THANH THUÝ hay Nguyễn Thị Tuyết Ba ?

Ngày đăng: 14/02/2017 08:02:14 Sáng/ ý kiến phản hồi (8)

 

Trước đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Thương Một Người, để tặng nữ ca sĩ Thanh Thúy. Bây giờ tôi cũng đi tìm tung tích của cùng con người ấy .

Thanh Thúy là nghệ danh của cô bé Nguyễn Thị Tuyết Ba, học sinh trường Nữ Tiểu học Phan-thiết, những năm cuối thập niên 1940. Sau khi học xong Tiểu học, cô bé Nguyễn Thị Tuyết Ba nạp đơn dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Đệ Thất (Lớp 6 bây giờ), trường Trung học Phan Bội Châu Phan-thiết, niên khóa 1957-1958 (?).Nhưng không may,cô bị hỏng! Con đường học vấn không suông sẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, và sẵn có một chất giọng thiên phú, cô xin hát cho Ty Thông Tin Thị xã Phan-thiết thời bấy giờ. Nhưng ca hát được một thời gian ngắn, cô cũng rời bỏ Phan-thiết vào Sàigòn ở cùng mẹ, trong một căn nhà nhỏ, hẻm sâu đường Cao Thắng. Trong thời gian nầy, cô Chức, mẹ của Thanh Thúy bị bệnh lao phổi. Thanh Thúy rất thương mẹ; cô bé Tuyết-Ba cố gắng làm kiếm tiền thuốc thang chữa bệnh cho mẹ.

Sở dĩ Thanh Thúy rời bỏ Phan-thiết vào Sàigòn, mà không phải một nơi nào khác, là vì lúc bấy giờ sinh hoạt ca hát ở đây làm ăn khắm khá nhiều hơn những nơi khác. Nhiều tụ điểm ca nhạc mọc lên, những Đại nhac hội, nhiều phòng trà mọc lên, là nơi tập họp toàn những tay ăn chơi khét tiếng, ném tiền qua cửa sổ không tiếc. Họ là những đại gia , những tướng tá trong quân lực Việt-nam, đôi khi cũng có những quân nhân Hoa-kỳ ham vui lui tới. Hơn nữa, theo tôi, Thanh Thúy đưa mẹ vô Sàigòn ở, ngoài vấn đề sinh kế, thuốc men chữa bệnh cho mẹ, còn có vấn đề liên hệ gia đình. Lúc đó Thanh Thúy có hai người chị, Thanh-Hương và Thanh-Thảo, cũng đang sinh hoạt ca hát trong Ban Tâm Lý Chiến Biệt Khu Thủ đô Sàigòn. Nhờ mối quan hệ nầy mà Thanh-Thúy tiếp xúc, quen biết nhiều với giới quân nhân tướng tá. Có lẽ vì vậy mà cô gặp Ôn văn Tài, một Trung tá không quân, quân lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Sau đó cô lập gia đình với ông nầy. Sau ngày 30.4.1975, gia đình cô và người thân đều di tản an toàn sang định cư bên Hoa-kỳ.

Kẻ viết bài nầy xin được phép dong dài thêm một chút nữa. Sở dĩ tôi biết được đôi điều về tuổi thơ và gia đình Thanh-Thúy là nhờ một vài cơ may.

Khoảng thập niên 40, Phan-thiết, mảnh đất cực Nam trung bộ, quê hương hội ngộ của nhiều nhà yêu nước như các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trương Lễ Nghi, Hoàng Tỉ…đã về đây, mỗi người một cách, và họ đã gặp nhau.

Cùng với những nhân vật tầm cỡ nầy, còn có những lớp người khác nữa như các ông Lê Bá Thị, Tôn Gia Sanh, đến mua đất làm vườn, lập trang trại chăn nuôi, trồng rau cải. Ông Tôn Gia Sanh, người ở đâu miền Thanh Nghệ Tĩnh, nguyên là một thông ngôn cho một thương gia người Anh. Ông Lê Bá Thị, người Huế, đỗ Tú tài Hán học cho nên mọi người trong làng gọi ông là ông Tú Thị . Ông đến đây mua đất vườn ở xóm bên kia, cách nhà tôi một con suối. Do vậy mà cô Nguyễn-Thị Tường-Vy, người cháu kêu ông Tú Thị bằng cậu, theo ở cùng. Cô Nguyễn-thị Tường-Vy là cô đỡ (sage-femme/midwife). Trong Cách Mạng tháng 8, ai cũng tham gia lực lựơng kháng chiến chống Pháp, mỗi người đóng góp cho Cách mạng tùy theo khả năng sẳn có của mình. Có lẽ vì vậy mà cô Tường-Vy gặp người đồng chí tên Chức, (hay đã là vợ chồng trước đó, tôi không được biết rõ điểm nầy), lúc đó làm Y-tá cho ngành hỏa xa tỉnh Bình-thuận. Gặp nhau lâu ngày, lửa tình nhen nhúm, tình yêu đâm hoa kết trái nên duyên vợ chồng. Địa phương thường kêu cô  theo tên chồng: cô Chức.

Sau hiệp định Genève 1954, có lệnh tập kết; chồng cô tập kết ra Bắc, cô ở lại hoạt động sơ sài cho đoàn thể ở vùng kháng chiến được một thời gian, sau đó thì về thành. Trong thời gian hoạt động kháng chiến vùng rừng núi Bàu Sẻ thì cô Chức và ông anh thứ ba của tôi, anh Nguyễn-văn-Trân, quen nhau rất thân. Tôi biết được chút ít về Thanh-Thúy và gia đình của cô cũng do ông anh tôi, và cô em bà con chú bác với tôi, cô Nguyễn-Thị-Bạch, kể lại theo lời yêu cầu của tôi, để tôi nắm được một số thông tin cần thiết, phục vụ cho bài viết nầy.

Thời gian ở Phan-thiết, gia đình cô Chức ngụ tại phường Bình-hưng, đường Hải Thượng Lãn Ông, con đường chạy từ Bệnh viện Phan-thiết xuống đến biển Thương chánh. Thời gian nầy, áng chừng năm 1957-1958 (?), cô Chức mắc bệnh lao phổi, cô bé Tuyết-Ba, một mình vừa phụ giúp mẹ, vừa đi học rất vất vả. Kẻ viết bài nầy, một hôm thấy cô bé Tuyết-Ba, mập tròn, đầy đặn, mặc bộ bà ba đen, vai gánh đôi thùng nước, ì ạch bước đi trên động cát, xóm giá Bình Hưng, cố hết sức để đem 2 thùng nước về nhà, dùng trong sinh hoat hàng ngày.

Sở dĩ tôi nói hơi chi tiết chỗ nầy, để thấy rằng ai đó viết: nữ ca sĩ Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh-Thúy, sinh năm 1943, e rằng không đúng lắm vì sinh năm 1943 thì năm 1957 hay 1958 gì đó, cô ta đã 14 tuổi thì làm sao thi vào lớp Đệ thất được, vì theo quy định, hoc sinh lớp dầu cấp 2 chỉ là 11 tuổi thôi!

Việc thi vào đệ thất trường Trung học Phan Bội Châu, với tên Nguyễn-Thị Tuyết-Ba thì kẻ viết bài nầy xin xác quyết là đúng thật 100% , vì chính tôi đã đến trường Trung học Phan Bội Châu, gặp thầy Đàm văn Cơi, xin xem điểm dùm cho thí sinh Nguyễn-Thị Tuyết-Ba.Thế thì làm gì có chuyện tên khai sanh của cô nữ sinh nầy là Nguyễn-Thị Thanh-Thúy được!

Về giọng hát của Thanh-Thúy thì có nhiều nhận định và đánh giá khác nhau; nhưng ý chủ đạo vẫn là trầm buồn, nghe như một lời than vãn, u hoài.

–       Nhà văn Mai Thảo, “Tiếng hát Thanh-Thúy là tiếng hát lúc 0 giờ.”

–       Nhạc sĩ Tuấn Huy, “Tiếng hát Thanh-Thúy là tiếng hát ru khuya.”

–       Nhạc sĩ Anh Bằng, “Tiếng hát Thanh-Thúy là tiếng ca u hoài.”

–       GS. Nguyễn văn Trung, “Tiếng hát Thanh-Thúy là tiếng hát liêu trai.” v…v và v…v

Mỗi người có một đánh giá khác nhau tùy theo sự tác động và hiệu ứng của chất giọng ấy chạm đến dòng cảm xúc của họ cách nào và đến mức độ là bao nhiêu. Đựơc trời phú cho một chất giọng đặc biệt trầm buồn như thế nên người ta thường nghe cô hát những bài hát trầm mặc, u hoài; tiếng hát của cô nghe như một lời than, một lời xót thương cho một số kiếp long đong, ngậm ngùi cho một mối tình dang dở! Những lời ca, giọng hát, tiếng nhạc và ánh đèn lung linh huyền ảo; tất cả ấy khiến cho người nghe như bị nhận chìm vào trong một không gian mờ ảo, huyễn hoặc, ma quái, khiến họ liên tưởng đến không gian và tình tiết các nhân vật trong tác phẩm Liêu trai của văn hào Bồ Tùng Linh, trong Văn học cổ điển Trung quốc. Có lẽ vì vậy mà GS.Nguyễn văn Trung đã từng nói,”Tiếng hát Thanh Thúy là tiếng hát liêu trai.”

Chất giọng như vậy chỉ thích hợp với những bài hát có giai điệu trầm buồn xa vắng; nên người ta thừơng nghe Thanh-Thúy nỉ non với :

Ngoài hiên mưa rơi rơi

Lòng ai như chơi vơi

Người ơi nước mắt hoen mi rồi

Trịnh-Công-Sơn (Ướt Mi )

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, Trịnh Công Sơn nói, “…khi nghe ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu. Lúc ấy cô mới 16 tuổi, đêm đêm đi hát ở phòng trà Văn Cảnh lấy tiền về để nuôi mẹ cô bị bệnh lao nặng, nên đêm nào cô cũng khóc khi hát bài Giọt Mưa Thu. Bài Ướt Mi, được coi như là ca khúc đầu tiên của tôi, về giọt nước mắt rất thuần khiết của người con gái.”

Hay là

Thương ai về ngõ tối

Sương rơi ướt đôi môi

Thương ai buồn kiếp đời

          Trịnh-Công-Sơn  (Thương Một Người)         

Đường về đêm nay vắng tanh

Dạt dào hạt mưa rớt nhanh

Lạnh lùng mưa xuyên mái tranh

Mưa chẳng thương kiếp sống mong manh

  Lam Phương (Kiếp Nghèo)

Không biết đêm nay vì sao tôi buồn

Buồn vì trời mưa hay bão trong tim

Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm

Để rồi buồn ơi ! Nghe tiếng mưa đêm

    Lam Phương (Đèn Khuya)

Những ca khúc trên là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ướt Mi & Thương Một Người) và Lam Phương (Kiếp Nghèo & Đèn Khuya) sáng tác vào cuối những năm thập niên 50. Riêng hai bài Ướt Mi và Thương Một Người được Trịnh Công Sơn sáng tác, múc nguồn cảm hứng từ một thực tế cô đơn thật buồn, dành tặng riêng cho Thanh-Thúy.

Thời gian Thanh-Thúy ở trọ với mẹ trong con hẻm đường Cao Thắng, cũng là lúc Trịnh Công Sơn ở cùng xóm với Thanh-Thúy. Hình ảnh người con gái đi về, đơn côi đêm hôm khuya khoắc đã chạm đến cảm thức xót thương (Compassion) của người nhạc sĩ tài hoa; và từ đó Trịnh Công Sơn viết hai ca khúc bất hủ trên dành tặng riêng cho nàng, và hai nhạc phẩm nầy đã làm lay động biết bao trái tim đôi trai gái một thời. Trịnh Công Sơn, cảm xúc âm thầm, sáng tác âm thầm, rồi mang hai ca khúc ấy tặng Thanh-Thúy. Mới đây trên Asia Channel, trong một cuộc phỏng vấn, thực hiện bởi MC Thùy-Dương, chính ca sĩ Thannh-Thúy cũng đã thổ lộ như vậy.

Do đó, để cảm nhận trọn vẹn phần sâu lắng của những ca khúc qua giọng hát u hoài, huyễn hoặc của Thanh Thúy, ta phải chọn một không gian thật thích hợp, một thời gian thật thích hợp để thưởng thức! Không gian: lung linh huyền ảo; thời gian: đêm hôm khuya khoắt. Do đó mà có người bảo tiếng hát của Thanh-Thúy làtiếng hát lúc 0 giờ (Mai Thảo) haytiếng hát về khuya (Tôn Thất Lập).

Mặc dù là một người sinh hoạt Văn nghệ trong lãnh vực ca hát, Thanh-Thúy chẳng những là nguồn cảm hứng cho giới nhạc sĩ mà cũng là nguồn lực gây xúc động cho nhiều người khác nữa :

Cô là một nhà ảo thuật âm thanh. Cô đùa giỡn với âm thanh, bẻ vặn tiết điệu, phá bỏ nề nếp chân truyền trong lối hát. Chính ở lối phá thể, ở những quái chiêu táo bạo đó, cô đã thành công rực rỡ.” (Hồ-trường-An)

Liêu trai tiếng hát khói sương

Nghẹn ngào thương nhớ dòng Hương quê mình

Nghiên sầu từng nét lung linh

Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương “ (Vũ-Hối ) 

hay :

Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại

Giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhơ

Ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ

Khóc mình, khóc người, đỏ hoe suốt đời.” 

(Trúc Phương)

…………

Thật khó mà nhận xét,đánh giá trung thực về một người, nhất là một người làm nghệ thuật sân khấu ánh đèn, tiếng hát,nhất là tiếng hát đầy ma thuật, như Gs Nguyễn-văn-Trung đã viết “Do đó, ra trình diện mà như không muốn cho người xem nhìn thấy mình vì Thanh-Thúy che giấu mặt đến quá nửa,bằng mái tóc bỏ xỏa. Hát xong một khúc,bỏ đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy vi âm,bên dàn nhạc để hát tiếp khúc sau.” ( Ảo Ảnh Thanh-Thuý)

Chính sự kín đáo, e lệ, rụt rè ấy mà tuổi thơ và cuộc đời thực của Thanh-Thúy và gia đình ít ai biết và hiểu được một cách đầy đủ. Ngay đến người dì, cô Lê-Thị Bạch-Tuyết, hiện ở tại Thành phố Phan-thiết, khi đề cập đến Thanh-Thúy, cũng chẳng biết gì nhiều hơn.

Theo tôi, không ai có thể biết và hiểu nữ ca sĩ Thanh-Thúy một cách dầy đủ và chính xác cho bằng cô bé Nguyễn-Thị Tuyết-Ba !

Saigon,Ngày 19 tháng 11 năm 2016

Nguyễn-văn-Chương

Đại-nẫm, Hàm-thuận, Bình-thuận

0 0 chuongH

Có 8 bình luận về THANH THUÝ hay Nguyễn Thị Tuyết Ba ?

  1. Một FAN rất có tâm và có tầm của ca sĩ Thanh Thúy. Người nghệ sĩ chân chính luôn làm chúng ta say đắm với nghệ thuật của họ. Thầy có nguồn tư liệu quý-hiếm và Thầy đã sử dụng rất hay.

  2. Dù viết về đề tài nào đi chăng nữa, thày Chương đều sưu tầm và nghiên cứu kỹ càng khiến người đọc cảm thấy rất thú vị.

    Cám ơn thày Chương thật nhiều và hy vọng sẽ còn được đọc thật nhiều thơ văn của thày, đây là thú vui tao nhã của thày cũng như của các anh chị em trang nhà. Viết để giải trí, để giải toả nỗi niềm để rồi chia sẻ cùng quý vị đọc giả và khi nhận ra được sự đồng cảm của bạn đọc thì đó là phần thưởng tinh thần quý báu cho người viết.

  3. Võ Thị Lài nói:

    Thầy kính mến   ! Em rất cám ơn thầy đã cho biết tỉ mỉ về cuộc đời của nghệ sĩ Thanh Thúy , trước năm 1975 giọng ca huyền hoăc của cô được rất nhiều người ái mộ , nhưng ít ai biết về cuộc đời thật về cô . Rất mừng vỉ gia đình cô đã  ra đi bình an, chúng em mong Thầy viết nhiều đề tài khác gửi trang nhà cho chúng em cùng thưởng thức .

  4. Thanh Thi nói:

    Trên Intenet có rất nhiều bài viết về Thanh Thúy như

    https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_Th%C3%BAy_(sinh_1943)

    và link sau  đây, nếu độc giả muốn đọc thêm ̣để bổ túc cho bài viết công phu của thầy Nguyễn-văn-Chương:

    https://cafevannghe.wordpress.com/2010/04/28/n%E1%BB%AF-danh-ca-thanh-thuy/

  5. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn hai tư liệu của Thanh Thi ,,,Hai tư liệu này đã đi sát với những bước thăng trầm  của một  tên thật:  Nguyễn thị  THANH THÚY ~Hoa Hậu nghệ sĩ , Ca sĩ lừng danh một thời một thuở ,, không những nổi tiếng  lúc thường ,,,,mà khi lên xe hoa ,,,ai mà không nhớ , không biết  danh người hùng ,, phu quân của nàng  là  một Sĩ quan Không quân  cấp  Tá  Ôn Văn Tài thời ấy !! ,,,hơn nữa  dòng nhạc ” THÚY ĐÃ ĐI RỒI ”   ,,,,”  Thúy ơi ,,,Thúy đã đi rồi , Thúy còn đi mãi trên cõi đời”” ,,,thậm chí đứa bé thuở ấy  còn nhỏ tuổi mà  cơ hồ như vẫn còn mang máng nhớ , hay vậy .
    Thanh Thúy tên thật là Nguyễn thị THANH THÚY  sinh ngày 2/12/ 1943 tại Cố đô Huế , trong gia đình gồm 5 chị em ,,,Vậy có tư liệu cho rằng Thanh Thúy tên thật là
    Nguyễn thị Tuyết Ba ? TƯ LIỆU NÀO ĐÁNG TIN CẬY ??Tư liệu của Thanh Thi dẫn chứng  đã  có  từ  lâu   lắm,,câu hỏi sau đây được nêu ra ,,NẾU TƯ LIỆU LÚC ẤY   ĐƯA RA  KHÔNG CHÍNH XÁC,thời  điểm  đó  Thanh  Thúy  vẫn  còn  sống  (  trong nước)  và vẫn đều đều đi  hát  hàng  ngày   mà sao không nghe , không thấy CA SĨ NÀY  đính chánh ??                        Hoành Châu (Gia đình C  )

    • NHA nói:

      -Trích:”Việc thi vào đệ thất trường Trung học Phan Bội Châu, với tên Nguyễn-Thị Tuyết-Ba thì kẻ viết bài nầy xin xác quyết là đúng thật 100% , vì chính tôi đã đến trường Trung học Phan Bội Châu, gặp thầy Đàm văn Cơi, xin xem điểm dùm cho thí sinh Nguyễn-Thị Tuyết-Ba.Thế thì làm gì có chuyện tên khai sanh của cô nữ sinh nầy là Nguyễn-Thị Thanh-Thúy được!” <Giáo sư Nguyễn Văn Chương>

      -Trích”Thanh Thúy tên thật là Nguyễn thị THANH THÚY  sinh ngày 2/12/ 1943 tại Cố đô Huế , trong gia đình gồm 5 chị em ,,,Vậy có tư liệu cho rằng Thanh Thúy tên thật là Nguyễn thị Tuyết Ba ? TƯ LIỆU NÀO ĐÁNG TIN CẬY ??Tư liệu của Thanh Thi dẫn chứng  đã  có  từ  lâu   lắm,,câu hỏi sau đây được nêu ra ,,NẾU TƯ LIỆU LÚC ẤY   ĐƯA RA  KHÔNG CHÍNH XÁC,thời  điểm  đó  Thanh  Thúy  vẫn  còn  sống  (  trong nước)  và vẫn đều đều đi  hát  hàng  ngày   mà sao không nghe , không thấy CA SĨ NÀY  đính chánh ??” <Hoành Châu> 

      Tôi đọc bài viểt và phản hồi của Hoành Châu khá lâu nhưng không muốn ghi ý kiến của mình.

      Hôm nay tôi muốn viết ra cái ý kiến mọn vì vừa coi cái clip của ca sĩ Trizzie Phương Trinh đi thăm mộ ca sỉ̃ Ngọc Lan nhân ngày giỗ của ca sĩ này mà clip có quay tấm bia ghi  tên họ, ngày sinh, nơi sinh.

      Theo tôi thì:

      – Dù tựa bài viết có kèm dấu hỏi nhưng nội dung thì tác giã khẳng định …đúng 100%… <xem trích>.

      -Hoành Châu chỉ đưa ra thắc mắc chứ không khẳng định vì sau mỗi đoạn viết Hoành Châu đều có ghi dấu hỏi<?>

      -Những tin tức này về ca sĩ bây giờ có hai chiều và nếu vì ca sĩ muốn tạo huyền thoại về mình thì có lẽ ai quan tâm đến …sẽ tìm được câu trả lời khi ca sĩ ấy qua đời chăng? <giống như ca sĩ Ngọc Lan>

       

       

  6. Khi đưa ra một vấn đề gì mà còn đang ở trong vòng chưa chắc chắn 100% thì người ta thường đặt dấu ? ở phía sau, đúng như bài viết của thày Chương về nữ ca sỹ Thanh Thuý

    ” Thanh Thuý hay Nguyễn thị Tuyết Ba ?”, người đọc sẽ phân tích, phán đoán những dữ kiện được đưa ra để tin hoặc không tin tuỳ theo ở mức độ thuyết phục của người viết.

    Hoành Châu đã đọc bài của thày Chương và đọc hai links do Thanh Thi cung cấp và đã có câu hỏi : ” Thanh Thuý tên thật là Nguyễn thị THANH THUÝ trong một gia đình có 5 chị em,,,vậy có tư liệu cho rằng Thanh Thuý tên thật là Nguyễn thị Tuyết Ba ? TƯ LIỆU NÀO  ĐÁNG TIN CẬY  ?? Đây là câu hỏi được Hoành Châu

    đưa ra nhưng Hoành Châu đã tự mình trả lời theo lối suy luận

    của mình là tư liệu dẫn chứng của Thanh Thi đã có từ lâu lắm và vì cô Thanh Thuý thời đó đã

    không đính chính  nên Hoành Châu khẳng định   tư liệu của Thanh Thi là chính xác.

    Nếu Hoành Châu chỉ dựa vào điều Thanh Thuý không đính chính để khẳng định là đúng

    thì đó là một điều mơ hồ , không chấp nhận được.  Thông thường  thuở xưa, các nữ  hoặc nam ca sỹ  phần lớn đều muốn tạo ra một huyền thoại cho mình, những gì người khác viết tốt hoặc vô thưởng, vô phạt  về mình, tại sao lại mất thời giờ để đính chính, nếu có đính chính thì chỉ khi nào người viết đưa ra những dữ kiện làm hại đến tiếng tăm và thanh danh của mình mà thôi.

    Thử hỏi xem việc khẳng định của Hoành Châu như vậy có vội vã hay không?

Trả lời NHA Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác