Tết mùng Năm là hết nửa năm

Ngày đăng: 9/06/2016 08:02:22 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Bởi là dân viết báo về công nghệ, Tết mùng Năm tháng Năm (hay Tết Đoan Ngọ) từ lâu đã được tôi gắn với sự kiện công nghệ thường niên là Hội chợ – triển lãm công nghệ ICT lớn nhất châu Á COMPUTEX Taipei. Hai sự kiện này cặp kè với nhau. Nhiều lần trong khi ở Taipei dự COMPUTEX, tôi đã được nhìn cảnh người địa phương chuẩn bị đón Tết Đoan Ngọ.

Năm 2016 này cũng vậy, 5 ngày sau khi COMPUTEX 2016 kết thúc là Tết mùng Năm của năm Bính Thân.

Bởi vậy, ngày hôm nay thứ Năm 9-6-2016 là ngày Tết mùng Năm tháng Năm năm Bính Thân.

Thú thiệt, tôi vẫn thích dùng cái tên Tết mùng Năm hơn là Tết Đoan Ngọ. Nghe nó thân thương yêu dấu làm sao á.

Tới năm thứ 2016 sau Công nguyên rồi, ít nhất thì người Việt mình cũng đã ăn 2016 cái Tết mùng Năm rồi, chẳng ai quởn mà đi xét lý lịch, truy nguyên nguồn gốc cái lễ tết dân gian này mỗi khi tới hẹn lại lên. Nội nghe cái tên Tết Đoan Ngọ thì biết nó có xuất xứ từ đâu (cũng như cái tên Tết Nguyên đán thần thánh của ta). Đại từ điển bách khoa online Wikipedia nói đây là một ngày tết truyền thống của một số dân tộc ở Đông Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam,… Nói cho rõ nguồn cơn thì nó theo truyền thuyết của người Hoa cổ đại, và có mặt ở những nước nào chịu ảnh hưởng sâu nặng hay du nhập bởi nền văn hóa người Hoa.

Mà cứ an tâm để ăn tết. Văn hóa có tiến hóa mới tồn tại. Nếu nội hàm của dân tộc nào mạnh, các du nhập từ văn hóa bên ngoài đều bị cải biến cho “hài hòa cao độ” với văn hóa bản địa. Thế nên, Tết Nguyên đán thành tết cổ truyền của người Việt, Tết Đoan Ngọ thành Tết mùng Năm tháng Năm của người Việt,…

Vào ngày Tết mùng Năm, người gốc Bắc Việt Nam có tập tục làm cơm rượu rồi vào sáng sớm ngày mùng Năm cho cả nhà ăn cơm rượu với niềm tin là để trừ sâu bọ đang thập diện mai phục trong bụng. Theo văn hóa nông nghiệp, dịp mùng Năm tháng Năm cũng được dùng để nông dân ra đồng diệt trừ sâu bọ mà bảo vệ mùa màng. Lúc này thời tiết oi nóng khiến côn trùng, sâu bọ sinh sôi nảy nở nhiều. Còn với sâu bọ trong người, có lẽ chúng cũng bị say xỉn với món cơm rượu. À há, sao không khai thác thời cơ này mà trộn thuốc diệt giun sán vào cơm rượu luôn hén.

Còn ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở cộng đồng người Hoa, món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết mùng Năm là bánh ú nước tro hay bánh ú tro. Đây là một loại bánh ú nhỏ được gói bằng gạo nếp ngâm nước tro rơm lóng trong, ngâm hàng chục tiếng đồng hồ tới khi hạt gạo bở ra mới dùng làm vỏ bánh với nhân đậu xanh đường. Thay vì gói bằng lá chuối như bánh ú thông thường, bánh ú nước tro được gói bằng lá tre. Bánh ú nước tro sau khi nấu chín có lớp vỏ bánh mịn như bột nếp và trong thấy cả nhân với màu vàng nâu hay vàng xanh đậm.

Mâm cúng cho Tết mùng Năm là cúng chay, chỉ có hoa quả (tất nhiên không thiếu món bánh ú tro).

Mà thôi, xưa nay Tết mùng Năm đối với tôi chỉ là dịp để được thưởng thức hai món bảo bối tổ tiên truyền là cơm rượu và bánh ú nước tro.

Tết mùng Năm còn là một cái mốc đo thời gian. Do nó thường nằm trong tháng 6 dương lịch, Tết mùng Năm có nghĩa là đã mất hết nửa năm trôi qua rồi. Tùy tâm trạng, là người lạc quan hay kẻ bi quan mà người ta có những cảm xúc khác nhau mỗi khi Tết mùng Năm tháng Năm lại tới. Riêng với tôi ư? Tết mùng Năm tháng Năm Bính Thân này, một lần nữa tôi lại ngửa cổ lên trời cười 3 tiếng, cắm mặt xuống đất khóc 3 tiếng. Nếu có ai truy vấn động cơ là gì? Tôi chỉ đơn giản nói rằng tôi “thích” làm như vậy đó! Còn nếu bị cật vấn nguyên nhân? Tôi tình bơ mà giải trình: tôi đang tập vận động đốt sống cổ và luyện thanh. Ừ, đời càng nhiễu nhương và càng bất an thì mình càng cần phải biết vô thường và buông xả mà sống tiếp.

Chúc bạn và gia đình thiệt là vui trong ngày Tết mùng Năm này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

0 tet 1    H10 tet 2      H20 tet 3      H30 tet 4H4

 

Có 3 bình luận về Tết mùng Năm là hết nửa năm

  1. Bánh ú Đoan Ngọ năm nay hấp dẩn quá! Bạn Hồng Phước năm nay cũng thấy trẻ hơn rất nhiều. Cám ơn bài viết thật vui.!

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Tết Mùng Năm tháng Năm của tui và cư dân ở đây là bánh xèo. Vậy là không đụng hàng với ai cả !

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc cái tít là biết bài của Hồng Phước . Bài nào cũng hay, vui, tếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác