Ký ức tuổi thơ

Ngày đăng: 17/03/2017 07:41:56 Chiều/ ý kiến phản hồi (26)

Quê hương tôi, khỉ ho cò gáy, nhìn quanh quẩn,  phía tây núi, phía nam núi, sau lưng cũng  toàn núi, phong cảnh núi non trùng điệp, đẹp lắm, thích lắm chỉ thiếu không có biển mà thôi…nơi mà tôi đầy ắp bao kỷ niệm thời thơ ấu, lúc lớn lên tôi đã nghe được tên gọi là Sà Tón thật ấm áp, dễ thương rồi, nơi sinh ra và lớn lên, nơi mà tôi đã học thời tiểu học.

Hồi năm 1960, Tri Tôn quê  tôi chỉ  vỏn vẹn có hai trường lớn mà thôi, trường tiểu học Việt Nam Tri Tôn và Trường Tiểu học Việt Miên Tri Tôn, tôi được ba mẹ cho tôi theo học trường tiểu học Việt Miên, vì trường này có dạy chữ Khmer cho HS  lớp năm ( lớp một bây giờ), rồi lên lớp những năm học tiếp theo, lớp Tư, Ba, Nhì, Nhứt thì hết lớp phải lên tỉnh học Châu Đốc hoăc Long Xuyên, trí nhớ của tôi nhớ không nhiều lắm, chỉ ấn tượng nhất là năm học lớp nhứt, vì cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần tôi và chị bạn tên LyMuth cùng lớp được  thầy giao trọng trách cộng điểm xếp loại cho lớp học, cộng cả sổ điểm lớp Ba của cô Minh vợ của thầy.  Hàng tuần  cứ sáng thứ hai, sau khi chào cờ xong vào lớp thầy công bố kết quả điểm học trong tuần, đọc tên từng học sinh và thứ hạng.

Nhà thầy gần cầu Cây Me, còn nhà tôi kế bên Nhà Việc bây giờ là  cơ quan Huyện, cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, tôi và LyMuth (bạn gái học cùng lớp) đi bộ trên con đường sỏi đá dài cả cây số, cứ thế đến hết năm học. Đến Tết tôi và bạn LyMuth được cô tặng mỗi đứa một khúc vải  may áo Tết… Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy mình  vẫn đi bộ trên con đường này…

Trong lớp có  ba  bạn học giỏi: tôi, LyMuth và bạn nam tên Chau Riêng.

Cuối năm lớp nhứt, tôi và một số bạn vì học trước tuổi phải đi thi Tiểu học ở Châu Đốc, kết quả thi tiểu học đậu, năm cuối cấp tôi được xếp loại xuất sắc toàn trường. Ngày lãnh thưởng, quận tổ chức linh đình cho cả 2 trường tại rạp hát của quận nhà,  phần thưởng xuất sắc được gọi trước, tôi được gọi lên sân khấu, lãnh thưởng cùng một HS đạt xuất sắc của trường Tiểu học Việt Nam, đứng trên sân khấu cùng với một HS nam, tôi còn nhớ lúc ây tôi rất ngượng…phần thưởng được ông quận trưởng trao tặng, ngoài tập, một cặp da,  còn có 2 cuốn tự điển Anh- Việt, tự điển Pháp- Việt, mà sau này tôi dùng suốt trong thời gian học trung học…

Kết thúc bậc tiểu học, tôi cố moi trí nhớ để hình dung xem cái suy nghĩ của mình về cách chọn cho mình con đường học kế tiếp, nhưng nhớ không nổi. Tôi chỉ nhớ cố thi đậu Tiểu học thôi, thời gian này thấy các bạn đi học thêm luyện thi vào đệ thất ở Châu Đốc, còn tôi thì dửng dưng…

Vài ngày sau tôi lên nhà thăm thầy dạy lớp năm, thầy cho tôi xem nguyên một xắp ảnh chụp ngày Lễ phát thưởng, tôi thấy hình tôi nhận phần thưởng trên sân khấu, muốn xin thầy mà không dám mở miệng…Những bức ảnh ấy, bây giờ mỗi lần nhớ đến  mới thấy tiếc làm sao!

Thầy Danh Xuân Nghiêm, người thầy mà tôi thương nhớ nhất, như người cha thứ hai của tôi,  đã dạy tôi suốt năm lớp nhứt, rồi dẫn tôi đi thi Tiểu học, thi đệ thất ở Châu Đốc. Lúc tôi còn quá nhỏ…11 tuổi, học trường làng, được thầy dẫn dắt đi thi ở Châu Đốc, mỗi buổi thi về thầy hỏi tôi làm bài có tốt không? Nhớ lắm những ngày hè, những ngày mưa tầm tả, thầy mướn nhà cho tôi cùng các bạn ở để đi thi. Tôi nhớ có một lần thi về nhà trọ mới phát hiện mình quên đôi dép trong phòng thi. Chết rồi làm sao đây, mai mốt về nhà sẽ bị mẹ rầy. May mắn thay, tôi được anh con chủ nhà đèo bằng xe đạp đến trường, nhờ bác lao công giữ trường mở cửa lấy được dôi dép…mừng hết lớn. Ôi, sao mà mình quê quá!

Một HS xuất sắc trường làng, ra tỉnh dự thi tuyển đệ thất, gặp mấy ngàn  thí sinh từ các nơi, các thí sinh ở tỉnh, đến dự thi, đông ơi là đông, gặp đề thi bình giảng  “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” bựa ngay thôi, nhất là trong lớp không được thầy dạy về bình giảng, thầy kêu đọc thêm trong sách, còn nhỏ không biết tự học, thi tuyển trường chỉ lấy có 150 thí sinh, không biết làm văn nên thi rớt đệ thất.

Mỗi năm vào hè, dì tư, chị ruột của mẹ tôi cùng các con của dì ở Vĩnh Long về quê thăm ngoại,  tại quê tôi chưa có lớp để học lên, thay vì đi Châu Đốc hoăc Long Xuyên học nhưng hai nơi đó không bà con, dì nói với má tôi cho tôi đi Vĩnh Long học. Ở Vĩnh Long có trường tư thục Nguyễn Trường Tộ của nhà Dòng dạy rất uy tín, nên mẹ tôi cho tôi đi theo dì Tư.

Mười một tuổi, đi xa nhà, nhớ nhà lắm lắm, nhớ ngoại, nhớ ba má và các em…ngồi rửa chén cũng khóc, cầm chổi quét nhà, nước mắt cứ chảy, nhớ nhà quá đi, tôi còn nhớ câu nói của dì: “con Rôm chắc nó ở học không nổi rồi”…

Tôi nhớ nhà khóc hoài…thậm chí có suy nghĩ chắc chiu dốt thôi, chứ nhớ nhà chịu hết nổi…huhu…

Vài tuần sau tôi ghi danh vào lớp đệ thất trường Nguyễn Trường Tộ và đi học, gặp được nhiều bạn bè, nổi buồn nhớ nhà cũng nguôi dần. Mỗi năm tôi vê thăm nhà hai lần vào dịp tết và kỳ nghỉ hè, mỗi kỳ nghỉ tôi được ba lên rước về nhà, qua thời gian nghỉ, ba tôi lại phải đưa tôi lên. Ngày lên Vĩnh Long buồn ứa  nước mắt, ngồi trên xe nhìn các em tôi  đưa tiễn đứng bên đường, tôi không cầm được nước mắt… Mỗi lần đi đâu về đâu, khi về gần đến nhà nhìn xa xa thấy bà ngoại đứng ngóng trông,  lòng tôi se thắt, ôi nhớ ngoai vô cùng.

Vài năm sau nổi nhớ nhà cũng giảm, tôi tự đi về, lớn rồi ba mẹ khỏi phải đưa nữa. Tôi cố  học để khỏi phụ lòng ba mẹ, từ đệ thất, lục, ngũ, tứ, tam, nhị…  học cũng không thua kém ai, hàng tháng, cũng được xếp loại để giảm hoc phí chớ bộ… Năm đó có anh Tường con dì Tư cũng sinh 1953, bằng tuổi tôi, cũng thi rớt đệ thất, nhưng anh ấy ở lại học tiếp liên, còn anh Bích sinh năm 1954 học lớp nhứt,  tôi thì vào thẳng đệ thất trường trung học Nguyễn Trường Tộ, thỉnh thoảng các anh có những bài toán thầy cho đem về nhà làm, các chị tôi con dì không giải được, nhờ tôi chỉ dùm, tôi giải được, bài được chấm 10 điểm, anh ấy về khoe dì, dì và các chị rất nể tôi một con bé ở quê lên tỉnh mà giải dùm được bài toán cũng hay…chị và dì khen và nói  “con Rôm vậy mà giỏi !”, làm  lỗ mũi tôi cũng nở phình ra và rất vui vì đã làm được một gì đó cho gia đình dì.

Học đến năm lớp 11, cuối năm thi đậu Tú tài 1, được vào học lớp 12 trường công lập Tống Phước Hiệp, cuối niên khóa 71, thi đậu Tú Tài 2, rồi lên đường qua Cần Thơ thi tiếp Đại học.

Neang Phi Rom

12A3 (NK71) 

  DSCN3741     H1    DSCN3742     H2

DSCN3729           H3: về Tri Tôn thắp nhan cho thầy cô dạy thời tiểu học

Có 26 bình luận về Ký ức tuổi thơ

  1. PhươngNga nói:

    Chị Phi Rôm giỏi và có nghị lực lắm đó!

    • Neang Phi Rom nói:

      Ngày đó xém chút xiu là chị cuốn gói dìa rùi Nga ui! âu cũng là cơ duyên để hôm nay còn được gọi  CHS Vĩnh Long cũng hay lắm. Chúc em nhiều niềm vui.

  2. Phạm thị Trí nói:

    Đọc và hiểu về em nhiều hơn…Cả một quá trình tự phấn đấu để thành công. Em giỏi quá Phi Rom.

    • Neang Phi Rom nói:

      Cô Trí kính mến! được cô chia sẻ em vui lắm, em cám ơn cô, kính chúc cô vui khỏe viết bài nhiều nhiều cho chúng em cùng thưởng thức. Thân kính

  3. Hoan hô Phi Rom, đã ghi lại những kỷ niệm ngày xưa còn bé để chia sẻ với các anh chị em và đọc giả trang nhà. Một cô bé mới 11 tuổi đã phải xa nhà để “du học” và đã vượt qua mọi khó khăn về tình cảm, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em bạn bè để hoàn thành bước đường học vấn một cách vẻ vang. Tư chất thông minh lại xa nhà sớm nên ngày nay không có gì lạ khi Phi Rom rất tháo vát và gánh việc trang nhà một cách dễ dàng trong khi vẫn phải bận rộn vì việc sinh kế hàng ngày. Cám ơn Phi Rom thật nhiều đã đem niềm vui đến cho nhiều người trong đó có cô.

    • Neang Phi Rom nói:

      Cô kính mến! Được cô khen, em vui lắm, em sẽ nhớ mãi …là hành trang  cho em trong cuộc sống. Kính chúc cô luôn khỏe mạnh để đồng hành với chúng em dài dài và mãi mãi. Thân kính.

  4. Hoành Châu nói:

    Với bao nhiêu trở ngại ,,nhất là phải học xa nhà từ thuở nhỏ  chị Phi Rom cuối cùng  từng bước  cũng vượt qua ,,, phải khen chị hay thiệt, chịu đựng  ,  tự  lực   vươn lên trong cuộc sống . có được gia đình yên ấm,  bên cháu con ngoan hiền . Hiện nay ông trời đền bù cho chị . Bài viết  của chị làm em nhớ nhiều về những ngày tuổi nhỏ  vui sướng tràn đầy  bên cha mẹ yêu thương , chưa biết cảm nghĩ ra sao  nếu một ngày sống xa cha mẹ ! Vậy là con bé ngày xưa giỏi hơn em nhiều lắm  đó . Chúc chị vui
    Em Hoành Châu (Gia đình C  )

    • Neang Phi Rom nói:

      Hoành Châu thương mến! thời đi học thật gian nan, vậy mà vượt qua được…mỗi lần nhắc lại,  chị cũng hay pha trò, tui  cũng như dân du mục sống lưu linh lưu địa xa xứ từ 11 tuổi, đến mỗi khi về thăm nhà, người quen đến nhà chơi, thấy chị, hỏi chị là ai?…hihi…mỗi lần nhắc đến cũng thấy  vui lắm.

