Ông đồ và thư pháp

Ngày đăng: 27/01/2017 06:28:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Năm 1994 tôi mới lên Sài gòn viết báo, anh Nguyễn Triệu Hải, thư ký tòa soạn báo Vũng tàu Chủ nhật rất thích thư pháp liền đặt bài tôi viết về thư pháp để đăng vào tờ báo xuân. Anh nói, ông là nhà Chợ Lớn học, vậy đi viết cho tôi một bài về thư  pháp đi. Tôi biết anh cường điệu cho tôi vui để tôi hăng hái đi làm bài viết này, chứ tôi là dân quê mới lên thành có kinh nghiệm gì mà lấy tư liệu.

DSC_0256

Lên Sài Gòn sống ở khu vực Chợ Lớn có một tháng, nào có quen lớn với ai , tôi phải nhờ bạn tôi LS Lê Minh Nhựt ở quận 6 giới thiệu vài người bạn Hoa kiều ở đây để tôi làm quen, hỏi chuyện. Nói chuyện với ba người Hoa chính thống, hỏi những người sống về nghề viết thư pháp, không ai biết thư pháp là gì. Họ hỏi tôi, thư pháp có phải là chữ Hán viết đẹp ? Tôi nói không phải, bởi vì các người viết chữ Tàu ở đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Phùng Hưng (quận 5) viết chữ rất đẹp cho những người Hoa trong các đám cưới, đám ma, lễ hội không phải là nhà thư pháp.

Thế rồi, qua một người trung gian mà tôi gặp được ông Hoàng Văn Nam, một người Việt nhà ở gần chùa Ấn Giáo, đường Tôn Thất Thiệp (quận 1), ông không giải thích cho tôi nghe thế nào là thư pháp nhưng ông am tường về vấn đề này. Ông lấy cuốn “Thư Pháp tùng thư” xuất bản ở Thượng Hải mua hồi đi du lịch Hongkong và chỉ cho tôi biết những thư pháp gia đời Tống, đời Đường, đời Nguyên, đời Minh và Thanh, mỗi triều đại có vài thư pháp gia tiêu biểu. Lật đến trang thư pháp mẫu đời Đường, có Âu Dương Tuần, Chữ Toại Lương, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền. Thời này có hai tay chuyên viết cuồng thảo là Hoài Tố và Trương Húc. Thấy tên Trương Húc, tôi nhớ đến câu chuyện của Ngốc Bút Ông trong Tiếu Ngạo Giang hồ của Kim Dung. Khi Lệnh Hồ Xung được Hướng Vấn Thiên dẫn đến Cô Mai sơn trang gặp Ngốc bút Ông, một cao thủ giang hồ , võ công lừng lẩy, vậy mà mê thư pháp. Lệnh Hồ xung lấy bức thư pháp của Trương Húc ra khoe làm Bút Ông ngẩn ngơ muốn chiếm hữu. Đánh không thắng Lệnh Hồ Xung, Ngốc Bút ông phải đem võ công của mình ra đổi bức thư pháp này. Một hành động tối kỵ của con nhà võ nhưng vì mê thư pháp tột cùng mà đánh đổi.

Kể tiếp về các thư pháp gia, đời Tống có Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Mể Phất, Thái Tương, những người này đều là thi sĩ danh tiếng. Qua đời Nguyên có Triệu Mạnh Phủ.. đời Minh có Chúc Doãn Minh, Văn Trưng Minh, Ðổng Kỳ Xương, Thần Áng, Giang Tân, Văn Thành Minh, Vương Long, Chúc Ngôn Minh, Hưng Ðồng, Trương Thụy Ðồ, Trung Kỳ Xương, Tống Khắc, Thần Ðộ… và đời Thanh có Lưu Dung, Hà Thiện Cơ, Vương Đạc. Các thi sĩ này phóng bút theo năm cách viết cơ bản là  Triện –Lệ -Chân – Hành – Thảo nhưng nhiều nhất là hành thư, nét chữ bay bướm và người xem cũng dễ đọc.

Thư pháp đẹp như một bức tranh, chủ nhân treo trong nhà nhằm để trang trí cho thư phòng, nhưng cũng để răn mình. Nhiều nhà treo chữ Tâm để nhắc nhở sống sao cho phù hợp đạo đức hoặc chữ Nhẫn để không nóng tính. Có người thích chữ Năng để trì chí siêng năng cặm cụi làm giàu, còn những người xin chữ Phước, chữ Lộc, chữ Thọ nhằm để tặng người khác hầu chúc tụng cho người thụ hưởng được như lời chúc.

Ngày xưa kẻ sĩ thường viết bài răn cho mình, cho con cháu thường dùng thư pháp để diễn đạt. Ngày đầu năm họ treo “Bài răn” trước cửa thư phòng để hàng ngày ra vào nhìn thấy như được nhắc nhở sống sao cho phải đạo. Tuy nhiên, bài văn đó cũng khoảng 64 chữ hoặc ít hơn để trình bày trong khuôn khổ đẹp.

Giới thiệu hết cuốn thư pháp, anh Nam còn chở tôi vào Chợ Lớn gặp họa sỹ Phùng Dũ, Trương Hán Minh xem thư pháp của các danh sĩ người Hoa này. Nhìn những chữ rồng bay phụng múa trên giấy hoa tiên , tuy không hiểu nghĩa nhưng vẫn cảm nhận được vẻ đẹp.  Mức thu nhập của tôi năm đó không thể nào dám có ý nghĩ sở hữu dù chỉ là tờ giấy chưa bỏ vô khung kiếng!

Lúc bấy giờ khu Chợ Lớn, ngày Tết cũng lắm ông đồ viết chữ nhưng đó không phải là thư pháp, người Việt đi “xin chữ” chỉ mong được tờ giấy có sắc đỏ đen hay giấy đỏ chữ nhủ vàng dán trước nhà cho có vẻ tết.

Mãi đến năm 2007, Phố Ông đồ với thư pháp chữ Việt xuất hiện ở nhà Văn Hóa Thanh Niên được công chúng đón nhận và từ đó đến nay mỗi năm Phố phát triển thêm, tăng gấp bốn lần ngày đầu tiên khai thị. Hình ảnh ông đồ lại được tiếp tục có mặt ở “chợ phiên” này dù gương mặt ông đồ còn trẻ măng.

Ông đồ là người thầy dạy học chữ  Nho xưa kia, ngày tết mặc áo dài khăn đóng tranh thủ ra chợ “cho chữ” những ai cần bài vị Thần Tài, Táo quân, cần câu đối đỏ treo trước cổng. Nay mấy em sinh viên, các họa sĩ cũng ra chợ đóng vai ông đồ ngồi “cho chữ” hầu kiếm thêm thu nhập.

Thư pháp chữ Việt được bắt đầu từ khoảng năm 1960 do nhà thơ Đông Hồ viết bằng bút lá tre. Sau này, nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh khởi xướng cho phong trào viết thư pháp Việt bằng bút lông… Đến nay, thư pháp chữ Việt đã được nhiều người quan tâm và theo học.

Lớp trẻ giờ đây không biết chữ Hán, đọc được thư pháp Việt, nên ưa chuộng loại văn hóa phẩm này. Một số nhà thư pháp được công chúng đón nhận như : Họa sĩ Văn Hải, Th.S Hiếu Tín, Hoa Nghiêm, Trương Tuấn Hải, Minh Hạnh, Thiện Dũng, Lưu Thanh Hải, Lê Hải, Đăng Học, Tâm Tú,… Năm 2004, thư pháp gia Thanh Sơn đem loại hình nghệ thuật thư pháp chữ Việt triển lãm giao lưu tại Âu châu, Mỹ góp phần không nhỏ để phát triển và quảng bá cho thư pháp tiếng Việt.

Anh Hoa Nghiêm, chủ nhiệm CLB thư pháp NVH Thanh Niên cho biết, sau khi “chợ thư pháp” đóng cửa các ông đồ còn phải đến một ngôi chùa thân quen trong thành phố để cho chữ vào mùng một tết theo một phong tục cho khách “hái lộc” đầu năm. Khách thập phương viếng chùa sẽ xin chữ của thầy đồ về treo trong nhà, họ trả công tùy hỷ gọi là hoàn lại chút tiền giấy mực.

Hình ảnh Ông Đồ có mặt ngày đầu xuân tạo thêm niềm vui lớn cho bà con ăn tết, và ngày càng nhận được sự ưu ái không chỉ người Việt mà còn thu hút sự quan tâm của khách nước ngoài khi đến TP.Hồ Chí Minh.

bài Lương Minh, ảnh Hoa Nghiêm

image15h2                                              Phố Ông đồ ngày tết

3h3                                           Thư Pháp gia Hoa Nghiêm

 

 

 

Hành thư đường nét bay bướm uyển chuyển, dễ dàng biểu đạt các tâm hồn lãng mạn, chỉ cần có chút căn bản về Thư Pháp thì có thể dễ dàng đọc được Hành thư. Các bức Thư Pháp hoặc Thư Họa thường hay sử dụng thể chữ này.

Có 3 bình luận về Ông đồ và thư pháp

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Trong lần gặp nhóm TPH cách nay chục năm, ông Đồ Hoa Nghiêm có viết tặng mỗi bạn tên của mình trên tờ giấy cứng, tôi còn giữ.

  2. Phạm Thị Trí nói:

    Đọc bài viết nầy, hình ảnh Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên hiện về,” Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”  quá khứ cùng hiện tại đan xen nhau…

    Một bài viết hay, có công nghiên cứu giúp người đọc hiểu rỏ thư pháp, một loại hình thư được xử dụng( sử dụng ? ) nhiều nhất trong thơ.

  3. My Nguyen nói:

    Bài viết của nhà báo LM đã cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của thư pháp, việc hình thành thư pháp qua các giai đoạn. Đặc biệt là sự ra đời của thư pháp tiếng Việt.

    Xin cảm ơn anh LM về một bài viết rất hay, cùng những hình ảnh minh họa sinh động của thư pháp gia Hoa Nghiêm, đã có ý nghĩa lớn trong mùa xuân này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác