TÂN TÂY LAN- NHỮNG NGÀY THÁNG THA PHƯƠNG
LỜI TÁC GIẢ : Chỉ hơn hai tháng sau ngày đặt chân đến Tân Tây Lan với tư cách là một nhà giáo nhận học bổng tu nghiệp về ngành dạy Anh ngữ, tôi trở thành một kẻ tha phương ngoài ý muốn vì biến đổi thời cuộc ở quê nhà. “Tân Tây lan-Những ngày tháng tha phương” là tập hồi ký nhỏ của tôi viết về tâm tư cũng như những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua tại đây. Tập hồi ký này sẽ được chia ra làm năm đoạn và sẽ được đăng liên tiếp trong năm tuần lễ, mỗi tuần một lần. Hy vọng sẽ được anh chị em cũng như quý vị đọc giả trang nhà đón nhận.
Trong bốn đoạn đầu, xin quý vị đừng viết phản hồi. Tôi xin hân hoan đón nhận tất cả các phản hồi của các anh chị em và quý vị đọc giả dành cho tôi vào đoạn thứ năm của tập hồi ký, tất cả những phản hồi trước đó xin quản trang giữ lại và chỉ đăng vào đoạn năm tức là đoạn kết mà thôi. Xin các anh chị em và quý vị độc giả thông cảm và xin cám ơn trước.
TÂN TÂY LAN- NHỮNG NGÀY THÁNG THA PHƯƠNG
I – Giữa năm 1974 trong lúc đang dạy học tại trường Trung học Trần Hưng Đạo, tôi quyết định nộp đơn xin học bổng Colombo để đi tu nghiệp một năm tại Tân Tây Lan (New Zealand). Chương trình Colombo do hai nước Úc và Tân Tây Lan thành lập và tài trợ, cấp học bổng về nhiều ngành học, đại học cũng như hậu đại học cho các công dân tại các nước thứ ba, nhất là những nước thuộc vùng Đông Nam Á. Tôi xin được đi tu nghiệp ngành“Teaching English as a second language”, một chương trình dành cho các nhà giáo dạy Anh ngữ.
Sau khi đã trải qua nhiều kỳ thi, chúng tôi, những nhà giáo dạy Anh Văn tại các trường Trung học công Lập ở các nơi thuộc miền Nam Việt Nam, được ông Tuỳ viên Văn Hoá của Toà Đại sứ Tân Tây Lan phỏng vấn, đây là chặng đường cuối cùng để được quyết định, mặc dù qua những chặng đường trước đã có nhiều người bị rớt đài, cũng dễ hiểu bởi vì người dự thi thì đông trong khi số học bổng rất hạn chế.
Khi nhận được giấy báo chấp nhận của toà Đại sứ Tân Tây Lan, tôi thật vui, đây là cơ hội hiếm có để tôi trau dồi nghề nghiệp, mở rộng tầm mắt cũng như kiến thức của tôi. Ước mơ được ra học ở nước ngoài có thể nói là ước mơ của phần lớn của người Việt thời bấy giờ. Ba mẹ tôi và tất cả các anh chị em đều vui với nỗi vui của tôi.
Bắt đầu từ đây tôi thường phải xin phép nghỉ dạy để về Saigon lo thủ tục xuất cảnh, phải làm đủ thứ giấy tờ, nhiêu khê vì những thủ tục hành chánh “con rùa” thuở trước, tuy nhiên ban giám hiệu của trường Trần Hưng Đạo đã dành cho tôi mọi sự dễ dàng nên tôi không bị cản trở. Sau khi đã hoàn tất các thủ tục cũng như việc khám sức khoẻ, chẳng bao lâu tôi nhận được sự vụ lệnh cho phép được xuất ngoại vào giữa tháng 2/1975 để tu nghiệp một năm tại Tân Tây Lan. Nói làm sao hết nỗi vui mừng khi cầm cuốn sổ thông hành trong tay lần đầu tiên trong đời.
Nhóm giáo sư Anh Văn được học bổng đi tu nghiệp gồm có mười hai người đến từ nhiều tỉnh nhưng gần ngày đi có một cô giáo ở Cần Thơ đã từ chối học bổng vì lý do gia đình. Giữa tháng hai, phái đoàn của chúng tôi gồm tám nam và ba nữ lên máy bay khởi hành từ Tân Sân Nhất đến Wellington, thủ đô của Tân Tây Lan. Trước đó trong nhóm, tôi chỉ quen biết chị Kim Lan vốn là bạn học với chị tôi ngày xưa ở Phan Thiết. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở Saigon nên đã hẹn nhau cùng làm một số giấy tờ ở Nha Du Học, còn với những đồng nghiệp khác thì đây là lần đầu tiên tiếp xúc và chuyện trò, một đồng nghiệp nữ nữa là Tâm Thạnh, đến từ Huế, sau này Tâm Thạnh và tôi rất thân thiết cũng do một sự việc quả là bất ngờ xảy đến mà trong những đọan sau tôi sẽ tường thuật.
Mẹ tôi và các em tôi tiễn tôi tận phi trường, riêng ba tôi chỉ chia tay tại nhà, khi ôm ba để từ biệt, tôi thấy ba tôi thật buồn. Phải chăng ba tôi có linh cảm là cha con chúng tôi phải cách xa nhau, không phải chỉ một năm mà mãi mười năm sau mới được gặp lại.
Nhóm chúng tôi, mười một người, ai cũng khăn áo chỉnh tề, quý ông mặc đồ lớn, thắt cà vạt, quý cô quần tây, áo kiểu rất đẹp mắt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được xuất ngoại và được đi một cuộc hành trình thật dài bằng máy bay. Chúng tôi có chỗ ngồi gần nhau, máy bay đi chưa được bao lâu thì một anh trong bọn bị say máy bay và nôn mửa, không lấy túi kịp nên làm bẩn cả quần áo đẹp. Máy bay của chúng tôi ngừng ở phi trường Kuala Lumpur nên cả phái đoàn có dịp chụp chung một bức hình lưu niệm tại đây. Đến phi trường Singapore chúng tôi phải đổi máy bay nên nghỉ chân một khoảng thời gian, có một chút rắc rối vì một đồng nghiệp đã đem theo một vài món vũ khí mà anh cần dùng để tập võ tại Tân Tây Lan, thuở ấy không có vấn đề khủng bố như ngày nay nên cũng được giải quyết ổn thoả, nhanh chóng và các món vũ khí gươm dao được gởi theo hành lý chứ không được cầm tay.
Hình 1: Phái đoàn giáo chức chụp tại Phi trường Kuala Lumpurtrên đường bay đến Wellington, New Zealand (2/1975)
Chúng tôi đến phi trường của thủ đô Wellington vào đêm khuya, tuy vậy ông Tuỳ Viên văn hoá của toà Đại Sứ Việt Nam đã có mặt để chào đón, sau đó có xe của tổ chức Colombo đưa chúng tôi về khách sạn tại trung tâm thành phố. Nơi đây có những thành viên của các nước khác đã đến trước, phái đoàn của Mã Lai, Singapore, Nam Dương, Đại Hàn, Thái Lan, Cambodia, Phi Luật Tân và một thành viên duy nhất đến từ Ethiopia, Phi Châu. Xem ra thì chỉ có nhóm Việt Nam là đông nhất còn những nhóm khác chỉ có chừng năm ba người là nhiều…
Những ngày kế tiếp, chúng tôi được đưa đi thăm những thắng cảnh của Wellington, tất cả mọi nơi đều thật là mới lạ đối với tôi, phong cảnh, khí hậu, con người…Tôi thật ngạc nhiên khi thấy rất nhiều ông Tân Tây Lan mặc áo vest, thắt cà vạt, đi giầy tây thật trịnh trọng nhưng nhìn xuống phía dưới thì ôi thôi, các ông lại mặc quần short…, ống quần dài tới gần đầu gối. Chỉ có chúng tôi là ngoại quốc thì thấy lạ nhưng ở đây là chuyện thường, có thể vì khí trời nóng, quý ông mặc như vậy cho chân cẳng được mát mẻ chăng.
Hình 2 : Cùng với giáo chức thuộc các nước khác tham quan phongcảnh đẹp của Wellington
Chúng tôi được đưa đến chỗ cao nhất để ngắm toàn cảnh của thành phố Wellington, được đi thăm bãi biển cát trắng trải dài, được đến miền đồi cao nhìn thấy những cây Dương xỉ to lớn không ngờ, đây là loại cây mọc rất nhiều ở Tân Tây Lan và một trong những loại cây có nguồn gốc từ thời xưa cổ.
Hình 3: Trên đỉnh cao nhất của Thủ đô Wellington, phía dưới là toàn cảnh của thành phố
Cũng nhờ những chuyến đi chơi này chúng tôi có dịp làm quen với các đồng nghiệp cùng khoá nhưng khác quốc tịch cũng như rất chênh lệch về tuổi tác. Các cô Thái Lan nhỏ nhắn, xinh xắn, có vài cô da ngăm ngăm nhưng rất có duyên, các cô Phi Luật Tân, Nam Dương, Đại Hàn chững chạc vì cũng lớn tuổi hơn, một cô người Cambodia, nhỏ người nhưng rất năng động và hay cười, về phần các nam đồng nghiệp thì không hiểu sao tôi ít chú ý đến và cũng ít trò chuyện với các vị này, về tuổi tác thì cũng chênh lệch như phái nữ. Tuy nhiên nói chung, tất cả đều dễ mến và sẽ là bạn đồng song trong một năm dài.
(còn nữa)
bài và ảnh Lê Thân Hồng Khanh
Hình 4: Kim Lan & Hồng Khanh trước Bộ Ngoại Giao New Zealand tại Wellington
Thưa Cô
Nhân được đọc bài viêt́ của Cô về chuyến tu nghiệp tại Tân Tây Lan, xin được nhờ Cô xem là khi đoàn của Cô đến thì những Thầy Cô đến từ các khóa trước cô Nguyễn Khoa Diêụ Nhạn khi đó còn tu nghiệp tại đây không.
Do em và nhiều học trò cũ cuả Cô Nhạn mất tin từ năm 1975 đến nay muốn biết tin để̉ có dịp thăm lại Thầy cũ nên làm phiền Cô, mong Cô lượng thứ.
Cảm ơn Cô
Trương Minh Khách
Theo như cô biết thì thường khoá tu nghiệp bắt đầu khoảng cuối tháng hai và chấm dứt vào cuối năm nên khi khoá mới đến thì khoá cũ đã trở về nước.
Rất tiếc là cô không thể giúp em về tin tức của cô Nguyễn Khoa Diệu Nhạn được, chúc em sẽ tìm lại được cô giáo cũ qua những nguồn tin khác. Cám ơn em đã theo dõi bài viết của cô. Gởi lời thăm em cùng gia đình.
Cô Hồng-Khanh