  5. My Nguyen nói:

    Chị Phi Rom ui! Bài viết của chị thật hay, chân thật và mộc mạc. Một quá trình phấn đấu từ thời Tiểu và những năm đầu Trung học phải sống xa nhà… Vậy mà chị vẫn học giỏi, đậu Tú tài rồi vào Đại học. Thật đáng khâm phục biết bao!

    Nghe chị kể mà thấy thương làm sao! Thi Đệ thất mà trường làng không có dạy luận văn bình giảng thì làm sao đậu được. Ở lớp Nhất thời đó đã được học nhuần nhuyễn thể loại văn này trước khi thi vào Đệ thất. Mà thôi, cũng là duyên số, nếu chị đậu Đệ thất vào trường tỉnh Châu Đốc thì đâu là học trò Vĩnh Long, với nhiều kỷ niệm về ngôi trường Nguyễn Trường Tộ và Tống Phước Hiệp, phải không chị? MN chúc chị luôn vui khỏe để tiếp tục sự nghiệp của chúng ta…

    • Hoành Châu nói:

      Nếu thi  đậu  vào Đệ Thất tỉnh Châu Đốc  , chị Phi Rom  đâu là Cựu HS   tongphuochiepVL   !     Còn  đâu mái tóc người thương ???
      Hoành Châu (Gia đình C  )

    • Neang Phi Rom nói:

      My Nguyên thương mến! mình nhớ lúc đó sáng thư bảy còn học, ăn cơm trưa xong, hai chị em bạn đi cộng sổ, đâu có máy tính gì hết, cộng nhẩm ở ngoài giấy bằng viết chì, có rất nhiều môn học, rồi vào sổ…đến chiều mới xong, chạng vạng tối rồi, đi bộ không hà, trên 1 cây số, hay thiệt đó. Nếu bây giờ cho chị làm chắc không nổi…hihi. Rất vui được MN chia sẻ. Cám ơn nhiều, Chúc My vui khỏe bên con cháu . Mến

  6. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hay ! Hay lắm. Mới 11 tuổi đã du học rồi. Tui thì tới 14 tuổi mới du học, vì nơi quê tôi cũng là ” khỉ ho, cò gáy”. Nhưng năm nay tụi mình đều là U.60 hết rồi. Vậy mà hồi sáng nầy, lúc 9 giờ 48 phút, em học trò 11 tuổi (của mấy thầy cô ở Long Xuyên ngày xưa), gọi cho tôi, hỏi: bạn đang ở đâu? Tôi thật thà trả lời : Tôi đang trên đường đi 1 đám không mời. Em học trò nầy, nói lớn : Đám không mời mà đi làm gì ? Đúng là “thiệt thà như đếm”. Tôi nói tiếp : Thưa chị ! Tôi đi đám tang anh của người bạn.

    • Neang Phi Rom nói:

      Cả Lần ui! lúc này cả sướng rùi, nhìn qua nhìn lại có ai bằng cả đâu nè…nhưng sức khỏe là vàng. Rất vui được cả chia sẻ. Chờ nhận bài cả. Chúc cả dồi dào sức khỏe.

  7. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Phi Rom mạnh mẽ, gan dạ, giỏi giang mờ.

    Tới bi giờ vẫn vậy, bà nội Phi ạ!

    • Neang Phi Rom nói:

      Hạnh ui! lúc này sức khỏe ra sao rùi? Hôm nào rãnh mình gặp nhau nhé, có mang quà từ VL. Chúc dồi dào sức khỏe. Mến

  8. Yên Dạ Thảo nói:

    Nhớ lại buổ tối chị ở lại nhà em để sáng đi Gò Công, thức khuya nằm nghe chị kể về chị  nhưng không chi tiết bằng bài viết hôm nay. Chị còn quá trẻ mà đã đi “du học” rồi (như lời anh Cả Lần viết). Thời gian xa gia đình là những trải nghiệm của đời học sinh mà ít nữ sinh đồng tuổi thời ấy thực hiện được.

    Đến bây giờ em mới biết chị là CHS của trường Nguyễn Trường Tộ , em có nhiều kỷ niệm với ngôi trường nầy tuy không là nữ sinh của trường! Vì gần nhà nên vào mùa hè hai chị em của em và bạn cùng xóm thường vào trường chơi vì ba tháng hè trường mở cửa để thầy cô dạy hè cho học trò. Ngôi trường cạnh dòng sông mênh mông sóng nước, có vài cội  me  già rợp bóng  trong khuôn viên trường (dường như bây giờ chỉ còn sót lại 1 cây gần bến tàu du lịch trên Sông Tiền), ngoài cổng trường thì người ta bày bán chè đậu rất ngon, ngay góc đường có gia đình của chị Lai bán trái cà na ngào và cà na ngâm nước muối trước cửa nhà chị ấy, v…v..

    Em chúc chị luôn vui khỏe để viết thêm nhiều về hồi ức  chia sẻ cho ACE trong trang nhà cùng đọc.

     

     

    • Neang Phi Rom nói:

      Yên Dạ Thảo thương mến! Chị nhớ hoài ngày gặp em ở VL, suốt đêm…lúc mệt ngủ, tới thức thì tâm sự tới sáng, còn chưa hết chiện…cám ơn em chia sẻ…hẹn ngày gặp lại. Chúc em lúc nào cũng khỏe mạnh, sáng tác nhiều tác phẩn để đời.

  9. NHA nói:

     “con Rôm vậy mà giỏi !” 

    Giỏi ở Tri Tôn,  đến đất Vãng mà không giỏi tiếp thì không được đâu.

    Nhờ thế mà bây giờ “chị Rôm càng giỏi” 

     

  10. HOA ĐĂNG nói:

    Đọc bài của Phi Rôm làm mình nhớ lại cái thuở mình còn là học sinh dưới mái trường Tống Phước Hiệp cũng không kém phần gian nan vất vả, nhưng khi chúng ta quyết tâm thì sẽ có đủ nghị  lực để vượt qua. Kỷ niệm tuổi học trò thật khó quên, đáng khen là bộ nhớ của em còn quá tốt, chúc mừng em.

    • Neang Phi Rom nói:

      Chị Hoa Đăng ui! ai cũng có một thời  đầy ắp chuyện vui buồn, khó quên, ai cũng muốn viết, viết được làm cho lòng người nhẹ lại, dẫu biết rằng quỹ thời gian không còn nhiều nữa, em rất muốn viết nhưng không tập trung được chị ơi!

      Em rất vui được chị chia sẻ, em cũng rất mong được đọc bài viết cùng thơ của chị gởi đến trang nhà. Chúc chị luôn khỏe mạnh,  an vui , hạnh phúc trong cuộc sống. Thân mến.

  11. Phan Lương nói:

    Ôi chị yêu dấu ! Chị là cả tấm gương phấn đấu bền bỉ trong học tập , làm việc và cả lúc được nghĩ ngơi mà vẫn cứ phải tiếp tục vì sự nghiệp, luôn muốn đem niềm vui đến cho mọi người những lúc thư giãn

    Thương và hảnh diện về chị lắm đó nha chị yêu

    • Neang Phi Rom nói:

      Phan Lương ui! Mỗi lần chị về VL họp, không thấy em là chị buồn lắm đó, đợt họp mặt vừa qua tại VL,  em giới thiệu thêm bạn, làm cho không khí buổi sinh hoạt thật nhộn nhịp, thật vui, chị rất thích.

      Chị rất vui được em chia sẻ, cám ơn em thật nhiều. Chúc em nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui. Thương nhiều.

  12. VÕ THỊ LÀI nói:

    Chị Phi Rom giỏi quá ! hôm nay đọc bài chị viết hiểu chị nhiều hơn,cái vụ ở nhà bà con đi học nổi nhớ nhà tha thiết em đã trải qua và đồng cảm với chị nhiều . Phải nói chị rất giỏi.nhiều nghị lực thuở ấy học trường tư mà thi đậu vào TPH  là hiếm lắm . Em rất vui và  hảnh diện được quen biết chị .

Trả lời Neang Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác