Nhớ dịch giả Nguyễn Minh Tâm

Ngày đăng: 9/03/2017 07:37:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Năm tôi ba hai tuổi, tự dưng tôi thích đọc kinh Phật, thích nghe nói về Thiền. Tôi có anh bạn ăn chay trường, biết nhiều về chuyện Đạo bán nước sâm ở chợ Vĩnh Long khuyên tôi nên gặp ông Tâm ở trong phường 3, ông này giỏi về giáo lý, tôi có thể học hỏi được. Nghe qua tôi mừng lắm, nên hỏi cặn kẻ chỗ ở của ông Tâm.

Đến nhà ông Tâm, khi nghe người nhà bảo có người muốn gặp, Ông bước ra cửa nheo mắt nhìn tôi, tôi thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, dáng người nhỏ nhắn, mặc bộ đồ trắng, áo vạt hò, nói theo truyện Tàu là rất “tiên phong đạo cốt”. Do gặp nhau lần đầu, tôi phải tự giới thiệu về mình và lúc đó mới biết ông là bạn của ông nội tôi. Ông tôi là bạn thân của ông Huệ Hòa, một thương gia giàu có ở Vĩnh Long, còn ông Tâm là sui gia của ông Huệ Hòa, những người này thường gặp nhau trò chuyện luôn. Với mối quan hệ đó thì tôi phải gọi ông Tâm bằng ông, nhưng ông bảo tôi nên gọi ông bằng bác cho thân mật mặc dù ông hơn ba tôi hai mươi tuổi.

Nơi ông đang ở nằm ở ngoại ô thị xã Vĩnh Long, ngôi nhà nhỏ có gát lửng, ông ở trên gác chung quanh là sách vở. Trước đây, ông đã từng làm quan chức chế độ cũ, thế nên sau 1975  nhà của ông bị nhà nước trưng dụng và gia đình ông phải di dời về nơi này. Nói đến Nguyễn Minh Tâm tôi chợt nhớ đến những bài viết của ông bên Thông Thiên học, những quyển sách dịch về Krishnamurti của ông đứng tên chung với Đào Hữu Nghĩa. Năm 1970, mới vào lớp 12, tôi bập bởm đọc sách triết, cũng giống như các bạn cùng trang lứa tôi  mua nhiều sách của Phạm Công Thiện, nào là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Ý thức bùng vở, Tôi là ai ? Nietzsche.  Sách của  Linh mục Kim Định cũng được tôi chiếu cố, từ Những dị biệt triết lý Đông Tây  đến  Cơ cấu Việt Nho và  quyển Giải trừ Kiến thức (Freedom from the Known) của Nguyễn Minh Tâm dịch chung với Đào Hữu Nghĩa, tôi cũng đem về nhà. Thật lòng mà nói, mấy quyển này bọn học sinh chúng tôi đều có đọc, nhưng lĩnh hội không được bao nhiêu, chưa nói đến có đứa cầm tay những quyển triết để lòe thiên hạ. Vào quán cà phê lượm vài ý tưởng vừa xem trong sách kháo nhau với chúng bạn, khoái nhất là câu “Phùng Phật sát Phật” để đả phá mọi thứ trên đời, nhưng có hiểu gì đâu ?!

minh tam - Copy

Sau 15 năm rời xa học đường, giờ lăn lộn kiếm sống , tuy vất vả nhưng vẫn chưa lìa sách vở, gặp bậc tiền bối dịch sách ngày xưa nói chuyện đứng trước mặt hỏi không khoái sao được(?)

Bác Tâm giống như con chim bị đạn, mặc dù biết rõ nhân thân của tôi nhưng bác vẫn nhắc nhở, hai bác cháu ta chỉ nói về Đạo mà không nói chuyện chi khác. Bác giảng cho tôi nghe làm sao để buông xả, dường như đây cũng là tựa một quyển sách mà bác dịch của Hubert Benoit.

Hai bác cháu trò chuyện rất hứng thú, đến giờ ăn trưa cũng chẳng hay, mấy lần tôi định cáo từ ra về nhưng bác ngăn lại chẳng cho, đã vậy bác đứng trên gác cao còn nói vói xuống đất với đứa cháu ngoại năm tuổi: “Con nói với má con, hôm nay ông ngoại không ăn cơm, ông ngoại có khách”.

Là khách sơ giao, có nâng lên một chút là bạn vong niên, tôi cũng không hề nghĩ là có sự cố như vậy. Tôi biết bác quý tôi như thế nào để có thể bỏ bữa ăn trưa để trò chuyện với kẻ hậu sinh, một kẻ bán buôn nhỏ lẻ ở chợ đời ! Tôi biết gia cảnh bác lúc đó vô cùng túng quẩn, bác sống với vợ và đứa con gái út không có việc làm dù chị ấy tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh Đà Lạt. Nhiều lần bác gợi ý tôi, con xem ở đâu có việc gì cho chị ấy làm không, trong khi tôi chỉ là thằng buôn bán ở chợ.

Hàng tuần, tôi đi chợ lấy hàng một lần, ghé thăm bác trò chuyện vài giờ, không biết bác có thích trao đổi với tôi không ? Nghĩ lại tôi có gì đâu mà trao đổi, bác trao và tôi nhận. Tôi cảm thấy mình may mắn lắm rồi.

Những lần đến sau, tôi đem theo bánh mì, chuối già và phô mai để trưa hai bác cháu vừa trò chuyện cùng ăn. Thức ăn chay và khả năng lúc đó của tôi cũng đến vậy thôi, vừa đơn giản vừa không làm phiền lòng gia đình, bác rất vui khi thấy tôi giải quyết như vậy.

Tôi không biết bác và ông Đào Hữu Nghĩa dịch bao nhiêu đầu sách, nhưng trên kệ chỉ còn vài quyển Buông Xả, bác lấy và ký tặng cho tôi một quyển. Kinh kệ trong tủ cũng nhiều, từ Pháp bảo đàn kinh đến Kinh Duy ma Cật, quyển nào tôi cũng thích. Có lúc bác nói, năm nay bác tám mươi tuổi rồi, ra đi không biết lúc nào, sách bác có nhiều, con thích quyển nào thì cứ lấy. Thực tình tôi rất muốn lấy, nhưng lẽ nào lại lấy không, lúc đó lại không tiền nhiều, trả theo giá nào bây giờ vì sách của bác toàn sách xưa quý hiếm, đành nín thinh, giờ nghĩ lại tiếc hùi hụi.

Năm 1994 , tôi lên Sài thành viết báo, nhà ở Bến Tre nên ít về Vĩnh Long, một tháng sau khi bác mất, tôi có hay tin nhưng không về được, tôi thấy mình thật là tệ trong khi “ông già” rất thương mình, mãi đến năm 2012 tôi có ghé qua nhà thắp được nén hương. Có điều đáng buồn là tác phẩm dịch của Nguyễn Minh Tâm khá nhiều, gần chục cuốn, vậy mà lục tìm tư liệu viết về ông rất khó, vài dòng tiểu sử không có, sách cũ cũng không còn. Cuối năm rồi, đi ngang quầy sách cũ ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, thấy quyển “Giáp mặt cuộc đời” của Nguyễn Minh Tâm giấy đã ố vàng, bìa không nguyên vẹn, hỏi thử giá 250 ngàn đồng, không biết về sau có ai đứng ra quy tập bộ sách đó và còn nhớ về ông hay không.

bài và ảnh Lương Minh

(Đăng tạp chí Quán Văn số tháng 3/2017)

IMG_0897

              Với chị Nguyễn Bích Chi (đệ nhất A 1 NK68) con gái bác Tâm

Độc giả Việt Nam trong thời 60-70 có khuynh hướng tìm về Thiền. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt. Chiến tranh ở miền Nam càng đi vào chỗ ác liệt, cái giờ thứ hai mươi lăm càng gần kề, những phản ứng, những chọn lựa, những ứng xử trước chiến tranh đó càng nhiều. Có người tìm quên vào chuyện ăn chơi, chuyện tình vớ vẩn, chuyện Chưởng. Có người trong cuộc phản kháng thành phản chiến. Có người đi tìm một nơi trú ngụ tâm linh. Thiền trở thành nơi trú ẩn đem lại an bình cho tâm hồn. Ngoài các sách Thiền Suzuki do Thích Nhất Hạnh phổ biến, còn có nhiều dịch giả đã dịch Krishnamurti. Chẳng hạn như: Dưới chân Thầy At the Feet of the Master {Bạch Liên}. Tự do đầu tiên và cuối cùng{Phạm Công Thiện}. Đường vào Hiện Sinh {Trúc Thiên}. Giải trừ Kiến thức Freedom from the Known {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Cách mạng con người The only Revolution {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống Education and Significance of life {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Giáp mặt cuộc đời Life ahead {Nguyễn Minh Tâm}, Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Tự Do và Hòa Bình Liberté et Paix {Nguyễn Minh Tâm và Đào Hữu Nghĩa}, Krishnamurti, Cuộc đời và tư tưởng Krishnamurti, the Man and his Teachings của Ren Fouère {Võ văn Quế}, Hiện tượng Krishnamurti Phénomène de Krishnamurti của Carlo Suarès {Trúc Thiên}

(Trích 20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975 bài của Nguyễn Văn Lục)

Có 11 bình luận về Nhớ dịch giả Nguyễn Minh Tâm

  1. Phạm thị Trí nói:

    Thế mới biết đời người là hữu hạn, những tác phẫm hay, có giá trị, là vô hạn, trường tồn với thời gian, nói vậy chứ cũng phải được hậu sinh tiếp tay gìn giử , nếu không thì cũng …theo số phận của con người !! Có chút quan hoài khi đọc bài nầy …

  2. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Cảm ơn tác giả bài viết đã khắc hoạ đôi nét cốt tuỷ về bác Tâm, một nhân vật văn hoá tài cao và đức trọng, nạn nhân của một thời nhiễu nhương. Một địa chí văn hoá Vĩnh Long-Long Hồ sẽ không thể thiếu tên bác. Xin gửi nén tâm hương đến người thầy tâm linh mà tôi hân hạnh được thụ giáo trong thời gian làm việc tại Vĩnh Long.

  3. Nguyễn Hoàng Trung nói:

    Tiểu sử tóm tắc

     Nhà Văn Dịch giả NGUYỄN MINH TÂM.

     

    Ông NGUYỄN MINH TÂM sanh năm 1911, pháp danh Minh Huệ. Người Dĩ An Biên Hòa, từng sống ở Châu Đốc, Nam Vang.. cuối cùng định cư ở Vĩnh Long, có thời gian dài ông làm Trưởng ty Trước bạ Vĩnh Long. Thời kỳ ở Nam Vang ( khoảng năm 1940 ) ông cộng tác với người bạn văn dịch tác phẩm tiểu thuyết “ Hồn Bướm Mơ Tiên “ của Khái Hưng sang pháp văn với tựa đề A l’ombre de la Pagode  đăng trên báo Sự Thật La Vérité . Khi về Vĩnh Long  ông nghiên cứu và dịch các tác phẩm nổi tiếng của Alcyon Krishnamurti , Bs Hubert Benoit như Au pieds du Maitre, La Doctrine Suprême,  Lâcher prise . Ông cũng đã hợp tác với ông Đào Hữu Nghĩa dịch nhiều tác phẩm của Krishnamurti như  Giáp Mặt Cuộc Đời, Giải trừ  kiến thức, Buông Xã, Tự do và hòa bình, Ý nghĩa về sự chết , đau khổ và thời gian, do nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm xuất bản trước năm 1975. Gần đây trong Hội sách 2010 tại Thp HCm hơn 10 đầu sách  của Krishnamurti do ông Đào Hữu Nghĩa tiếp tục nghiên cứu dịch thuật đã được các nhà xuất bản Thời Đại, Hồng Đức cho in lại và phát hành. Hàng chục tác phẩm đó là: Cuộc thay đổi khẩn thiết; Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống; Chất vấn Krishnamurti; Sống thiền 365 ngày; Chân lý và thực tại; Nhân loại có thể thay đổi không?; Mạng lưới tư tưởng và thiền; Chấm dứt thời gian; Lửa giác ngộ; Thoát khỏi tri kiến thức.  

    Ông Nguyễn Minh Tâm mất ngày 24/3/2000 ( nhằm ngày 19/2 năm Canh Thìn .)  tại Vĩnh Long. Ông cũng làm thơ, sau đây là những bài thơ đầy cảm xúc, thật lãng mạn và mang màu sắc Phật giáo.

     

    MỘNG CÔ LIÊU

     

    Sách đèn tô điểm  mộng cô liêu

    Suối đạo xa đưa bóng nhạc thiều

    Xuất tục tu bồi đường nhập tục

    Cô liêu thuyền đỗ bến tiêu diêu

                                        ( 1948 )

    VÔ ĐỀ

    Sống gửi mong manh chiếc lá xanh

    Mầm tiên, đất tục kết duyên sanh

    Đêm nao giác đến bèn trang điểm

    Nhẹ gót quày về cõi tịnh thanh

                                         ( 1948 )

     

    XUÂN THÌ

    Cái buổi xuân thì em quá xinh

    Làm anh ngây ngất cái hương tình

    Hẹn ngày tóc bạc lòng không bạc

    Rằng cái keo sơn đinh khắc đinh

     

    Rồi tháng ngày qua hương sắc phai

    Mà lòng quân tử cũng đơn sai

    Lời nguyền theo gió bay bay mất

    Bóng xế chiều tà em với ai

                                   ( 1949 )

    Tài liệu trích dẫn

    Nguồn Internet.

    Vĩnh Long Xưa Và Nay của Huỳnh Minh xuất bản 24/7/1967 NXB Cánh Bằng

    Cùng một số tài liệu khác..

    • Luong Minh nói:

      Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Trung đã cho thêm một số thông tin quý giá về Nguyễn Minh Tâm. Hy vọng đây là những tiếng nói đầu tiên để khơi dậy việc nhớ lại một nhân tài đất Vĩnh.

  4. Vĩnh Long của chúng ta không phải chỉ có cảnh đẹp, người xinh mà còn có nhiều nhân tài đáng ngưỡng mộ. Cám ơn Lương Minh cũng như Nguyễn Hoàng Trung đã giới thiệu cho các anh chị em và quý vị đọc giả trang nhà, nhà văn, dịch giả Nguyễn Minh Tâm, một người có kiến thức uyên thâm, những tác phẩm dịch thuật giá trị nhưng tiếc thay vì thời thế nên sau này đã không được quảng bá rộng rãi.

  5. Hoành Châu nói:

    Đúng như  cô Phạm thị Trí nói ,,,,,” nhờ hậu sinh tiếp tay gìn giữ, lưu truyền    mà những tác phẩm hay , có giá trị mới thành vô hạn. Cảm ơn anh Lương Minh  và  Nguyễn Hoàng Trung  dẫn chứng những tư liệu vô cùng quý báu  của nhân tài đất Vĩnh,,, Dịch giả  lỗi lạc NGUYỄN MINH TÂM , nhà văn hay ,,,     kiêm thi sĩ  có những vần thơ sầu rụng , vừa lãng mạn  vừa mang tố chất tôn giáo ,,Người Vĩnh Long chúng ta vô cùng tự hào   có được  người tài hoa  gốc “Vãng ”  như thế  để  tiếp bước, để noi theo  !                     Hoành Châu (Gia đình C  )

  6. Yên Dạ Thảo nói:

    Cho YDT xin bổ túc thêm là nhà dịch giả Nguyễn Minh Tâm là thân phụ của cô Trà Mi và cô Phi, hai cô cũng dạy ở trường TPH mình trước đây.

    Em không biết co Hồng Khanh và cô Trí có biết cô Trà Mi và cô Phi không? Cô Phi qua đời cách đây vài năm, khi còn sinh thời cô và gia đình dường  như sống tại Montreal!

     

     

     

    • Cám ơn Yên Dạ Thảo đã cho thêm tin tức về tác giả Nguyễn Minh Tâm. Cô có biết cô Phi, khi cô vào trường TPH thì cô Phi cũng đang dậy môn Anh Văn. Các học sinh đệ tứ ngày đó của cô phần lớn đều là học trò cũ của cô Phi.

  7. VothiLai nói:

    Cám ơn anh Hoàng Trung đã cho biết tỉ mỉ về nhà văn Nguyễn Minh Tâm , trước 75 em có đọc   Ý  Nghĩa Về Sự Chết , Đau Khổ Và Thời Gian , . .v . .  v . . . nhưng em không biết là có sự cộng tác của nhà văn Minh Tâm . Qua Dạ Thảo cho biết thêm ông là thân phụ của cô Phương Phi là cô dạy sinh ngữ em năm đệ thất . Thật vô cùng ngưỡng mộ ông,một nhà văn một dịch giả lớn, Vĩnh Long ta vô cùng tự hào .

  8. Hoành Châu nói:

    Yên dạ Thảo thương mến
    ; Chị mới biết điều em nói ,,, thì ra  cháu con của  nhà văn dịch giả Nguyễn Minh Tâm  đều có tài đức hết , ai cũng văn hay chữ tốt  lại  thêm  đạo hạnh , quý biết bao !
    Trước kia chị có dạy  con   trai và  con gái của cô Trà Mi  và sau đó  dạy tiếp  con trai của cô Trưởng Nhi  nữa đó em . Chị chưa được học cô Phương Phi .  Được biết  gia đình dịch giả  này  thật danh giá .   Hoành Châu (Gia đình C  )

  9. NHA nói:

    Cô Trưởng Nhi hiện đang sống tại Vĩnh Long. Anh chị em nào muốn tìm thêm tin tức của cụ Nguyễn Minh Tâm thì làm một buổi gặp gỡ với cô Trưởng Nhi thử xem. Trần Bình có thể biết địa chỉ của cô ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác