TẢN MẠN VỀ BÁNH MÌ 3 của cô Hồng Khanh
Đọc ” Tản mạn về bánh mì ” của Trần Ngọc Vui, của Nguyễn Hoàng Long, của Lương Minh, tôi chợt nghĩ, mình đang sống trong một xứ nổi tiếng về bánh mì, một quốc gia
đã tự hào là quán quân về bánh mì hay nói khác hơn là vô địch thế giới về bánh mì mà tại sao lại không giới thiệu bánh mì của nơi tôi đang sinh sống với quý vị đọc giả.
Quả như thế, Cộng Hoà Liên Bang Đức đã nổi tiếng lâu nay về bánh mì và có tới 300 loại bánh mì khác nhau, không phải chỉ khác nhau về hình thể mà điểm chính là khác nhau về nguyên liệu dùng làm bánh cũng như cách nướng để trở thành thành phẩm tới tay người tiêu thụ.
Như chúng ta đã biết nguyên liệu chính để làm bánh mì là bột mì, tại Đức ngoài lúa
mì ( Weizen) được dùng làm bánh mì ở khắp nơi trên thế giới, còn có lúa kiều mạch ( Buchweizen ), lúa yến mạch ( Hafer ), lúa đại mạch đen ( Roggen ), lúa đại mạch ( Gerste ). Những loại lúa này đều được dùng làm bánh mì, nguyên chất hay pha trộn với nhau, nhiều khi trong bánh mì còn trộn thêm các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt mè v..v…Cắt một cái bánh mì, bên trong không phải chỉ có ruột màu trắng mà còn có những loại bánh mì có ruột từ xám đến nâu đen, tuỳ theo loại bột và cách pha trộn bột. Màu càng đậm thì vị bánh mì càng đậm đà hơn, với khẩu vị của người Việt thì lúc đầu sẽ thấy khó ăn và không ngon nhưng với thời gian, khi đã quen thì bánh mì trắng sẽ thành nhạt nhẽo vô cùng.
Hình 1/ Quầy hàng của tiệm bánh mì tại Đức Bước vào một tiệm bánh mì, chúng ta thấy trên các kệ bày biết bao nhiêu là loại bánh mì có hình dạng khác nhau, hình khối chữ nhật, hình tròn, hình bầu dục…..mỗi bánh thường có trọng lượng từ 500g-1000g, ngoài ra còn có các loại bánh mì dài baguette và loại bánh mì được chiếu cố nhiều nhất là bánh mì nhỏ, hình tròn lớn bằng nắm tay mà người Đức gọi là Brötchen, loại bánh mì này thường được dùng trong buổi điểm tâm. Những loại bánh mì ổ lớn khi ăn cắt ra thành từng lát được ưa chuộng trong bữa ăn tối mà người Đức gọi là Abendbrot ( Abend là buổi chiều tối, Brot là bánh mì ).
Hình2/ Bánh mì Brotchen, đặc sản của Đức
Một lý do nữa để giải thích tại sao người Đức lại có nhiều loại bánh mì như vậy, có lẽ không có nước nào mà bánh mì lại chiếm hai bữa ăn trong ngày như tại Đức. Buổi sáng ăn bánh mì là chuyện thường nhưng buổi tối cũng ăn bánh mì lần nữa thì đó là chuyện lạ.
Buổi cơm chiều của người Đức là bữa cơm lạnh, chỉ có bánh mì và thịt nguội như xúc xích, patê, thịt xông khói, thịt ham, các loại phô mai v..v..kèm theo một ít rau củ như xà lách, cà chua, dưa leo tươi hoặc dưa leo ngâm dấm.
Hình 3/ Các loại xúc xích
Các bà nội trợ Đức vì vậy không phải bận tâm nấu một ngày ba bữa cơm nóng như ở Việt Nam. Ngày nào cũng ăn như vậy nhưng để bù lại các bà có 300 loại bánh mì và có 1500 loại cả thịt nguội lẫn xúc xích mà tiếng Đức gọi là Wurst để lựa chọn và thay đổi nên chắc cũng không đến nỗi nhàm chán như chúng ta tưởng.
Hình 4/ Một số trong 1500 loại xúc xích của Đức
Bài: Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2016 )
Hình: Net
Cô ơi! Thú vị biết bao khi đọc bài viết của Cô về bánh mì nước Đức. Những 300 loại bánh mì và 1500 loại thịt nguội và xúc xích. Tha hồ lựa chọn Cô nhỉ! Xin cảm ơn Cô về một bài viết với những thông tin bổ ích này.
Ở một số siêu thị tại Sài Gòn có bánh mì nâu đen, thỉnh thoảng em có mua nhưng sao vị thoáng mùi chua cô ơi.
Bạn em có máy làm và nướng bánh mì tại nhà, từ trộn bột đến ủ, nướng , mất khoảng 3 tiêng, thỉnh thoảng có trộn hạt, cắt cho em vài lát thử, ngon, không có mùi hơi chua như siêu thị bán.
Trước hết em xin gửi lời chia sẻ với nhân dân Đức mất mát to lớn họ phải gánh chịu trong mấy ngày vừa qua.
Kế tiếp, em xin cám ơn Cô về 2 bữa cơm Tây (Đức) mà Cô chiêu đãi chúng em. Phải nói là quá thịnh soạn mặc dù là cơm tay cầm. Cái gì chứ chuyện ăn uống em không bao giờ bỏ qua. Chào Cô.
Các em thương mến,
Như các em đã biết, mỗi nước đều có những tập tục ăn uống, nấu nướng khác nhau nên chỉ mới có bánh mì mà cô trò chúng ta cũng đã có bao nhiêu chuyện để mà nói, để mà tản mạn. Món bánh mì thịt của Việt Nam đã bắt đầu được biết nhiều trên thế giới và được khen ngợi. Tại Úc, tại Mỹ, tại Pháp đều có nhiều cửa hàng chuyên bán bánh mì thịt của người Việt và rất đông khách, riêng tại Đức thì những thành phố mà cô đã được đi qua đều chưa thâý những cửa hàng như vậy.
Có thể vì dân Đức hơi bảo thủ, ít thích nếm những món mới lạ, thêm nữa trong một xứ sở mà có quá nhiều loại bánh mì cũng như thịt nguội để chọn lựa thì họ cũng không còn thì giờ để nếm một lọai bánh mì khác. Điểm đặc biệt, người Đức không dành nhiều tiền cho vấn đề ẩm thực mà chỉ để dành tiền ưu tiên cho việc du lịch mà thôi.
Để trả lời em Hạnh, khi làm bánh mì người ta phải trộn thêm bột nở ( men, tiếng Anh gọi là yeast ), tuỳ theo loại bánh mì mà người ta trộn bột nở bình thường hoặc bột nở tươi làm từ bột mì lên men chua mà người Đức gọi là Sauerteig. Số lượng bột chua được dùng nhiều hay ít cũng thay đổi theo loại bánh để bánh có những hương vị đặc trưng mà không lẫn lộn với những loại bánh khác.
Như vậy theo cô biết thì có thể bánh mì em mua ở siêu thị đã dùng bột chua làm men. Bạn của em làm với máy ở nhà dùng bột nở bình thường nên em ăn không thấy hơi chua là vậy.
Thú thật với các em, mặc dù sống trong thiên đường của bánh mì và thịt nguội nhưng cô vẫn thích bánh mì thịt theo kiểu của người Việt mình vì hợp với khẩu vị và mang đầy tình tự quê hương .
Cô Hồng-Khanh
Cô ơi! cám ơn cô đã cho chúng em biết thêm về bánh mì của nước ĐỨC ,bánh mì bên ấy phong phú và đa dạng quá cô nhỉ!nhìn những ổ bánh và thịt nguội trên hình trông hấp dẫn và bắt mắt,đám con ních VN mà được thưởng thức chắc thích lắm đây.