THUỶ TIÊN ( THE DAFFODILS )

Ngày đăng: 29/06/2016 06:24:00 Chiều/ ý kiến phản hồi (12)

William Wordsworth (1770-1850) là một trong những đại thi hào trong văn đàn của Anh Quốc. Ông sống dưới thời của Nữ Hoàng Victoria và là một trong những nhà thơ đã sáng tạo nên thời kỳ Romantic Age trong văn học Anh.

Tôi được biết William Wordsworth và các thi hào đương thời với ông như Coleridge, Lord Byron, Robert Browning…của giai đoạn cực thịnh trong văn chương, thi phú  Anh quốc qua sự hướng dẫn của cô Ánh Nguyệt, giáo sư Anh Văn của chúng tôi năm đệ Tam C (lớp 10 ban văn chương, sinh ngữ). Có thể nói, cách giảng dạy mới lạ và hấp dẫn của cô đã đưa chúng tôi vào một thế giới văn thơ khác hẳn với văn thơ Á Đông mà chúng tôi vẫn theo học từ năm đệ thất, thế giới văn thơ của Tây Phương…

Sau khi cô cho bình giảng một bài thơ của một tác giả, chúng tôi phải học thuộc lòng bài thơ đó. Thơ học thuộc lòng thì nhiều nhưng với thời gian hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ lỏm bỏm vài câu. Không hiểu sao chỉ có bài thơ “The Daffodils” còn có tựa đề là “Wandered lonely as a cloud” tôi còn nhớ thật nhiều. Có thể, bài thơ dạt dào tình cảm, nói về hoa mà tôi lại rất thích hoa, nhất là loài hoa này không có tại quê nhà. Từ khi ở ngoại quốc, mỗi lần sắp đến lễ Phục Sinh, hoa Daffodil (thuỷ tiên) nở khắp nơi, nhất là ở các công viên. Mỗi lần nhìn thấy hoa thuỷ tiên, bài thơ The daffodils của W Wordsworth lại hiện ra trong trí tôi và nhắc nhớ tôi đến thời gian còn cắp sách đến trường.
Tôi xin phỏng dịch bài thơ này để chia sẻ với các bạn đọc cùng tất cả các cựu học sinh TPH, gọi là một chút làm quen với thơ văn nước ngoài

thuytien
THUỶ TIÊN
Cô đơn nhẹ tựa mây trời,
Lên cao, xuống thấp, trên đồi phất phơ,
Chợt dưng ẩn hiện bất ngờ,
Thuỷ tiên thắm đượm, vàng mơ ngập lòng.
Trải dài dưới rặng xuân phong,
Bên hồ, gió nhẹ, hoa đong nhịp hài,
Sáng soi tinh tú mãi hoài,
Ngân hà lấp lánh cho dài ước mơ.
Hoa xinh trải khắp nẻo chờ,
Dọc theo bờ vịnh, mắt mờ dõi trông,
Vạn ngàn hoa thắm đợi mong,
Nhẹ nghiêng tóc phẩy, điệu trong nghê thường.
Xuân ba xô nhẹ luyến thương,
Làm sao sánh được, hoa vươn sóng vàng,
Thi nhân chỉ biết ngập tràn,
Nỗi vui thắm thiết với ngàn thuỷ tiên.
Ngắm nhìn nào dám triền miên,
Ai đem cảnh đẹp một niềm đến ta,
Để rồi những buổi chiều tà,
Duỗi dài ghế dựa, mình ta mơ màng.
Thoảng qua như giấc mộng vàng,
Tưởng chừng hạnh phúc ngập tràn cô đơn,
Niềm vui đẫm cả trong hồn,
Tung tăng múa nhảy, bước dồn cùng hoa.

Lê-Thân Hồng-Khanh (2015)

Phỏng dịch bài thơ “The Daffodils” của William Wordsworth

 

Có 12 bình luận về THUỶ TIÊN ( THE DAFFODILS )

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Cô ơi,

    Hoa thuỷ tiên mà cô nói đến có phải là loại hoa quý hiếm mà các cụ đồ nho miền Bắc trước 1945 có thú gọt củ thuỷ tiên và ươm trồng để nở hoa vào giao thừa, cùng uống rượu làm thơ thưởng lãm không?

    Cảm ơn cô đã phỏng dịch và giới thiệu một nhà thơ Anh đến với chúng em.

    • Hoa thuỷ tiên bên này có thể cao tới nửa thước, hoa to, phần lớn là màu vàng, sau này thấy có cả hoa mầu trắng, thường được trồng ở ngoài vườn, công viên hoặc mọc hoang bên bờ sông, hồ, đôi khi có cả những cánh đồng bát ngát toàn hoa thuỷ tiên mọc dại. Thuỷ tiên thường nở rộ vào dịp lễ Phục Sinh ( tháng 3, tháng 4 ), hoa có củ như củ hành, hoa tàn , năm sau đến kỳ sẽ mọc lại và nở hoa.

      Hoa thuỷ tiên ở Việt Nam cũng thuộc họ hoa như bên này nhưng hình dạng hơi khác, cây nhỏ, hoa nhỏ, màu trắng tinh khiết và rất thơm, củ hoa được gọt tỉa để hoa nở vào dịp tết và trồng trong nước. Cầu kỳ và hiếm nên rất quý và chỉ thấy ở miền Bắc.

  2. Phan Lương nói:

    Đọc bài thơ Thủy Tiên mà Cô đã phỏng dịch từ bài thơ ” The Daffodils” của William Wordsworth thật hay ,thật ấn tượng ,nhất là được xem hình minh họa về hoa thủy tiên ,em chợt rất thích loài hoa này

    Cô ơi ! Bài thơ cô phỏng dịch theo thể thơ lục bát theo em nghĩ sẽ rất khó gieo vần cho phù hợp ,thé mà cô lại chọn từ gieo vần rất hợp và rất là hay luôn

    Em rất kính phục cô ! Em vhúc cô luôn khỏe cô nhe

    • Cám ơn Phan Lương đã đồng cảm. Như cô biết, em là người rất thích hoa, nhìn những chậu lan và nhất là cây hoàng lan trong sân nhà em, cô thích lắm. Cây mọc mạnh, hoa nở đẹp chứng tỏ em là người có tay trồng trọt, yêu cây cối và thiên nhiên. Hãy tiếp tục để có một thú vui tao nhã ở lứa tuổi về hưu.

  3. Lưu Phương nói:

    Cô Hồng Khanh có trí nhớ thật tốt. Đọc xong bài thơ không biết phải nói thế nào. Quả là rất tuyệt.

    LP gởi lời hỏi thăm sức khỏe cô và gia đình. Cách đây vài ngày, cả nhà ăn bánh rán của em Huyền rất ngon, nhắc và nhớ cô Hồng Khanh.

    Hẹn gặp lại qua điện thư. LP

    • Chị Lưu Phương ơi, chị ăn bánh của Huyền Khanh làm mà lại nhớ đến em, như vậy là em có ” lời ” đó. Có lời vì được chị nhớ tới, em phải thú thật với chị là mặc dù bài thơ nguyên bản em vẫn nhớ nhưng không chắc đúng 100% nên em phải kêu cứu ông Google giúp sức.

      Gởi lời thăm chị và gia đình Hải Đường.

  4. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Lâu lắm rồi em mới được xem một bài thơ nước ngoài được phỏng dịch. Nhớ ngày xưa đi học, thỉnh thoảng thầy cô cũng cho đọc một vài bài thơ nước ngoài dịch sang tiếng Việt nhưng nghe trắc trở làm sao ấy. Bài thơ phỏng dịch của  Cô lại rất mượt mà, êm ái, chan chứa ý tình…Khâm phục nhất là Cô lại viết theo thể thơ lục bát, gieo vần hợp ý… Tuyệt vời lắm  Cô ơi! Em xin cảm ơn Cô và kính chúc Cô luôn khỏe.

    • Cô đã cố gắng để dịch bài thơ cho sát nghĩa và lưu loát, cũng vì thế mà cô chỉ dám ghi là ” phỏng dịch ” mà thôi. Hy vọng bài thơ có thể chuyên chở một phần nào ý tình của nguyên bản và được bạn đọc cảm nhận là cô cảm thấy vui rồi. Việc chuyển chỗ ở của em đã ổn định chưa. Thăm em và gia đình.

      • My Nguyen nói:

        Cô ơi! Việc chuyển chỗ ở của con em sang Cần Thơ đã ổn định nhưng em ở Vĩnh Long nhiều hơn Cô à! Em cảm ơn Cô đã quan tâm. Kính chúc Cô và gia đình luôn vui khỏe sau chuyến đi dài ngày ở Úc.

         

  5. Xin chào cả nhà. Hoàng Long muốn góp ý về củ thuỷ tiên.

    Theo chỗ Hoàng Long biết (nghe nói lại và nhà có được tặng hoa ấy một lần) thì ở Huế có người nắm được nghệ thuật cắt, gọt củ thuỷ tiên để nó trổ hoa vào một khoảng thời gian nhất định, cũng như người Hoà Lan đã nắm được cách xử lý nhiệt để củ tulip trổ hoa vào một ngày nhất định. Được tặng hoa đã vui rồi, nhưng được tặng củ thuỷ tiên để nó trổ hoa vào đúng hôm sinh nhật (thí dụ như vậy) thì còn gì hay hơn?

    Thưa cô Hồng Khanh, em chưa được học văn chương Anh, nhưng em thấy văn Anh nặng nề, còn thơ Anh thì em chào thua. Cô đã mở rộng tầm mắt cho em (chính xác là như vậy). Cô có dịch bài thơ Robert Frost không? Thơ Mỹ em chỉ thích mỗi ông này.

    • Cám ơn Hoàng Long đã góp ý về củ thuỷ tiên, ngày xưa ở Hà Nội, mỗi lần sắp đến Tết là củ thuỷ tiên được mua về, nhờ bàn tay khéo léo và kinh nghiệm của các cô thiếu nữ, các bà nội trợ mà ngày Tết thường có một hoặc hai giò thuỷ tiên chưng trong nhà.

      Có thể khí hậu miền Bắc vào dịp Tết hợp với thuỷ tiên nên khi vào Nam không còn ai có thuỷ tiên để chưng ngày Tết nữa. Em nói là ở Huế có người nắm vững kỷ thuật gọt tỉa củ thuỷ tiên và gia đình em đã từng nhận được quà tặng làm cô thấy vui, một cái thú tao nhã như vậy cần phải được gìn giữ và truyền lại vì đó là một nét đẹp của văn hoá. Ngày nay ở miền Bắc người ta đã bắt đầu làm sống lại thú chơi thuỷ tiên này.

      Tiếc là em đang theo học Văn Khoa để lấy bằng cử nhân giáo khoa Anh văn thì vì thời cuộc phải bỏ dở, nếu không, khi em lấy hai chứng chỉ ” văn chương Anh ” và chứng chỉ ” văn chương và văn minh Mỹ “, em sẽ được đi sâu vào thế giới văn chương, thi phú của cả Anh lẫn Mỹ. Cô cũng rất thích thơ của Robert Frost, lời thơ bình dị nhưng rất hay. Cô đã dịch xong bài thơ ” Stopping by woods on a snowy evening “, cô sẽ cho đăng một ngày gần đây.

      • Thưa Cô, nhờ có những người đi nước ngoài sống (như Cô), những người sống trong nước (như em) mới cảm được cái hay của bài thơ The Daffodils, và khi Cô đã thưởng thức được cái đẹp của hoa thuỷ tiên ở nước ngoài, chắc chắn Cô sẽ càng thấy cái hay, cái cao quý của hoa thuỷ tiên ở nước mình.

        Em mong được thưởng thức những tác phẩm của Cô.

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác