Trở về im lặng
LTS: các nhà bình luận văn học thường nói nhiều về tính cách chiến sĩ nghệ sĩ của nhà văn Nhất Linh. Hẳn nhiên đấy là tính cách của con chim đầu đàn của Tự Lực Văn Đoàn trong giai đoạn 1932-1945. Bài viết dưới đây nói đến một góc khác của con người Nhất Linh: niềm khắc khoải của một người nghệ sĩ mơ ước sớm dứt bỏ những trói buộc của những hệ luỵ cuộc đời để về thung dung với thế giới khác, ở đó không gian và thời gian chừng như ngừng lại.
Về già, Nhất Linh rất thích câu thơ này của ông: “Người đi đi mãi không về, Nhớ người dòng suối Đa Mê gợn buồn.” “Đi mãi không về”, có lẽ chỉ bốn tiếng ấy cũng đủ nói rõ cái nỗi lòng của người đi; mà rồi trong bốn tiếng ấy cũng chỉ hai tiếng đi và về là cần thiết. Đi. Về. Hai tiếng ngắn ngủi kia mang một ý nghĩa rất lạ lùng, nó thở và hát lên những sầu khúc của đời người; nó mở và đóng những cánh cửa đời lạnh lẽo của kiếp người. Nhất Linh đã đi từ rừng lan Đà lạt xuống Sài gòn của khói và bụi, hay đi từ Hà nội qua biên giới, vào miền Nam. Hành trình của ông không còn ai mơ hồ lạ lẫm gì nữa, nó đã đi vào lịch sử. Nhắc lại ở đây chỉ có ý nói rằng dù đi đâu chăng nữa, những bước chân đời ấy cũng chỉ là những bước đi giữa cuộc sống có muôn nghìn ràng buộc, những hệ luỵ không không thể dứt bỏ. Mặt khác, lại cũng có thể mượn một câu nói đã cũ của Gide để nói đến khía cạnh khác của tâm sự Nhất Linh và những Nhất Linh: “ Đi là chết trong lòng một ít”. Đi là đi khỏi, là thoát khỏi cái ta, cái quê hương của ta. “Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi” (1). Có phải thế không, thưa người đã khuất? Có phải sống đã là một lần ra đi sầu muộn nhất? Đây là hai mặt của một tâm sự chung mà người trí thức nghệ sĩ ấy đã thể nghiệm và đã phả ra trên những trang sách rải rác trên bước đời bi tráng của ông.
Hơn một lần Nhất Linh thể nghiệm rõ thân phận của một kẻ đào thoát chính mình: chọn nghệ thuật, nhưng khi nhìn thấy cảnh tượng dân nghèo đói rách, những đứa bé trần truồng không cơm áo, chui rúc trong ổ rơm bẩn thỉu, cố sống cầm hơi chờ khi lớn lại kéo tiếp cái đời người nhem nhuốc của mẹ cha, Nhất Linh man mác buồn cho mình: “Nghệ thuật, mục đích là để tìm cái đẹp, làm cho đời người đẹp đẽ hơn, lúc đó đối với chàng chỉ là một sự mỉa mai đau đớn.” (2). Nhất Linh quăng cọ và sơn đi chỉ vì không muốn bị lôi kéo đi quá xa khỏi lương tâm trí thức của mình. Ông chọn ngành kĩ sư hóa học để mong về sau có thể làm được gì có ích cho đất nước, cho dân tộc mà ông yêu thương vô cùng. Thế nhưng, khi về nước, ông kĩ sư lại chọn nghề dạy học và sau đó làm báo, viết văn. Tấm bằng kia hình như chỉ giúp ông mỗi một lần: chọn liều lượng độc dược đủ để tự kết liễu đời mình. Những chọn lựa hành động của Nhất Linh trong suốt đời ông cho thấy ít nhiều những ray rứt của người trí thức trước những vấn đề của trách nhiệm, lương tâm. Có thể nói, ông đã thuỷ chung với lương tâm trí thức của mình dù ở tư cách một giáo sư, môt nhà báo, một nhà văn, hay một nhà hoạt động chính trị. Đấy là một phẩm cách cao quý mà truyền thống sĩ phu đông phương đã hình thành trong dọc dài lịch sử.
Cuộc sống có những đau khổ mang mang bắt buộc con người “ phải mở mắt nhìn. Tuy đau đớn thật nhưng lúc cần thì phải biết đau đớn.”(2). Cứ nhớ lại khung cảnh xã hội lúc Nhất Linh trưởng thành: một xứ lệ thuộc, một xã hội nghèo đói, tham quan ô lại, cường hào ác bá. Phải nhìn kiếp sống ngựa trâu của một dân tộc đói rách, phải chứng kiến những oan khiên do chế độ luân lí phong kiến gây ra, phải mở mắt mà khóc cười theo vận nước! Cuộc sống nhân gian chỉ gom lại một tiếng khổ đau, và con người sống là sống với nỗi thống khổ ấy, “những đau khổ ấy lại là những nỗi vui độc nhất của chúng ta bấy lâu.”(3). Phải sống với những kẻ thù, với những mưu mô quỷ quyệt để giành sống, phải gần gũi với những ly cà phê nước cốt thiệt đặc để át mùi thuốc độc. Cuộc sống nhân gian đó. Nhất Linh đã đi vào giữa lòng cuộc sống có quá nhiều hệ luỵ đó. Có phải bước chân đi ấy đã thôi thúc một tiếng gọi về, để bật lên tiếng kèn sầu “người đi đi mãi…” chăng, thưa người đã khuất?
Dòng suối Đa Mê có thực hay không, điều đó chẳng có gì quan trọng. Cũng đừng bận tâm như ai đó về cái tên Đa Mê hay Đam Mê, một sự bận lòng cũng thừa thãi không kém. Có thể, với mọi người, dòng suối Đa Mê có thực – và thực sự nó có hình có vóc thật, ở một chỗ có thật trong một thành phố có thật. Nhưng có hại gì nếu bảo rằng dòng suối Đa Mê là một dòng suối không có thực ở trần gian, bởi đã là trần gian thì chỉ có bụi bặm thôi chứ chẳng có chỗ dành cho một dòng suối nào cả. Đó là nơi quê nhà mà những đứa con hoang đàng của Thomac Wolfe luôn luôn tìm về. Nếu như Wolfe bận tâm đi tìm những ngọn đồi, những thành phố núi cho những thiên thần lạc loài của ông (4), thì Nhất Linh không ngừng mơ ước ngày về lại dòng suối hiền hòa tinh khiết hoa cỏ. Dòng suối có đó, nó vẫn đợi người về, từ thanh xuân.
Tập truyện ngắn Người quay tơ được viết xong từ năm 1927, khi Nhất Linh mới qua tuổi gia quan. Trong đó có một truyện rất lạ nhan đề là “Giấc mộng Từ Lâm”, đại khái mô tả giấc mơ khác người của một chàng thanh niên mong được thoát bỏ những vướng bận của một đời công chức thành phố để thoải mái tìm về một vùng sơn dã u tịch nào đó, tự tay tạo tác một cuộc sống tự do, làm bạn với thiên nhiên thênh thang không nghịch thù. Chàng thanh niên ấy hẳn đã hơn một lần nghe thôi thúc một tiếng gọi về của quê nhà. Chàng hiểu rõ chàng chỉ là một kẻ lạ mặt trong thành phố trần ai, quê hương của chàng phải ở nơi làng Từ Lâm u tịch, hay nơi như Nhất Linh về sau này, ở nơi dòng suối Đa Mê xa xăm nhưng rất quen thân.
Sau này, bôn ba bao nhiêu năm với công cuộc xã hội, chẳng hiểu có khi nào đồng chí của Nhất Linh được nghe những lời chán ngán với chính trị không, chứ nhân vật của ông thì mệt mỏi quá sớm. Những nhân vật nặng lòng với đất nước xã hội như Dũng trong Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn, hay Thanh trong Giòng sông Thanh Thuỷ chẳng hạn, đều là những con người dấn thân vào hoạt động chính trị hay xã hội bằng niềm tin tưởng say mê vào lí tưởng vì người khác, vì ngày mai của xã hội, đồng bào mình. Lí tưởng ấy người xưa gọi là “tấm lòng lo trước” (Nguyễn Trãi) (5). Những con người như thế không làm cách mạng chỉ để cho có việc, hay làm cách mạng để kiếm chút lợi danh. Thế nên dấn mình vào con đường hoạt động, những con người dạt dào lí tưởng trong sáng không khỏi buồn nôn vì không khí ô nhiễm, vì những âm mưu thù nghịch bẩn thỉu. Hơn một lần, những “người hùng” làm quốc sự của Nhất Linh cảm thấy tâm trạng chán chường của những kẻ lạc lõng: “Hay là ta bỏ cách mạng đi tìm thiên thai, ở đây không ai nghĩ đến giết ai, không có ai cả ngày chỉ cố tìm những mưu mô quỷ quyệt để hại kẻ khác, nếu không nhanh thì kẻ khác hại mình ngay; ở đây không có thuốc tiêm giết người, chỉ có cà phê em nấu ngon để anh uống, không có cái thú cà phê nước cốt thiệt đặc để át mùi thuốc độc” (6). Người đàn bà tên Thanh ấy đi hoạt động chính trị nhưng vẫn nặng tình đối với những giấc mơ nhân đạo của những người quân tử xa xưa, hay là thái độ “bàn tay sạch” của những con người trí thức bây giờ. Nàng không thể hiểu được tại sao cùng hoạt động vì một mục đích chung là độc lập dân tộc mà người ta lại phải thanh toán nhau, thù hằn nhau trên cùng chiến tuyến; cho nên guồng máy đã giam hãm con người như Thanh đến ngột ngạt. Cảnh huống ấy tất yếu là lí do đưa nhân vật của Nhất Linh đến giấc mơ thiên thai.
Thiên thai? Đó là một quê hương xa vời, nhưng lại là cõi sống mà con người luôn hướng về. Mơ trở lại thiên thai là muốn chối bỏ cái hiện thực trước mắt, là muốn bỏ lại đàng sau cánh cửa đào nguyên những hành lí quá nặng của kiếp sống: đó là trí nhớ của chúng ta. Người ta nói đúng lắm: trí nhớ là kẻ tội đồ phản bội ở sau lưng giới hạn … Muốn về đào nguyên, người ta cũng nên bỏ đi cái trí nhớ rất vội vàng thương tâm của mình để mà về lại quê nhà thánh thiện với nụ cười vĩnh cửu và mắt xanh bất tuyệt. “ Thiên thai là một thứ gì đẹp lắm mà lòng ai cũng mơ ước, nhất là hiện giờ trên gần khắp thế giới họ dương đâm giết nhau.” (6). Người xưa đã từng miệt mài luyện thuốc linh đan để mong một ngày cưỡi hạc bay về trời hay hoá làm con bướm tiêu diêu giữa cõi vô cùng. Nhất Linh khiêm tốn hơn, ông đi tìm thiên thai ở hương bay dìu dịu của hoa khế thoang thoảng về đêm, trong bụi mưa lung linh ở bến đò Gió (3), cũng có khi là một sợi nắng khuya rất đỗi hiền lành: “Trăng mười bảy và trời lại trong nên rải xuống mặt hồ một làn ánh sáng trông phảng phất như một con đường dẫn lối về thiên thai… Con đường ánh trăng sáng này nếu cứ đi theo mãi thì sẽ đến thiên thai.” (6)
Hình như chỉ có những nàng tiên mới biết được thế giới của họ mà thôi. Cứ theo lời các nàng tiên và cả những người như Lưu Nguyễn thì thiên thai là nơi có “ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian, có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.” (7) Quê nhà đẹp đẽ ấy, hạnh phúc ấy là những nàng tiên như Giáng Tiên (Đào nguyên truyện) hay Giáng Kiều (Bích Câu Kì Ngộ). Những ngày tháng ở dưới trần gian chỉ là những ngày lưu đày, cho nên họ không nguôi chờ đợi ngày trở lại thiên đường. Có lẽ chỉ mới thấy một mình nàng tiên Bạch Viên của chúng ta (truyện nôm Lâm Tuyền Kì Ngộ) vướng quá nhiều hệ luỵ – hay gắn bó thiết tha? – với trần gian mà không chịu trở về quê, chọn ở lại đời này với chồng con. Quê hương xa xăm ấy là của những nàng tiên. Và của những người trần gian muốn đi tìm hạnh phúc để rồi lại “được” khổ vì hạnh phúc đó, như Từ Thức và Lưu Nguyễn ngày xưa.
Đã hơn một chàng tuổi trẻ tìm dò theo bước chân đôi bạn Loan Dũng mà tìm thấy hương vị hạnh phúc huyền diệu của chút hương hoa khế, hoa cau, của bến đò Gió lãng mạn. Gánh nặng trần gian đẩy đưa họ gặp lại Nhất Linh ở tuổi về chiều. Vẫn còn nhiều tình yêu thương, vẫn không nguôi ước ao con đường trăng mười bảy dẫn về thiên thai. Bước chân giang hồ ít nhiều thấm mệt, nhân vật của ông hăm hở rũ áo phong sương, lách vào cửa căn nhà mơ ước, mong tìm gặp được dòng suối đợi chờ từ thanh xuân. Trong thoáng chốc, người nghe tiếng thở dài của cánh cửa, tiếng chân vang vọng như tiếng chày vồ đập trên áo quan. Người đã về với dòng suối rồi, “Thiên thai cũng là hư vô”. (6)
Thiên thai chỉ là hư vô! Hay là người không may? Trần gian không có chỗ cho người như Thanh; nhưng hiển nhiên là nàng cũng không thấy được quê nhà của mình ở chốn thiên thai của những nàng tiên. Con đường của Thanh chỉ là con đường đi tới trước, dẫn về cõi tịch lặng vô cùng. Trong nỗi thống khổ của con người tìm về quê hương, nhân vật của Nhất Linh bỗng nhiên ý thức một cách triệt để cái ý nghĩa sau cùng của kiếp người. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. “Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui, rồi khi giấc mơ ấy tan đi là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô không có sự chết, không có sự sống, mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa” (6). Cuộc sống rút lại chỉ còn là mơ. Những vui thú, những thống khổ cũng chỉ là cơn mơ. Sau đó là im lặng, một im lặng khôn nguôi.
Trong cái ý thức tối linh của con người đạt đạo (vâng, Nhất Linh hẳn đã đạt đạo từ khi nhìn thấy cánh cửa bước về im lặng) cả một kiếp người còn có ý nghĩa gì đâu; nó cũng chỉ như một sát na trong muôn nghìn sát na trùng trùng duyên khởi. Sau đó là im lặng. Ở cái phút con người về lại quê nhà cũ, không còn quá khứ, hiện tại và tương lai; thời gian trùng lên nhau, kêu lên cùng một tiếng nhạc. Đứng trên ngọn núi cao, ném một bông hoa trà xuống vực sâu hay giả dụ ném cả chính thân xác mình xuống cũng không khác gì nhau. “Hoa biến vào vực thẳm, bước vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhảy xuống là để biết vực thẳm hư vô ra sao. Chắc cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước” (6). Nỗi đau khổ của người đàn bà tên Thanh – người đàn bà bị canh bạc đời lừa dối từ đầu: chồng bỏ, người yêu xa, guồng máy chính trị cuốn hút ngạt thở – cuối cùng đã triệt tiêu vì nàng đã tỉnh giấc mơ đời. Giấc mơ xao động vũ trụ trong một thoáng, như thể một hòn cuội vừa ném xuống nước. Rồi cũng qua đi. Sau tiếng tiếng hét dài lạnh cả trời đất, thiên thai đã bừng nở trong tâm hồn thiền sư Không Lộ. Sau cái xao động nhỏ, cuộc sống của Nhất Linh cũng trở về im lặng. Như hạt muối đã tan vào tan vào đại dương, cái ngã (atman) bé nhỏ đã về hoà nhập trong đại ngã vô cùng (Brahman). Sau phút giây hòa nhập ấy, không còn gì nữa cả.
Đừng hỏi thiên thai của Nhất Linh cứ phải là thế giới hạnh phúc quyến rũ của những nàng tiên. Dòng suối mơ ước của Nhất Linh không hề là Đào nguyên của các đạo sĩ. Trần gian phân chia thù nghịch. Nhưng cũng chính thời gian đưa ta về thiên thai ở cuối đường trở về. Bỏ đời mà đi là về gần với cõi im lặng mênh mang mà Nhất Linh tìm thấy ở hình ảnh dòng sông Thanh Thuỷ hay dòng suối Đa Mê. Điều ấy cũng không mâu thuẫn với ý nghĩ nhân vật khác của Nhất Linh khi nói về đất: “ Hơi đất mát lắm” (3). Nhất Linh và những nhân vật của ông đã đi hết con đường trăng mười bảy để về với hơi đất mát. Ở đấy có cánh cửa dẫn về thiên thai. Về đến thiên thai nào có gì để nói nữa đâu? Không còn gì nữa cả.
Đoàn Xuân Kiên
(1) Vũ Hoàng Chương, “Nguyện Cầu”
(2) Hai Vẻ Đẹp
(3) Đôi Bạn
(4) Look homeward, Angel
(5) Mượn ý trong câu sách cổ: “Tiên ưu thiên hạ chi ưu, hậu lạc thiên hạ chi lạc” (lo trước điều lo nghĩ của dân, vui sau niềm hoan lạc của dân)
(6) Giòng Sông Thanh Thuỷ, tập 2: Chi bộ hai người: trg 103, trg 118, 119, trg 119, trg 105, trg 106.
(7) Văn Cao, lời hát “Thiên Thai”.
Bài viết hấp dẫn về một khía cạnh khác của nhà văn Nhất Linh ( chim đầu đàn của Tự Lực Văn đoàn ) chính là nỗi niềm khắc khoải của một người nghệ sĩ mơ ước sớm dứt bỏ những hệ lụy cuộc đời để tìm vềcõi yên lặng ,,,đúng như hoài vọng của ông ,,,Cảm ơn tư liệu quý báu và ý nghĩa độc đáo về cuộc đời của nhà văn lớn qua bài viết rất hay của Thầy Đoàn Xuân Kiên nhé . Hoành Châu (Gia đình C )
Nhất Linh là một trong những nhà văn mà tôi ngưỡng mộ, không phải chỉ vì sự nghiệp văn chương ông đã cống hiến cho đời, mà chính vì con người của ông, dấn thân, không mưu cầu danh lợi, tha thiết để có thể thực hiện được một chút gì tốt đẹp cho xã hội, cho nhân quần. Tiếc thay một con én không làm được một mùa xuân nên luôn ưu tư, khắc khoải. Một người làm chính trị không chịu khuất phục nên đã chọn cho mình một cái chết, để lại cho thế hệ sau bao niềm cảm phục.
Thật tán đồng về nhận định của cô Lê Thân Hồng Khanh về nhà văn Nhất Linh
Hoành Châu (Gia đình C )
Thưa cô Hồng Khanh,
Lâu rồi em không vào trang nhà .
Hôm nay em được đọc bài viết quá hay . Em cũng đồng quan điểm với cô .
Ngày nhỏ em đọc Tự Lực Văn Đoàn, và rất thích những tác phẩm văn học trong TLVĐ, nhưng em rất non nớt, không hiểu nhiều về các tác giả trong TLVĐ.
Đọc ” Trở Về Im Lặng ” mới hiểu , thán phục thầy Nhất Linh. Và em biết ơn tác giả bài viết quý báu này rất nhiều.
Liên hệ với đời sống thực tại của đất nước mình … em cũng cảm thấy chạnh lòng .
Cảm thấy mình mắc nợ thế hệ con cháu của mình rất nhiều. lòng em cũng cảm thấy bất an ……
Mà thôi, Chúng ta không nên nói chuyện chính trị , Cô nhỉ ?
Em rất vui khi được viết thư thăm cô. Em không có thời gian cho viết lách, đọc sách. Hiện tại em phải làm việc rất nhiều. Khi có chút thời gian làm những công việc thủ công thì mới tranh thủ vừa nghe, vừa làm việc cô ạ . Cho nên em không tham gia được gì với các trang báo , cũng như trang nhà mình , nhất là góc BẾP ẤM của chúng ta . Xin cô và quý anh chị thứ lỗi cho em .
Kính chúc Cô và quý anh chị TPH thật nhiều ơn lành trong cuộc sống .
Trọng Kính,
Em, Lê Liên
Lê Liên ơi,
Lâu lắm mới được tin em trên trang nhà, cô cũng như các anh chị em đều vui. Em bận rộn công việc nên không có thì giờ viết văn, làm thơ. Cô mong là từ từ em sẽ có thì giờ rảnh để tiếp tục “hobby” thanh nhã cũng như thỉnh thoảng vào thăm trang nhà đọc những bài viết mới. Dạo này trang nhà có sự đóng góp của nhiều thầy cô nên cũng có phần rộn ràng hơn, các anh chị em cũng chịu khó viết bài nên trang nhà càng ngày càng được cải thiện để thu hút thêm đọc giả mới và giữ chân được các đọc giả trung thành.
Gởi lời thăm em và các cháu. Bao giờ thì em có cháu nội để ẳm bồng?
Cô Hồng Khanh
Cảm ơn cô đã hỏi thăm gia đình em !
Cô ơi ! Em vẫn chưa có cháu vì con trai em nó vẫn còn ham chơi , chưa muốn có con !
Em thì không có ý kiến gì , khi nào cháu ý thức được thì sinh con …
Cô giữ sức khỏe nha cô .
Em chào cô .