Ông Năm Thới Sơn và con chó ghẻ
Bữa ấy, trời lất phất mưa, sâm sẩm tối nhọ mặt người. Tôi và vài người bạn ngồi trên bè cá, sát cồn Thới Sơn (Tiền Giang), chếch bên phải là cây cầu Rạch Miễu đã sáng đèn. Chúng tôi quăng câu, lai rai và nghe lão Năm Thới Sơn tếu táo chuyện đời.
Ông Năm Thới Sơn tham gia cuộc chiến từ trước năm 1975 rồi vắt sang chiến tranh Tây Nam. Giờ ông ở trên cồn, nuôi cá bè chơi qua ngày.
Ông Năm Thới Sơn thích nhậu thịt cầy lại nuôi một con chó đã già, ghẻ khắp cùng người, rụng trụi cả lông. Ấy thế mà ông Năm Thới Sơn đi đâu nó cứ lẽo đẽo theo sau.
Mỗi bận thèm thịt cầy lai rai dăm xị đế với bạn đồng ẩm tại nhà, ông Năm Thới Sơn phải chạy tuốt qua quốc lộ 30 mới tìm được quán cầy ngon.
Lần đầu bước vào, ông chủ quán dáo dác nhìn rồi tặng nguyên cho lão cái lẩu măng và khoản mồi cùng riềng, sả, lá mơ… và mời về hổng có tính tiền.
Tao đòi trả cỡ nào thằng chủ quán cũng hổng lấy mà cứ xua tay “thôi ông về đi, về đi”. Ừ thì tao về. Bụng nghĩ thầm chắc nó quý mình, đã tham gia tận hai cuộc kháng chiến, ây dà, mà giờ còn làm đến chức tổ trưởng. Đận đó nhậu tàn canh cá lóc bây. – Lão Năm thới Sơn khoe.
Rồi tiếp vài bận, ông Năm Thới Sơn hứng ăn thịt cầy, đến quán lại được tặng mồi nhắm để đem về. Chủ quán cứ xua miết, hổng cho nhậu ở quán dù ông rất muốn.
Lần cuối, chủ quán đành nói: Con lậy bố, bố có đi ăn thịt cầy thì để con chó ghẻ ở nhà. Mỗi lần bố đến, con chó ghẻ gớm ghiếc của bố cứ ngồi chồm hổm trước quán, thực khách nuốt hổng có trôi, miếng thịt chó đã vào tới dạ dày rồi lại trào ra, mất khách hết.
À, thì ra…. ông Năm Thới Sơn xây xẩm mặt mày đi về, không cả nhận phần xáo măng chủ quán đã để sẵn trên bàn.
Ông về, xích con chó già lại, quất cho một trận. Con chó buồn, bỏ ăn hết ba ngày thì chết. Gói trong bao, thủy táng “người ban thân” theo nghi thức mà ông tin. Từ đó ông nhớ chó, nhớ bạn. Nỗi nhớ theo con nước lên xuống rong rêu bám đầy và ông tự hứa với lòng không bao giờ ăn thịt cầy nữa.
Nguyễn Đức Tuyên
Đọc xong bài viết, tự dưng thấy lòng ( không biết dùng chữ gì cho đúng ) xúc động ? trước nghĩa tình của người và vật…Hình như hiện nay, lối viết ” gói gọn” nhưng cô động ý tình như bài viết của tác giả NĐT. bên trên, rất được hoan nghênh..Phải không các bạn… ?
Đọc xong tôi cãm nhận ra bài viết gói ghém một ẩn ý thâm trầm; nếu đúng tôi … sẽ nói phục tôi một tiếng và nói phục người viết 1000 với lũy thừa 1000 lần.
Xin bái phục !!!!!!!!!!!! Bái phục !!!!!!!!!!!!
Từ xưa đến nay, chỉ thấy hai người hành văn theo lối nầy: Nguyễn Huy Thiệp và tác giả bài viết trên.
Bài viết rất cảm động,tội nghiêp con chó quá và ngậm ngùicả cho ông Năm Thới Sơn .
Đọc bài viết sao tôi thấy buồn cho thân phận con chó ghẻ của ông Năm Thới Sơn quá. Tôi nhớ có một đêm nọ trước cửa nhà tôi có một con chó thật gớm ghiết, hình như nó bị ai đó nhẫn tâm tạt nước sôi lên mình nên da nó bị lở lói , hôi hám , sáng ra vừa mở cửa nó lại chạy vô nhà tôi và chui xuống gầm giường, tôi đuổi cách nào nó cũng không ra, nhưng tôi không dám đến gần, nếu lấy cây đánh nó thì tội nghiệp quá thôi đành bỏ lơ đi, cứ thế nó cứ nằm miết ở đấy, thấy tội nên tôi đã cho nó một vùa cơm, nó cứ nằm mà ăn hình như hết đứng lên nổi, thế là tôi tiếp tục cho nó ăn, được hai ngày tôi lấy thuốc rắc lên mình nó vài bữa là da nó khô dần, ngoắc đuôi mừng khi thấy tôi đến gần, nhưng nó vẫn còn ghê lắm, hơn một tuần tôi lôi nó đi tắm và tiếp tục chăm sóc, nó bắt đầu mọc lông trở lại và trở thành một thành viên mới trong nhà….. Nếu tiếp tục nữa thì dài dòng lắm nhưng nói thế để cảm thương cho con chó nhà ông Năm Thới Sơn vì không được chăm sóc mà còn bị đòn buồn đến chết. Câu chuyện của tác giả kể sao thấy buồn quá !
Tôi không biệt phân cái sự hay dở, chỉ cảm được điều gì đó khiến lòng mình rung động. Như ai đó nói: ” Tôi thích cái tiềm ẩn, không rõ ràng, mơ hồ mà gợi liên tưởng vô hạn ” (?)
“Truyện ngắn 100 chữ”, “Truyện rất ngắn” … . Ý nghĩa thâm thuý của thể loại truyện này rất phù hợp với sự so găng không cân sức giữa cái thiện với cái ác, cái thật và cái giả của thời đại này …