Thăm nhà lưu niệm Sơn Nam.
Hôm khánh thành nhà lưu niệm Sơn Nam(SN), thầy giáo Đinh Công Tâm- người bạn hâm mộ Sơn Nam, rủ tôi đi Tiền giang để tặng kỷ vật cho nơi này. Anh Tâm được báo Sài Gòn Tiếp thị phong là Đệ nhất độc giả, vì anh ái mộ Sơn Nam chưa từng thấy, sách nào của SN anh cũng mua, báo nào có SN viết anh cũng cắt để dành, thậm chí anh còn ma kết dán trên tờ giấy cứng và ép nhựa để dành. Có lẽ không nhà sưu tập nào, không thư viện nào có nhiều tư liệu về nhà Nam Bộ học hơn anh, do đó mà nhiều nghiên cứu sinh đến mượn tài liệu của anh để làm luận án tiến sĩ về đề tài Sơn Nam.
Hôm đó, tôi bận việc không đi được nên không biết địa điểm nhà lưu niệm, mỗi lần vềBến Tre, ngang qua Tiền Giang tôi bước xuống ngã ba Trung Lương hỏi người địa phương nhưng không ai biết. Mãi đến, hôm tháng 9 /2016 nhờ chuyến đi Gò Công của Yên dạ Thảo, xe có đi ngang qua xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho nên chúng tôi mới có dịp ghé thăm Nhà lưu niệm Sơn Nam.
Nhà thơ Phong Tâm mừng lắm vì từ lâu nghe nói nhà lưu niệm Sơn Nam, nhưng chưa bao giờ được đến. Anh và Sơn Nam cũng là chỗ thân tình mấy mươi năm nhưng ít khi gặp nhau vì kẻ ở quê, người ở thành. Hôm Sơn Nam mất, Phong Tâm đi dự trại sáng tác Nha Trang không về tiễn được vẫn còn ân hận, nay ghé qua thắp hương SN thì cũng để trọn nghĩa tình.
Nhà lưu niệm nằm trên mảnh đất rộng một công rưỡi, do gia đình con gái đầu bỏ tiền ra xây dựng năm 2009, không sát lộ lại ẩn sau mấy hàng cây nên mấy năm trước tôi đi tìm mà không thấy, nay phía trước nhà có bảng chỉ dẫn nên rất dễ tìm. Nhà cất theo kiểu nhà xưa Nam bộ, phía trước có hoa kiểng và tảng đá có viết chữ thư pháp Việt trông khá đẹp.
Giữa nhà là bàn thờ để bát hương và lọ hoa cho khách viếng thăm tưởng nhớ.
Bức ảnh chân dung của nhà văn có nụ cười vui như hồi còn sinh tiền.
Bên trái bàn thờ là bức tranh chép bài thơ Hương rừng Cà Mau của ông viết thay lời tựa cho tập truyện ngắn cùng tên của ông. Cũng bài thơ này, phía nhà trong cũng được một họa sĩ chép lại và để tựa là
“Hạt bụi nghiên mình nhớ đất quê.”
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hoà
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
Nhìn đối diện với bàn thờ ở trên tường là ảnh thầy giáo Đinh Công Tâm, một bạn thân và cũng là người ái mộ nhà văn được treo trên cao. Tôi không biết anh Công Tâm đã tặng những kỷ vật gì cho nhà lưu niệm này, nhưng tôi nghĩ có một số sách hiếm hoặc những tờ báo viết về Sơn Nam mà anh sưu tầm được. Tôi thấy những sách này, phần lớn là của những độc giả và thân hữu yêu quý anh bỏ tiền mua trước đây là bây giờ tặng lại cho nhà lưu niệm, chứ không phải những sách của tác giả tặng bây giờ, âu cũng là “Châu về hiệp phố”. Tôi còn nhớ Sơn Nam dạy tôi: “Ông có in sách, đừng có tặng cho thằng nào hết (sic) , nó không có đọc, mà có tặng thì người có, người không, chúng ghét và bảo cở trình độ tôi như vầy không đáng cho ông tặng sách sao ?”.
Ngoài những sách mới xuất bản , tủ sách nhà lưu niệm còn có những sách cũ in trước 1975, giấy ngã màu vàng phù hợp với nơi bảo tàng tư liệu. Có nhiều tượng điêu khắc của nhiều tác giả, lớn nhỏ và màu sắc, chất liệu khác nhau nhưng giá trị của chúng thì chưa ai dám thẩm định. Đối với ông, tượng Sơn Nam của nhà điêu khắc Trần Thanh Nam là đạt nhất, do vậy ông đã chọn đặt tại khu du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh. Ông nói, nhìn tượng này mấy anh xe lôi, xe kéo nhìn biết Sơn Nam, chứ làm tượng SN theo nghệ thuật cách điệu mà không ai nhìn ra hết thì đâu phải là SN. Thì ra, ông già Nam bộ chỉ thích những cái mộc mạc, dân dã đầy chất Nam bộ như ông.
Trên tủ chứa các bức ký họa về ông cũng nhiều, từ những bức biếm họa đến lối vẽ chân phương của những họa sĩ danh tiếng như Lê Minh, Trịnh Công Sơn, … mỗi bức có thần thái riêng nhưng theo tôi thì giống SN hết. Tại đây, tôi biết thêm được TS luật Cù Huy Hà Vũ cũng là một họa sĩ khi bức họa SN to đùng được Hà Vũ ký tặng năm 2003.
Thượng tuần tháng 12/2016, đoàn du lịch của Quán Văn vào thăm khu lưu niệm tôi thấy phía sau nhà có cô dâu tương lai đang trang điểm để cùng tân lang chụp hình cho album, chuẩn bị cho ngày cưới cũng nên thơ. Không phải ngẩu nhiên mà thanh niên địa phương chọn khung cảnh này để làm nền cho ảnh kỷ niệm và các công ty lữ hành đã chọn điểm này làm một điểm dừng chân trong tuyến du lịch của mình. Đây cũng là cơ duyên của ngành du lịch Tiền Giang, bởi Sơn Nam quê ở Kiên Giang, sống tại Bình Thạnh, lui tới hàng ngày ở Gò Vấp thế mà Nhà lưu niệm của ông không ở những nơi đó mà lại về xã Đạo Thạnh , TP. Mỹ Tho. Hồi sinh tiền, ông già Nam bộ cũng được các doanh nhân ái mộ, có doanh nghiệp mở ra quán cà phê mang tên Sơn Nam, đem sách vở của ông về đó trưng bày, dành sẳn một bàn cà phê cho ông ngồi uống miễn phí để thu hút khách, nhưng ông có ngồi đâu vì giá cà phê của quán không bình dân, khách quen của ông không đến thì dù cho có miễn phí ông cũng không màng. Thế là chẳng bao lâu quán tự đóng cửa và chỗ ngồi hàng ngày của ông vẫn ở Thư viện Gò Vấp.
Lương Minh
Ảnh: Phi Rom
H1H2 H3 H4 H5H6
“Hữu xạ tự nhiên hương.” Đó là phong cách độc đáo của nhà văn gốc Nam bộ. Còn Hương Rừng Cà Mau là một trong những quyển truyện đầu tiên tôi đọc. Trong một lần đi mua sách cũ trên đường Lê Lợi, có người chỉ một người tuổi trung niên đang dắt chiếc xe đạp, mắt tìm trong đám sách cũ, nói đó là nhà văn Sơn Nam. (Hình như lúc này ông làm ký giả cho một tờ báo.) Tuổi, tác người, khuôn mặt, lời nói, cách nói của nhà văn khá giống với thầy Nguyễn Ngọc Nam dạy sinh vật cho tôi khi học lớp 11, nay lại được thấy thêm nhiều những ký họa của nhà văn tôi càng nghĩ nhận định của mình là đúng.
Quê Kiên Giang, sống ở Sài Gòn, nhà lưu niệm ở Mỹ Tho cũng phải thôi, vì đâu cũng là Nam bộ, ở đâu cũng nằm trong Văn Minh Miệt Vườn.
Đọc bài “Bút ký” của Lương Minh cho tôi nhớ quá Nhà văn Sơn Nam, người anh em cùng tuổi Dần (lớn hơn tôi 1 con giáp). Xin trích bài thơ Hiu hiu từ tập “Buộc thả” xb năm 2012, tôi viết trước đó, đăng lại để nhớ về anh…
Hiu hiu
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
(Sơn Nam – Hương Rừng Cà Mau)
Ta vừa đọc lại Khẩn Hoang (*)
Bốn mươi năm, sách tặng mang hồn người
Bút lưu: “Tình bạn tìn đời
Và tình văn nghệ
một thời thân quen”. (**)
Thơ ta trôi nổi lèm nhèm
Đến giờ chưa dám tỏ tên…bạn người!
Hiu hiu buồn hiu hiu vui
Hiu hiu nhớ hiu hiu cười, hiu hiu…
Nhớ người cười nhếch chân xiêu
Nước lên, bàn chuyện trời chiêu đãi mùa
Cái thâm, nửa thật nửa đùa…
Nói riêng ta hiểu đủ vừa ta nghe
Nuốt mặn đắng, nhả chua lè
Ngậm nghe, mới tận…viên chè Sơn Nam!
Nõn nà gió quất đuôi sam
Đau từ cuối đất, rêm ngang vạch trời
Cám ơn người tặng sách chơi
Cho ta đọc rách trang đời liêu xiêu!
Người đi hạt bụi đi theo
Nghiêng mình nhớ đất quê gieo hương rừng.
Phong Tâm
——————-
(*) Lịch sử Khẩn Hoang Miền Nam,Tg Sơn Nam
(**) Câu ghi tặng đúng của SN trong sách:
“Tặng PT với tình bạn tình đời và tình văn nghệ lâu dài”
Bất ngờ được anh Lương Minh cho xem nhà Lưu Niệm của nhà văn Nam Sơn,một nhà văn nổi tiếng chuyên viết về truyện của vùng đất Nam Bộ,nhà Lưu Niệm rất khang trang có hoa kiển cây xanh rấtđẹp. Ngày còn đi học em rất thích đọc truyện của ông như Hương Rừng Cà Mau,Chim Quyên Xuống Đất, Hình Bóng Cũ ..v..v .
Bài thơ Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam đã được Phạm Duy phổ thành nhạc năm 2000 trong đĩa CD 10 bài ( gồm nhạc phổ và sáng tác được phép lưu hành tại VN trước khi Phạm duy về ở hẳn quê nhà ! ) ,,,Bài nhạc phổ Hương Rừng Cà Mau thật hùng hồn mang rõ nét văn hóa, văn nghê của nhân dân vùng Nam bộ ,cảm xúc tột cùng khi nghe bài thơ chan chứa hồn quê này !!! Hoành Châu (Gia đình C )