Hai bà Chúa Thơ Nôm đạo thơ
Trong tình cờ, đọc được bài viết ” Xuân của Xuân Hương – với bài thơ Đánh Đu..” của Ngô Vưu trường Quốc Học Huế nơi trang Thơ Đường Đất Việt. Ngô Vưu đã không ngớt lời ca ngợi nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“… Ít viết về đề tài mùa xuân nhưng thơ Xuân Hương bài nào cũng tràn trề sức trẻ. Tả mùa xuân, nữ sĩ chọn một trò chơi dân gian.
ĐÁNH ĐU
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không !
…Hồ Xuân Hương tả khéo đến mức bạn đọc có thể hình dung đối tượng rõ mồn một từ toàn cảnh đến cận cảnh. Từ việc cây đu được dựng như thế nào đến cảnh chơi đu, kiểu chơi đu của con trai con gái xưa. Các cặp từ láy đối nhau: khom khom – ngửa ngửa, phấp phới – song song…
…Hai câu kết là lời trách móc, nuối tiếc: Vui chơi đón xuân mà có biết đến tình xuân? cuối vụ chơi xuân, các cột đu lại nhổ đi hết, chỉ còn trơ lại các lỗ cọc và rồi người ta sẽ lấp đi. Chân tình mà cũng thật chua chát về thói vô tâm đáng trách của người đời…
…Cái tài của Xuân Hương là biết tìm và diễn tả những điểm gặp gỡ, tương đồng giữa sự việc này và sự việc kia, giữa cái thanh và cái tục. Vì những lí do tế nhị, trên sách vở, người ta chỉ giảng cái thanh, nhưng để hiểu, để cười tủm tỉm, thích thú và thấm thía tài nghệ về chữ nghĩa của Xuân Hương thì phải hiểu nghĩa của cái tục.
Ở lớp nghĩa này, hai cặp thực, luận phát huy hết khả năng đăng đối của nó.
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Thử sắp xếp ra từng cặp: trai – gái, đu – uốn, khom khom cật – ngửa ngửa lòng. Tổng hợp các yếu tố đối: nghĩa, từ loại, phối thanh, nhịp… tất cả tạo được hình ảnh trai gái chồng khít lên nhau, tạo được cảm giác bằng trắc, trên dưới êm ái, nhẹ nhàng; đạt được hiệu quả cao nhất của cảm giác thẩm mỹ. Đặc biệt từ cật ở câu luận là một danh từ chỉ bộ phận cơ thể nhưng đứng sau từ láy khom khom nó thường được hiểu là một động từ, âm cuối ất trắc cao như các âm gật, bật, lật tạo cảm giác hành động, có nhịp nhanh, liên tục… càng hay chứ sao!
Hình ảnh hai hàng chân ngọc duỗi song song thì có lẽ chỉ có thơ, mà phải là thơ Xuân Hương mới tả được như vậy. Họa sĩ làm sao vẽ được đôi chân khỏe đẹp, co duỗi sống động, nhịp nhàng đến thế. Trong trường hợp này, nghệ thuật hội họa đành chào thua nghệ thuật ngôn từ.
Hai câu kết là một sự liên tưởng độc chiêu của Xuân Hương. Chơi xuân có cảm nhận được xuân, có tình với xuân không? Thời gian đi, mối tình nào chẳng tàn, cuộc vui nào chẳng tan. Mở đầu bài thơ là cảnh khéo khéo trồng cọc, thì kết thúc bài thơ là cảnh cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không uể oải, mệt mỏi, pha một chút ngậm ngùi, nuối tiếc. Hình ảnh ở hai câu này quá rõ nhưng cũng không bắt bẻ được là nó tục. Cái đó là do người đọc tự liên tưởng, tác giả có nói đâu? Cái tài của Xuân Hương là sờ sờ ra đấy…”
Có lẽ nhà giáo Ngô Vưu chưa hề biết thơ đời Hậu Lê có bài “Cây Đánh Đu” trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Đây là một Bài Thơ dạng Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn, một dạng thơ rất thông dụng thời Hậu Lê. Nếu biết, Ngô Vưu có khen cách dùng chữ ở hai cặp Thực và Luận không?
Cây Đánh Đu
Bốn cột lang nha cắm để trồng,
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập
Như thế, Ngô Vưu có phải đã khen sai đối tượng chăng?
Điều này, làm tôi chợt nhớ đến bài viết của TS Phạm Trọng Chánh trong trang Giới Trẻ :
“…Bài thơ CHỢ TRỜI được khắc vào đá núi Thầy, Sài Sơn dưới có ghi rõ : « Đề năm Hồng Đức thứ bảy »(1476) tác giả là Thiên Nam Động Chủ, tức Vua Lê Thánh Tông.
CHỢ TRỜI
Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi,
Chẳng thú đâu hơn thú Chợ Trời.
Sáng sớm mưa tan, trưa nắng đứng,
Chiều hôm mây họp, tối trăng chơi.
Hàng bày hoa quả tư mùa sẵn,
Chợ góp giang sơn một thú vui.
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Lại đây mặc cả một đôi lời.
Bài thơ đã tạc vào đá, không thể nhầm lẫn, không thể sửa chữa vài chữ, rồi bảo đó là thơ Hồ Xuân Hương…”
Chợ Trời
Khen thay con Tạo khéo trêu ngươi.
Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời!
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng,
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi, buôn danh nào những kẻ,
Chẳng nên mặc cả một đôi lời.
Hồ Xuân Hương
Không chì riêng Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan còn để lại cho chúng ta nghi vấn về gốc của bài thơ “Vịnh Đèo Ngang”.
Theo Nguyễn Vĩnh Tráng qua bài viết “Phải chăng Bà Huyện Thanh Quan đã trau chuốt lại bài thơ “Đèo Ngang” nguyên thủy ? ” được đăng trên trang Chim Việt Cành Nam như sau:
“…tôi tìm thấy trong Contes et Légendes du Pays d’Annam của Lê Văn Phát, viết năm 1913, in lần thứ 2, tại Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1925, có bài “Le Râle d’eau ” . Trong ” Le Râle d’eau ” lại có bài “Đèo Ngang”, vô danh, rặt chữ Nôm, văn phong rất mộc mạc, còn nội dung thì giống hệt nội dung bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài ” Le Râle d’eau ” kể chuyện ngày xưa. Chuyện vua La Hoa (?) nước Chiêm Thành đem quân đánh Giao Chỉ. Môt cận thần tên Quốc đã hết lời can gián và xin hoãn lại cuộc viễn chinh, nhưng nhà vua không nghe. Biết rằng trận chiến này thế nào cũng đem lại thất bại, Quốc xin theo, hầu quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúa.
Cuộc chiến xảy ra ở Đèo Ngang. La Hoa, quá hiếu chiến, quá chủ quan, tiến thẳng đến trận tiền, nên bị trúng tên mà chết. Quá đau đớn, Quốc liều xông ra chém giết giữa muôn tên ngàn giáo để báo thù. Nhưng đơn thương độc mã, nên Quốc đã chết dưới làn sóng của địch quân. Quá uất ức, hồn của Quốc không siêu thoát được, cứ phảng phất quanh Đèo Ngang để tìm xác chủ, nhưng vô hiệu quả. Sau đó Quốc tái sinh dưới dạng con chim Cuốc để đêm đêm rít lên những tiếng kêu bi ai của một vị trung thần khóc quốc vương tử trận: “Quốc Quốc, La Hoa “, Quốc ở đây, còn La Hoa ở đâu ?
Một văn nhân vô danh, đi qua Đèo Ngang, nhớ lại chuyện xưa, đã làm bài thơ ” Đèo Ngang “.
Ông Lê Văn Phát chỉ để lại hai tác phẩn La vie intime d’un Annamite et ses croyances vulgaires, (Bulletins de la Société des Etudes Indochinoises, Imprimerie F.H Schneider Sàigòn 1907 ), và Contes et Légendes du Pays d’Annam, (Imprimerie de l’Union Nguyễn Văn Của, Sàigòn 1913), bằng chữ Pháp. Như thế, có thể ông Lê Văn Phát không biết nhiều về các tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan. Những bài của ông Lê Văn Phát viết, toàn là chuyện cổ tích, huyền thoại dân gian cả. Bài «Đèo Ngang» trong Contes et Légendes du Pays d’Annam có thể là một giai thoại dân gian lâu đời, có trước thời Bà Huyện Thanh Quan chăng. Sau đây là bài “Đèo Ngang” theo ông Lê Văn Phát :
Đèo Ngang
Qua ải Đèo Ngang bóng ác tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen ba.
Non cao rải rác tiều vài lão,
Đất rộng lai rai xóm mấy nhà.
Nhớ chúa đau lòng con Quốc-Quốc,
Kêu người mỏi miệng tiếng Hoa-Hoa.
Dừng chơn ngóng cổ miền non nước,
Một tấm lòng riêng ta với ta.
Vô danh.
[ … Quốc-Quốc, tên của trung thần Quốc]
[ … Hoa-Hoa, tên của vua La Hoa]
Vậy phải chăng Bà Huyện đã lấy bài đó, đã có từ lâu, và trau chuốt lại thành một bài thơ bất hủ như ta đã biết”
Vịnh Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Bà Huyện Thanh Quan
Một vấn đề thật thú vị. Thuở còn đi học, tôi chưa bao giờ được thầy cô nói về vấn đề nầy. Có phải do chương trình của Bộ thiếu sót khi đưa những bài thơ này vào chương trình dạy, hay tại những nhà biên soạn sách giáo khoa không ghi chú rõ ràng, trong khi những tài liệu đều có sẵn?
Nếu đứng trên quan điểm ngày nay, đây là hành động Đạo Thơ của Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan. Còn thời trước, tôi thật sự không biết, có lẽ do lúc đó không có tác quyền.
Nhưng thú thật, tôi rất thích thú với những bài thơ chỉnh sửa qua thi tài của hai bà Chúa Thơ Nôm này
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
Đọc bài viết “Hai Bà Chúa Thơ Nôm đạo thơ” của anh thật thú vị, càng củng cố thêm sở đắc mà tôi gặp qua ngòi bút và kiến thức văn học với sự cần cù, phát hiện đầy sáng tạo của anh, có lẽ với cá nhân tôi không thể nào có được.
Rất bất ngờ và thú vị với bài sưu tầm này. Nếu quả có như trong bài viết (sic!), xin hãy xem như đó là lỗi lầm của hai nữ thiên tài.
Nếu quả đúng như vậy thì không lẽ các nhà phê bình văn học của chúng ta thuở trước lại có thể không nhìn ra một sự thật hiển nhiên như vậy mà chỉ có một người duy nhất đề ra.
Đây là điều đáng được đem ra bàn luận và phải có ý kiến cũng như sự khảo cứu của nhiều người có uy tín về văn học trong nước.
Xin hỏi tác giả Huỳnh Hữu Đức có nghiên cứu kỹ, có kiểm tra lại trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập về bài thơ Cây Đánh Đu cũng như bài Đèo Ngang của tác giả vô danh do ông Lê Văn Phát đề ra chưa.
Nếu chưa chắc chắn thì không thể khẳng định là hai nhà thơ nữ nổi tiếng trong văn học Việt Nam đã ” đạo thơ ” được.
Trong một xã hội ” trọng nam, khinh nữ “, những nhà thơ nữ nổi tiếng thường là cái gai trước mắt của quý vị mày râu xem thường phái yếu.
Một biên soạn công phu và thú vị của anh Hữu Đức.
Không lẽ có “tư tưởng lớn gặp nhau” giữa các tác giả ?
Còn như hai nữ sĩ tài hoa của chúng ta “lấy bài đã có từ lâu” và “trau chuốt lại” thì cũng đồng ý với nhận xét của anh Hữu Đức: hai nhà thơ nữ đã thể hiện tài năng sử dụng tiếng Việt tuyệt vời qua các bài thơ Nôm ấn tượng.
Thưa cô Hồng Khanh, anh Phong Tâm, Hoàng Long và Nguyễn Thị Hạnh,
Huỳnh Hữu Đức thật vui qua sự quan tâm của Các Vị đối với bài viết này.
Thưa cô Hồng Khanh,
Xin phép được copy lại câu viết của Cô:
“…không lẽ các nhà phê bình văn học của chúng ta thuở trước lại có thể không nhìn ra một sự thật hiển nhiên như vậy mà chỉ có một người duy nhất đề ra.
Đây là điều đáng được đem ra bàn luận và phải có ý kiến cũng như sự khảo cứu của nhiều người có uy tín về văn học trong nước…”
Thưa Cô,
Hai bài ” Chợ Trời” và bài “Vịnh Đèo Ngang” tôi có viết trong bài về xuất xứ được trích từ những học giả. Riêng bài ” Cây Đanh Đu” tôi cũng mạnh dạn cho rằng đây chính là bài thơ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, tác giả là Lê Thánh Tôn. Một chứng minh khác rất thuyết phục là dạng thơ Đường Luật Thất Ngôn Xen Lục Ngôn. Đây là một thơ rất được một số nhân vật nổi tiềng trong triều đại Hậu Lê sử dụng. Kèm theo đây là link Xem thơ của Lê Thánh Tôn: ” http://www.thivien.net/L%C3%AA-Th%C3%A1nh-T%C3%B4ng/author-FSJg5-ivZkPUR1nhJkA6Fg “
Thưa Cô,
Như vậy không phải tôi là người duy nhất đưa ra như Cô nghĩ. Và chính tôi cũng nêu thắc mắc trong bài viết. Xin copy lại cho rõ:
“...Một vấn đề thật thú vị. Thuở còn đi học, tôi chưa bao giờ được thầy cô nói về vấn đề nầy. Có phải do chương trình của Bộ thiếu sót khi đưa những bài thơ này vào chương trình dạy, hay tại những nhà biên soạn sách giáo khoa không ghi chú rõ ràng, trong khi những tài liệu đều có sẵn?…”
Kính
Huỳnh Hữu Đức
Cám ơn tác giả Huỳnh Hữu Đức đã giải thích thêm, tuy nhiên tôi vẫn thấy có một điều gì không ổn về vấn đề ” đạo thơ ” đã được tác giả nêu ra. Đây không thuộc vào phạm vi hiểu biết của tôi nên tôi đang đi tìm những người quen biết có kiến thức sâu rộng về vấn đề này để nhờ giải đáp thắc mắc hiện đang có.
Tôi chợt nhớ, trang nhà ngày trước thường có bài đăng của ông đồ Đỗ Đức Chiêu, nếu tình cờ vào trang nhà, đọc bài ” Hai bà chúa thơ Nôm đạo thơ “, xin ông đồ cho ý kiến thì hay biết mấy. Tuy vậy cũng cám ơn tác giả Huỳnh Hữu Đức đã đưa ra một đề tài khiến chúng ta phải quan tâm và suy nghĩ.