Nhớ đám giỗ xưa, nhìn đám giỗ nay

Ngày đăng: 10/10/2016 08:28:29 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

Còn mấy ngày nữa là đám giỗ cha tôi, tôi bảo con gái út gọi điện nhắc mấy anh chị nó Chủ Nhật này về. Ngày chủ nhật này không đúng ngày giỗ nhưng là ngày nghỉ nên làm ngày đó cho các con về được đông đủ. Nhớ trước đây khi nhà văn Sơn Nam còn sống, ông nói làm giỗ không đúng ngày là làm cho người sống ăn, người chết có biết đâu mà về hưởng. Nhớ lời ông dạy, tôi thường cúng mâm cơm ngày chính giỗ, còn ngày nghỉ thì cho con cháu về tụ họp đông đủ để gặp nhau thôi.

Đám giỗ là dịp vui chơi

Ngày xưa ở quê, đám giỗ là dịp để bà con chòm xóm vui chơi, tôi là dân quê vậy mà vẫn nhớ mãi những đám giỗ ở nơi hẻo lánh. Nhớ có lần anh giáo viên bạn tôi rủ về Đồng Phú nhà vợ anh (Huyện Long Hồ, Vĩnh Long) để ăn giỗ. Đi ngày trước giỗ gọi là ngày tiên thường, đến nơi chủ nhà mời nước, ăn bánh nói chuyện khào đến khi nào mệt thì khách nằm võng hay bộ ván nghỉ. Tôi nằm nghe tiếng dao thớt sau bếp, bên hè và tiếng cười nói rất vui tai. Chiều nhìn ra con rạch trước nhà , xuồng máy từ từ cặp cầu bến nước. Bà con ở Hòa Ninh(xã gần đó), Tân Phong (Tiền Giang) đi đám giỗ xách cặp vịt  hay gà lên, chủ nhà chào đón vui vẻ. Ban tối, đèn măng xông rọi sáng tới sân nhà, trẻ con chơi trò cút bắt, người lớn đánh bài tứ sắc đến khuya. Những nhà có tiền, gia chủ còn rước thêm ban nhạc tài tử để  phục vụ cùng với cô bác trong làng yêu văn nghệ hát hò vui vẻ.

Một đám giỗ khác ở Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) vào mùng 10 tháng giêng. Ở Chợ Lách, tôi vừa ăn tết xong, khai trương kinh doanh đến mùng mười qua Tân Phú được thấy lại không khí tết. Ở đây là vùng sâu, ít người đi lại, hoa mai nở muộn còn ở ngoài vườn. Trong nhà, các bô lão, trung niên còn vận áo mới ngồi uống trà trò chuyện rôm rã. Bọn thanh niên trong xóm còn đem gà nòi ra xổ từng cặp, người người bu lại xem mà không sát phạt, cảnh giống như ngày Tết ở bên nhà. Đối với tôi, ăn Tết lần hai là ở chốn này.dscn6379

Ngày xưa, ở thôn quê thiếu trò tiêu khiển, truyền hình ít, muốn xem hát phải lên tỉnh chứ ở huyện cũng vắng, do vậy mà đám giỗ là nơi giải trí gần như độc tôn. Bà Mười nấu nướng ở bếp trò chuyện với cô Tám về chuyện tình của thằng Điệp với con Lan; cô sáu cho dì hai biết tháng chạp tới đây là lễ cưới của thằng Tính. Đám giỗ là trung tâm thông tin, là nơi để mọi người có dịp “tám” với nhau thoải mái. Ngồi ở đám giỗ  này, bàn tới đám giỗ , đám cưới khác vào một thời điểm cách đó không xa. Họ trông tới một đám giỗ khác để vui chơi, ăn uống sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Trung tâm đào tạo đầu bếp xịn

Phụ nữ ngày xưa ít có ai học nấu ăn có bài bản. Con gái nhà giàu được đi học chữ nghĩa là tốt lắm rồi, còn tay nấu ăn giỏi là nhờ đi đám nhiều trong xóm ấp. Ban đầu, con gái ra sau bếp để rữa chén, lặt rau, phụ gọt rau củ, sẳn dịp đó để mắt tới các “đầu bếp nhân dân” lành nghề làm gì để học lóm. Sau đó, các bà đầu bếp chỉ dẫn cách nêm nếm để rồi một ngày nọ thợ chính vắng mặt thì thợ phụ lên thay, đương nhiên thành đầu bếp lúc nào không hay biết. Có một điều lệ chẳng thành văn là không ai phân công nhưng trong xóm chia ra: mỗi người một món ăn, ít khi trùng nhau. Thí dụ cô ba Lạc thì nấu xôi vò, dì Ngọc thì có món vịt nấu chao, nhờ vậy trong một đám, gia chủ có đủ 5  – 7 món ngon để chiêu đãi không thua gì một nhà hàng chuyên nghiệp. Cũng có người học cách trình bày món ăn rất đẹp mắt, nấu món ngon nhưng không chịu đi làm cho nhà hàng. Có một trường hợp ngoại lệ là cách nay ba năm, ông chủ quán nhậu ở Bến Tre đi ăn cưới ở Chợ Lách khoái món thịt heo nấu lagu với chôm chôm của cô sáu Kim nên mời về làm đầu bếp cho quán ông, lương gấp hai lần công đi làm cỏ vườn mà còn được bao ăn ở.

Đám giỗ ngày nay

Về cơ bản thì đám giỗ ngày nay cũng không khác xưa mấy, nhưng cũng có nhiều nhà đổi ngày nghỉ cho tiện với công việc của con cháu ở thành phố. Không còn ngày Tiên thường vì sẽ tốn hao nhiều thứ và mất ngày làm. Tuy nhiên, ở quê gần đây có thêm nghề  cho thuê dàn nhạc để phục vụ văn nghệ cho các đám. Người đầu tư dàn nhạc phải có ít nhất 70 triệu đồng cho dàn âm thanh, 5 triệu đồng cho một máy tính có màn hình karaoke để người ca đọc và hát. Dàn nào xịn hơn có mướn thêm một nhạc công (đánh đàn)  thì cho thuê đắt hơn. Cứ mỗi buổi khoảng bốn giờ thì tiền thuê là 400 ngàn đồng, có nhạc công thì chủ nhà trả thêm 300 ngàn đồng nữa, rẻ hơn karaoke mà được phục vụ tại chỗ. Với giá rẻ như vậy nên không phải đám giỗ, đám cưới mới có nhạc mà đám đầy tháng cho con cũng có nhạc. Có người nói đùa nhưng là thực, ở quê cắt lúa xong cũng có nhạc, heo đẻ nhiều con cũng có nhạc ăn mừng. Do vậy mà thanh niên ở quê giờ đây ca hay hơn những người ở thành phố.

img_0147Nói ca hát mà không nhắc đến nhảy đầm ở đám giỗ là một thiếu xót. Khi chủ nhà là một trung niên thuê dàn nhạc về chơi trong đám giỗ thì thường có kèm theo nhảy đầm. Nói tới việc này, có người cho rằng họ nhảy cóc, nhảy nhái? Không đâu, chính những người biết nhảy ở thành phố về dạy cho họ, những chương trình Bước nhảy hoàn vũ trên đài truyền hình đã kích thích họ học hỏi trên đường ăn chơi này. Ông cậu của tôi nhận xét rằng, ăn học văn hóa thì khó, chứ học ăn chơi mấy hồi. Người viết không có ý phê phán, chỉ mừng cho bà con ở quê ngày nay, sau giờ lao động mệt nhọc có một thú vui để giải trí mà thôi.

bài và ảnh Lương Minh

Bài này tôi viết sau đám giỗ ba tôi, sau khi tôi kể chuyện đám giỗ ngày xưa cho các con nghe. bài gửi đi thì 3 ngày sau báo Nông Nghiệp Việt Nam đăng, sau đó trang điện tử báo này cho lên mạng. hôm rồi anh Trương Minh Khách phát hiện có đăng lại ở báo Người Lao Động có cho anh chị trang nhà hay. Nay tôi đăng lại bản gốc tôi gửi. Là người viết khi gửi bài cho báo, tôi chấp nhận sự biên tập của tòa soạn, bài có hay hơn hay dở hơn đành phải chịu vậy. Nếu mình không vừa lòng thì không công tác với báo đó nữa. Xem lại 2 báo để tham khảo

http://nld.com.vn/dia-phuong/boi-hoi-dam-gio-o-mien-tay-20161007111739004.htm

http://nongnghiep.vn/nho-dam-gio-xua-post176850.html

 

Có 5 bình luận về Nhớ đám giỗ xưa, nhìn đám giỗ nay

  1. PhươngNga nói:

    Bài viết rất hay. Đúng như lời khen ngợi của anh Trương Minh Khách.

    Nếu có hưởn (quởn) cho em ké một vài ý nghĩ về đám giổ xưa và nay, qua mắt nhìn của em.

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cám ơn đã có bạn cùng lớp chia sẻ. Hằng năm, đúng ngày giổ của ba hoặc má tui, nếu ngày thứ hai là chánh. Thì ngày chủ nhật là ngày con cháu tề tựu về ( việc nầy tui đã làm hơn 10 năm nay ), lúc cô Út ( em ruột của ba tui ) còn sống, tui bị rầy hết số. Bà nói : mầy cúng như vậy cho người sống ( anh em tụi bây ) ăn, chứ ba, má mầy có ăn được đâu. Tui cũng tranh luận tới bến : đã là người chết mà còn ăn uống gì cô ! Ngày nầy là ngày họp mặt con cháu, nhắc lại kỷ niệm của ông bà, cha mẹ. Nói gì thì nói, cuối cùng, tui phải tạ lỗi với cô Út, nếu không thì bà không ăn cơm với anh em tui. Mấy đứa em tui, đứa thì đồng ý với tui, có đứa thì nói, cứ làm theo cô Út đi anh ơi ! Để năm nào họp mặt ngày chủ nhật anh cũng bị bà la hoài. Nhưng hiện nay, thì không ai la nữa rồi, lệ thường tui cứ giữ, nhắc mấy em và mấy cháu. Hễ đám giổ ông, bà ( nội, ngoại ) nhằm ngày thứ hai, thì chủ nhật tụi bây kéo về họp mặt. Ngày sau thì chỉ có thằng em ở nhà thờ và 1 vài anh chị không có việc gì ở lại cúng thôi. Nói gì thì nói, chúng ta đừng trách nhà Văn Sơn Nam, do xu thế, ảnh hưởng lớp xưa còn nặng quá ở giai đoạn trước .

  3. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn   bài  viết hay, thiết thực và   đầy  kinh  nghiệm, tác  giả  có  một  ánh  nhìn  tổng  hợp,  đối   chiếu   và  nhận  định   thật  sắc  bén  về tâm tư  và đời sống người dân xưa  và nay. Tùy   đám   giỗ  được  chủ  nhân   tổ  chức  mà  nó   được  xem là “Hậu sinh khả quý ” hay không? Hihi .
       Hoành Châu (Gia đình C )

  4. THU CÚC nói:

    Tôi rất thích dự đám giỗ ở miền quê . ( miền Tây )  Đám giỗ ở miền quê là dịp anh chị em , bà con , dòng họ gặp gỡ nhau . :nhớ lại hình ảnh ông bà , cha mẹ ( người đã khuất ) .  Mọi người chuyện trò , thăm hỏi nhau trong bầu không khí vui vẻ , ấm áp , nghĩa tình .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác