VÀI CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Ngày đăng: 18/11/2016 05:49:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)

Sáng nay tôi qua phà về An Bình với một cảm giác lâng lâng khó tả. An Bình là một xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đó là quê hương thứ hai của tôi và cũng là nơi tôi đã gắn bó cuộc đời dạy học của mình hơn ba mươi năm. Dòng sông Cổ Chiên vẫn hiền hòa với những đám lục bình trôi man mác. Chiếc phà quen thuộc vẫn vô tư với bao lượt khách lại qua…Tất cả đều bình thường, chỉ có lòng tôi nghe xao động. Có lẽ tôi đang nôn nao vì sắp hội ngộ những đồng nghiệp của mình nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (NGVN).

untitledThật ra từ lúc nghỉ hưu, năm nào tôi cũng được mời về dự ngày NGVN ở trường cũ. Nhưng dần dà không còn vui lắm vì đa số giáo viên đã được thay thế, lại quá trẻ. Số giáo viên trang lứa với tôi đã lần lượt về hưu, kẻ mất người còn. Năm nay có một sự đổi mới là trường A và trường B sát nhập, tổ chức lễ tại điểm trung tâm xã. Tất cả giáo viên đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trong xã cũng được mời về tham dự. Họp mặt thế này tôi thấy vui hơn vì có thể gặp lại những người bạn cùng lứa tuổi, đã một thời gian dài công tác chung với biết bao kỷ niệm…

Không khí buổi lễ thật ấm cúng, mang đậm nét truyền thống của ngành giáo dục. Ngoài số giáo viên đang công tác, chúng tôi những giáo viên đã nghỉ hưu gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Niềm vui rạng ngời trên nụ cười, trên mái tóc dù đã hai màu, có người chỉ còn một màu trắng toát. Bởi người trẻ nhất cũng gần sáu mươi và người cao tuổi nhất cũng đã tám mươi. Hầu như người nào cũng mang trong mình một vài chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu…Nhưng vẫn cứ lạc quan vì đó là những căn bệnh mãn tính mà người cao tuổi phải tập sống chung với nó. Ai cũng đồng ý rằng, có sống vui thì mới sống khỏe được. Vì thế, ai cũng chọn cho mình những niềm vui, những môn thể dục, ít nhất là thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ mỗi ngày. Thương nhất là những giáo viên hiện nay vẫn sống một mình, không con cháu. Nhớ vào khoảng năm 1985, lúc đó chúng tôi đều trên, dưới ba mươi tuổi, có một cán bộ Công đoàn của Trung ương về thăm trường. Khi điều tra tình hình giáo viên nữ, thấy còn độc thân quá nhiều. Ông ấy bảo: “Do cửa trường các cô đóng chặt quá!” Thật ra không phải thế đâu. Mà do tình hình lúc ấy, người có học thức cao, có địa vị xã hội thì chê giáo viên nghèo. Người có trình độ thấp hơn thì lại không dám ngó. Nông dân thì bảo cưới giáo viên về không biết lao động…Thế là không ít giáo viên cứ ở vậy…một mình!

Hiện nay, với đồng lương ít ỏi nhưng cuộc sống của người giáo viên về hưu thật nhàn nhã, vô tư. Hình như đó là bản chất của người giáo viên luôn chịu khó, nhẫn nại và chấp nhận những gì mình đang có. Nhớ lại thời bao cấp với tiền lương thật hạn chế. Mỗi tháng chỉ được mua một số nhu yếu phẩm ít oi và mười ba ki-lô-gam gạo (có lúc một nửa là bo bo). Ngoài những giáo viên bỏ cuộc giữa chừng, số còn lại vẫn vững vàng trên bục giảng. Hồi tưởng lại những ngày gian khó, lúc giao thông nông thôn chưa thuận lợi, đường sá sình lầy, cầu tre lắc lẻo. Vậy mà chúng tôi vẫn thực hiện tốt “một hội đồng hai nhiệm vụ”. Ban ngày dạy phổ thông, tối đến quơ đuốc đi dạy Bình dân học vụ. Khi đã xóa được mù chữ cho dân trong xã, chúng tôi lại thực hiện đến phong trào Bổ túc văn hóa và tham gia các công tác khác với địa phương. Trong gian nan vẫn đầy ắp tiếng cười. Bởi lúc đó chúng tôi còn trẻ, khỏe và nhiệt huyết tràn đầy. Nghĩ đến giáo viên mới ra trường hiện nay, dù nhiệm sở ban đầu có khi xa xôi một chút nhưng đa số ở đâu cũng có điện nước, có đường xe đến tận trường. Thế thì có gì đâu để phàn nàn, ngán ngại. Nói như thế không phải chúng tôi thủ cựu hay tự hào mà chỉ muốn nhắc nhở các em những điều kiện thuận lợi, đang có sẵn trong tay để các em phấn đấu.

Ngày NGVN đối với giáo viên đã về hưu không chỉ là dịp ôn lại truyền thống nhà giáo, nhớ lại những kỷ niệm đã qua; mà ngày NGVN của chúng tôi còn là dịp họp mặt để hỏi thăm sức khỏe của nhau, xem cuộc sống tinh thần, vật chất của nhau thế nào. Và cũng từ đó nhìn lại chặng đường đã đi qua, xem được mất những gì. Có người nói cái được lớn nhất của chúng tôi là được xã hội tôn vinh, được các thế hệ học sinh quý trọng. Còn cái mất của chúng tôi là mất quá nhiều sức khỏe, phải gánh nhiều căn bệnh nghề nghiệp lúc tuổi già. Nhưng suy cho cùng, nghề dạy học không thể rạch ròi giữa cái được và cái mất, khi mà sản phẩm chúng tôi làm ra chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần. Lại có quan niệm cho rằng, nghề dạy học như nghề lái đò đưa khách qua sông. Nhưng người đưa khách qua sông vẫn có thể biết được khách đã về đến bến an toàn. Còn nghề dạy học, đưa rước từng thế hệ học sinh. Dù chẳng mấy ai ngoảnh mặt lại nhìn nhưng cái bến cuối cùng là phải làm sao cho các em trở thành người hữu dụng. Với trách nhiệm nặng nề đó, người giáo viên lúc nào cũng phải tận tâm, tận lực, tất cả vì học sinh thân yêu… Thế nhưng đôi lúc, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở, khi biết một số giáo viên đã già yếu, bệnh tật, hiện nay vẫn còn phải xin “trợ cấp khó khăn”. Vẫn biết đó là sự quan tâm của xã hội, của bạn bè, đồng nghiệp nhưng tôi nghe trong lòng sao lắm nỗi xót xa!

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn dù tình nghĩa chẳng bao giờ vơi cạn. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau sau một buổi họp mặt sum vầy. Niềm vui và những món quà quý giá đối với chúng tôi hôm nay là những tiếng cười vui nhộn, những cái siết tay chân tình, những ánh mắt ấm áp của bạn bè dành cho nhau. Và còn nữa, những tiếng chào:”Thưa cô, cô có nhớ em không?”… của những em học sinh ngày xưa nay đã trưởng thành, có em đã thành đạt… Tôi thấy mình rất diễm phúc khi được về lại chốn xưa và ngôi trường yêu dấu cũ.Còn một số giáo viên vì lý do sức khỏe không đến dự được hôm nay. Cũng như quý thầy cô và một vài đồng nghiệp của tôi đang ở cách đại dương xa xôi, chưa có dịp quay lại thăm trường cũ của mình. Xin kính chúc quý thầy cô và các bạn được nhiều sức khỏe và niềm vui trong ngày NGVN này.

18/11/2016

  bài và ảnh   My Nguyễn

Có 16 bình luận về  VÀI CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

  1. Phong Tâm nói:

    Sáng nay đi dự ngày NGVN, do “Hội Cựu Giáo Chức” tổ chức. Ai  cũng vận bộ cánh đẹp đẽ, sang trọng. Nam với cà vạt tươm tất, nữ với đủ màu sắc áo dài tươi mượt, nhìn lại chỉ có riêng mình khá…xù xì, hóa ra “cô độc”, may là có nhốt vạt áo vào trong. Cũng có khen thưởng, quà tặng, có thơ-nhạc vui tươi, có màu già, sắc trẻ… Tôi là người mở hết “ống nghe”! Sau cùng là kéo vào tiệc…

    Định viết vài chuyện vui buồn nhân ngày nầy, vào trang nhà… may quá, My Nguyên đã nói thay đầy đủ hết rồi, có chen vô cũng bằng thừa. Vả lại, bài viết có chiều rộng chiều sâu, cả không gian thời gian và nhiều chi tiết được đề cập, MN hệ thống hấp dẫn, người có trong cảnh huống nầy, nhớ lại chắc không quên kỷ niệm mới đó mà đã xa.

    Cám ơn My Nguyên.

    • My Nguyen nói:

      Huynh Phong Tâm kính mến! Bài viết vừa đăng lên, nhận được phản hồi của anh em vui mừng lắm. Thật ra đây là những cảm nghĩ của riêng em, khi đưa lên trang nhà em ngại lắm. Chẳng biết có được sự đón nhận của người xem hay không? Được anh xem và có sự đồng cảm, em vừa vui vừa an lòng anh ạ!

      Em xin cảm ơn anh về những lời nhận xét tốt đẹp. Kính chúc anh luôn an lành, vui khỏe.

  2. Một bài viết thật hay nói lên được tâm tư của một nhà giáo yêu nghề coi việc dậy học như là một thiên chức, là người lái đò thầm lặng đã đưa nhiều thế hệ qua sông, hài lòng và hãnh diện về việc làm của mình mà không đòi hỏi gì cả. Đặc biệt là những nhà giáo đã phải trải qua một thời kỳ quá khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần nhưng luôn phấn đấu để vươn lên, để còn giữ lại được một chút cao quý của nghề ” gõ đầu trẻ”.

    Cám ơn My Nguyen !

     

    • My Nguyen nói:

      Cô thương kính! Đây là lần đầu tiên em bày tỏ tâm tư của mình và được Cô thấu hiểu. Đọc phản hồi của Cô em vui lắm vì đã có sự đồng cảm, sẻ chia. Học trò của Cô đã tiếp bước Cô và đã bao nhiêu năm thầm lặng với thiên chức một người thầy. Hoài bão thì thật lớn lao nhưng công sức đóng góp thì thật bé nhỏ Cô à! Em nghĩ dù đến bao giờ, dù có xa xôi đến mấy thì Cô vẫn luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đến nghề “gõ đầu trẻ” của Cô trò mình, phải không Cô?

      Em xin cảm ơn Cô và kính chúc Cô ngày NGVN thật an vui, hạnh phúc…

  3. Hoành Châu nói:

    My Nguyễn  ơi ,
    Bài viết em  hay  lắm  vì chân thành bộc bạch cái lao khổ và  niềm tự hào  của nghề ,chỉ có  trãi qua bao thăng trầm của cuộc đời đi dạy ,,,người Thầy mới hiểu  được  tâm lòng yêu nghề của mình thâm sâu cở nào , đọc bài chị thấy thương cô giáo này  quá  và lại  còn thương hơn bao cảnh đời   nghiệt  ngã  của quý Thầy Cô không được may mắn trong cuộc đời ! Không có nghề tay trái mà vẫn cơ cực ôm giữ lấy nghề,,đôi khi cũng cay đắng lắm .       Chị Hoành Châu (Gia đình C  )
    Cảm ơn

    • My Nguyen nói:

      Chị Hoành Châu ơi! Em cảm ơn chị đã đọc bài viết và chia sẻ. Đúng lắm chị à, có trải qua bao thăng trầm của cuộc đời dạy học mới chứng minh được lòng yêu nghề, nhiệt huyết đến đâu… Em chúc chị thật vui tươi và hạnh phúc trong ngày NGVN này.

  4. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Với nơi từng một thời dạy học ,tác giả đã trở lại ” thăm chiến trường xưa ” với nhiều tình cảm vui buồn lẫn lộn nói lên được hoài bảo thiết tha của mình đối với ngành giáo dục.Qua đây kêu gọi được những tấm lòng để cùng quan tâm với nghề dạy học cao quý mà đời mình đã chọn.

    Lý luận mạch lạc ,tình cảm , sự việc cụ thể .Bài viết đầy ý nghĩa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.Xin cảm ơn bạn . ( NG)

    • My Nguyen nói:

      Anh Nguyễn Gương dùng từ “thăm chiến trường xưa” vừa dí dỏm vừa sâu sắc. Vâng, chiến trường xưa của anh, của MN, của các bạn đồng nghiệp cùng thời. Ở đó, những chiến sĩ thầm lặng như chúng ta đã một thời chiến đấu, mong dành được chiến thắng, trang bị kiến thức cho thế hệ mai sau.

      Cảm ơn anh đã cho nhận xét rất chân tình của người trong cuộc. Chúc anh một ngày NGVN thật an vui, hạnh phúc…

  5. VõThịLài nói:

    Chị My thân mến ơi, em không đi nghề giáo nhưng đọc qua bài viết của chị em cảm nhận đươc cái buồn vui của người”đưa đò ” thậm lặng .Hình chị mặc chiếc áo dài truyền thống trông xinh đẹp quá ,nhìn khoảng tuổi 50 . Đúng là cô giáo làng em .

    • My Nguyen nói:

      Bạn Lài thân mến! Không phải là người trong ngành mà cảm nhận được mới thật là điều đáng quý. Mình đúng là cô giáo làng như Lài nói. Ngày xưa mới ra trường dạy ở Trà Ôn thì đi xuồng, sau về An Bình mấy chục năm đi bộ (vì nhà cũng gần trường). Sau này đi công tác thường mới tập tành chạy xe. Còn việc Lài khen trẻ thì xem lại. Hi hi…Cảm ơn bạn.

  6. Phan Lương nói:

    Chị My ui !

    Hình như chị đã nói hết nổi lòng  của những nhà giáo hưu trí , trong đó có em nửa

    Hi hi

    • My Nguyen nói:

      Phan Lương ui! Chị chỉ nói lên suy nghĩ của mình, lại được sự đồng cảm của em, vui lắm…Sao, hôm qua về lại “chiến trường xưa”, vui phải biết hé em! Một lần nữa, chị chúc em thật vui trong ngày NGVN này nhe!

  7. HOA ĐĂNG nói:

    Mấy ngày rồi máy có sự cố hôm nay mới được xem bài của MY, viết hay, những người về hưu như chúng ta chỉ còn có thế mãi mãi vẫn thế, và cứ xinh đẹp thế nhé MY.

    • My Nguyen nói:

      Chị Hoa ui! Tâm tư của em cũng là tâm tư của chị em mình, ngày xưa một thời gian khó, thế mà vẫn bám trụ đến về hưu. Cuộc sống bây giờ khá đủ đầy, rất vui nhưng những kỷ niệm vui buồn của đời dạy học không làm sao quên phải không chị? Chúc chị luôn vui khỏe.

  8. Thắm Trần nói:

    My ơi, Nếu có chụp chung hình với các bạn đồng nghiệp cũ ở An Bình, Bạn “mần ơn ” post lên trang nhà cho Thắm xem với nghe My. Mình rất nhớ và rất mong nhìn lại các anh chị ấy lắm cho dù chỉ là qua hình ảnh. Chính My là người ở tại VL còn cảm thấy bồi hồi khi quay về Trường cũ, huống hồ gì mình  đang ở  quá xa, thì cảm xúc còn nhiều biết bao nhiêu nữa. Cám ơn My trước nghe! Chúc Bạn luôn vui khỏe

    • My Nguyen nói:

      Thắm ơi! Mình rất hiểu tâm tình của Thắm. Khi viết bài này, đoạn kết bài mình đã nghĩ đến Thắm rất nhiều, một người bạn ngày nào cùng gian khó, nay cách xa nửa vòng trái đất, chưa có dịp trở lại thăm trường.

      Hình này mình chụp tại sân trường An Bình A, hôm lễ NGVN. Năm nay vì điều kiện học sinh, trường A và trường B đã sát nhập lại rồi Thắm à! Hình chụp chung bạn bè cũng nhiều, không tiện post lên đây. Mình sẽ gởi qua mail cho Thắm nhé!

      Chúc bạn luôn vui khỏe, hạnh phúc. Thân ái.

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác