HOC TRUNG HOC TỐNG PHƯỚC HIỆP

Ngày đăng: 14/03/2017 05:44:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Thế là niên học 1962 tôi bắt đầu vào lớp đệ thất 5 của trường Tống Phước Hiệp, nhưng thuở  đó có lẽ vì trường mới chưa có đủ lớp nên những  lính mới chúng tôi còn phải học một năm ở  trường cũ, mang tên Nguyễn  Thông mà bấy giờ đã trở thành  trường  bán công.  Lớp học  tôi nằm bên phía đối diện với tiểu chủng  viện Xuân  Bích, được  cách bởi con đường đầy cây me còng (loại có trái khi chín thì trở màu đen và tươm mật rất ngọt,  khi ăn vào có thể bị say máu ngà). Tôi vẫn còn nhớ anh trưởng  lớp tên Hậu,  hơi lớn tuổi hơn chúng tôi, nhưng rất hiền  và dễ thương.  Đến năm đệ lục, anh em chúng  tôi lại khăn gói dọn  về trường  lớn, nằm ngay trên đại  lộ Gia Long, đối diện với  Sở công chánh, mà ngày  đó người  dân quen gọi là sở trường tiền. Tại trường  mới, lớp của chúng  tôi nằm  ở  tầng hai, ngay hai góc đường  Pasteur và Hùng Vương, ngó xuống  là thành lính truyền tin. 

DSCN3825Trường Tống Phước Hiệp tọa lạc trên một mảnh đất khá rộng, bao quanh bởi bốn con đường, mặt tiền hay phía bắc của trường la đại  lộ Gia Long, phía đông là đường Pasteur, phía nam là đường Hùng Vương, tôi không còn nhớ phía tây là con đường tên gì, nhưng phía này giáp với khu phố của chợ Vĩnh Long.

Đây là ngôi trường thiệt đẹp, trong sân trường được  trồng nhiều cây phượng  vỹ, nhứt là  con đường từ cổng đi vào phòng khánh tiết, hai bên được viền bởi hai hàng phượng  vỹ thật tuyệt,  nhứt là những lúc sắp  vào hè, những  lúc chúng  tôi sắp  sửa xa nhau thì hai hàng phượng nở rộ đỏ thắm cả trường. Bây giờ ngồi đây, hơn nửa vòng trái đất xa quê,  tôi thấy nhớ thương làm sao những năm tháng vụn dại của tuổi học  trò năm  xưa. Thời gian qua mau, sau đệ thất, đệ lục,  đệ ngũ, rồi đệ tứ, chúng  tôi chuẩn  bị thi trung học đệ nhất cấp thì được tin cuộc thi này được  bộ Giáo Dục  hủy bỏ, những ai thi đậu hai kỳ lục cá nguyệt ở  trường  sẽ được  đương nhiên được cấp bằng trung học. Cuối năm đệ tứ, anh em lớp đệ thất 5 của chúng  tôi phải chia tay vì trường sắp lớp đệ tam theo ban mà mình chọn, hoặc A (vạn vật), hoặc B (toán), hoặc C (văn chương), hoặc D (cổ ngữ). Ngày  đó với tôi chỉ có ban B là  thích hợp nhất, vì không có  thì giờ  học bài nên không  dám theo ban vạn vật, không biết gì về văn chương thi phú nên ban văn chương cũng không  dám ngó tới, còn cổ ngữ thì hầu như không có người theo. Những năm đầu trung học, vì nhà nghèo,  phải phụ mẹ giữ em nên không có giờ học  bài vì thế suốt ba năm thất lục ngũ, tôi học hành không giống ai hết, bắt đầu  từ năm  đệ tứ, tự nhiên  tôi học vượt  lên hầu hết các bạn trong lớp, nên tháng nào cũng được  nhà trường cho vào đứng trong bảng danh dự và cuối năm ấy tôi được lãnh thưởng hạng danh dự,  rồi đệ tam và đệ nhị năm nào tôi cũng được  lãnh thưởng toàn trường. Tuy nhiên, năm thi tú tài I tôi chỉ đậu hạng bình vì không làm được một câu Việt văn nào. Sau khi xong tú tài I, vì nước hay vì nhà mà tôi phải ra đi, lên đường chinh chiến, bỏ lại sau lưng tất cả những  kỷ niệm  êm đềm  của một thời vàng son ngày  đó. Cuộc đời tôi lúc đó cũng nổi trôi theo vận nước, chỉ là một đám mây mù trước  mặt, nên tuổi chim non đã ngưng bặt tiếng  hót khi chưa chớm bay được  vào đời. Thời gian êm đềm đối với tôi như một chớp mắt, thoáng đó mà vật đổi sao dời, con người thay đổi và hoàn  cảnh thay đổi. Tuổi trẻ nghèo  nàn của tôi qua đi trong cơ hàn vất vả, không  có lấy một ngày vui, nhưng những  kỷ niệm  lưu lại trong tôi là những gì tôi trân  quí nhứt đời. Bây giờ dù tuổi  trẻ tôi đã qua đi nhưng tâm hồn  tôi vẫn  như ngày  nào, vẫn nhớ nước nhớ quê,  nhớ trường xưa bạn  cũ với chất ngất kỷ niệm một thời.

Dù tôi không   được học hết  trung học trong mái  trường  Tống Phước  Hiệp  thân  yêu, nhưng với tôi, Tống  Phước  Hiệp  lúc nào cũng là nơi thân thương đong đầy  kỷ niệm  của thời đi học. Nếu không có ngôi trường thân yêu ấy thì năm năm sau, không cách chi tôi có khả năng  hoàn tất được hai chương trình đại học ban Anh văn và Việt  Hán,  và rồi trên bước đường lưu lạc nơi xứ người, cũng không có cách chi mà tôi tiến xa hơn được để thành công trên bước đường sự nghiệp.  Tôi muốn nhân bài viết này để cảm ơn tất cả thầy cô và nhân viên của trường, từ thầy cô hiệu trưởng (thầy Đào Khánh  Thọ  dạy  Vạn  vật và cô Võ thị Ngọc Dung dạy Sử địa), thầy Nhơn dạy  Pháp văn (đã thất lộc), thầy Vỹ dạy  toán (đã thất lộc), thầy Bai dạy  Lý Hóa, thầy Nguyên dạy Lý Hóa,  thầy Hiệp dạy Việt văn, thầy Bảo dạy  Lý hóa, thầy Ngẫu dạy Công dân, thầy Côn dạy Pháp văn, cô Phi dạy Anh văn, thầy Nhã dạy Anh văn, hai thầy Diệp (một mắt kiếng  và một móm)  đều dạy Toán, thầy Quang dạy Toán, cô Ross (người Mỹ dạy Anh văn), thầy Vĩnh  dạy vẽ, cô Từ Tiểu Linh và cô Hượt dạy Việt văn. Còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không  còn nhớ được  tên. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả nhân viên của trường từ chú y tá, bác lao công đến bác Năm đánh trống (đã thất lộc). Tôi cũng không quên tri ân những  bằng  hữu đã an ủi và khuyến tấn tôi trong thời hàn vi cơ cực như bạn Hữu An, Lai, Chí Hiếu, Đầy, Dương (đã thất lộc), Thới, Khánh, Hỷ, Dậu, Còn, Phước Anh và Công  Danh, Việt Dũng, Hữu Dũng, Hoàng,  Đen, Hội, Tấn, Ngọc Huệ, Ngọc Chúc, Tương Thục, Nhạn, Minh Lan và Minh Nga. Tất cả đã gói ghém, đã đong đầy trong tôi không  biết bao nhiêu là kỷ niệm,  tất cả là một phần đời, một phần kỷ niệm  vô cùng tươi đẹp của tôi, mà cho mãi đến hôm nay lúc nào tôi cũng trân trọng mỗi khi chia sẻ những kỷ niệm  này với bằng hữu.

Ngưỡng cửa trung học là ngưỡng cửa mà ai trong chúng ta cũng đều có rất nhiều   kỷ niệm. Hồi đó ai cũng ngán quý thầy quý cô, thấy mặt là sợ, là ngán. Như năm học Vạn Vật với thầy Thọ,  hồi đầu năm học,  đứa nào đứa nấy đều ngán thầy vì mặt thầy rất nghiêm. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mấy tuần lễ sau đó, riêng  tôi không sợ thầy mà tôi kính trọng vì thầy rất nguyên  tắc đúng cách của một nhà mô phạm.  Cô Dung thì dạy Sử, cô rất hiền, ít khi nào rầy la học trò; tuy nhiên, giờ Sử của cô là giờ cô bắt trả bài nhiều nhất, mà tôi thì ít khi nào thuộc bài sử địa,  không phải  vì làm biếng mà ngày ngày đi học về là bận giữ em tới tối, đến tối khi mấy em đã đi ngủ thì tới phiên mình cũng nhướng mắt hết lên, nên bài của cô tôi để nguyên trả lại cho cô chứ ít khi học. Hồi đó tôi thích nhứt là giờ toán của mấy thầy Diệp, thầy Quang, thầy Vỹ,  và Lý Hóa của thầy Nguyên, thầy Bảo, thầy Bai… vì những  giờ này, chỉ cần nghe mấy thầy giảng ở  trường là có thể làm bài được  nên khỏi phải học bài, rất thích hợp  với hoàn cảnh không  có giờ học  bài của tôi thời đó. Tôi cũng thích giờ Việt  Văn  của thầy Hiệp,  nhứt là những  giờ thầy giảng về Kiều,   rồi thầy Ngươn dạy Hán văn. Vào giờ học anh văn với cô Phi hồi đó mấy bạn học của tôi hình như ai cũng có biệt hiệu riêng,  riêng tôi không  hiểu vì sao mà tôi thoát được cái cảnh mang biệt hiệu. Như bạn Trần Chí Hiếu, đọc mãi không ra chữ “picture” mà cứ đọc là phít-chờ, nên  từ đó thành danh là “phít-chờ.” Bạn Đầy cũng vậy, đọc  mãi không ra chữ “twenty- one,” mà cứ đọc là tu-quen-ti-quanh, nên  từ đó về  sau hễ nói đến  “tu-quen-ti-quanh” là biết ngay đến bạn Đầy.  Đầy bây giờ hiện là hiệu trưởng của một trường trung học ở Vĩnh Long. Năm  trước  tôi về thăm quê, có tìm thăm Đầy.

Tưởng  như đã quên  vì đã hơn bốn chục  năm xa trường  rồi còn gì? Bốn chục năm tính ra nó còn dài hơn nửa đời người. Bốn chục năm trôi qua mà tôi cứ tưởng  như mới hôm nào, mới hôm nào cùng bạn bè rủ  nhau trốn học  để đi qua cù lao An Thành, hoặc đạp xe một vòng ngoại ô  thành phố Vĩnh Long. Có khi chúng  tôi đi từ cầu Thiềng  Đức, dọc theo bờ sông  Long Hồ đi vô Long Thanh, Long Mỹ, có khi chúng  tôi đi ngã Cầu Lầu vô Văn Thánh,  rồi đi cầu Ông Me, có khi chúng  tôi đi lên cầu Lộ, rồi lên ngã ba Cần Thơ, qua cầu Vồng,  rồi trở về bằng  ngã phường ba qua cầu Công Xi Heo. Cũng có khi chúng tôi qua cầu Thiềng  Đức đi xuống  Mỹ An, đây là con đường đẹp  nhứt với những ruộng  lúa xanh rì hai bên đường, loáng thoáng bên trái chúng  tôi là sông Cổ Chiên. Ngày ấy, nhà tôi nghèo  lắm nên tôi ít khi dám làm bạn với ai, một phần vì mặc cảm, phần khác không có thì giờ đâu để mà kết bạn. Đi học về, vừa buông  tập vở là phải  giữ em và dọn  dẹp  nhà cửa, rồi còn phụ  với mẹ để mẹ chuẩn  bị cho buổi bán hôm sau. Tuy nhiên,  tôi cũng có những người bạn trai cũng nghèo như tôi, đó là các bạn An và Lai  từ Cái Nhum lên học. Bạn Còn từ Cổ Cò qua, bạn Hiếu gia đình không giàu  lắm,  nhưng nhờ  ít anh em nên Hiếu  rất sướng.  Bạn Hội,  Khôi  và Hoàng ở  Long Thanh. Bạn Đầy, thì cha ở  trong quân đội, còn bạn Dương ở  vùng quê lên trọ học, nhưng bị tai nạn xe honda và qua đời năm đệ ngũ. Ngoài  ra, tôi còn một  số các bạn  nối khố từ thời tiểu học ngay tại thị xã Vĩnh  Long như các bạn  Bê, Xê (đã thất lộc), bạn Khánh,  Hỷ, Dậu, Thới, Lộc (Long Hưng)..

Sau khi bước qua ngưỡng cửa nửa đời người,  bây giờ tôi mới thấy hình như không có kỷ niệm  nào đẹp hơn những  kỷ niệm  thời trung học, tiểu học còn quá nhỏ nên  chỉ nhớ lan man, đại học thì quá loãng nên thường  thì mạnh ai nấy lo, chứ không khắn khít như thời trung học. Thời gian gần 40 năm  kể từ ngày  tôi rời xa mái trường xưa, thế mà tôi cứ tưởng như mới hôm nào, tất cả những  kỷ niệm  vẫn còn hiện ra rõ mồn  một trong tôi chứ chẳng hề phôi phai tí nào cả. Bây giờ hễ mỗi lần tôi nghe ai nói đến ba chữ “Tống Phước Hiệp” là lòng tôi rộn lên một niềm  vui khó tả. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nhỉ! Đã gần năm thập niên  kể từ ngày tôi bước chân vào mái trường thân yêu ngày ấy, và cũng đã gần  bốn thập niên kể từ ngày tôi rời xa nó, nhưng sao kỷ niệm về trường Tống Phước Hiệp vẫn còn đong đầy trong tôi. Ngày ấy trường tôi là trường hổn hợp giữa nam và nữ, nên không  chỉ khô khan với bộ đồng  phục  quần  tây xanh áo  sơ mi trắng, mà thoang thoáng đó đây  là những tà áo dài trắng  thướt tha của các nữ sinh. Nữ sinh Tống Phước Hiệp hiền lành và dễ thương, hiền lành và dễ thương như chính cái miền  đất đã cưu mang họ: Vĩnh Long, Long Hồ, Long Thanh, Long Mỹ, Mỹ An, Phước Hậu, Phước Ngươn, Tân Ngãi, Trường An, Chợ Lách, Tân An Luông, Cái Nhum, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn…

(còn nữa)

Trần Ngọc

xem tiếp:       Chuyện tình học sinh Tống Phước Hiệp

DSC00240h1 Thầy Đào Khánh Thọ – Thầy Liêm – Đinh Kim Phúc- Cô Dung

IMG_0914h2                                  Tác giả và Huỳnh Hữu Đức (NK69)

Có 9 bình luận về HOC TRUNG HOC TỐNG PHƯỚC HIỆP

  1. Phạm Thị Trí nói:

    Ai cũng có những khuôn mặt bạn bè thân thương gữi lại sân trường, riêng em còn có thêm một khuôn mặt TPH đi bên đời mình để tiếp tục được chia sẻ buồn vui. May mắn lắm thay !

  2. nguyễn Gương nói:

    Đọc phần II tự truyện của anh Trần Ngọc thấy nhớ xóm kho dầu cũ quá. Em là thằng bé năm 1968 trọ học ở nhà ông Tư ( Nương, Cang) nè anh. Quê em cùng chợ Cầu Mới với chị H ( Hai gia đình sau nầy là thông gia). Năm em vừa lên đây thì bên kia nhà ông Sáu chị H cũng đưa em gái tên L lên học lớp sáu. Mới đó gần 50 năm rồi !

  3. VÕ THỊ LÀI nói:

    Anh Ngọc là cựu học sinh TPH , anh là đàng anh lớn của tụi em  , năm anh vào đệ thất  tụi em mới vào lớp 5 [lớp một bây giờ ] . Hơn 40 mươi năm xa trường mà anh nhớ rất rỏ, rất tỉ mỉ về quí thầy cô của trường nhiều thầy cô em cũng có học . Nhìn hình anh Ngọc trông hiền hòa phúc hậu ,còn anh Huỳnh Hữu Đức niên khóa 69 không biết anh có học chung với ông chú em là Nguyễn Văn Tiếm ban A  nk 69 .

  4. My Nguyen nói:

    Bài viết của tác giả Trần Ngọc một lần nữa cho chúng ta sống lại tuổi học trò, thời Trung học. Những kỷ niệm thật đẹp dưới mái trường Tống Phước Hiệp, cũng như những khó khăn của đời học sinh trong thời chiến. Ngày xưa MN cũng có biết một số nam sinh phải rời trường vào quân ngũ, khi vừa đậu xong Tú tài I…

    Thật khâm phục trí nhớ của anh Trần Ngọc về những người bạn thân thiết, những vị Thầy mà anh đã học qua, cũng như những địa danh mà anh đã từng đến. Chúc anh luôn khỏe và tiếp tục có những hồi ức thật hay.

     

     

  5. Hoành Châu nói:

    Bài viết rất thật , rất chân tình ,,  nhìn ảnh Thầy Cô  trông gần gũi  quá. Cảm ơn tác giả Trần Ngọc và mong đọc thêm nhiều bài viết mới .
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  6. Nguyệt Hồng nói:

    Chúc mừng chị Pham thị Trí.

    Thật là hạnh phúc, viên mãn

  7. kimcuongphan nói:

    Anh Ngọc thân mến.

    Em là em gái của chị Ngọc Chúc. Những kỷ niệm về trường TPH anh còn lưu nhớ nhiều ghê, nhưng có 1 chi tiết em nhớ là cô Hượt dạy Toán chứ không phải dạy môn Văn. Chúc anh sức khỏe dồi dào, hạnh phúc. Thân chào.

  8. Diệp Bích Ngọc nói:

    Đọc tiếp bài viết của anh Trần Ngọc tôi thật phục anh tài nhớ dai về ngôi trường TPH mà anh đã gắn bó .Anh đúng là học trò rất giỏi ,thông minh . Bao nhiêu kỉ niệm thời xưa anh vẫn nhớ về thầy cô đã dạy ,từng bạn bè ,con đường ,những nơi mà anh đã đi qua ….Ai cũng yêu mến nhất thời học trung học có những hoài bão ,ước mơ , kỉ niệm đẹp không bao giờ quên .Cám ơn anh Trần Ngọc có bài viết thật hay ,mong anh được đọc những bài khác của anh nữa .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác