TÂN TÂY LAN – NHỮNG NGÀY THÁNG THA PHƯƠNG K 4
Trở về Wellington với nỗi u buồn đè nặng trong tâm trí, nghĩ đến cha mẹ, anh chị em còn ở tại quê nhà, nghĩ đến thân phận mình, không biết rồi đây sẽ ra sao, lòng tôi nặng trĩu. Gia đình tôi đã hai lần trải qua bao nhiêu gian khổ, không hiểu lần thứ ba này có còn đủ sức để chịu đựng hay không…Chúng tôi, những giáo chức Việt Nam cùng khoá đều có chung tâm trạng, nhất là những người đã có gia đình, có vợ con hoặc chồng con ở nhà, mặc dù chẳng ai nói với ai, mọi người đều ôm nỗi buồn rầu, lo lắng cho riêng mình.
Tôi không hiểu những bạn cùng khoá nhưng khác quốc tịch có đồng cảm với nỗi đau buồn của chúng tôi hay không vì chẳng có ai tỏ lộ gì cả, có thể họ là người Á Châu nên không muốn bộc lộ tình cảm của mình, hoặc đây là một vấn đề quá tế nhị nên họ chưa đủ thân để nói ra những lời an ủi. Tuy vậy ít tháng sau, một anh bạn Việt Nam trong lúc vui miệng đã kể cho tôi nghe là một anh đồng khoá người Thái Lan đã thổ lộ, anh ta sẵn sàng cưới tôi nếu tôi đồng ý và đem tôi về sống tại Thái Lan, Thái Lan và Việt Nam ở gần nhau nên tôi sẽ cảm thấy gần với gia đình tôi hơn và nhờ đó mà nỗi buồn cũng giảm bớt. Cám ơn lòng tốt của anh bạn đồng khoá nhưng tiếc thay anh ta không có đủ can đảm để ngỏ lời trực tiếp với tôi, nếu không, biết đâu bây giờ tôi đang là thần dân của vương quốc Thái Lan!
Hai ba tháng sau, tôi là người đầu tiên trong nhóm nhận được một lá thư của em tôi gởi từ quê nhà, nói sao cho hết nỗi vui mừng khi được biết Ba Mẹ và tất cả các anh chị em đều bình yên, nhìn hai tấm ảnh được gởi kèm mà nước mắt tôi dàn dụa. Sau đó cứ vài tháng tôi lại nhận được tin nhà, có thể nói dạo ấy tôi sống như người mất hồn, tưởng chừng như đang từ từ rơi vào một hố đen sâu thẳm, tuy nhiên “the show must go on” nên tôi phải tiếp tục phấn đấu để hoàn tất khoá học và sửa soạn, sắp đặt cho những ngày sắp đến của mình. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại lấy được bằng tốt nghiệp với điểm tốt bởi vì trong việc học “một nửa hồn tôi đã bỏ đi mất dạng”, phải chăng những kinh nghiệm sống mà tôi đã trải qua lúc tuổi còn ấu thơ đã giúp tôi đủ sức mạnh để không bỏ cuộc nửa chừng.
Phố chính của Wellington, phải đi qua hàng ngày để đến trường
Ba chị em chúng tôi vẫn ngày ngày đi bộ tới trường, qua phố chính với bao nhiêu cửa hàng đông đúc, mỗi lần ngang qua hàng thịt tôi lại phải nín thở, không phải vì dơ bẩn mà trái lại rất sạch sẽ, thịt thà đều sắp đặt trong các tủ kính bóng loáng, ngăn nắp, thức nào ra thức ấy, người bán đều mặc đồng phục trắng, đội mũ trắng rất tươm tất, nhưng cái mùi oi oi, ngây ngấy của thịt cừu đã làm cho tôi phải dội lại, trong suốt thời gian ở Tân Tây Lan tôi đã thử nhưng không thể nào ăn được, mặc dù thịt cừu nói chung được biến chế cũng như món lamb chops là những thức ăn rất được ưa chuộng ở đây. Vì là xứ sở của cừu nên thịt cừu rẻ nhất trong các loại thịt, tiếp đến là thịt bò, thịt gà, đắt nhất là thịt heo. Chúng tôi đã quen thịt heo nên sang đây dù không rẻ như những loại thịt khác vẫn phải mua để làm món ăn hàng ngày, thường là cho buổi cơm tối. Buổi trưa, chúng tôi đem theo vài miếng sandwich để ăn nhẹ tại trường, thay vì ăn tại Cafeteria, nơi bán thức ăn nóng cho sinh viên, giá đắt, không thích hợp với túi tiền của chúng tôi.
Hình 2/ Mặt tiền một cửa hàng thịt tại Tân Tây Lan
Hình 3/ Quầy hàng bên trong của tiệm bán thịt
Có một món quà mà tôi ưa thích ngay từ lúc được thử miếng đầu tiên, đó là món kem. Kem va ni, kem sô cô la, kem dâu tây hoặc các thứ trái cây khác đều quyến rũ khẩu vị của tôi, kem Việt Nam không thể nào so sánh được vì kem ở đây được chế biến từ những nguyên liệu tươi tốt, nhất là sữa tươi, cứ nhìn những đàn bò an bình gặm cỏ trên những ngọn đồi xanh ngát thì cũng đủ biết là những đàn bò này sẽ cho một loại sữa thật tuyệt diệu. Có lẽ các trại nuôi bò được chính phủ tài trợ thêm một phần nên sữa tươi thời đó rất rẻ, chỉ vài ba xu (cent) là đã có một lít sữa tươi ngon mát, vừa thơm vừa béo. Tối hôm trước chúng tôi để những chai sữa đã được rửa sạch trước cửa nhà, muốn có mấy chai thì bỏ số tiền tương xứng vào chai, sáng sớm hôm sau sẽ nhận được số chai sữa mà mình muốn, cũng để ngay ở chỗ cũ và không bao giờ bị mất mát gì cả.
Không giống như Việt Nam, buổi tối cũng như ngày cuối tuần, thiên hạ đổ xô ra đường để dạo phố, để mua sắm hoặc chỉ để đi ra ngoài cho thoải mái, tại đây cứ 6 giờ chiều là các cửa hàng đều đóng cửa, đường phố vắng tanh, mọi người đều ở trong nhà để cùng chia sẻ thời giờ với gia đình. Hai ngày cuối tuần cũng vậy, không ở nhà lo vườn tược thì chở nhau đi picnic hoặc đi ra bờ biển, trong khi phố phường không có một bóng người, cửa hiệu đóng im ỉm. Mỗi tuần chỉ vào ngày thứ năm các cửa hàng mở đến tám giờ tối để những ai bận rộn trong tuần có dịp đi mua sắm cho cả tuần.
Đời sống của người dân Tân Tây Lan tại thủ đô Wellington cứ thế mà êm đềm trôi qua, khi đó trong tôi là cả một cơn sóng dậy, cố gắng thật nhiều để quên bớt những mối ưu phiền khi nhớ lại hoàn cảnh của mình, đôi khi cũng bận tâm về hoàn cảnh của Tâm Thạnh. Trong ba chúng tôi chỉ có Tâm Thạnh đã lập gia đình và có hai con nhỏ, cả hai đều là gái và mới lên ba, lên bốn. Từ khi đặt chân tới Wellington, chúng tôi luôn ở chung một phòng và hàng ngày đi học cùng với nhau, tuy không giống tính nhau nhưng cũng rất thân thiết, chúng tôi tới lúc vào thu, nhiệt độ khoảng trên 20 độ C, đối với những người quen với khí hậu nóng và ẩm trên 30 độ thì cảm thấy lạnh vô cùng. Chúng tôi thường mặc áo len, áo khoác ngoài, có lần chúng tôi đang co ro vì lạnh, vẫn còn giữ thói quen ở quê nhà, đi chậm rãi, khoan thai để không bị chê là “số gian nan không giầu” trong khuôn viên Đại Học lúc đổi giảng đường thì có một người đi ngang qua, “chào các cô, các cô lạnh lắm phải không, nếu lạnh các cô phải đi nhanh lên mới ấm được, rất tiếc là tôi không giúp được các cô nhiều hơn”. Chúng tôi đang còn ngạc nhiên, chưa kịp trả lời thì ông vọt qua thật nhanh và đã ở đàng xa, bước chân dài, lanh lẹ trong bộ quần áo nhẹ, sơ mi ngắn tay. À thì ra Mr Roger, một trong những ông thầy dậy chúng tôi, vui tính và hay nói đùa, chắc ông buồn cười lắm khi thấy cách ăn mặc cũng như cách đi đứng của ba chị em chúng tôi dạo ấy.
Cũng vì phải đương đầu với nỗi lo buồn, phải miệt mài với việc học nên tôi ít chú ý đến mọi sự xung quanh cũng như tới hai người bạn ở cùng. Cho tới một hôm trên đường tới trường, tôi đi phía sau Thạnh, nhìn bạn tôi bỗng giật mình, thân hình Thạnh thay đổi một cách là lạ và có vẻ đẫy đà hơn trước, nhìn kỹ hơn nữa để rồi nhận ra, bạn tôi đúng là đang có mang, tôi hỏi và được Thạnh xác nhận. Trước khi lên đường sang Tân Tây Lan cả hai vợ chồng Thạnh đều biết là đứa con thứ ba đang nằm trong bụng mẹ được vài tháng, tuy nhiên đi học ở ngoại quốc là một dịp may khó có lần thứ hai nên cả hai quyết định là Thạnh sẽ lên đường và ít nhất cũng học được năm bảy tháng trước khi trở về Việt Nam để sanh con. Bây giờ thì ý muốn đã không thành và đứa con thứ ba của Thạnh sẽ được sinh tại Wellington như số trời đã định.
Vài tháng trước khi sanh, để có chỗ ở thoải mái hơn trong tương lai cho mẹ con Thạnh, tôi đồng ý dọn về ở cùng Thạnh trong cư xá sinh viên Everton Hall vừa mới được xây xong, ngay cạnh trường Đại Học. Chúng tôi chia nhau một căn hộ gồm năm phòng với ba cô sinh viên người Tân Tây Lan, căn hộ mới tinh và đầy đủ tiện nghi, có phòng khách rộng cùng chung với phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh. Ở đây chúng tôi chỉ cần đi bộ năm phút đã tới trường và cũng tránh cho “bà bầu” không phải cực nhọc để leo dốc cao. Vài tháng sau Thạnh chuyển bụng, tôi và Mary, cô bạn ở cùng, đem Thạnh tới bệnh viện để sanh, vì là con “dạ” nên Thạnh sanh rất nhanh tuy vậy Mary và tôi cũng hồi hộp không kém trong khi chờ đợi, thương cho bạn “đi biển mồ côi một mình” đúng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Cũng may mọi việc xảy ra tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, ông bác sĩ phụ trách ra bắt tay chúng tôi thay vì bắt tay ông xã của Thạnh còn ở mãi tại Việt Nam, để chào mừng. Thạnh được chuyển vào phòng nằm của sản phụ, Mary và tôi vào thăm hai mẹ con, cậu bé Lê Linh Tân đã ra chào đời vào ngày 14/9/1975 đang nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ, bà mẹ hơi có vẻ mệt mỏi nhưng nét mặt rạng rỡ, hân hoan. Theo luật của Tân Tây Lan, đến năm 16 tuổi cậu bé có quyền quyết định có muốn trở thành công dân Tân Tây Lan hay không.
Cũng vì vấn đề gia đình, sau khoá học, Tâm Thạnh không còn chọn lựa gì hơn là xin trở về Việt Nam. Sau hơn hai năm chờ đợi, đơn xin hồi hương mới được chấp thuận nên giữa năm 1978 Thạnh đã đưa con rời Tân Tây Lan, trở về Huế để gia đình được đoàn tụ tại quê nhà. Chỉ có điều thật đáng buồn là đứa con gái nhỏ của Thạnh đã qua đời vì chứng sốt xuất huyết trong khi Thạnh đang lên máy bay tại Tân Tây Lan để trở về Việt Nam.
Trong khuôn viên Đại Học Victoria (Wellington 1975)
T-P : Kim Lan, Hồng Khanh, bé Linh Tân,Tam,Tâm Thạnh
hàng ngồi : vợ chồng Tâm Thạnh và Linh Tân (Huế 2015) hàng đứng: một người bạn của gia đình
(Còn tiếp)
bài và ảnh Lê Thân Hồng Khanh