Hai Tên Gọi Một Dòng Sông

Ngày đăng: 9/02/2017 11:04:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Con sông bắt đầu từ gò Đồng-Kho, thuộc Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình-thuận, ở độ cao khoảng chừng 250m, trên mực nước biển. Toàn bộ chiều dài con sông là 65km, chia làm hai phân khúc, với hai tên gọi khác nhau:  sông Mương Máng và sông Cà-ty. Khúc sông từ nơi phát nguyên cho đến ấp Phú nhan(1), thuộc làng Phú hội xưa kia, có tên gọi là sông Mương Máng. Khúc từ đây chảy qua lòng TP. Phan-Thiết đổ ra biển gọi là sông Cà-ty.                                               

   Con Suối Quê 

   Quê ta đó ! trắng lòng con suối cạn,

   Mà ngày xưa mùa lũ suối là sông.

   Trời đất chuyển mưa xuân rồi nắng hạ,

   Mưa đầu mùa xanh cỏ đất tháng tư.

                        Hà-uyên-Thy

  1. Con tàu hỏa xuyên Việt Sàigòn-Hànội hay ngược lại Hànội-Sàigòn cũng sẽ một lần đưa bạn ngang qua ga “Mường Mán”. Cái tên Mường Mán gợi  ta nhớ đến câu ca dao :

   Tiếc thay cây quế giữa rừng,

   Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo !

Screenshot
Screenshot

Hình 1

Nhưng hai chữ Mường Mán gán cho vùng đất nầy e không chính xác lắm. Có người cho rằng viết Mương (furrow-drains) Máng (Gutter) thì phải hơn vì nơi đây xưa kia chỉ có cư dân sống trên núi cao, rừng sâu mà người Pháp gọi họ là Mois (Montagnards), theo hài thanh, người Việt mình gọi họ là Mọi (Mois). Họ sinh sống bằng nghề làm nương rẫy. Để có nước canh tác, họ phải dẫn nước từ thượng nguồn về bằng những con mương và kết nối những con mương ấy bằng những cái máng, để nước chảy vào ruộng nương của họ. Dần dà, tam sao thất bổn, người ta gọi vùng đất nầy là Mường Mán, và ga xe lửa có tên là ga Mường Mán. Nhưng theo chỗ tìm hiểu của chúng tôi thì tộc người Mường chỉ xuất hiện ở vùng rừng núi tỉnh Hòa Bình miền Bắc Việt-nam, một số ít ở vùng rừng núi tỉnh Thanh hóa; tộc người Mán (Sán) chỉ có ở miền Bắc hay Tây nguyên mà thôi. Sau năm 1975 đến nay, vùng đất nầy được lập thành một xã, có tên là xã Mương Máng. Tuy nhiên việc phân định rạch ròi và chính xác, theo thiển ý, đó là việc làm của những nhà khoa học chuyên ngành. Nhưng dù cho có là thế nào đi nữa thì dòng sông nầy vẫn hiện hữu và tồn tại qua bao đời, với một cuộc đời bị lãng quên, cô đơn thầm lặng, ít ai biết đến.

0 hh 2Hình 2

  1.  Con sông bắt đầu cuộc hành trình của mình từ gò Đồng-Kho, thuộc Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình-thuận, ở độ cao khoảng chừng 250m, trên mực nước biển. Toàn bộ chiều dài con sông là 65km, chia làm hai phân khúc, với hai tên gọi khác nhau:  sông Mương Máng và sông Cà-ty. Khúc sông từ nơi phát nguyên cho đến ấp Phú nhan(1), thuộc làng Phú hội xưa kia, có tên gọi là sông Mương Máng, dài khoảng chừng 58km. Khúc từ đây chảy qua lòng Thành phố Phan-thiết đổ ra biển gọi là sông Cà-ty, dài chừng 7km.

Phát nguyên từ một đồi núi tương đối cao, khí hậu khô, tương đối khắc nghiệt, mưa ít nắng nhiều, lòng con sông khúc thượng nguồn quanh năm hầu như nằm trơ những mảng đá hay những viên sỏi, ngoại trừ mùa mưa lũ, nước về be bờ. Do nước thượng nguồn không thường xuyên đổ về nên thủy triều biển lên cao về phía thượng nguồn gần 6-7km. Do đó con nước khúc sông Cà-ty(2) thường là nước lợ.

0 hh 3     Hình 3

  1. Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cư dân Phan-thiết, người Pháp cho xây một con đập ngăn mặn, giáp ranh với khúc sông Mương Máng, tại Ấp Phú Nhan, làng Phú Hội. Người Pháp cho xây tại đây một nhà máy bơm nước ngọt từ sông lên. Rồi từ đây họ cho nước chảy theo một con mương, chạy từ làng Phú Hội, qua làng Đại Nẫm (bây giờ là xã Hàm hiệp) và Phú Tài để về đến nhà máy xử lý nước, gần sân Vận động Phan-Thiết.Tại đây nước được xử lý để đủ điều kiện vệ sinh theo yêu cầu, rồi sau đó cho về chứa tại lầu nước (Château d’Eau ), cao 80m, lượng nước đủ dùng cho cư dân thị xã Phan-thiét lúc bấy giờ.Theo hồ sơ lưu lại thì Château d’Eau nầy do một kiến trúc sư người Lào, hoàng thân Souphanouvong vẽ thiết kế và trông coi xây dựng. Công trình bắt đầu từ năm 1928 đến năm 1934 mới hoàn thành.
  1. Đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi nước ngọt lấy ở đâu về xử lý ở Nhà máy để rồi đưa lên chứa ở Château d’Eau.

Lúc bấy giờ cư dân Phan Thiết phần lớn là lưu dân đến từ vùng Ngũ Quảng ( Quảng bình, Quảng trị, Quảng đức  (Thừa thiên Huế ), Quảng nam, Quảng ngãi. Đối với họ, lúc bấy giờ Phan-thiết là vùng đất lành chim đậu. Sau năm 1975, người các vùng miền ngoài di dân vô đây lại càng đông hơn trước. Cho nên dân Phan-thiết bây giờ ít có ai biết được “chuyện xưa”

Như trên tôi cũng có phác họa sơ lược đường mương dẫn nước từ nhà máy nước Ấp Phú Nhan, đi quanh co qua mấy làng, trước khi về đến nhà máy xử lý nước, tọa lạc gần sân Vận động Phan-thiết hiện giờ. Nhà máy xử lý nước cách Lầu chứa nước (Château D’Eau) chừng 1km đường chim bay..

Vật đổi sao dời. Con đường mương nước ấy nằm ở đâu, hình thù nó ra sao bây giờ ít ai biết. Cũng may hiện còn con đường xe lửa Mương Máng-Phan thiết để ta có thể lấy đó làm điểm quy chiếu (Point de repère) mà nhận ra vị trí con đường mương nước đó.

Con đường mương nước đó bắt đầu từ nhà máy nước Ấp Phú nhan, chạy tới ga xe lửa Phú hội, rồi từ đó nó chạy hầu như song song với đường xe lửa về nhà máy nước. Đường mương nước được thiết kế theo kiểu một hình thang nằm ngược, đáy lớn trên, đáy nhỏ dưới. Lòng mương dòng nườc chảy trong veo, hai cạnh mương làm hai đường đi, dành cho nhân viên chức năng đi tuần tra; dân làng, nhất là dân hai làng Phú-hội và Đại-nẫm, đi về Phan-thiết. Lòng mương nước chảy, hai bên bờ cỏ mọc xanh tươi mát mắt quanh năm. Nhưng trong những năm chiến tranh con đường nầy bị phá hoại, người dân địa phương trồng hoa màu cây trái trên hai con đường đất, lâu ngày hư hỏng, rồi người ta san bằng làm đất nông nghiệp, cất nhà trồng rau cải hoặc làm ruộng cấy lúa. Bây giờ không còn dấu tích gì của cái mương nước như ngày xưa nữa .

  1. Nhưng dù sao bài viết của tôi cũng gợi lên hình ảnh đại nét của công trình nầy, gọi là giữ lại chút gì đó cho quê hương làng xã của mình. Như vậy hẳn bài viết ngắn ngũi của tôi không thể kể lại đầy đủ chi tiết và chính xác được như ý nguyện. Mong các bạn xa gần, xưa nay nếu biết thêm được điều gì, xin vui lòng bổ sung để cho bài viết nầy được phần hoàn chỉnh hơn, ngõ hầu người thân, con cháu mình sau nầy hiểu được hình ảnh quê mình một thời yên bình và tươi đẹp là như thế nào !

0 hh 4Hình 4

Mặc dù hiện nay mọi thứ liên quan đến hệ thống cấp nước nầy không còn tồn tại một thứ gì ngoại trừ Tháp nước “vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”, vươn cao khỏi các ngọn cây vong vang và hoa phượng đỏ rực, báo hiệu ngày hè. Tháp nước bây giờ đã trở thành biểu tượng của Phan-thiết. Ai đi xa khi về còn ở một quãng xa mà mắt nhìn thấy chóp Tháp nước thì lòng đã rộn ràng vì biết mình sắp đến nhà :

   Bóng tháp trăm năm hồn quê mẹ

   Âm thầm thương nhớ lắm Người ơi !

   ……………………………………………. 

   Khắc khoải triều dâng chiều bóng tháp,

   Bâng khuâng mấy nỗi nhớ sông Mường.

   Ai về Phan-thiết cho tôi nhắn,

   Gửi cánh hoa lòng dâng cố hương !

Sài-gòn, Ngày 31 tháng 10 năm 2016

Nguyễn-văn-Chương

________________________________________________________(1)

Những tên gọi trong bài nầy phần lớn là những địa danh hành chánh được dùng trước năm 1975. Người viết muốn giữ lại những thuật ngữ nầy nhằm để cho con cháu mai sau còn biết được phần nào diện mạo xưa của làng xã quê mình.

(2)    Ngày nay ít người hay tài liệu sách vở nào ghi rõ hai chữ Cà-ty có ý nghĩa gì và xuất hiện trong văn bản giấy tờ từ năm nào. Nhưng theo chỗ tôi biết thì Cà-ty là tên một ngôi làng thuộc quận Hàm-thuận, giáp ranh với những làng Phú hôi, Đại nẫm, Phú tài. Làng Cà-ty bây giờ là xã Hàm-mỹ. Toàn thân sông dài 58km, trải qua Mương Máng 51km một thời đạn bom khói lửa, dành 7km cho Cà-ty, làng mía nổi tiếng một thời.

Sông kia ai sẻ làm đôi,

Cạn khô Mương Máng đầy vơi sông Cà.

                    Hà-Uyên-Thy

Phần dưới nầy con sông chịu ảnh hưởng nặng nề của thủy triều. Khi thủy triều lên thì nước ngậm be bờ; nhưng khi thủy triều xuống thì lòng sông phơi đáy. Sông Cà-ty là thế.

0 hh 5       H5

Có 4 bình luận về Hai Tên Gọi Một Dòng Sông

  1. Ai là dân Phan Thiết hoặc có ở Phan Thiết một thời gian như tôi đều thú vị khi đọc bài ” Hai tên gọi- một giòng sông” của đồng nghiệp Nguyễn Văn Chương. Nhờ đọc bài viết này tôi mới biết được giòng sông chảy qua thành phố chính tên gọi là Cà Ty chứ không phải là sông Mường Mán mà theo thầy Chương thì phải gọi là Mương Máng mới đúng.

     

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Hai tên gọi -một dòng sông, mới lướt qua đã thấy muốn đọc rồi. Nhờ kiến thức của thầy Nguyễn Văn Chương qua bài viết đã mở rộng sự hiểu biết của tôi về vùng đất Phan Thiết, và tên Mương Mán , từ lâu tôi vẫn nghĩ là Mường Mán.. Cám ơn thầy Nguyễn Văn Chương.

  3. Hôm nay đọc được bài của Thầy em biết thêm vềvùng quê hương mến yêu Phan Thiết. Em xin cám ơn Thầy.

    Địa danh Mương Mán gợi ở tôi những kỷ niệm thời trai trẻ, thích ngao du. Có đi du lịch bằng xe lửa mới thấy nước ta là đẹp, cảnh quan thay đổi mỗi nơi mỗi khác, cả cách nói tiếng Việt. Ga xe lửa Mương Mán thời ấy còn gọi là “ga gà” vì xe lửa dừng ở đây rất lâu để tiếp liệu, lên hàng hay làm gì đó, còn hành khách tranh thủ đi lấy nước trữ cho sinh hoạt cá nhân trên đường đi nhưng nhộn nhịp nhất là hoạt động mua, bán gà và cơm gà. Những con gà đã luộc sẵn, vàng lườm, bóng nhảy mỡ được ủ nóng trong mấy lớp lá sen. Mua con gà được tặng kèm gói muối tiêu. Cơm gà là cơm nấu bằng nước luộc gà cũng được ủ nóng trong lá sen. Cứ thế, lá sen trải ra, con gà được xé bằng tay, dùng lá sen vo cơm thành viên. Mỗi người tay cầm viên cơm, tay cầm miếng thịt gà cứ thế mà… Trước khi đến Mương Mán xe lửa phải chạy qua một truông dài, đất ở đây cầm thủy nên xe phải chạy rất chậm, người nào đi du lịch với bạn gái hay với vợ có thể xuống xe hái vài nhánh hoa sim tặng cho đối tác, vẫn có đủ thời gian đi bộ (không cần chạy) trở lại xe. Còn người ngồi trên xe cứ lắc lư như đang ngồi trên võng. Cảnh vùng này rất thơ mộng, có thể diễn tả bằng thơ Kiều (có chỉnh sửa cho hợp cảnh):

    Cỏ non xanh tận chân trời

    Cành sim tím điểm một vài bông hoa.

     

  4. Nguyễn Thị Hòa nói:

    Cảm ơn bài nghiên cứu của cựu giáo sư Tống Phước hiệp _Vĩnh Long Nguyễn Văn Chương.Nghe tựa bài đã rất hứng thú tìm hiểu.Đọc rồi mới hiểu công lao khó nhọc trong việc “trị nước an dân “của người xưa!Thật là một trang vàng của ngành sử địa nước ta!

    Trân trọng cảm ơn Thầy đã đóng góp cho trang nhà.

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác