Con Nước Lớn Ròng (5)

Ngày đăng: 18/02/2017 12:09:26 Sáng/ ý kiến phản hồi (8)

Gia đình chú Hai Thu bận rộn cho cái tết 1981 xa hẳn thân thuộc bà con. Mới đó mà đã sáu tháng kể từ những ngày chú thím và hai đứa nhỏ trên chiếc ghe chèo vượt hơn 200 cây số đường sông di chuyển xuống Giá Rai, quyết tâm che mái lá tạm trú trên đất của thằng bạn thời đi lính chung đơn vị. Trên quê mới, chú thím làm mướn cật lực và đắc mối không ngờ. Gần tết là lúc bà con vùng nầy đong lúa hoặc là thanh toán tiền nong ghi sổ suốt mấy tháng nay. Kiểm lại phần chú thím thiếu tiệm quen với thằng Bảy Bổn tại chợ Giá Rai, khoản chênh lệch nghiêng nặng về túi chú thím, thế là quá hài lòng cho cuộc sống đơn giản của họ. Hằng ngày có lai rai thu nhập, giúp chú thím dư lo phần gạo thóc cá mắm rẻ một vực một trời so với quê cũ. Lần đầu trong những cái tết sau trận lũ lụt lịch sử hồi còn ở trên Bến Tre, chú thím Hai Thu đã tìm lại mùa xuân sau những năm oằn mình cơ cực. Sự khởi sắc có thể nhận ra từ những bộ đồ mới thật đẹp của chị em con Hạnh và thằng Ngôn. Thím Hai không dám khoe đó là loại vải gởi từ nước ngoài mà thím năn nỉ chia lại từ những người kêu thím đến tận nhà đo ni may quần áo cho cả gia đình của họ.
Trong những gia đình bị chia cắt vì chiến tranh, thím Hai còn nghe những trường hợp thân thuộc bặt vô âm tín rồi bỗng nhiên đột ngột được tin. Thím Hai không ngừng hy vọng một ngày má thím là bà Hạnh sẽ có thơ gởi về tận nhà, cho hay bà đang sống một nơi nào đó. Suốt thời gian chiến cuộc sôi động, bà ấy cũng chuyển theo người chồng sĩ quan và thay đổi chỗ ở liên tục trên con dấu bưu điện các tỉnh miền Trung. Trong vài lá thư gởi về, má bà căn dặn hoài: “Khi con sanh đứa đầu tiên, trai hay gái cũng phải đặt tên nó là Hạnh cốt ý trùng tên với bà ngoại. Để rủi mai nầy chiến sự chia lìa tình thân, má cũng an ủi còn lại chút núm ruột. Lúc nó lớn khôn, con phải nhắc cháu rằng: Trên đời nầy, chúng nó cũng còn một bà ngoại luôn nhớ thương con cháu”. Thím Hai Thu đinh ninh, chỉ trừ trường hợp má thím không còn trên dương thế, chứ dù lưu lạc nơi đâu, bà ấy nhất định tìm lại thím.
Lâu nay kinh tế vùng đồng ruộng bao la nầy chỉ nhờ vào hột lúa, mọi kế hoạch đều trông chờ vào mùa gặt mới được tính tới. Sau 1975 nảy sinh ra vụ vượt biên, lúc đó đa phần không ai biết tương lai người đi sẽ ra sao. Những năm tám mấy, bắt đầu nghe lai thư từ nước ngoài rai rai hồi báo.  Sự thay đổi chỉ hiện ra sau mỗi lần các gia đình đó nhận được thơ của bưu điện thông báo đến một văn phòng ở tỉnh thành nào đó nhận quà từ nước ngoài gởi về. Lần hồi trong xóm nhà ai cũng như ai mái lá nếp tranh xám xịt, xuất hiện những mái ngói lác đác chen vào. Nếu có dịp đi ngang những thay đổi nầy, sẽ nghe tiếng cassettes có cặp loa bự chảng hát cải lương tuồng cũ. Còn chịu khó ghé vô, thì ấn tượng đầu tiên tại chiếc bàn cẫm lai 6 ghế dựa giữa nhà còn thơm mùi vẹc-ni, dưới miếng kiếng 5 ly bảo vệ mặt bàn, sẽ có một lô hình chụp một cô hay một cậu nào đó. Trai thanh gái lịch đủ kiểu xoay qua ngó lại tựa cửa trông về xa xăm hay đứng giữa thành phố lầu đài hoa lệ, bốn phía xe cộ tấp nập huy hoàng.
Cuộc sống êm đềm trôi qua, làng xóm hào sảng nầy bảo bọc hai người khéo tay và chuyên cần như chú thím Hai Thu, giúp họ dần dần trở nên khấm khá. Thím Hai Thu được thụ huấn căn bản từ trường dạy nghề nữ công gia chánh trước 1975, cộng thêm sáng kiến và thẩm mỹ,  tiệm may của thím Hai nhận dạy những cô thợ trẻ nhờ vào nguồn vải nước ngoài gởi về thân nhân thường xuyên và dồi dào trong vùng nầy và các xã lân cận. Vì vậy mỗi cái tết, tiệm may của thím làm việc xuyên cả đêm, năm nào cũng y tình trạng bận rộn trước ngày rước ông bà gần cả tháng.
Tiệc hạ nêu cúng tất cái tết 1992 có chút rôm rả hơn mọi năm. Sau bữa cơm trưa có chất vị phong phú, chú thím Hai Thu và vợ chồng Bảy Bổn ngồi nán lại bàn ăn để uống thêm chén trà cùng nhắc chuyện đời sau hơn mười năm lìa quê Ba Tri. Ngày mới xuống đây, con Hạnh 8 tuổi người ốm tong đen nhẻm, nó còn thêm tật nhớ nhà, nhớ đám anh chị cùng tuổi và bạn bè lối xóm ở quê Ba Tri mà khóc hoài. Bây giờ là một cô gái xinh đẹp 19 tuổi, tốt nghiệp lớp 12 năm rồi và đang phụ mẹ trông coi tiệm may có bốn bàn máy. Chú thím hãnh diện và có chút lo lo khi được bà con chòm xóm trầm trồ tài sắc con gái. Người mới quen với chú thím cũng ngạc nhiên, rằng giữa chốn khô cằn nắng bụi mưa sình đó xuất hiện một bông hoa rực rỡ. Thằng Ngôn ngoài giờ học tại trường cấp 3 liên xã ở ngã tư Vĩnh Phú. Lúc ở nhà, khi cần thì cậu ta thành thạo giúp chú Hai sử dụng máy cưa xẻ liên hợp, giàn giá được kéo bằng chiếc máy chạy dầu cặn 5 ngựa nhỏ nơi căn trại mộc mà chú Hai cất riêng cho nghề nghiệp.  Năm ngoái chú mua được chiếc máy kô-le tư có gắn đuôi tôm chân vịt, do một ghe từ vùng nước ngọt đem xuống bán, vỏ máy còn màu sơn “gin” khá tốt chứ không bị sét rỉ đỏ chạch như máy móc vùng nước mặn nầy. Máy dễ khởi động và tiếng nổ dòn tan mạnh mẻ. Chú Hai Thu định bụng qua tết cơi thêm một cặp be “gió” cho chiếc tam bản được chú kéo lên che khô ráo mấy năm rồi. Nó được nghỉ dưỡng kể từ ngày chú dựng trại mộc, chấm dứt kiểu làm mướn lênh đênh trên ghe hay vác cưa búa dụng cụ theo xóm hành nghề thợ dạo. Chiếc ghe kỹ niệm bác Năm Thi dạy nghề mộc, tuy hơn chục năm mà trông còn bền chắc, khiến nhiều người ở đây nhờ thằng Thất Bổn năn nỉ hỏi mua. Chú định mùa khô nầy sửa sang lấp vò, trét chai, phơi hóng chờ dầu ráy khô ráo ngon lành rồi  thu xếp chở cả nhà về thăm thân tộc ở quê cũ của thím Hai.
Từ lúc họ mới về đây trong những năm đầu, được vài lần ì xèo có mấy anh con bác Năm Thi ghé chơi, anh em tâm sự cả đêm mừng rỡ cho nhau. Lâu lâu có anh Bảy Tình hoặc là bạn của ảnh đậu ghe dưới bến, nhờ vậy mà biết tin trên xứ sở. Rồi càng lâu càng lơi, mấy năm nay hầu như dòng người đổ xô xuống miệt nầy dứt hẳn. Có lẽ nhà nước bỏ vụ ngăn sông cấm chợ và âm thầm xù vụ hợp tác hoá nông nghiệp, lặng thinh trả lại ruộng đất về cho nông dân tư hữu như xưa để cho xã hội tự điều chỉnh cung cầu. Người dân trở về chăm lo miếng đất thửa vườn của tổ tiên mà giã từ cuộc sống bềnh bồng tìm đất lành chim đậu. Riêng chú thím Hai thì coi như đã mọc rể bám cứng  xứ nầy, vì vậy mà họ viết thơ nhắn về bác Năm Thi, đồng ý giao phần ruộng vườn của riêng họ cho mấy anh con của bác thừa hưởng.
Một buổi xế chiều còn trong tháng Giêng, chú Hai Thu đang nẻ mực kẻ lằn trên phách ván dầy, chuẩn bị xẻ gỗ lọng góc những cây “cong” dùng chấp nối cơi thêm đôi be tam bản để “phản hồi cố quận” theo như kế hoạch dự trù từ trước tết. Tâm tư Hai Thu sung sướng miên man, chú có nhiều việc để nói trong 12 năm làm ăn nơi xứ người và hình dung ngày gặp lại Bác Năm Thi cũng vừa đúng năm kỷ niệm lục tuần. Chú nghe tiếng máy tàu lớn giảm nhẹ sang số de rồi số tới hụ mạnh để rướn sát bờ cho khách bước lên. Tiếng máy rất lạ dưới bến, chú nhìn xuống và nhận ra nó không phải là chiếc tàu đò chạy tuyến ngã tư Vĩnh Phú- Giá Rai quen thuộc. Nhìn kỹ hơn, chú thấy người cầm cây sào đứng trước mũi tàu đò dáng hao hao như là anh Tư Sánh con bác Năm Thi. Chiếc tàu rất lạ mà người thì thấy quen quen, khiến Hai Thu tò mò đứng lên nhóng dòm xuống bến. Người đứng trước mũi cũng vừa thấy chú, anh ta đưa tay ngoắc. Chú Hai Thu bước nhanh xuống vừa lúc anh Tư Sánh cầm sợi dây mũi nhảy lên bờ cột vào gốc bạch đàn:

– Anh Tư đi làm cho tàu đò hồi nào vậy.

– Mới hồi khuya nầy.

Hai Thu còn lớ ngớ chưa kịp ngạc nhiên cho câu trả lời của anh Tư Sánh, thì bác Năm Thi vừa bước ra sàn mũi tàu:

– Thằng Hai Thu mầy khoẻ không, dòm thử coi biết bà nầy là ai không?

Hai Thu mở miệng chào người đàn bà sang trọng trạc ngoài năm mươi chứ thật tình chưa biết là ai, anh chỉ mang máng có gặp ở đâu chứ không rõ lắm. Tiếng bác Năm Thi sang sảng:

– Bà ngoại của tụi con Hạnh thằng Ngôn đó. Chào má vợ đi thằng Hai.

Vài giây sững sờ, đơ đần đầu óc. Hai Thu bình tỉnh trở lại:

– Chào má. Má ở đâu mười mấy năm nay, tụi con lúc nào cũng hy vọng sẽ gặp lại má.

Bác Năm xôm xả lên tiếng:

– Thằng Hai nắm tay dẫn má mầy bước lên nhà rồi từ từ nói chuyện. Thằng Sánh bước xuống tàu phụ dọn đồ của thím Sáu mang lên, nước ròng treo tàu cấn bãi rồi kìa.

Buổi tối vui vẻ của hạnh phúc vượt trên tất cả mong đợi.  Ngoài gia đình bà Hạnh và bác Năm Thi, còn thêm vợ chồng Bảy Bổn và chị Tư Hoàng Lan ở gần đó cũng được mời đến chung hưởng niềm vui đoàn tụ. Chuyện hai mươi mấy năm dồn lại. Thím Hai nắm tay bà Hạnh hỏi câu nầy chưa xong thì tiếp theo câu khác. Chốc chốc hai mẹ con ôm nhau khóc, rồi đôi khi bà Hạnh pha trò, cả bàn cùng cười vui với họ. Chú Hai Thu thắc mắc về tình trạng của bà vào những ngày cuối cuộc chiến. Bà Hạnh cho biết từ năm 1972 đơn vị chồng bà dính chân vùng Thừa Thiên đến Quảng Trị cho đến tháng 1 Năm 1975, đơn vị của chồng bà Hạnh từ Quảng Trị rút về Đà Nẳng và tiếp tục rút về Nha Trang cho đến cuối tháng 3 năm 1975. Tại Nha Trang, cả chiến đoàn được xuống dương vận hạm đổ lên Phú Quốc mà ai cũng nghĩ sẽ về Sài Gòn ứng chiến. Gần một tháng ăn chơi ở Phú Quốc, đến ngày 29 tháng 4 lính tráng và vợ con xuống hạm chạy thẳng qua vịnh Subic ở Philippines. Tới nơi mới tá hoả, chồng sau của bà Hạnh là sĩ quan cấp tá mà lúc xuống tàu còn chưa biết đi đâu.

Từ lúc xế chiều mới xuống xứ đồng Giá Rai, bà Hạnh không rời đứa cháu ngoại gái lúc nào cũng sát bên bà. Niềm thương cảm trào dâng thâm tình bà cháu suốt 19 năm  chưa hề gặp mặt. Bà vuốt mái tóc óng mượt, không dấu tự hào có chút giống bà khi còn trẻ:

– Ngoại về lục tìm hình cũ, con rất giống ngoại hồi nhỏ. Khi về Mỹ, một mặt ngoại làm giấy bảo lảnh ba má và em con. Riêng con, thì ở gần nhà ngoại có gia đình người bạn có con trai làm kỹ sư ra trường mấy năm nay. Hôm ngoại sửa soạn về, thằng đó đến chơi năn nỉ ngoại về Việt Nam kiếm một cô đẹp đẹp giới thiệu cho nó. Ngoại về bển đưa hình con ra, chắc nó đau tương tư luôn. Ba thằng đó làm chánh văn phòng của luật sư di trú, họ sẽ tìm cách bảo lảnh con lẹ nhất.

Chị Tư Hoàng Lan một tai một mắt lo đối đáp với bác Năm Thi, một tai lóng nghe bà Hạnh nói chuyện, nghe tới đây chị cảm thấy phải lên tiếng:

– Con xin lỗi được phép trình bày một chuyện với cô Sáu. Hơn 10 năm nay, chị em tụi con không ai cần khuyên ai, vì lý do gì mà hết lòng giúp đở gia đình cậu mợ Hai Thu. Kể ra đây không phải kêu cậu mợ Hai phải trả. Nhưng chuyện là thằng con trai của con năm nay 24 tuổi, tên nó là Hậu. Nó vượt biên năm 1985, năm rồi nó tranh thủ thi đậu quốc tịch. Thời gian nó còn ở đây cũng thường đến chơi với hai đứa cháu ngoại của cô Sáu, ít nhiều thì chúng nó cũng có tình cảm. Năm rồi nó viết thơ cho con là nó thương và muốn cưới cháu Hạnh. Con đã ngỏ lời với cậu mợ Hai Thu và cháu Hạnh. Tất cả đồng ý, chỉ chờ Mỹ dở bỏ cấm vận trong nay mai là thằng Hậu về làm đủ lễ. Con trình bày chuyện hứa hẹn đính ước nầy để hai gia đình ta xuôi theo chuyện đời có trước có sau, thưa cô Sáu.

– Mấy ngày nay tôi có nghe anh Năm Thi kể lại tường tận, tôi chưa có dịp chân thành cảm ơn cô Tư Hoàng Lan và chú thím Bảy Bổn giúp đở con cháu chúng tôi qua được cơn khó khăn nhất. Ơn của chị em cô, chúng tôi ghi nhớ mãi mãi. Còn việc hứa hẹn hôn nhân nầy chỉ là sơ khởi, nhưng để công bằng thì con trai cô và thằng con của người bạn tôi cùng ở Mỹ sẽ cạnh tranh tự do, phần quyết định cũng sẽ là con Hạnh. Tôi nghĩ là người lớn chúng ta đừng tranh cãi chuyện nầy cho mất lòng.

(Còn tiếp)

Tha lỗi vô tình sai sót cho người viết nếu có trùng tên, cám ơn quý bạn thật nhiều.

Một Lúa

0 nuoc 1

Có 8 bình luận về Con Nước Lớn Ròng (5)

  1. HOA ĐĂNG nói:

    Hoan hô Một Lúa, bặt đi một lúc hình như nước ròng hoài hỏng lớn, nay nước lớn rồi vui quá, chờ miết, tới giờ mới được đọc tiếp, lối viết văn  như Hồ Biểu Chánh, đọc thấy gần gũi của xứ miền Tây nam bộ, đang chờ đọc tiếp đây, cảm ơn Lúa đệ nghen.

    • Một Lúa nói:

      Chị Hoa ui!

      Dân rặt ri  Tam Bình không khỏi đít ông Táo, muốn viết miền Đông nam bộ cũng không biết phải làm sao. hihi

  2. Phan Lương nói:

    Ôi anh Lúa thiệt là …

    Con Nước Lớn , Ròng  …đã bỏ chu kỳ của thiên nhiên tự tạo . Nước lớn chảy ngược , nước ròng chảy xuôi ,phải mất mấy tháng trời mới trở lại đúng chu kỳ của thiên nhiên , của đất trời

    Thiệt là vui mừng cho Thiếm Hai Thu ,đã vượt qua  “cơn bĩ cực ” và đến hồi ” thới lai ” rùi

    Có niềm vui nào hơn là niềm vui trùng phùng  chứ !

    Bà Hạnh đã trở về sau mấy mươi năm ,còn niềm vui nài hơn , hiếm Hai Thu , con gái bà , đã nghe lời mẹ đặt tên cho con đầu lòng là Hạnh , ẩn tên của bà ngoại

    Câu chuyện của anh ,mọi gút mắt đều được tháo lần hồi ,rất hài lòng người đoc

    Hi hi….nhà Văn Một Lúa là number one nhe

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Hai bạn Hoa và Lan đã nói hết ý rùi, bác Một Lúa.

    Mừng con nước ròng nay lại lớn.

  4. Một Lúa nói:

    Chào bạn trẻ Phan Lương,

    Gián đoạn khoảng gần 20 năm thui (bảy mấy- chín hai),tương đương tuổi đời của cháu ngoại. Năm 92 còn “cắm vặn” nên còn khó khăn chút đỉnh.
    Dà, trước hết là mừng cho đoàn tụ của họ. Còn bỉ cực thới lai như thế nào thì xin mời xem tiếp! hihihi
    Cảm ơn mọi sự theo dõi của quý bạn!

  5. Võ Thị Lài nói:

    “Con Nước Lớn Ròng” kỳ 5 nầy cũng dài thăm thẳm đọc mỏi cả mắt nhưng hấp dẫn quà nên không ngưng được. Cuối cùng kết cuộc cũng làm người xem hài lòng , gia đình chú thiếm Hai đã được đoàn tụ với mẹ thật là hạnh phúc . Bây giờ đợi  kỳ tới xem cô Hạnh sẽ chọn ai ?

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác