnh bí ẩn nào hết, mà là mật hiệu ký thác của thần linh như một thông điệp: Tình yêu là duyên tiền định, là ngàn năm gặp gỡ. Và tình yêu đích thực là tình yêu thủy chung tuyệt đối. Trăm dặm, ngàn dặm, đại dương mênh mông cách trở vậy mà chỉ cần nàng gọi tên ta, Tử Kim Long, ngay lập tức ta sẽ đến bên nàng, phù trợ nàng, bảo trợ cho con…Ôi, người hay thần linh ma quái, thế giới nào có thể thiếu tình yêu! Phải chăng chính trong cuộc sống càng xô bồ này, con người chúng ta càng luôn khao khát tìm được một nửa đích thực của mình, một tình yêu đẹp thủy chung và tuyệt đối như thế.
Con trai thủy thần cũng nằm trong hệ đề tài ấy. Nhưng Nguyễn Minh Nữu còn đưa người đọc vào một thế giới huyền thoại sông nước phương Nam bằng những trang viết đầy cuốn hút:
Thủy Thần biển đông có 9 con trai, và ông Tám Rắn đó chính là người con trai thứ tám phụ trách thông thương cho cửa Ba Thắc. Nhiệm vụ của họ là mỗi ngày đi vào đất liền bằng chín lối khác nhau. Mỗi khi đi vào, họ hóa thân thành chín luồng nước lớn, những lớp vảy là những con sóng bạc, khi họ đi vào là nước thủy triều dâng lên, vừa làm lòng sông sâu thêm, vừa làm bờ sông mịn láng, và khi lên tới đầu nguồn, họ quay về biển đông, đó là khi người ta nhìn thấy nước triều xuống. Hàng ngày, thủy triều lên xuống tạo cân bằng cho sinh thái tự nhiên và là hoạt động của thiên nhiên chi phối và hỗ trợ con ngừời. Những long thần này còn làm ra những cơn mưa tưới cho vùng đồng ruộng bát ngát của đồng bằng miền Nam. (tr.168)
Không quá biến hóa và dữ dội như Mẹ Cả trong Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, vì tình yêu, Bát Lang trong Con trai thủy thần đã tự nguyện từ bỏ giống rồng cao quý bất tử để làm người trần gian, làm ông Tám Rắn bình thường nơi dân dã. Chẳng những thế, để giữ tình yêu, Bát Lang còn phải chịu đớn đau không nhả viên ngọc rồng tỏa sáng, chịu quy luật thế gian sinh lão bệnh tử để được yêu em Lành, được sống và chết bên cạnh em Lành…Bởi chàng nhận ra phép thần thông mà chàng có chỉ có thể giúp chàng hóa thân làm đủ mọi loài hình dáng khác nhau, xấu đẹp, hiền dữ…. “Nhưng có một thứ chúng ta không nhân bản được, vĩnh viễn không làm được vì ai trong chúng ta cũng chỉ có một cái hồn. Cái Hồn đó là cái bản chất riêng tư mỗi cá thể, là cái tâm để hành xử thiện ác, và là cái mang theo trong suốt cuộc luân hồi.” Để từ đó, với thân phận con người, nhờ có hồn người, Bát Lang biết yêu thương, biết giận hờn, biết trách nhiệm, hiểu được thế nào là tình yêu và chấp nhận chết cho tình yêu.
Một dòng chảy Cửu Long cạn nhưng hai ngọn đồi bên cạnh núi Két vùng Thất Sơn – nấm mồ của đôi uyên ương lại nổi lên như một minh chứng đẹp của tình yêu. Điều tôi suy ngẫm mãi là quyết định của người cha. Thủy Thần đầy quyền năng có thể cải lão hoàn đồng đó lại thuận theo những lý lẽ con trai phân giải, nghĩa là thuận theo chữ Tâm, thuận theo tự nhiên… Gạt đi những yếu tố siêu nhiên, câu chuyện tình cảm động của người con trai thứ tám của Thủy Thần phụ trách thông thương cho cửa Ba Thắc cũng là một cách lý giải vì sao 9 cửa sông Cửu Long trên phần đất Việt nay chỉ còn có tám.
Khi mang thân xác con người, Bát Lang cũng chịu sự chi phối của quy luật con người nghĩa là già đi, nghĩa là yếu đi, dòng nước ngày xưa chàng phụ trách mỗi ngày ra vào từ cửa biển, nay lâu ngày không lưu thông, các gò cát phù sa từ thượng nguồn đổ về nhô hẳn lên cao, và dòng nước hẹp dần. (tr.172)
Khoảng thập niên 1960, cửa sông Ba Thắc đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay là cửa Định An và cửa Tranh Đề. Cách lý giải thật thú vị.
Hảo hán cuối cùng tưởng đưa người đọc lùi về không gian bến nước hậu Lương Sơn Bạc nhưng thật ra được hư cấu với nhiều ám dụ. Sự tan rã của Lương Sơn Bạc là một đề tài lịch sử nhiều tranh cãi và suy ngẫm cho nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Nguyễn Minh Nữu dường như không kể chuyện các hảo hán Trung Hoa mà đằng sau những sự kiện là những gửi gấm nói về các “hảo hán” Việt, những người mang lý tưởng vì nghĩa quên thân. Truyện cũng làm người đọc suy nghĩ về cái chính nghĩa vì dân trừ bạo. Qua đó, tác giả bàn luận, chiêm nghiệm về chữ “bạo’ thời nay. “Dù rằng muốn trừ bạo thì phải dùng bạo, nhưng cái bạo của người chính nghĩa là cái bạo lực nhân ái. Giết người không còn là lòng háo sát mà chính vì lẽ phải làm.” Ranh giới vừa dễ vừa khó. Những hảo hán hết thời. Đêm dang dở và những lý tưởng dang dở. Ừ. Đời sau đã tới… “có lẽ cũng chẳng lưu làm gì cái chất hảo hán gốc Lương Sơn”.
Đọc mà xót. Mà đau. Có lẽ nào…cái thiện không thể vượt qua cái ác? Đây là truyện mà tôi đắn đo tìm cách giải mã nhiều nhất…song cảm giác gần như bất lực, chưa chạm được phần chìm của tảng băng mà tác giả đã mã hóa…
Khép trang cuối cùng, quá nhiều chất chứa, băn khoăn…
Nguyễn Minh Nữu đã đưa người đọc qua nhiều chặng đường hơn nửa thế kỷ sống và viết của ông với nhiều sắc màu đa dạng, nhiều cung bậc cảm nhận về cuộc đời, cách sống và lý tưởng sống. Có vẻ ông tham lam dồn nén tất cả trong hơn 200 trang viết này nhiều điều hơn chúng ta đọc trên mặt chữ. Có vẻ ông vẫn chưa thỏa hết những nỗi niềm… Những thông tin ngồn ngộn về văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật của mảnh đất Sài Gòn trong tập bút ký và truyện ngắn này làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sức đọc, sức viết và những vốn liếng giá trị Nguyễn Minh Nữu đã trải nghiệm. Những khuôn mặt văn nghệ sĩ Sài Gòn lần lượt xuất hiện thật nồng ấm tình bạn. Song, điều đáng quý là tác phẩm đã truyền cho người đọc tinh thần mến yêu cuộc sống này với tất cả mọi thăng trầm hỉ nộ ái ố của nó. Đúng mực. Chí tình. Bút ký hay truyện ngắn. Hiện thực hay kỳ ảo. Phong cách nào cũng toát lên ở ông tình yêu mãnh liệt với cuộc đời và cái Đẹp. Đời vô thường nhưng lòng người bất biến, hồn người mãi theo ta để hướng con người về bến bờ Chân Thiện Mỹ. Đáng trân trọng nhất là những suy nghĩ của ông ở chương 12 phần 1 mà tôi để dành cuối cùng mới dùng để kết những cảm nhận về Thương quá Sài Gòn ngày trở lại này. Sinh ra ở Hà Nội nhưng Sài Gòn gắn với ông hơn 40 năm đầy kỷ niệm buồn vui. Nước sông Sài Gòn đã vỗ quanh hơn 2/3 cuộc đời Nguyễn Minh Nữu cho dù sông Potomac kỳ vĩ 20 năm qua cũng không ngừng tưới tắm tâm hồn và ngòi bút ông những nghĩ suy về cuộc vô thường. Vì thế cái lẽ Đi – Về đã trở thành những trăn trở chi phối nhiều trang viết của tác giả.
Đi là tìm một cái gì mới, khung cảnh mới, đời sống mới, xã hội mới và rung cảm mới. Còn Về là được sống lại chính mình của một thời đã qua. Về là hồi sinh, là được thoải mái thả mình vào ký ức, là gặp gỡ cảm giác non nớt của mình ngày xưa, và rung động thực của mình bây giờ. (…) Nói cho cùng, trở về chính là nhân đôi kỷ niệm, được sống, được thở và được vui buồn một lần nữa cái tuổi thanh xuân đã qua của mình. (tr.135)
Một lựa chọn đáng quý của người trí thức giữa bao dâu bể thế sự này. Đất không lành mà chim vẫn quay về đậu dù chỉ những khoảnh khắc trong đời khi mình đã rời xa. Về và hít thở, sẻ chia cùng Sài Gòn trong vui buồn hạnh phúc lẫn khổ đau. Như tôi và Trương văn Dân, Elena vừa nói với nhau khi nhắc đến GS Nguyễn Đăng Hưng và những lựa chọn của ông sau hơn 50 năm du học và sinh sống ở Bỉ. Không có quê hương nào thật hơn quê hương trong lòng dân tộc.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Minh Nữu về những trang bút ký đẹp dành cho bạn bè, trong đó có tôi. Sài Gòn của anh, của tôi, của những ai yêu mến nó sẽ mãi là điểm tựa tâm hồn để chúng ta đau đáu trở về.
May mà có Sài Gòn, để được nhớ được thương…
Vâng, trở về để được nhân đôi kỷ niệm. Là sống lại lần nữa cuộc sống của chúng ta.

SG, 5.5.2017
Hoàng Kim Oanh

 

Có 4 bình luận về May mà có Saigon : Để nhớ Để Thương.

  1. Một bài viết rất hay và chi tiết để giới thiệu cuốn sách mới của Nguyễn Minh Nữu. Cám ơn Hoàng Kim Oanh đã mở cho chúng tôi thấy một thoáng kỷ niệm với Saigon  xưa và nay trong cuốn ” Thương quá Saigon”, bút ký của tác giả Nguyễn Minh Nữu.

  2. Phong Tâm nói:

    Chưa tiếp cận tác phẩm “Thương quá Sài Gòn” của tác giả Nguyễn Minh Nữu, nhưng qua dẫn dắt trong bài viết rất hay của Hoàng Kim Oanh, khiến cho người đọc bị lôi cuốn ngay từ đầu tới đoạn cuối như đang thả hồn vào cuốn Bút Ký rồi vậy.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tác phẩm của Minh Nữu hay làm sao, chưa được biết hết, nhưng bài giới thiệu của Kim Oanh tuyệt quá!

  4. Hoành Châu nói:

    Phải tìm đọc quyển bút ký  của tác giả  này mí được ,,”,Thương quá Sài gòn”. Cảm ơn Hoàng Kim Oanh  nhé .
    Hoành Châu (Gia đình C  )

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác