PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ – NON MORIETUR IN AETERNUM
Thập niên 1930, ba tôi học trường Pétrus Ký, một ngôi trường được bao bọc bởi bốn con đường: Nguyễn văn Cừ, An Dương Vương, Trần Bình Trọng và Hùng Vương. Năm 17 tuổi, ba tôi mới rời trường vào làm Thư ký ga cho Hỏa xa, đó là năm 1937. Hình ảnh cậu học sinh với bộ áo dài trắng, quần trắng, mũ cối trắng của thời ấy vẫn mãi đọng cùng tôi khi nhớ đến ngôi trường này, Ngày nay, ngôi trường đã thay tên, khu đất rộng mênh mông ngày nào đã thu hẹp lại nhưng trường Pétrus Ký mãi là một trường đầy tự hào cho những học sinh mọi thời. Dù có đổi tên gì thì mọi người vẫn mãi nhớ đến con người tài hoa và đầy nỗi niềm u uẩn này.
Sáng nay, ngày kế của lễ Trung Thu, cũng là ngày giỗ của Pétrus Ký theo âm lịch, chúng tôi ghé đến nhà số 520, Trần Hưng Đạo, Quận 5 Sài Gòn để cùng tưởng niệm một con người vốn đã bị lãng quên.
Dù đường này, nơi này hàng ngày, sáng chiều tôi vẫn đi qua, nhưng hôm nay, đứng đây cùng tấc lòng chùng. Cảnh trí hoang sơ đến buồn lòng. Nơi đây sao, nơi từng sống của một nhà bác học từng được thế giới xếp hàng đầu của 18 bộ óc vĩ đại thời kỳ đó. Học giả Jean Bouchot, cuối thế kỷ 19 đã viết: “Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả với nước Trung Hoa hiện đại. Người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy đã sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học…”.
Émile Littré, nhà văn Pháp, năm 1862 đã viết: “Trên trái đất này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với người Ý Đại Lợi, người Y Pha Nho, người Bồ Đào Nha… hay người Nhựt Bổn, Mã Lai, Xiêm… Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó… Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”. Nhưng buồn thay, con người chẳng màng chính trị này đã bị vùi dập ngay chính quê hương mình.
Ngôi nhà mồ của ông, cũng do chính ông xây đã nói lên nhiều điều. Mộ của ông chỉ là một phiến đá hoa cương vàng nhạt nằm ép sát mặt đất trên có giòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ J.B Petrus Trương Vĩnh Ký. Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi). Tôi lại nhớ đến mộ phần của một con người cũng khiêm cung như ông, Bác sĩ Yersin. Mộ phần ông cũng bằng phẳng đơn sơ thế này ở vùng hoang vắng Suối Dầu Nhatrang. Dấu ấn ghi lại thời gian hoàn tất trên nóc nhà mồ “Decembre 1898”, chỉ cách ba tháng sau khi ông chết.
Cửa phụ lại là cửa chính ngày nay, hướng đường Trần Hưng Đạo, nhà mồ ghi một dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem Vos Amici Mei” (Xin hãy thương xót tôi, hỡi các anh chị là những người bạn tôi), câu này trích từ Cựu ước theo Thánh Job 19:21-27 thuật lại việc bị Thương đế và loài người ruồng bỏ: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa, mà đi săn đuổi tôi, và vẫn chưa no nê với máu thịt của tôi sao? Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời!….” Lời khẩn van sao quá bi thống của nhà học giả cả đời chỉ biết dùng văn tải đạo. Với hơn 120 tác phẩm để đời đã khiến ta có thể cúi đầu ngưỡng phục một học giả tiên phong thời phôi thai chữ quốc ngữ. Chưa nói ông là chủ biên đầu tiên của tờ Gia Định Báo của nước nhà. Hai câu đối hai bên cửa là:
Lưu bì văn dự dị thiên địa
Ủy thế linh thần tại tử tôn
Nghĩa là:
Tiếng thơm ngưng đọng trong trời đất
Ý chí lưu truyền tại cháu con
(Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường)
Hai cánh cửa hướng sau và hông đường Trần Bình Trọng cũng là hai giòng chữ Latin. Mặt sau là “OMNIS QVI VIVIT ET CREDIT IN ME NON MORIET IN AETERNVM, E.v.s jean”. Câu lấy trong Ego sum resurreectio et vita nói về sự phục sinh và sự sống: “qui credit in me, etiam si mortuus fuerit,vivet/et omnis qui vivit et credit in me, non morietur in aeternum”( Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta sẽ sống đời đời). Mặt trước, hướng Trần Bình Trọng, nay đã đóng kín cửa ngoài có giòng Latin: “Fons Vitae Eruditio Possidentis” (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó), và đôi câu đối:
“Văn chương hồi địa trục
Khí phách quán thiên đường”
đã nói lên khí phách của ông.
Chúng tôi dự định vào thắp cho ông một nén hương tưởng niệm tại bàn thờ của nhà bên hông, nhưng thật tiếc, ngôi nhà ấy đang trong thời kỳ dọn và sửa sang lại nên chỉ đành lấy tâm tưởng nhớ ông. Nói ngày giỗ của ông tổ báo chí thì cháu gọi bằng cố tại khuôn viên này cũng không hay. Đa số những người làm báo đều không biết. Ô hô, thương thay cụ Pétrus Ký.
Những giòng chữ bi thống, những niềm tự hào ẩn giấu sau các câu đối của lăng mộ ông đã lẵng lặng kể lại nỗi niềm. Như ông, chỉ ngậm ngùi và không biện minh cho mình điều gì. Tôi chợt nhớ lại câu đối của Nguyễn Phúc Ưng Thiều (1893-1975), cháu đích tôn của Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, đắp trên cổng trường Pétrus Ký:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm
Tam cương, ngũ thường nên khắc vào xương cốt
Khoa học Âu Tây cần phải ghi tạc vào lòng
Đem chính sự áp đặt lên những nhà khoa học rõ quá cay nghiệt. Nước non mình bao giờ mới biết đứng lên bước tới sánh cùng năm châu bè bạn, hay chỉ một lòng thù hận mãi khắc ghi ?
ĐẶNG CHÂU LONG
16-08 Bính Thân
Kỷ niệm 118 năm ngày mất
Học giả Jean-Baptiste PétrusTrương Vĩnh Ký
Anh Châu Long và anh Lương Minh quí mến,
Tôi là một trong những người kính phục cụ Trương Vĩnh Ký và bác sĩ Yersin . Cám ơn hai anh đã cho biết chi tiết về nhà thờ cụ Trương , những điều hai anh viết trong bài là tài liệu rất quí về cụ. Trân trọng. ( Thiên Diệu Hương )
Đọc bài viết cũng như nhìn những tấm ảnh tôi lại nhớ đến những ngày ở bến Hàm Tử, sáng nào đi học tôi cũng phải đón xe bus và trạm xe nằm trên đường Trần Hưng Đạo, xê xế với phần mộ của cụ Trương Vĩnh Ký. Thấy hàng ngày và đi qua lại nhiều lần nhưng không hiểu sao lại không đủ tò mò để vào thăm mộ của cụ lần nào cả.
Cám ơn tác giả Đặng Châu Long đã nhắc cho chúng tôi nhớ đến một nhà bác học tài hoa của nước Việt, một người mà không phải chỉ có thế hệ chúng ta mà còn được nhiều thế hệ sau nhắc đến và ngưỡng mộ.
Trân trọng và cảm phục nhà ngôn ngữ học kiệt xuất Trương Vĩnh Ký.
Càng trân trọng hơn là tấm lòng con cháu đời sau hiểu được, biết ơn và còn nhớ đến tiền nhân.
Nhờ tác giả chỉ, tôi mới biết nơi an nghỉ của bậc hiền tài khả kính. Cảm ơn tác giả Đặng Châu Long.
Pétrus Trương Vĩnh Ký , bậc hiền tài ,,, cho dẫu thời thế có ra sao chăng nữa thì trong tim các học giả tâm huyết , các Cựu Học Sinh của một thời kỳ lịch sử rực rỡ nhất của nước nhà vẫn luôn trân trọng hình tượng cao quý, khó ai làm lay chuyển tâm trí họ được ,,, nhưng buồn và thấm thía thật sự khi đọc bài này ,, chạnh lòng khi nghĩ đến các học giả mực thước trung thành của ngày nào không còn được đãi ngộ thích đáng . Buồn ơi ! Hoành Châu (Gia đình C )
`Anh Châu Long và anh Lương Minh thân mến!nhiều lần em đã đi ngang đường Trần Hưng Đạo,nhưng em không biết tí gì về ngôi nhà 520 nơi cụ Trương Vĩnh ký sinh sống . Cám ơn hai anh đã nhắc nhở và cho biết nhiều chi tiết về một nhà bác học Việt Nam lừng danh thế giới.
Cám ơn anh Đặng Châu Long…Bài viết cho người đọc hiểu biết về một học học giả , một người con đất Việt hết lòng với sự nghiệp văn hoá…Cụ Nguyễn Du đã nói ” “Nàng rằng những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh”…đừng buồn anh ạ và cũng rất dể hiểu tại sao ngôi trường trung học lớn ở miền Nam được mang tên Người
Tôi đã có cơ may, có thời gian dạy nơi ngôi trường nầy…Lối kiến trúc gợi tôi nhớ đến trường TPH.Vĩnh long..Ngôi trường khởi đầu sự nghiệp giáo dục của tôi.( Rất tiếc kiến trúc cổ kính của ngôi trường TPH. bị xoá nhoà không phải vì chiến tranh mà vì lòng người ) …
Cảm ơn tác giả Châu Long đã cho mọi Người biết thêm những tư liệu quý về Cụ JB. PKý. Lê Liên rất Ngưỡng Mộ bậc Trí Giả này anh ạ .
Qua bài viết, nhất định Liên sẽ đến 520 THĐ để Viếng Thăm Người cho Thỏa Lòng.
Kính chúc hai anh Sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn, để cống hiến cho đời những bài viết mang giá trị cao .
Đặc biệt anh Lương Minh . Lê Liên rất thích những câu chuyện sống động về đời sống, , về tập tục ngày xưa nơi quê hương Miền Nam của anh . Nếu anh không viết lại thì thiệt thòi cho thế hệ sau lắm , các bạn ấy chẳng có những trải nghiệm quý giá như anh .
Mỗi ngày một chút , viết thôi! Vì quỹ thời gian của anh em mình bây giờ ngày một hiếm quý anh ạ . Liên mong được đọc những bài viết hay của anh !
Thân Ái ,
Em , Lê Liên .
Cám ơn tất cả các bạn đã luôn quan tâm những tiền hiền của đất nước. Hy vọng bài viết nhỏ này giúp ích cho các bạn chút thông tin có ý nghĩa về một con người cả đời cống hiến tri thức cho đất nước. Thân mến. Đặng Châu Long