Những nụ cười còn ở lại

Ngày đăng: 21/03/2017 09:33:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Phố Tịnh thương mến!  Nhìn lại thì những năm tháng làm việc ở Phố Tịnh không nhiều, nhưng những hình ảnh kỉ niệm của tôi lại không thiếu tiếng cười, có tiếng cười dòn dã của những cô bé học trò, và những nụ cười nhẹ lắm khi không thành tiếng của bạn bè. Những bụi bặm nhem nhuốc của cuộc sống rồi sẽ trôi đi hết thôi, cái còn lại trong tôi vẫn chỉ là những nụ cười. Tôi sẽ kể em nghe những nụ cười của đồng nghiệp tôi mà mỗi lần nghĩ về họ tôi đều thấy ấm áp vì những tiếng cười dành cho nhau, cho dù thân xác có thể mai một.

Cười trong những cuộc chơi lớn

Sau trại hè Vũng Tàu hè 1971, anh Kiệt [1] và tôi thường có những dịp chuyện trò thường xuyên, khi thì trong Phòng Giáo Sư, lúc thì ở ngoài quán bia lạnh gần khu đất thánh tây. Câu chuyện thường xoay quanh những dự toán của anh cho việc phát triển sinh hoạt hiệu đoàn. Qua vài câu chuyện qua lại, tôi hiểu anh là người rất quan tâm đến việc phát huy những hoạt động nhóm, hoạt động ngoại khoá mà anh tin là như thế mới đầy đủ ý nghĩa giáo dục của nhà trường. Tôi nhớ lại những sinh hoạt tập thể sôi động trong mấy ngày trại hè Vũng Tàu với nhiều ấn tượng, và nói với anh là tôi cũng đồng quan điểm với anh về sinh hoạt hiệu đoàn như một phương cách giáo dục tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng cho tuổi trẻ. Trong một lúc cao hứng, anh nói nhiều hơn về những dự tính hoạt động trong thời gian tới. Tôi nói với Kiệt là tôi rất ấn tượng về tinh thần tập thể cao của học sinh  Tống Phước Hiệp (TPH) qua trại hè 1971 vừa rồi, và hỏi anh là trường đã có những hoạt động tập thể cấp toàn trường, chẳng hạn sinh hoạt cứu trợ nạn nhân bão lụt, hoặc một hội chợ toàn trường. Anh bắt ngay ý tưởng một hội chợ cho ngày tết sắp tới.

TPH- Tennis

Ý tưởng và kế hoạch hội chợ Tết 1972 đã ra đời trong một buổi bia lạnh mùa hè, nhưng không phải là một ngẫu hứng, mà là một trực giác về tiềm lực của tập thể trường chúng tôi, và cũng là thể hiện một đam mê sinh hoạt hiệu đoàn để giáo dục tình đồng đội, tinh thần tập thể trong trường học.

Anh Kiệt và tôi đã gặp gỡ và chia sẻ với nhau trên một quan niệm sinh hoạt học đường. Anh vẫn giữ đam mê đó qua nhiều hoạt động hướng dẫn sinh hoạt hiệu đoàn và đã bỏ mình trên đường hoạt động, ở độ tuổi đang sung mãn ý tưởng và năng lượng làm việc. Anh mất đi là một mất mát quá lớn đối với tập thể Tống Phước Hiệp. Tôi bàng hoàng rất lâu vì mất đi một người bạn đồng nghiệp đàn anh năng nổ và nặng tình với sự nghiệp giáo dục theo nghĩa một sự rèn luyện thường xuyên và toàn diện.

Mỗi lần tưởng nhớ đến anh, tôi lại thấy một nụ cười rạng rỡ như gói trọn tin yêu anh gửi lại bạn bè và môn sinh.

    Nụ cười và tâm sự hoài cảm

Vào năm học 1973-74, cũng là sau khi anh Kiệt qua đời vì tai nạn, tôi chỉ làm việc ở trường Tống Phước Hiệp hai ngày rưỡi đầu tuần nên ít có mặt trong các sinh hoạt thường kì ở trường. Mỗi trưa Thứ Tư là tôi từ trường ra thẳng bến xe về Sài Gòn. Thời gian này, ngoài khoá cao học giáo dục mỗi cuối tuần, tôi còn đảm nhiệm vai trò Giám Học một trường tư ở Chợ Lớn.

Mặc dầu vậy, có một chút duyên bất ngờ khiến tôi lại tham gia một sinh hoạt hiệu đoàn quy mô khác trong năm học này.

Một buổi kia, đang nhâm nhi ly trà nóng trong giờ nghỉ, anh Vỹ [2] miệng phì phà tẩu thuốc, ngồi xuống cạnh tôi. Anh nói với tôi thôi mà giọng vang như cho cả mọi người trong phòng giáo sư đều nghe: “Cậu viết hộ vở kịch thơ cho ngày Hai Bà Trưng năm nay đấy nhé. Biết cậu bận nên chỉ dám nhờ có thế thôi, đừng nói ‘không’ đấy nhé”. Tôi bị bất ngờ đến hai lần, một là một bậc đàn anh trước nay ít tham dự các sinh hoạt mà anh Kiệt và chúng tôi tổ chức trong hai năm học vừa qua nay lại can dự vào một cuộc chơi lớn của trường; hai là trước nay, có dễ gần ba năm sinh hoạt cùng trường, hai chúng tôi chưa hề chuyện trò với nhau. Thường thì anh hay ngồi một góc bàn kề cửa sổ trong phòng giáo sư, đốt tẩu thuốc và nhìn mông ra ngoài cửa sổ; thỉnh thoảng lại nói nhát gừng điều gì đó với một đồng nghiệp ngồi cạnh anh, thường là anh Trần Thái Hùng hay anh Ánh, chị Tùng. Lớp thầy giáo trẻ chúng tôi hay ồn ào ở một khoảnh khác bên chiếc bàn dài, với những câu chuyện khác. Cuối hè 1973, trường có nhiều thay đổi. Một số thầy cô giáo thuyên chuyển đi nơi khác, một số khác mới về. Anh Vỹ lại thêm ít nói, ngoài chiếc tẩu cố hữu làm bạn trong giờ nghỉ. Khi anh ngỏ lời về một kịch bản cho sinh hoạt hiệu đoàn anh đang ấp ủ, tôi hơi bất ngờ nhưng cũng nghĩ là anh chọn đúng người để nhờ việc, nên cũng nhanh nhẹn nhận lời.

Anh Vỹ cho tôi nghe dự tính về một ngày lễ hội Hai Bà Trưng gồm một cụm sinh hoạt đậm tính cách của một ngày phụ nữ: một cuộc thi đua giữa các lớp về mỹ thuật gian hàng lều trại bao gồm cả một cuộc thi gia chánh. Lồng trong khung cảnh một ngày hội thi giữa các lớp đó là cuộc trình diễn ngoài trời màn kịch Hai Bà Trưng khởi binh chống quân Nam Hán.

Không lâu sau đó tôi giao bản thảo vở kịch thơ cho anh. Anh rất vui, xem ngay trong giờ nghỉ giải lao. Sau đôi ba lần hội ý, tôi hoàn chỉnh kịch bản vở kịch thơ Hai Bà Trưng cho năm 1974 ấy. Tôi không có nhiều dịp xem các em học trò tập dượt cho màn kịch này. Đến hôm Hội Lễ Hai Bà, tôi có tham dự, và nhận ra công phu tập luyện trong một thời gian ngắn mà màn kịch xem như đạt thành quả rất đáng nhớ. Khuôn viên trình diễn màn kịch ngoài trời là khoảnh sân tennis gần cổng trường. Phụ huynh và học sinh đứng chật quanh sân khấu lộ thiên để xem các em học sinh đóng vai hai bà Trưng và quân binh hai bên trong trận chiến cuối cùng giữa hai bà và Tô Định. [3]

Hẳn nhiên là màn kịch ngoài trời kia chỉ là một tiết mục trong ngày lễ hội Hai Bà Trưng năm ấy thôi. Một khối lượng lớn các gian hàng hội chợ do chính các học sinh các lớp tham gia có đủ sắc thái gọn nhẹ nhưng vẫn màu sắc. Mỗi đơn vị gian hàng thực hiện một tiết mục thi đua nấu nướng có chấm thưởng. Tôi cũng tham gia ban giám khảo gồm đại diện Hội Phụ Huynh và Giáo Sư.


TPH 6

                     Một lều trại trong ngày lễ hội Hai Bà Trưng 1974 (Lớp 11B)

Ngày lễ hội Hai Bà năm 1974 ấy là một bước ngoặt trong mối giao tình giữa anh Vỹ và tôi. Trong thời gian chuẩn bị ngày lễ hội, anh Vỹ thường chuyện trò với tôi, nhiều khi chỉ là những chuyện gẫu mà thôi. Những câu chuyện đùa của anh Vỹ thường đậm chất Bắc, hóm hỉnh kín đáo nhẹ nhàng. Có một hôm, anh bảo tôi là anh sẽ cùng lên Sài Gòn “chơi” với tôi. Ngồi trên xe, chúng tôi chuyện trò về đủ mọi chuyện, chủ yếu là về những ngày còn nhỏ, anh và bạn bè chơi đùa với nhau. Toát lên từ những câu chuyện cũ kia là chút hoài niệm về những năm tháng rất đẹp đã mất hút về quá khứ. Hôm ấy, anh dẫn tôi đi ăn trưa tại một quán ăn Bắc tại đường Tôn Đản. Nhà hàng nhỏ nhắn nhưng lịch sự, có vẻ như là một quán ăn gia đình, chủ nhân là hai người đứng tuổi nói giọng Bắc nguyên vẹn. Bữa cơm trưa hôm ấy có  món cá rô rán, canh rau đay và cà pháo. Thực tình là qua anh Vỹ tôi mới biết đến con đường quán ăn Bắc ấy. Mấy năm ở Sài Gòn tôi chỉ biết những quán Huế và Nam ở khu Ngã Bảy và Ngã Sáu Sài Gòn. Món Bắc thì chỉ biết sạp hàng quán ở chợ Nguyễn Tri Phương và khu chợ Hoà Hưng mà thôi. Ăn trưa xong, chúng tôi thả bộ về xem một phim mới tại cine Rex. Hôm ấy rạp chiếu Rex chiếu phim Double life of Veronica. Đến chiều thì anh Vỹ lại quay trở về bến xe lục tỉnh. Khi lên xe, anh nói: “Lâu lắm moi mới có một buổi dạo phố thú vị, đậm hương sắc”. Tôi chợt nhận ra tâm sự hoài hương của anh mà suốt thời gian dài ba năm qua tôi chưa hề có cơ duyên để biết. Đọng lại trong tôi chiều hạnh ngộ hôm ấy là một người anh lưu lạc từ Hà Nội hai mươi năm trước về miền đất mới nhưng vẫn mang theo bản sắc một thư sinh Hà Nội, từ chất giọng nói năng đến cảm quan sâu kín mà hóm hỉnh trong ứng xử thường ngày. Anh đi rồi tôi mới nhận ra sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tâm sự của một nhân vật trong phim chiều hôm ấy và tâm sự của một người đồng nghiệp đàn anh lúc nào cũng cười như thể rất trẻ trung hồn nhiên nhưng cũng có những nếp gấp tâm sự sâu kín.

TPH 7

 Ban Giám Khảo chấm thi đua nấu ăn trong ngày lễ hội Hai Bà Trưng 1974

Từ cái duyên ngày lễ hội Hai Bà Trưng năm ấy, tôi còn có thêm niềm vui được nhìn một công trình lớn khác của anh Vỹ khi anh điều hợp công việc thực hiện tập Kỷ yếu Tống Phước Hiệp 1974 rất phong phú về nội dung và đẹp mắt về hình thức. Đây là món quà lưu niệm thật quý giá mà anh Vỹ để lại cho các thế hệ học trò Tống Phước Hiệp. Bao nhiêu dâu bể đã qua đi, nhưng nụ cười hóm hỉnh cuả anh vẫn còn lưu lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Anh Vỹ là hình ảnh của một thoáng chớp mắt ngắn ngủi nhưng là một lưu lại mãi mãi.

Vẫn còn đó một nụ cười hiền

Tháng 10/1970, tôi về trường Tống Phước Hiệp trình Sự Vụ Lệnh.  Hôm đó anh Thọ [4] tiếp tôi thân mật, gần gũi như không phải lần đầu. Anh hỏi tôi về những chuyện cần thiết và gần gũi mà một người mới đến phải giải quyết, là chuyện ăn chuyện ở. Rồi anh đưa tôi sang phòng Giám Học. Cuộc gặp gỡ ngắn gọn nhưng đầy đủ. Và gần gũi, thân mật. Trong gần một năm đó, khi anh còn là Hiệu Trưởng, tôi ít khi gặp anh, chỉ dăm ba câu chuyện thường nhật khi gặp nhau ở phòng giáo sư hay trong phòng họp. Tuy thế, dòng chảy miên man của những sinh hoạt học đường cho thấy anh hiện diện thường xuyên cùng thầy trò trong trường.

TPH- DaoKhanhTho

Cùng Thủ tướng Trần Văn Hương tại sân trường TPH (1969)

Trường Tống Phước Hiệp những ngày tháng đó thật sống động. Khi tôi về trường thì “hội” tennis của giáo sư đã hoạt động đều. Mỗi buổi chiều thầy giáo và học sinh đều có một vài tiết. Những buổi văn nghệ chiều Thứ Năm cũng đang hoạt động đều. Nhóm sinh hoạt văn nghệ, báo chí cũng tíu tít. Các lớp lớn thường có những buổi du ngoạn miệt vườn, thường cũng có cả một số thầy cô giáo không bận bịu gia đình… Những dạng sinh hoạt như thế bảo là tự phát cũng phải thôi, nhưng bảo là có phần góp ý khuyến khích của anh và của Hội Phụ Huynh TPH cũng không sai. Tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng ông Hội trưởng Mai Phùng Võ, thì biết rằng Hội có chủ động trong một số sinh hoạt ngoại khoá, có nhiều lần chính anh gợi ý cho Hội. Hẳn nhiên là điều hành một trường lớn như Tống Phước Hiệp thì công việc của vị chỉ huy lãnh đạo như anh là phải biết tất cả những hoạt động đông vui ấy.

Sự quan hệ của anh với các cấp chính quyền sở tại cũng đã giúp nhiều cho sinh hoạt hiệu đoàn được khởi sắc. Quan hệ gắn bó ấy thể hiện qua những buổi chiều trên sân tennis của trường, khi các giáo sư giao đấu cùng ông tỉnh trưởng hay một vài chức sắc của tinh và tiểu khu. Mối quan hệ gắn bó với giới chức tỉnh thể hiện qua hàng loạt convoi do tiểu khu điều động sang giúp đỡ trường di chuyển thầy trò đi cắm trại hè ở xa, khi Vũng Tàu, khi Rạch Giá… Quan hệ đó bàng bạc đằng sau vẻ thanh bình, an ninh rất cao của một trường lớn, lúc đó ngót nghét hai nghìn học sinh mà phần lớn là nữ sinh, vì năm 1970 ấy trường Tống Phước Hiệp đang chuyển tiếp sang trường nữ.

Bận rộn thế nhưng anh vẫn luôn là một con người gần gũi, thân thiện. Luôn luôn dành cho đồng nghiệp và học trò một nụ cười hiền.

Tôi hoà vào dòng sinh hoạt của trường thoải mái, tự nhiên, và cũng sôi động, vì có được môi trường sinh hoạt thuận lợi như thế. Một hoạt động lớn rộng mà anh đã hết mình khuyến khích và hỗ trợ, là ngày hội tết Tống Phước Hiệp vào dịp tết 1972. Ngày hội tết năm ấy là một sinh hoạt mới, nhiều công phu, và huy động gần như toàn bộ nhân lực của trường. Học sinh bỏ ra ba ngày trời để dựng lều (lợp tranh, rơm hay lá dừa), chuẩn bị vật liệu cho ngày hội chợ chính thức. Trong những ngày này, người ra kẻ vào tấp nập, nhiều học sinh huy động cả thân nhân gia đình vào tiếp sức để cho gian hàng của lớp mình được tươm tất, vì ban tổ chức có thưởng thi đua gian hàng đẹp, đặc sắc. Ban tổ chức chính thức gồm ba người: anh Lương Văn Kiệt, anh Đặng Ngọc Diệp, và tôi. Là người mới về trường, chưa quen biết nhiều các mặt sinh hoạt khác, tôi chỉ chú tâm nhiều vào phẩm chất nội dung ngày hội, còn những việc liên quan đến an ninh ngày sinh hoạt, quan hệ đối ngoại thì hai vị đồng nghiệp thâm niên gánh cho.

TPH 1

Kết thúc ngày hội tết  TPH 1972

                                  (nhân vật chính của Ban Tổ Chức không xuất hiện)

Ngày  hội tết Tống Phước Hiệp năm ấy là một niềm tự hào chung cho cả trường, thể hiện cao độ sự hợp tác toàn diện của thầy trò. Khách dự hội tết không chỉ là học trò (trên dưới hai nghìn học sinh thì không phải là ít), mà còn cả thân nhân, gia đình, và bà con quần chúng trong thị xã và các nơi. Ngày hội diễn ra suôn sẻ, an toàn trọn vẹn. Chiều hôm đó, sau khi kết thúc ngày hội linh đình có một không hai của trường, anh Kiệt thở phào nhẹ nhõm, cười tươi rạng rỡ bên li bia lạnh và nói với tôi rằng anh mừng nhất là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp quá sức mong đợi. Chúng tôi biết là công lao ấy phải dành cho anh. Hầu như không ra mặt từ buổi đầu bàn soạn tổ chức cho đến khi kết thúc ngày hội dưới sân cờ; nhưng anh là người đã góp phần rất kín đáo trong sự thành công tốt đẹp cho ngày hội tết Tống Phước Hiệp năm ấy. Anh nắm bắt được nghệ thuật lãnh đạo ngay từ những năm còn trẻ: tin cậy và uỷ nhiệm chứ không ôm việc. Sau này, sinh hoạt trong nhiều môi trường khác nhau, tôi càng có nhiều dịp chiêm nghiệm lại những ngày tháng Tống Phước Hiệp để nhận ra vai trò chỉ huy lãnh đạo nhà trường TPH là then chốt trong mọi thành quả lớn nhỏ của trường.

Năm sau thì anh rời Vĩnh Long sang gầy dựng cho Sở Học Chánh Cần Thơ vừa thành lập. Mặc dầu vậy, anh vẫn là nguồn hỗ trợ lớn cho trường. Những hoạt động có lắng xuống chút ít nhưng vẫn đều và chắc nhịp.

Biến cố 1975 đã dẫn đến một quãng cách khá dài giữa những người từng gắn bó ít nhiều với trường Tống Phước Hiệp trước đó. Tôi vẫn thủy chung với quan niệm sống tùy duyên và vô cầu. Chấp nhận dâu bể tang thương là chuyện thường tình, và vui vẻ sống với nó không bận lòng gì với những chuyện chia xa, đổ vỡ. Hơn bốn mươi năm sau, tôi bắt liên lạc lại được với bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ. Rồi nhận được tin nhắn của anh. Góp mặt trở lại cùng anh em Tống Phước Hiệp, tôi có dịp theo dõi hình ảnh những bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ qua các DVD do anh chị gửi qua. Tôi nhận ra phong thái anh vẫn như ngày nào. Thoải mái, tự nhiên và thân tình.

Bốn mươi năm qua không biết bao nhiêu là biến cố trong mỗi cuộc đời chúng ta. Anh cũng trải qua nhiều biến động như mọi người chung quanh. Tuy vậy, anh vẫn giữ được sự vững chãi trong tâm hồn. Nụ cười của anh vẫn thật là hiền.

Mãi đến Tháng Ba năm 2013, tôi mới sang thăm anh chị. Một hôm trước ngày hẹn gặp nhau, anh chị Nhàn [5] báo cho biết là anh vừa vào bệnh viện.

IMG_0174

                                            Trên giường bệnh tại Fountain Hill (2013)

Chúng tôi vào thăm anh. Hơn bốn mươi năm mới gặp lại mà thời gian tưởng chừng như chưa từng qua lâu. Gặp lại nhau nơi góc bể chân trời, trong khung cảnh anh nằm giường bệnh, tôi vẫn như thấy lại hình ảnh người hiệu trưởng ngày nào, năng động, chân tình và lạc quan. Cháu Tuấn cho hay là anh đã tỉnh táo hơn hôm trước. Anh nói chuyện vui vẻ, pha nhiều câu dí dỏm. Giờ đây, đang đối mặt với bệnh tật, anh vẫn còn nụ cười tươi, như thể anh và bệnh đang sống chung hoà bình. Anh có được vẻ an nhiên của người tu tập thiền quán, không nao núng trước những xao động của hôm nay. Nụ cười ấy phải là nụ cười của thiền sư.  Chúng tôi từ giã anh ở bệnh viện, mang theo nụ cười.

Phố Tịnh ơi, mấy tuần sau đó thì anh đi. Tôi tin là anh ra đi với nụ cười nguyên vẹn đó.

 bài và ảnh Đoàn Xuân Kiên

 

[1] GS. Lương Văn Kiệt

[2] Gs Ngô Quang Vỹ

[3] Xem bài “Tô Định kể lại chuyện xưa”: https://tongphuochiep-vinhlong.com/2017/03/to-dinh-ke-lai-chuyen-xua/

[4] Gs Đào Khánh Thọ

[5] Gs Phan Thanh Nhàn và Gs Đặng Thị Thanh Nhàn

 

Có 14 bình luận về Những nụ cười còn ở lại

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc bài Thầy, cảm động, ngậm ngùi

    Ký ức xa xưa, còn tươi roi rói

    Qua trang văn, qua nỗi nhớ

    Bồi hồi …

  2. Tôi rời trường Tống Phước Hiệp vào đầu niên học 1970 nên không được trải qua những năm tháng thăng hoa của trường với những sinh hoạt sống động về nhiều phương diện mà anh đã kể trong bài viết. Tuy thế tôi vẫn còn nhớ các đồng nghiệp ngày xưa của trường. Cám ơn anh đã nhắc nhớ với nhiều tình thương mến đến ngôi trường, đến các đồng nghiệp, nhất là những tấm ảnh mà anh đã chia sẻ. Cám ơn anh thật nhiều, xin hỏi có phải anh là bạn của Lương Thanh Nhàn, của Thân trọng Mẫn không?

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      CHị nhắc đúng tên hai bạn cũ ở SG. Lúc đó nhóm chúng tôi có mấy bạn: Cao Huy Vĩnh, Trần Thanh Hà, Lương Thanh Nhàn, Thân Trọng Mẫn, Hoàng Đức Hoà và Lê Cung Bắc (tôi quên mất tên thật của bạn này). Thường họp nhau ở cafe Pasteur mỗi chiều. Nay thì chỉ còn liên lạc với Vĩnh thôi, mấy bạn khác thì “thất lạc” hết cả.

  3. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    – Mặc dù là học sinh Nguyễn Thông nhưng tôi rất hâm mộ thầy Đoàn Xuân Kiên. Biết thầy tham gia hoạt động nhiều lãnh vực văn nghệ tôi càng phục . Ngày trước bọn tôi hay gọi đó là ” nhà văn nghệ dấn thân ”

    – Năm 1978 ,lúc tôi làm việc ở trường THSP Cửu Long , có anh giáo sinh Đoàn Xuân Thọ hoạt động văn nghệ cũng khá tốt , hỏi ra mới biết có quan hệ với thầy Kiên . Sau đó , năm 1980 giao lưu với trường Nông nghiệp Long Định ,có Đoàn Xuân Thụ phụ trách văn nghệ Đoàn trường, không có dịp tiếp cận  nên không biết về anh nhiều, có quan hệ với thầy Kiên hay không .

    – Nhớ buổi chiều ,Thầy Kiên thường đi bộ từ ” cua Ông Quang ” về Miếu Bảy Bà . Dáng đi của thầy hấp tấp , bước những bước dài , cái  “sơ mi ” thầy ôm bên mình như sắp bụt ra với nhiều giấy tờ chưa kịp xếp nếp . Trong mắt  bọn học trò ” cấp 3″ ngày ấy , thầy là  mẫu người lý tưởng để chúng tôi  ” rượt theo ”

    – Nhớ và viết về thầy,  tư nhận xét mình , đã là thầy giáo nghĩ hưu rồi nhưng  bản thân mình có để lại được những việc làm nào có ích và ấn tượng như thầy đâu ?!

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Bạn Gương thân

      Cảm ơn bạn đã quan tâm đọc bài này. Đoàn Xuân Thụ nhập tich Trà Vinh, nay đang ở Phòng Giáo Dục Châu Thành. Còn người mà Gương gặp ở Long Định là Đoàn Xuân Bàng có thời gian làm ở Ban Nông Nghiệp Cửu Long, nay thì về SEAMEO (Sài Gòn). Té ra thế giới cũng nhỏ thôi mà.

  4. VÕ THỊ LÀI nói:

    Đọc bài thầy viết rất cảm động, nhìn lại những hình ảnh quí thầy những năm ấy,quí thầy rất phong độ,trẻ trung  , lòng đầy nhiệt quyết. Bây giờ chĩ còn một vài thầy , chúng em thấy bùi ngùi nuối tiếc  thuở xa xưa .Cám ơn thầy rất nhiều , kính chúc thầy luôn khỏe mạnh .

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Lài và các bạn cứ coi như những lá thư về Phố Tịnh là những cánh thư tâm tình để gợi nhắc và giữ lại những tình cảm đẹp đẽ trong ngôi trường đã thân thiết với mỗi chúng ta một thời. Qua đó, cũng ao ước các thế hệ TPH cùng nuôi dưỡng đắp bồi ngọn lửa truyền thống của trường chứ không dừng lại ở  sự tiếc nuối ngậm ngùi. Mong được cùng ôn kỉ niệm với các thế hệ đàn anh  và đàn em TPH nay đang sống và làm việc khắp mọi nơi. Quý mến.

  5. My Nguyen nói:

    Thầy kính mến! Đọc bài viết của Thầy, bao nhiêu kỷ niệm dưới mái trường Tống Phước Hiệp thân yêu lần lượt hiện về, với Thầy Cô yêu kính, bạn bè thân thương…Năm 1972, em là một học sinh lớp 11A4 và đã tham dự Hội chợ mừng Xuân 1972. Một hội chợ quy mô hoành tráng của nhà trường mà em vinh dự được tham gia và cả đời không quên được. Vậy mà mãi đến hôm nay, em mới biết thầy Lương Văn Kiệt và Thầy, là những vị thầy đã có ý tưởng và công lao to lớn trong Hội chợ này (vì hình như lúc đó em không hề thấy quý Thầy ra mặt trong Ban tổ chức). Ngày thầy Kiệt đột ngột ra đi, chúng em bàng hoàng,hụt hẩng, một mất mát không gì bù đấp được, phải không Thầy?

    Em xin cảm ơn Thầy về “Những Nụ Cười Còn Ở Lại”, với ý nghĩa thật nồng nàn sâu sắc. Kính chúc Thầy luôn dồi dào sức khỏe và sẽ cho chúng em những hồi ức thật hay…

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Tôi thảo Thông Báo để thầy Kiệt cho phổ biến đến từng lớp đó My. Phải có kế hoạch chi tiết thì mới dễ cho các thầy cô chủ nhiệm và các Trưởng Lớp triển khai đúng hướng. Trong riêng tư, tôi vẫn tự hào về một thành tựu khác mà chưa nói tới trong hai bài này: hai phòng triển lãm ở trên lầu. Mấy phòng triển lãm đều hẩm hiu, nhưng tim óc của các lớp lại dồn vô đó nhiều lắm. Đúng đấy, My, “cả đời không quên được”. 

  6. NHA nói:

    Tôi có gặp anh gs Đoàn Xuân Kiên khi tìm Lương Văn Kiệt, một bạn rất thân của tôi.

    Bài viết của anh Kiên làm tôi nhớ lại ngôi trường  Tống Phước Hiệp (tiền thân của Nguyễn Thông), nhớ lại tất cả quý thầy cô, nhớ lại mọi bè bạn … cùng những kỷ niệm. Cám ơn anh Đoàn Xuân Kiên.

    Tôi có nhắc về Lương Văn Kiệt từ khi tôi quen anh trong một bài viết ngắn và còn lưu tại link sau đây, mời anh chị em vào đọc nếu…

    https://anhtuvaban.blogspot.com/2013/11/nho-ban-toi-nien-khoa-62-63-t.html

    Nguyễn Hồng Ẩn

  7. Các em thân mến,

    Đọc bài viết của thày Kiên, nhờ đó mà cô biết thêm được nhiều điều hay đẹp về trường TPH, về những sinh hoạt trong nhiều phương diện mà khó có một trường nào có thể tổ chức và thực hiện được như thế. Các em cựu học sinh TPH của thời gian từ 1970 tới trước 1975 chắc chắn đã trải nghiệm và đã giữ được biết bao nhiêu kỷ niệm với trường trong khoảng thời gian này. Tất cả các em, nhất là các em trong khối NK75, các cây viết nổi danh một thời của trường như Đức Tính, Bùi Chí Hiếu, Bùi thị Xuân Mai, Phan Các Chiêu Hằng hãy ghi lại kỷ niệm thời vàng son này để chia sẻ cùng các cô, các thầy, các bạn. Cô còn nhớ hình như Thu Cúc cũng như Phương Nga cũng có đề cập sơ qua về hội chợ Tết 1972 trong bài viết của các em….My Nguyen, còn chờ gì nữa. Trang nhà đang chờ đón các em tiếp nối với thày Kiên để bạn đọc được nhìn thấy quan điểm cũng như cảm nghĩ của các em về một khoảng thời gian  tuy ngắn nhưng đầy sinh động của ngôi trường TPH thân yêu của chúng ta.Cô Hồng Khanh

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Tôi cũng tán thành đề nghị của chị Hồng Khanh. Nên có nhiều trang nhớ lại, để cùng soi lại mảng kí ức đã rất xa nhưng ít khi có cơ hội gợi nhắc. Nay thì có đủ điều kiện lùi lại sau những xô bồ nhất thời để gạn đục khơi trong. Tôi cũng đã nhờ cậy trí nhớ của nhiều bạn cựu học sinh để điều chỉnh nhiều kí ức nay đã chập lẫn nhiều. Mong được đọc nhiều góc hồi ức từ nhiều góc nhìn khác nhau. Mong lắm.

  8. Nguyễn Thị Hòa nói:

    Xin gởi lời kính thăm anh chị .Cảm ơn anh đã chia sẻ một bài viết về phố Tịnh quá tuyệt.Hòa hồi đó cũng có lần được ghé thăm anh chị cùng cháu bé tại nhà của anh chị.Nay chắc cháu đã lớn rồi.Rất vui còn thấy anh chị có vào trang web này.

  9. Hoàng Hưng nói:

    Có một lần tôi và thầy Thọ cùng nhìn lại tấm hình thầy tiếp đón cụ Hương, tôi nhìn thầy mĩm cười. Thầy hiểu, thầy nói, sao lúc đó thầy dở quá hả, đón tiếp Thủ Tướng sao thầy không mặc thêm cái áo lớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác