TÂN TÂY LAN – NHỮNG NGÀY THÁNG THA PHƯƠNG 2
Tại khách sạn, lần đầu tiên tôi được xem TV màu, một kỷ niệm khó quên vì từ trước đến nay tại Việt Nam chỉ được xem TV đen trắng mà thôi, nhìn thấy hình ảnh, màu sắc đẹp tôi thật ngưỡng mộ trước sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Lúc đó tôi đâu biết là sau này con người đã đi lên đến mặt trăng và hiện tại cũng sẽ lên chinh phục được hoả tinh. Sau một tuần ở khách sạn, chúng tôi có chỗ ở mới theo sự lựa chọn của mình, người thì sống trong gia đình của dân bản xứ, người thì ở trong cư xá sinh viên, riêng ba chị em chúng tôi, Kim Lan, Tâm Thạnh, Hồng Khanh, dọn về ở chung với gia đình chị Hiền, nhân viên cũ của toà Đại Sứ Việt Nam tại Tân Tây Lan. Chị Hiền sống với hai con nhỏ, một gái, một trai trong một căn nhà ba tầng cách trường đại học chừng 30 phút đi bộ.
Chúng tôi được chị dành cho một phòng rộng ở lầu một, đủ tiện nghi và có thể dùng nhà bếp của chị để tự nấu nướng. Lúc bấy giờ chúng tôi rất hài lòng vì sự lựa chọn của mình nhưng sau này mới nhận ra là bất lợi, chúng tôi nên ở trong gia đình của người bản xứ để có thể biết nhiều hơn về tập tục cũng như sinh hoạt hàng ngày trong gia đình của người dân Tân Tây Lan, đồng thời cũng có nhiều cơ hội hơn để nói tiếng Anh.
Hàng ngày chúng tôi đi bộ xuyên qua phố chính là khu buôn bán của Wellington để đến trường đại học Victoria. “Windy Wellington” biệt danh của thủ đô lộng gió là thủ phủ cũng như là thành phố hành chánh của Tân Tây Lan, êm đềm và hiền hoà. Nói chung thành phố lúc nào cũng lộng gió, có những vùng gió nhiều, những vùng gió ít. Các cô Việt Nam thường mảnh khảnh nên dễ bị gió xô đẩy nếu không cẩn thận. Trong khoá trước chúng tôi đã có một cô giáo sư tu nghiệp bị gió đẩy ngã xuống triền đồi trong khi đang leo dốc của Đại Học, may mà không bị thương tích nặng. Trường Đại Học Victoria nằm trên một ngọn đồi cao, từ dưới đi lên phải qua một con dốc dựng đứng, những ngày đầu vượt dốc này chúng tôi có cảm giác như đã hụt hơi khi bước được vào cổng trường, nhưng rồi với thời gian chúng tôi quen dần và cuối cùng sự mệt nhọc ban đầu không còn nữa, cũng có thể nhờ đó mà sức khoẻ của chúng tôi rất tốt, trong suốt thời gian ở Tân Tây Lan chúng tôi không hề bị bệnh hoạn gì cả vì quả là đã vận động quá tốt, đầy đủ, ngày nào cũng đi bộ và leo dốc.
……………
Wellington của những ngày lộng gió,
Con dốc cao, bụi cây nhỏ hai hàng,
Victoria, trường đại học còn đang,
Hàng ngày vẫn cùng bạn vàng leo dốc.
LTHK (Tha phương)
Khoá học của chúng tôi có tổng cộng khoảng hơn 40 người gồm nhiều quốc tịch khác nhau và nhiều lứa tuổi khác nhau, ngoài những giáo chức đến từ Đông Nam Á và Phi Châu, trong khoá còn có hai người Tân Tây Lan, và một người Anh.
Ông giám đốc của học viện nơi chúng tôi học tên là H. V. George, các đồng nghiệp người Việt học những khoá trước chúng tôi có óc khôi hài nên đặt tên cho ông là Mr Hoàng Văn Giọoc, ông khoảng trên 60, tóc bạc trắng, rất hoà đồng và nói chuyện thật vui. Trong bài giảng đầu tiên, ông đã nói một câu mà tôi không bao giờ quên “learning a foreign language is guessing“.
Thật đúng như vậy, khi nghe một câu ngoại ngữ, chưa rành lắm thì chúng ta chỉ có thể hiểu được khoảng 2/3 số chữ trong câu là nhiều, phần còn lại là tự mình phải dựa vào những chữ đã biết để đoán ra ý nghĩa của câu. Trường hợp trên cũng áp dụng khi đọc sách ngoại ngữ, chúng ta không thể nào dùng tự điển để tra hết những chữ mà chúng ta chưa biết mà chính là chúng ta phải dùng trí để đoán sau khi đã thu nhập được một số chữ cần thiết. Những kinh nghiệm này phần lớn ai học ngoại ngữ đều phải trải qua nhưng có mấy ai nhận thức ra được những điều như ông George đã nói….
Ngoài những giờ học chung trong các giảng đường lớn, chúng tôi còn được chia ra từng nhóm nhỏ khoảng 10 người để học lý thuyết và thực tập cách giảng dậy Anh Ngữ, đây cũng là trọng tâm của khoá tu nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi có thời khoá biểu hàng tuần để biết trong tuần sẽ học môn gì và học ở giảng đường hoặc phòng nào, trường rộng nên đi kiếm ra phòng học ban đầu cũng không phải là chuyện dễ.
Hình 2 : Chờ giờ học trước giảng đường
Trường Đại Học Victoria là một trong những đại học xưa và lớn nhất Tân Tây Lan, được thành lập từ năm 1897, toạ lạc trên một ngọn đồi cao, bao gồm nhiều phòng ốc dùng làm phòng học và giảng đường trong những dãy nhà xưa cũng như những dãy nhà mới xây. Dẫy nhà xưa thật đẹp được xây theo kiến trúc cổ toàn bằng gạch đỏ, có tháp cao, mặt tiền có loại dây leo (ivy) có lá giống như lá nho phủ kín cả tường.
Mùa xuân và hạ, lá cây xanh ngắt, sang thu, lá đổi màu đỏ thắm, một màu đỏ mà tôi mới thấy lần đầu tiên, lạ và đẹp mắt, khi đi ngang khu này bao giờ tôi cũng dừng chân đôi phút để ngắm nhìn. Sang đông bao nhiêu lá đều rụng hết, chỉ còn trơ lại những rễ cây màu nâu bám chằng chịt trên tường trông như một bức hoạ đồ. Đẹp như vậy nhưng tiếc thay khu vực này trong tương lai bị phá đi vì nằm ngay nơi sẽ có động đất bất thình lình đi qua, gây nguy hiểm cho sinh viên. Thật đáng tiếc nhưng đó là chuyện “chẳng đặng đừng” chứ đâu có ai muốn xoá bỏ những di tích lịch sử như vậy.
Hình 3 : Khu nhà xưa của Đại Học Victoria vào mùa thu
Như đã nói, Tân Tây Lan nằm trong vùng động đất nên trong thời gian ở Wellington tôi cũng đã trải nghiệm qua rất nhiều cơn động đất, may mắn là rất nhẹ nên không có thiệt hại gì đáng kể, thường chỉ xảy ra ban đêm và chỉ làm hơi rung rinh giường nằm, có nhiều khi ngày hôm sau đọc báo mới biết vì quá say giấc điệp nên không cảm nhận được sự “lay chuyển” của đất trời……
Sự lay chuyển của đất trời đã thực sự đến với tôi ngày 30/4/1975, biến chuyển thời cuộc, đất nước đổi thay khiến tôi cũng như các bạn đồng nghiệp Việt Nam khác bàng hoàng, trí óc như bị tê liệt….trước đó cũng có theo dõi tin tức trên truyền hình nhưng không ai ngờ sự việc lại có thể xảy ra nhanh như thế được, cũng may là tin đến trong khi chúng tôi đang trên đường trở về Wellington sau chuyến du lịch vào dịp được nghỉ lễ Phục Sinh, nếu không chắc chắn là chúng tôi sẽ không còn tâm trí đâu để tiếp tục cuộc du lịch đầu tiên trên đất nước KiWi này……
Tin chợt đến thình lình như cơn lốc,
Lạnh cả người, lạnh tới cả tâm can,
Thu New Zealand chưa thấy có lá vàng,
Mà cứ tưởng đang mùa đông băng giá.
LTHK (Tha phương)
( còn tiếp)
bài và ảnh Lê Thân Hồng Khanh