Phật giáo Nguyên thủy-Thượng tọa bộ – Phật giáo Phát triển

Ngày đăng: 8/10/2016 07:55:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Ngày xưa khi học sử ký thấy sách đề là 90% người Việt theo đạo Phật. Phần lớn chúng ta là Phật tử vì chúng ta theo truyền thống của ông bà, cha mẹ để lại từ ngàn xưa; ông bà, cha mẹ theo đạo nào thì con cháu, các thế hệ sau cứ thế mà tiếp tục.

Hầu như ai cũng biết những điều căn bản của đạo Phật mà chúng ta áp dụng trong cuộc sống hàng ngày là ăn hiền, ở lành, làm điều tốt, sống hoà hợp với mọi người, sẵn lòng giúp đỡ những người khốn khó, lâm nạn. Rất ít người có ý thích hoặc có cơ hội để tìm hiểu tận tường về tôn giáo mình đang theo vì ngày xưa việc tìm được sách để đọc cũng không phải là chuyện dễ. Ngày nay truyền thông điện tử đã giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc mở mang kiến thức hoặc tham khảo mọi vấn đề, ngay cả vấn đề tôn giáo.

Trang nhà xin được giới thiệu với bạn đọc đường link dưới đây của GS NGUYỄN VĨNH THƯỢNG viết về PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ, một bài biên khảo rất công phu, mở mang kiến thức cho những người muốn tìm hiểu thêm về Phật giáo.

Trang nhà xin cám ơn GS Nguyễn Vĩnh Thượng và hy vọng sẽ còn nhận được nhiều bài biên khảo của GS về nhiều đề tài để chia sẻ với tất cả bạn đọc của trang nhà.

Dưới đây là đường link của bài viết, xin mời tất cả các bạn đọc vào xem.

LTHK

https://drive.google.com/file/d/0B_PBr0BqG0ZUaWM2bXJVOHdyNEk/view?usp=sharing

0-phat

Buddha painting in Dambulla cave temple, Sri Lanka

Nguồn: Net

Phật giáo Nguyên thủy-Thượng tọa bộ – Phật giáo Phát triển                                                               

 

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
NVT

Trong bài viết này tôi sẽ trình bày:

I.Dẩn nhập : những cuộc tranh luận về danh xưng Mahayana, Hinayana và Theravada.

II.Các thời kỳ chính trong lịch sử Phật giáo Ấn độ:

1.Thời Kỳ Phật giáo Nguyên thủy.
2. Thời kỳ Bộ phái : Thượng Tạo Bộ và Đại Chúng Bộ …
3. Thời kỳ Phát khởi và hưng thịnh của Phong trào Phát triển Phật giáo:
a. Các bộ kinh điển quan trọng của Phong trào Phật giáo Phát triển.
b.Hai trường phái tư tưởng mới trong Phong trào Phật giáo Phát triển:
Trung Quán Tông của Nagarjuna và Duy Thức Tông của hai anh
em Asanga và Vasubandhu .
4. Thời kỳ cuối cùng của Phong trào Phát triển Phật giáo: Mật giáo.

III. Kết luận.

I.Dẩn nhập: Những cuộc tranh luận về danh xưng Mahayana, Hinayana và Theravada

Kể từ giữa thế kỷ thứ 20 cho đến nay, các diễn đàn Phật giáo trên thế giới đã có nhiều cuộc tranh luận về danh xưng Mahayana, Hinayana và Theravada.
Trong lịch sử Phật giáo, chữ Mahayana, Hinayana và Theravada không thấy xuất hiện trong thời gian Đức Phật lịch sử (historical Buddha) còn tại thế.

Chữ Mahayana thấy xuất hiện trong tác phẩm “Đại thừa khởi tín luận”                  ( 大乘起信論, Srt. Mahayana Sraddhotpada Sastra, Anh. The Awakening of  Faith in the Mahayana, có nghĩa là “Làm phát khởi niềm tin đối với Đại thừa”) của Asvaghosa [VH Mã Minh (khoảng 80 – 150 Tây Lịch), Ngài là một triết gia và thi sĩ của Ấn độ vào khoảng thế kỷ thứ 1 Tây Lịch. Sau đó, 2 chữ Hinayana và Mahayana xuất hiện trong “Kinh Diệu pháp Liên hoa” (Saddharma Pundarika Sutra, Anh. Lotus Sutra).
Vào khoảng thế kỷ thứ 2 Tây Lịch, Nagarjuna (VH. Long Thọ, khoảng 150 – 250 Tây Lịch) đã phổ biến chữ Mahayana rồi phát khởi một tư trào phát triển tư tưởng Phật giáo, trong phong trào này thấy nhiều chổ xuất hiện chữ Hinayana với ý hạ thấp Hinayana đối với Mahayana. Nagarjuna là một triết gia Phật giáo lớn của Ấn độ sau ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Nhiều nhà nghiên cứu Phật học Tây phương đã đề cao Nagarjuna là vị Phật lịch sử thứ hai.

Chữ Mahayana gồm có chữ Maha= đại, lớn, Anh. Great; chữ Yana = thừa, cổ xe, Anh. Vehicle. Người Trung Hoa dịch chữ Mahayana là Đại Thừa (大乘, Chiếc xe lớn, Anh.Great Vehicle). Trong trào lưu phát triển tư tưởng Phật giáo, các luận sư muốn đề cao các giảng luận về các lời dạy của Đức Phật lịch sử của mình nên họ đặt ra chữ Hinayana để chỉ các trào lưu tư tưởng có trước họ, và cho rằng Hinayana thấp kém hơn Mahayana.

Chữ Hinayana gồm có chữ Hina = tiểu, nhỏ, Anh. lesser, smaller; Yana= thừa, cổ xe, Anh. vehicle. Người Trung Hoa dịch chữ Hinayana là Tiểu Thừa (小乘,Chiếc xe nhỏ, Anh. lesser,smaller vehicle). Rồi họ đem gán cho tông phái Theravada là Hinayana. Thật ra trong tiếng Sanskrit hay Pali thì chữ phản nghĩa của Maha (đại,lớn, Av. big, great) là chữ culla (nhỏ, lesser, smaller). Như vậy, cập từ Mahayana (Đại Thừa)/Hinaya (Tiểu Thừa) nhằm mục đích hạ thấp phe đối lập Hinayana. Chữ Hina ở đây được dùng với nghĩa là một sỉ nhục (insult), đáng khinh (despicable), như vậy Hinayana có nghĩa là một cổ xe đáng khinh bỉ ( the despicable Vehicle). Tiếng Hinayana có một giá trị tương đương với chữ “Nigger” có nghĩa là mọi, để ám chỉ người Phi Châu da đen ở Hoa Kỳ (Afro-American person). Do đó chúng ta không chấp nhận chữ Hinayana/Tiểu Thừa ở trong Phật giáo. Brother Chan Khoon San trong bài  “No Hinayana in Buddhism” đã khẳng định điều này (nguồn: http://www.urbandharma.org/pdf/NoHinayana.pdf); và Mr. Kare A. Lie trong bài “The Myth of Hinayana” (Huyền thoại về chữ Tiểu Thừa) cũng xác nhận:
Hinayana is a highly derogatory term. It does not simply mean “Lesser Vehicle” as one often can see stated.The second element of hinayana- that is “Yana” means Vehicle. But hina very seldom has the sinple meaning of “lesser” or “small”. If that had been the case, the Pali (or Sanskrit) texts would have used it in other connections as an opposite of maha (big). But they don’t. The opposite of maha is “culla”, so this is the normal word for “small”.
(source: http://www.budsas.org/ebud/ebdha140.htm)
(dịch: Hinayana (Tiểu Thừa) là một thuật ngữ có ý nghĩa lăng mạ/xúc phạm nặng nề. Nó không có ý nghĩa giản dị là chiếc xe kém hơn như người ta thường có thể thấy . Yếu tố thứ hai của hinayana là “yana” nghĩa là chiếc xe. Nhưng hina ít khi có nghĩa đơn giản là “kém hơn” hay “nhỏ”. Nếu điều đó được coi là một trường hợp phải xử lý thì trong các văn bản Pali (hay Sanskrit) phải dùng nó với ý nghĩa có liên kết với tiếng phản nghĩa của maha (big, đại, lớn). Nhưng nó không có liên kết như vậy. Bởi vì chữ phản nghĩa của maha là culla, vì vậy culla là chữ thông thường có nghĩa là nhỏ (small).
(Nguồn: http://www.budsas.org/ebud/ebdha140.htm)
Từ lâu thường có sự lẩn lộn Hinayana với Theravada. Vào thời điểm Mahayana phát sinh, thì Theravada đã chính thức di nhập qua nước Sri Lanka. Như vậy thì thuật ngữ  Hinayana đã được dùng để gán nhản hiệu cho tông phái nào vào thời kỳ đó vậy ? Vào thời đó có hai tông phái  chính ( two major Nikaya Schools) trong số 18 hay 20 bộ phái sơ khai của Phật giáo (Early Buddhist schools) là:                           –Sarvastivada ( Hán Việt: Nhất Thiết Pháp Hữu Bộ, 一 切 法 有 ),                    tông phái này chủ trương các pháp đều hiện hữu).
Dharmaguptaka (Hán Việt: Pháp Tạng Bộ,  法藏 ), Ngài Pháp Tạng kết tập các lời giảng của Thầy mình là Mục Kiền Liên, Ngài chia giáo lý của Đức Phật làm thành 5 tạng: Kinh, Luật, Luận, Chú và Bồ-tát tạng. Vì vậy có lẽ hai bộ phái này là đối tượng nhắm tới cho nhản hiệu Hinayana với nghĩa nhục mạ. Người Trung hoa đã dịch chữ hina là tiểu với ý nghĩa xấu này. Mr. Kare A. Lie trong bài The Myth of Hinayana đã kết luận:
“Therefore, there is no Hinayana, Hinayana is nothing but myth, although a confused and disruptive one, and wise Buddhists ought to lay that word at rest on the shelves of the Museum of Schims, where it rightly belongs, and find other words to denote those spiritual attitudes that they wish to define.”
(Source: http://www.budsas.org/ebud/ebdha140.htm)

(dịch: Vì vậy, không có tiếng Hinayana (Tiểu Thừa), Hinayana không có một ý nghĩa nào khác hơn mà chỉ là một huyền thoại, là một thuật ngữ dễ gây lẫn lộn và gây rối rắm, và những người Phật tử khôn ngoan phải cất chữ Hinayana này lên kệ sách trong Bảo tàng viện của sự chia rẽ, nơi đó chữ này sẽ được thay vào những chữ khác có thể biểu lộ thái độ tinh thần mà người ta muốn định nghĩa”.

Với ý nghĩa Hinayana (Tiểu Thừa, Lesser Vehicle) là một thừa thấp kém, và với sự lẩn lộn Theravada là Hinayana; nhất là ý tưởng gán Hinayana lên Theravada, nên tông phái Theravada đã triệu tập Hội nghị Phật giáo Thế giới để giải quyết vấn nạn này:

“… Therefore, in 1950 the “World Fellowship of Buddhists” inaugurated in Colombo unanimously decided that the term Hinayana should be dropped when refering to Buddhism existing today in Sri Lanka, Thailand, Burma, Cambodia, Laos etc…”
(Venerable Dr. W. Rahula, Theravada-Mahayana Buddhism, from “ Gems of Buddhist Wisdom”, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur, Malayasia, 1996, Source: Internet)

(dịch: Bởi vậy vào năm 1950, Hội Phật giáo Thế giới khai mạc ở Thủ đô Colombo của xứ Sri Lanka đã đồng thanh quyết định rằng chữ Hinayana (Tiểu Thừa) phải được xoá bỏ vì chữ này không có liên quan gì với đạo Phật đang tồn tại hiện nay là tông phái Theravada ở các nước Sri Lanka, Thái lan, Miến điện, Campuchia, Lào, v…v…)

GS Dominique Trotignon, Giám đốc Đại học Phật giáo Âu Châu (Directeur de l’Université Bouddhique Européenne) trong bài “Pour en finir avec le “petit véhicule” (Chấm dứt chữ “Tiểu Thừa”):
A dire vrai, le “petit véhicule” –ou, plus précisément, le “Véhicule inférieur” !- est une expression qu’on ne peut trouver que dans les seuls textes et qu’existe réellement qu’au sein même du seul “Grand Véhicule” ).
(Source:http://www.bouddhisme-universite.org/Dossier_Le-petit-vehicule )

(dịch: Nói một cách thành thật thì chữ “Tiểu Thừa” –với ý nghĩa một thừa thấp kém!- là một cách diễn đạt mà người ta chỉ thấy duy nhất trong các kinh sách Đại Thừa.)

Như vậy phong trào Mahayana muốn đề cao các tông phái của mình nên hạ thấp, lăng mạ nặng nề các tông phái khác bằng cách gọi các tông phái này là Hinayana.

Trong Đạo Đức Kinh, Lảo Tử ( ? – ? , có lẽ sống vào thế kỷ thứ ba trước TL) đã viết:
Hán văn:

天 下 皆 知 美 之 為 美, 斯 惡 已; 皆 知 善 之 為 善, 斯 不 善 已.

故 有 無 相 生, 難 易 相 成, 長 短 相 形, 高 下 相 傾, 音 聲 相 和, 前 後 相 隨. Phiên âm:

  1. Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.
  2. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.

Dịch :

“Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; đều biết thiện là thiện do đó mà phát sinh ra quan niệm về ác.

Bởi vì “có” và “không” sinh ra nhau,  “dễ” và “khó” tạo nên lẫn nhau, “ngắn” và “dài” làm rõ lẫn nhau, “cao” và “thấp” dựa vào nhau, “âm” và “thanh” hòa hợp với nhau, “trước”  và  “sau”   theo nhau”.

Như vậy cập tiếng Mahayana và Hinayana nương nhau mà tồn tại. Hinayana là thấp kém để nâng cao Mahayana  trong trào lưu sơ khai của Mahayana ở Ấn độ. Giờ đây các nhà nghiên cứu Phật học, các học giả Tây phương, các vị Trưởng lão thuộc tông phái Theravada đã dứt khoát  không xài chữ Hinayana nữa thì như vậy chúng ta cũng không dùng chữ Mahayana trong Phật giáo nữa (No Mahayana in Buddhism). Chúng ta sẽ tìm một chữ để thay thế Mahayana (Đại Thừa) ở phần dưới.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng

( còn tiếp)

Có 9 bình luận về Phật giáo Nguyên thủy-Thượng tọa bộ – Phật giáo Phát triển

  1. Vợ chồng tôi rất khác biệt …Anh thực tế , tôi mơ mông..Trong khi tôi thích đi du lịch, vui với cảnh vật thiên nhiên, thơ văn ướt mượt, thì anh lại bộn bề bên chồng sách, hai cái computers chưa đũ, đôi khi ổng còn lấn qua computer của riêng tôi…Từ khi cưới nhau, mấy chục năm qua, tôi lúc nào cũng mệt vì sách của ổng…Tôi thầm nghĩ..Không biết một mai khi chúng tôi qua đời, các con xử lý thế nào với  cái thư viện dưới tầng hầm ( basement ) của ổng..Tính khác nhau là vậy, nhưng ơn trời cũng qua những cuộc bể dâu, vẫn thương yêu mãi tận bây giờ….Mặc tôi mơ mộng…mặc anh nghiên cứu những triết lý, tôn giáo ( Ai biểu tôi yêu ông thầy dạy triết làm chi !!!)….Hôm nay thấy trang nhà giới thiệu một tài liệu nghiên cứu của ổng…Tôi bật mí một chút về hai đứa tôi…

  2. PhươngNga nói:

    Rất kính phục kiến thức uyên bác của thầy.

    Em nhớ lúc ở San Jose,  thầy cùng với thầy Tùng, cô Loan, và đứa đệ tử bon chen là…em, bàn luận về sư sãi thời nay. Cùng đi đến kết luận: mở “thương hiệu” chùa ở Mỹ chắc chắn có…lời. Mỹ không bắt chùa đóng thuế lợi tức!

    • Phạm thị Trí. nói:

      Thầy được gặp gở P.N ở San Jose , vẫn nhớ tính tình vui vẻ hài hước của em…Mong rằng gia đình em sẽ có dịp đến Canada…

  3. Hoành Châu nói:

    Kính thưa Thầy ,
    Cảm ơn công trình nghiên cứu  thâm sâu  về  đạo giáó   của Thầy  ,,
    Em biết  vài  điều  về Phật Giao nguyên thủy, hai từ nguyên thủy nhắc ta nhớ lại  cái nguồn   cội từ khi Đức Thế Tôn còn tại thế cho đến khi Ngài nhập định Niết Bàn ,,và sau đó      @@@1 / Lẽ tất nhiên  từ “Tiểu Thừa” không được Phật Giáo Nguyên thủy  chấp nhận @@@ 2/ Như ta biết , Trì bình khất thực  là một  trong  những  phạm hạnh  cao  quý nhất  của người tu  sĩ  Phật giáo nguyên thủy,,,nhưng tiếc thay vì tính đặc thù, phức tạp  của  xã hội ngày nay  , đã có công văn chính thức không  cho phép các tu sĩ đi trì bình khất thực   ngoài  đường  phố,,,  Tuy nhiên ,truyền thống  này  vẫn còn được  giữ  lại được  trong khuôn viên Chùa , vòng quanh Chánh điện  trong các  ngày đại lễ , đây cũng là điều đáng  mừng  cho các Phật Tử  và những ai  có tâm từ bi , bố thí cúng dường làm phước !     @@@ 3/Các tu sĩ bên Phật Giáo  Nguyên Thủy ( PGNT ) không bắt buộc dùng chay ,,, cũng   bắt   nguồn    từ  ý   nghĩa ,,không đòi hỏi, không chấp chay  mặn  : miễn thí chủ  cúng dường vật thực  gì thì mình  độ vật thực  ấy , như Đức Thế Tôn đã từng  ,,,   nhưng từ sau NGỌ  ( SAU 12 GIỜ TRƯA )  vị tu sĩ ấy  không    được phép  dùng gì,  chỉ   uống  nước và  chất loãng  mà   thôi ,ngày nào cũng thế . với ý nghĩa  là   dành   nhiều   thời    giờ   cho   tu   tâp.
    Kính  chào Thầy  .Chúc Cô Thấy vui , khỏe !   Em Hoành Châu (Gia đình C  )

     

     

    • Nguyễn Vĩnh Thượng. nói:

      Cám ơn em Hoành Châu đã đóng góp thêm về Thượng tọa bộ ( Phật giáo nguyên thủy ) làm phong phú thêm bài nghiên cứu của tôi.

  4. Bạn ơi, ngạn ngữ Đức có câu “Gegensätze ziehen sich an”, có thể dịch là những gì trái biệt hay khác biệt nhau thường lôi cuốn nhau, có thể áp dụng trong trường hợp của bạn và ông xã của bạn. Những sự khác biệt có thể làm chúng ta đôi khi bất đồng tuy nhiên nó đã làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn vì đã bổ sung cho nhau những gì mà người kia không có.

    Mỗi người có một đam mê nhưng đam mê sách vở, đam mê khảo cứu là một đam mê đáng được đề cao, nhờ đó chúng ta và đọc giả mới được thưởng thức những bài biên khảo hay và công phu của GS Nguyễn Vĩnh Thượng.

  5. Kính thưa thày Nguyễn Vĩnh Thượng,

    Em xin mạn phép đưa ý kiến của mình, một người tu tại gia và sự hiểu cũng còn thô thiển; nhất là em chưa nghiên cứu nhiều những tạng kinh sách; có điều gì sai sót xin thày chỉ dạy.

    Em tu tập theo sự chỉ dạy của Hoà Thượng đã quá cố và những kinh sách em được đọc. Theo em được biết đã có một đại hội Phật giáo nói về Tiểu thừa và Đại thừa để loại bỏ Tiểu thừa ra khỏi danh xưng.Từ lâu, theo sư thày của em ,danh xưng Nam tông và Bắc tông đã được một số người dùng để thay thế cho danh xưng Tiểu thừa và Đại thừa. Sư thày cũng nói Phật Giáo Nguyên Thuỷ có nhiều tư tưởng rất hay, nếu chúng ta bỏ qua thì thật thiếu sót.  Nhưng sư thày cũng biết đa số người Việt đi chùa chỉ để lễ lạy, cầu xin bình an phước lộc cho gia đình và con cháu. Các vị giảng pháp muốn nói rõ những tư tưởng sâu xa trong Phật pháp thật là thiên nan vạn nan, vì đại chúng ngồi nghe sẽ chán và buồn ngủ!

    Trong kinh Pháp Hoa ( Phẩm Thí Dụ thứ ba ) Đức Phật đã nói về một căn nhà lửa, ngài đã dụ dỗ các con thoát ra bằng cách cho các con ba loại xe: xe Dê,xe Hưu,và xe Trâu lớn tượng trưng cho Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa và Đại thừa ( Đại thừa chỉ quả vị Phật) người cầu Đại thừa gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát.  Sau đó, trong Phẩm Hoá Thành Dụ thứ bảy, Đức Phật cũng giảng rằng: vì trên quãng đường tu tập, đa số mệt mỏi muốn bỏ cuộc nên ngài đã hoá ra thành để mọi người vào nghỉ ngơi. Thành , dụ cho Thanh Văn thừa. Kế đến ngài nói chỗ Niết Bàn đó chưa phải là chân thật mà còn phải tu tiến đến Đại thừa tức thành quả vị Phật.  Có lẽ vì thế mọi người cho rằng Đại thừa khinh miệt Tiểu thừa.  Nhưng thật ra muốn tu đến quả vị Phật thì người tu sẽ phải loại bỏ tâm cao hạ. Coi mọi người là Phật sẽ thành và dùng tâm vui mừng để tán thán những người cùng đi trên đường đạo.  Vì chỉ còn một chút tâm kiêu mạn sẽ không thấy được Phật tánh làm sao thành Phật ?  Đức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

    Còn việc Chùa chiền ở VN  là do lỗi ở đại chúng đã quá sùng bái các vị mặc áo tu mà không thấy rằng đó cũng chỉ là người đang tu hành.  Có chăng là họ được đào tạo bài bản ở các trường Phật học. Trong đám đông sẽ có lẫn lộn người tốt kẻ xấu.  Cũng là do tánh ỷ lại muốn nhờ người khác tu dùm tu thế!  Việc tu tiến thật sự là tự mình phải bước đi trên con đường Đức Phật đã chỉ rõ.

    Búp Sen xin tặng người, một vị Phật tương lai.

    Kính chào thày, chúc thày cùng gia quyến thân tâm an lạc.  ( Thiên Diệu Hương )

     

     

     

     

    • Nguyễn Vĩnh Thượng. nói:

      Cám ơn em Thanh Hương đã phản hồi.

      Qua phần phản hồi, tôi nhận thấy em đã nghiên cứu và thực hành giáo lý của Đức Phật một cách sâu sắc…nhờ vậy, con đường tu tập của em sẽ thành tựu viên mãn… Chúc em thân tâm thường an lạc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác