Chỗ đứng của Lục Vân Tiên trong quá trình phát triển thể loại truyện nôm

Ngày đăng: 30/06/2017 07:39:11 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

LTS: Bài viết của thầy Đoàn Xuân Kiên dưới đây nguyên là một tham luận tại Hội nghị khoa học về Nguyễn Đình Chiểu nhân kỉ niệm 160 năm ngày sinh của nhà thơ (Bến Tre, 1982). Bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả về văn học sử VN mà thầy ĐXK thường giới thiệu trong các bài giảng mở đầu năm học tại trường TPH trước 1975. Bạn đọc cựu học sinh Tống Phước Hiệp thời gian 1970-1975 có thể tìm thấy lại một số luận điểm quen thuộc trong các bài giảng ngày xa cũ đó.  Văn học trong khoảng thời gian dài từ thế kỉ XVII – thế kỉ XIX là thời kì phong phú rực rỡ của văn học cổ điển nước nhà. Đặc trưng nổi bật của thời kì này là sự định hình hai thể loại của văn học quốc âm (còn gọi là văn học nôm): thể ngâm và thể truyện.

Thể ngâm được thể hiện qua những bài thơ nôm dài theo thể thơ song thất lục bát, và nội dung là những lời tự sự, nỗi niềm riêng tư của tác giả bài ngâm.  Những khúc ngâm nổi tiếng trong văn học nước nhà ra đời trong thời kì này: Cung Oán Ngâm Khúc (thế kỉ XVIII), Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca, Tự Tình Khúc, Thu Dạ Lữ Hoài (thế kỉ XIX)…

Thể truyện là tập hợp những câu chuyện kể bằng văn nôm (nên còn gọi là truyện nôm), qua thể văn lục bát, nội dung là những câu chuyện của những con người cụ thể có tên tuổi, có tâm tình cụ thể, giao tiếp với nhau trong một khung cảnh xã hội cụ thể và có những số phận cụ thể… Lúc mới hình thành ở thế kỉ XVII, thể truyện nôm dùng thơ đường bát cú (truyện Vương Tường, Lâm Tuyền Kì Ngộ), nhưng sau đó đã ổn định trong hai thế kỉ tiếp sau với thể văn lục bát: truyện Phan Trần, Sơ Kính Tân Trang, Hoa Tiên, Đoạn Trường Tân Thanh

Truyện nôm đều là tác phẩm của nhà nho trí thức hiển đạt hay ẩn dật. Nhà nho thời trước thường phải quen với các thể văn trường ốc và quan phương (thi, phú, văn sách, kinh nghĩa) viết bằng chữ hán; nhưng những lúc nhàn rỗi, cùng ngâm hoa vịnh nguyệt một mình hay cùng các bạn đồng liêu đồng sự, các cụ đồ lại dùng thể văn nôm để thổ lộ tâm tình riêng tư. Thể ngâm và truyện là những thành tựu đặc sắc của thời kì văn học nôm na (thế kỉ XVIII-XIX) là vì thế. Hẳn nhiên là ngoài ngâm và truyện, các nhà văn nhà thơ thời kì này vẫn dùng các thể văn quen thuộc của văn học cổ điển nhưng lại viết bằng chữ nôm, cho nên kho tàng thơ nôm viết bằng thể thơ Đường luật, phú nôm, thậm chí kinh nghĩa, văn sách nôm… của thời kì này cũng phong phú hơn nhiều so với các thời kì trước.

Số lượng truyện nôm đến giữa thế kỉ XIX đã rất đáng kể; từ đó đã tự khẳng định cho nó những tính cách ổn định và đặc trưng của một thể loại trong văn học nước nhà:

  1. Ra đời trong thời kì lịch sử trong đó chế độ phong kiến bắt đầu rơi vào khủng hoảng để đi đến sụp đổ, truyện nôm thể hiện một quan điểm sáng tác có màu sắc khác hẳn với quan điểm văn học của tầng lớp sĩ phu thuộc các thời kì văn học Thiền tông (thế kỉ XI-XIII) và thời kì văn học Nho gia (thế kỉ XIV-XVI) trước đó;
  2. Nội dung truyện nôm thể hiện chủ đề cơ bản là những đối lập, những mâu thuẫn khác biệt trong xã hội, điển hình là đối lập giữa ý thức hệ Nho gia và sự vươn lên của ý thức về tính cách cá nhân;
  3. Nghệ thuật tự sự của truyện nôm đã hình thành và  ổn định thành những tính cách riêng của thể loại, như là hệ thống nhân vật đa dạng, kết cấu chuyện kể có lớp lang, chương đoạn, phương tiện diễn đạt là ngôn ngữ nôm na của dân dã đã dần dà được chuốt lọc tinh tế để đạt đến ngôn ngữ văn hoá.

Nếu tạm lấy mốc khởi đầu là những truyện nôm viết qua hình thức những bài bát cú đường luật nối nhau (như truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ ở thế kỉ XVI), truyện nôm đã phát triển trong một quá trình dài lâu đến hơn hai trăm năm. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu xác định đầy đủ và rõ ràng bước phát triển cụ thể của thể loại này. Ngay cả việc xác định thời điểm ra đời của một số khá nhiều những truyện nôm còn lưu truyền đến nay cũng chưa thật xác đáng: ngoài một số lớn truyện nôm bị liệt vào hàng vô danh (thật ra là khuyết danh), những truyện có danh tính tác giả cũng thường rất mơ hồ về thời điểm sáng tác. Chẳng hạn, Truyện Kiều làm xong khi nào, khi Nguyễn Du thăng trầm trong “mười năm gió bụi” hay khi ông làm quan triều Gia Long, hiện nay vẫn còn tranh luận chưa ngã ngũ. Trước đây có người căn cứ trên khuynh hướng hành văn để cho rằng truyện nôm phát triển theo hai khuynh hướng, là bác học và bình dân (). Nhận định như thế chưa phải là xác đáng: một bài thơ hay bài văn nôm có tính cách bác học hay bình dân không phải là vì nó theo xu hướng phát triển của thể loại truyện nôm mà chỉ là dạng thức biểu hiện của tác phẩm mà thôi, do vậy nếu chỉ căn cứ trên tính bác học hay bình dần thì không phản ảnh đúng quá trình phát triển của thể loại này; vả chăng, phân loại như thế thì khuynh hướng bác học sẽ phình ra to quá so với các tác phẩm gọi là truyện nôm bình dân.

Trong điều kiện hiện nay, có thể ghi nhận những nét chính về quá trình phát triển của thể loại truyện nôm như sau:

h1H1 Bản in Lục Vân Tiên (Duy Minh Thị khắc in năm 1874 ở Phật Trấn, Việt Đông)

Về hình thức diễn đạt, truyện nôm đã đi từ những bước đầu thể nghiệm qua thể thức một chuỗi dài các bài thơ Đường bát cú đến bước ổn định là hình thức thơ lục bát, hình thức diễn đạt quen thuộc của ca dao, phù hợp với thẩm mĩ của quần chúng, mà lại rất tiện lợi cho việc kể chuyện.

Về đề tài thì buổi đầu (cuối thế kỉ XVI – thế kỉ XVII), xu hướng mượn đề tài trong truyện tích Trung Hoa có phần lấn lướt (truyện Vương Tường, Tô công phụng sứ, Lâm tuyền kỳ ngộ…); đến thế kỉ XVIII, là khoảng thời gian thịnh đạt nhất của truyện nôm, nổi lên xu hướng lấy đề tài cốt truyện từ kho tàng văn học dân gian Việt Nam (Tống Trân Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Phương Hoa,  Từ Thức, Phạm Tải Ngọc Hoa, Quan Âm Thị Kính…); độc đáo hơn nữa là xu hướng sáng tạo đề tài cốt truyện của các tác giả truyện nôm đã xuất hiện vào thời gian này (Song Tinh Bất Dạ, Hoàng Trừu, Lý Công, Phạm Công Cúc Hoa…) để rồi sẽ nổi lên xu hướng tự truyện ở đầu thế kỉ XIX (Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên…). Tất nhiên là xu hướng mượn đề tài và cốt truyện từ văn học Trung Quốc vẫn không mất đi ở những bước phát triển về sau của thể loại này, nhưng cũng chẳng vì thế mà các truyện nôm được quần chúng ưa thích và truyền tụng lại thiếu vắng bản sắc dân tộc; trái lại, truyện Hoa Tiên, Phan Trần, Nữ tú tài, và nhất là Truyện Kiều, đỉnh cao của thể loại truyện nôm Việt Nam, đã đi vào lòng quần chúng nhờ ở giá trị nghệ thuật của tác phẩm đi thuận chiều với thẩm mĩ của quần chúng. Điều đó cắt nghĩa vì sao một số tác phẩm của những nhà nho chỉ biết phiên dịch nguyên văn truyện tích Trung Hoa như Lý Văn Phức đã làm (Phụ châm tiện lãm, Đài gương truyện) không được phổ biến trong quần chúng.

Về bút pháp, nghệ thuật, càng thấy rõ xu hướng phát triển của thể  loại truyện nôm: những truyện nào diễn đạt bằng ngôn ngữ quần chúng, xây dựng hình tượng nhân vật mang dáng dấp con người Việt Nam qua nếp sống nếp nghĩ đậm đà tính dân tộc thì được quần chúng trân trọng; ngược lại những truyện thiên về phong cách văn chương điển nhã, nhân vật nặng màu sắc phong kiến thì thường bị thờ ơ lạnh nhạt. Áp lực của thẩm mĩ nghệ thuật bình dân đã kéo truyện nôm phát triển theo chiều hướng “lội ngược về nguồn”.

h2H2 bản in Lục Vân Tiên (Abel des Michels khắc in 1883)

Tóm lại, xu thế lớn nhất của bước phát triển thể loại truyện nôm là nó càng ngày càng đậm tính dân tộc, từ việc chọn đề tài, cốt truyện cho đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, phong cách văn chương. Tác phẩm nào đi thuận chiều với đòi hỏi thẩm mĩ của quần chúng thì có đủ cơ sở để sống trong lòng quần chúng, bằng không thì sẽ bị lãng quên để chỉ còn là món kỉ niệm gia đình.

*

Các nhà nghiên cứu trước nay đều cho rằng Lục Vân Tiên ra đời từ khá lâu, trước khi quân Pháp đến dòm ngó đất Nam Kỳ (khoảng 1849-1858). Thời gian này, thể loại truyện nôm đã đạt đến đỉnh cao của nó, đánh dấu bằng Truyện Kiều. Từ khi ra đời, truyện nôm Lục Vân Tiên đã được phổ biến sâu rộng trong xã hội, đến nỗi những viên chức người Pháp đương thời cũng phải ngưỡng mộ và đã góp phần phổ biến qua phương tiện ấn loát. Điều đó chứng tỏ truyện Lục Vân Tiên là một truyện nôm đã đi vào lòng người, vì nó phù hợp với thẩm mĩ nghệ thuật của quần chúng Nam Bộ đầu thế kỉ XIX.

Nguyễn Đình Chiểu cũng như những nhà văn khác cùng thời, đều rất ý thức về chức năng xã hội của tác phẩm văn học: “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”. Qua một câu thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã xác lập cho mình quan điểm sáng tác là văn học không phải  như một trò chơi ngôn ngữ, mà phải nói lên những cảnh trạng và tâm tình của nhà văn trước cuộc sống. Cả cuộc đời văn chương của cụ Đồ Chiểu là như vậy: khi đất nước còn yên bình thì thơ văn của cụ là tiếng nói của đạo nghĩa; đến khi nước mất nhà tan, thơ văn Đồ Chiểu trở thành bút chiến đấu.

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Chiểu là Lục Vân Tiên đã từng được quần chúng mến mộ một cách say sưa nhiệt thành. Nhờ đâu?

Nguyễn Đình Chiểu, khi hư cấu cốt truyện Lục Vân Tiên, có thể là có ý hướng “chiến thắng bi kịch cá nhân” (); nhưng ý hướng chọn lựa ban đầu của nhà thơ đã sớm phát triển theo quan điểm chung của thời đại là “văn chương là cái hiện trạng của một thời đại đã làm nên nó” () như một nhà văn cùng thời với ông đã nói. Nội dung đạo lí của Lục Vân Tiên chỉ là nội dung của cả thời đại quan niệm văn là để chở đạo. Chỉ khác là, đạo ở đây chẳng phải là cái đạo hẹp hòi của luân lí Tống Nho mà là đạo lí làm người trong sáng, rất nhân bản, đã chung đúc thành truyền thống nhân nghĩa: sống phải cho “điệu nghệ” (), thấy chuyện bất bình thì phải ra tay như Vân Tiên, Hớn Minh, sống phải “điệu nghệ”, lấy tình sâu nghĩa nặng, lấy tiết hạnh nằm lòng như Nguyệt Nga. Cho nên đạo lí của tác phẩm không hề là có tính cách máy móc giáo điều của nhà nho hương nguyện mà là bát ngát tình người của truyền thống đạo nghĩa Việt Nam. Do đó, những con người chân chính trong truyện vẫn sống cùng quần chúng qua thời gian. Nội dung Lục Vân Tiên đã phát triển theo chiều ngược lại hẳn với Nhị thập tứ hiếu diễn ca (của Lý Văn Phức) chẳng hạn, vì nó phản ảnh tính cách của những con người thực trong một khung cảnh xã hội có thực, bộc lộ qua cách ứng xử của nhân vật trong một tác phẩm văn học. Đó là những con người của miền đất Nam Bộ.

Có những chỗ cách ứng xử của Lục Vân Tiên dường như thô cứng (“Khoan khoan ngồi đó, chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai”), nhưng nó lại rất thật đối với tính cách bộc trực của người miền Nam. Đọc Lục Vân Tiên người ta thấy mình trong đó. Càng thấy mình trong tác phẩm thì càng yêu thích Đồ Chiểu và Lục Vân Tiên. Điều này cắt nghĩa vì sao tác phẩm này “đứng” được trong lòng nhân dân miền Nam.

Ngôn từ trong Lục Vân Tiên hồn nhiên tươi mát như lời ăn tiếng nói của đồng bào, cho nên “đọc Lục Vân Tiên, nghe nói thơ Vân Tiên, hiểu liền, cảm liền, chẳng thấy chút khó khăn trắc trở nào hết, trên cả hai mặt chữ nghĩa và ý nghĩa” (). Điều này cũng thuận chiều với thẩm mĩ của quần chúng nữa. Miền Nam có hình thức  diễn xướng dân gian, gọi là “nói thơ Vân Tiên”. Lối diễn xướng này đòi hỏi tính cách giản dị trong phong cách nói, kể và trong tính kịch của tác phẩm. Lục Vân Tiên đáp ứng được yêu cầu trên đây: các thứ lớp trong truyện được chuyển một cách dễ dàng như hơi thở, không màu mè mà vẫn duyên dáng. Tác giả đã tiếp thu những thủ pháp nghệ thuật của dân gian truyền thống, từ cách dàn dựng cốt truyện, cách vận dụng các mô thức sáng tác văn học dân gian.

Đặt tác phẩm vào quá trình phát triển của thể loại truyện nôm cũng dễ dàng nhận thấy rằng tác phẩm trả lời thoả đáng cho những đòi hỏi thẩm mĩ của thể loại ở chặng phát triển nhất của nó. Ra đời vào lúc truyện nôm đã phát triển đến mức ổn định, tác phẩm đầu tay  của Nguyễn Đình Chiểu đã không bị lạc hậu so với những đòi hỏi nghệ thuật của thời đại. Ở một chừng mực nào đó, có thể nói Lục Vân Tiên đã đạt đến mức hài hoà giữa tính dân tộc và tính thời đại của một tác phẩm văn học.

*

Đối với sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Chiểu, tác phẩm Lục Vân Tiên được xem là tác phẩm đầu tay của ông. Ở một tác phẩm đầu tay thường có những chỗ chưa được nhã luyện, nhưng nó có thể mang đậm phong cách nhà văn. Ở trường hợp Lục Vân Tiên, đấy là những dấu chỉ báo một phong cách không tầm thường, xét từ ý hướng sáng tác đến những thủ pháp nghệ thuật xây dựng tác phẩm. Đặt trong chiều dài phát triển của thể loại truyện nôm, Lục Vân Tiên vẫn xứng đáng là một tác phẩm văn học có giá trị của thời đại nó ra đời.

Đoàn Xuân Kiên

h3

Có 2 bình luận về Chỗ đứng của Lục Vân Tiên trong quá trình phát triển thể loại truyện nôm

  1. Hoành Châu nói:

    Lục Vân Tiên ~ tác phẩm  đầu  tay  của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu  mang đậm tính dân tộc  với thể loại truyện nôm , vẫn xứng đáng là một tác phẩm văn học giá trị  của thời đại nó ra đời .Tác phẩm được chính thức giảng dạy trong các trường trung học miền Nam trước 1975 ,                      Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Phong Tâm nói:

    Bài viết tham luận của thầy Đoàn Xuân Kiên có giá trị với tính chuẩn xác, nêu bật cái thần của tác giả, tác phẩm, nhận vật, lột tả được ý đồ của cốt truyện. Văn phong trong Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu bình dân, gần gũi với đời sống người Nam bộ “thời khẩn hoang”, khác với Truyện Kiều – Nguyễn Du  ngôn ngữ mượt mà, trau chuốt, nhưng truyện nhanh chóng đi vào lòng người một cách tự nhiên.

Trả lời Phong Tâm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác