Thờ Chồng (14)

Ngày đăng: 20/05/2016 09:33:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

 

Thuận và hai anh Cả, Út mất mấy tiếng đồng hồ để xuống lô giỏ cam của anh Chủ Yên ở Vàm Giồng. Nước vừa lớn, ghe chạy một đoạn ngược trở ra sông Mang Thít để xuôi dòng đến ngã ba Thầy Hạnh. Không đậu nghỉ chỗ Giáp Nước để chờ thuỷ triều nhốm ròng như thường lệ, Thuận quyết định chạy ngược dòng chảy ra vàm Cái Nhum.

Lên hàng giao vựa xong, anh tính toán sổ sách và thu dọn thật nhanh rồi kêu anh Cả mở dây rời bến. Ghe chạy một mạch từ Sài Gòn về đậu ngay mé sông nhà Hai Trà Nóc. Thuận nhờ anh Cả neo cột ghe. Anh xách túi đồ chơi cho bé Như Thuỷ và thằng nhóc Hậu Thành, mà sáng hôm kia anh mua từ chiếc xe đẩy như một gian hàng lưu động trước khu vựa trái cây cầu Ông Lãnh. Thuận mừng thầm khi nghe bà Mười nói là má anh và mấy em có qua đây chơi một lát, họ ra về trong hoà bình vui vẻ.

Hôm sau, Thuận đi chợ Tam Bình giao tiền cho mối lái gởi hàng chuyến trước, anh ghé thăm cô em gái như ngầm cám ơn không gây khó dễ Như Ngọc. Thuận bật ngửa việc Thanh Thảo đã gặp và ra điều kiện dứt khoát với Như Ngọc là chiếc ghe chỉ  có một chủ. Hai Thuận trở về ghe, anh thấm thía những lời rất khó nghe của cô em về chuyện tình cảm của anh. Thuận đọc lại rồi xé nát bức thơ của má anh gởi qua tay cô em. Anh thẩn thờ nhìn những mảnh giấy vụn trôi theo dòng sông Trà Ngoa, liên tưởng đến cuộc tình sẽ rời xa vĩnh viễn. Bây giờ anh mới thấy sức mạnh của tình yêu, nó huỷ hoại khí phách một thanh niên từng xông pha trong lưới đạn cao xạ khủng khiếp ngày nào. Cũng vì tình yêu mà Thuận câm lặng, nhịn nhục, giữ cho hai nhà không khuyết sâu ngăn cách.
Hai Thuận bước từ ghe lên nhà với dáng mệt mỏi. Như Ngọc và bà Mười lo lắng nhìn anh, hai người đoán anh gặp chuyện khó xử từ lúc nhìn bộ tướng anh mới đạp xe về. Thuận cố tạo vẻ bình thường:

– Tạm thời thì chưa thương lượng gì với cô ba Thảo.

Thuận rủ anh Cả bơi xuồng  qua nhà bác Hai Đáng để tìm cách cứu cấp vận mạng chiếc ghe. Anh thuật lại những gì mà Thanh Thảo nói với Như Ngọc hôm trước và sơ lược câu chuyện của anh hôm qua tại chợ Tam Bình. Bác Hai Đáng trầm ngâm tay xoay xoay ly trà.
– Hiện giờ cháu là chủ ghe với số vốn 2 lượng vàng là do cháu mượn của cô em gái, trả góp 2 cây 4 chỉ. Lời giao kèo thì năm đầu miễn trả, mà mấy tháng nay các cháu trả phần nợ của công ty là 1 lượng cho cháu Mẫn và trả phần nợ riêng cho cô ba Thảo được 6 chỉ. Các cháu làm ăn quá giỏi, tính ra là cháu trả được 5 chỉ vốn và 1 chỉ lời cho cô em. Nếu hoàn tiền mượn ngay hôm nay cho cô Thảo thì chỉ còn 1 lượng 5 chỉ. Ở đâu ra con số 3 cây, khiến cháu phải la hoảng như thế. Chiếc ghe dù có tăng giá trị 10 cây thì vẫn là của cháu, chứ đâu phải của chủ cho vay vốn. Đặt trường hợp chiếc ghe giảm giá trị, người cho vay vốn có bớt cho cháu hay không. Bác biết thằng Chủ Yên cũng cần ghe, cháu muốn sang lại phần của cháu thì qua đó nói chuyện với nó.

Anh Chủ Yên đồng ý sang lại phần hùn của Hai Thuận với giá chẵn 3 lượng vàng, trao tay tức thì. Thuận mang số vàng đó về nhà và gọi cô ba Thanh Thảo để trả tiền mượn trước mặt ông bà Tư. Thuận trình bày tự sự cho gia đình, anh không ngờ phản ứng dữ dội của cô em gái:

– Anh sang lại phần hùn cho bà con của họ là muốn chống lại gia đình. Tại sao anh không sang cho em, thằng Út nhà nầy chưa có việc làm kìa. Anh thì lúc nào cũng bênh cho người ngoài.

– Điều kiện em đưa ra là ép chết người ta, 3 người của họ làm lái cam thì cần chủ động ghe tải. Người ta phải chạy vạy để giữ lại phương tiện làm ăn. Thằng Út Tâm còn có bên vợ và 2 người chị gái giàu có nổi tiếng. Anh thấy cần giúp người nghèo lương thiện chăm chỉ, chứ không bênh cho người ngoài như em kết án.

– Vô chợ Vàm dài tới Thới Hoà, ai mà không biết cô lái cam đội bàn thờ chồng quăng xuống sông để theo anh tài công ghe tải.

– Em Thảo cẩn trọng lời nói, người có văn hoá đừng hùa theo miệng đời cay độc. Công bằng suy xét thì ai đã theo ai. Nhưng việc đó hết quan trọng để tranh cãi rồi. Sẵn có Út Tâm ở đây, cho anh hỏi: Tự nảy giờ em nghe hết rồi đó. Vậy trước mặt ba má, em trả lời thành thật là có muốn chị ba Thảo mua đứt chiếc ghe đó cho em làm ăn, hay đồng ý để anh sang cho bà con của chị Như Ngọc. Anh Chủ Yên có hứa, ghe chưa làm giấy tờ, anh Thuận có quyền hoàn lại 3 cây vàng, coi như việc mua bán chưa xảy ra. Út Tâm tự do phát biểu ý kiến. Nếu em muốn chị Thảo mua ghe đó cho em, thì anh sẵn sàng hoàn tiền nầy lại anh Chủ Yên.

Út Tâm ngập ngừng một lúc:

– Em không thích cách giải quyết của anh Thuận, cũng không đồng ý điều kiện của chị Thảo. Em muốn giữ tình trạng làm ăn  vui vẻ như lâu nay.

– Má đã hết vui rồi, anh em bây đừng câu kết bao che. Gia đình nầy bây giờ chỉ có một điều kiện. Không tranh mua chiếc ghe đó nữa. Kể từ hôm nay, anh Thuận của tụi con không còn làm ăn, không còn quan hệ  gì với nhóm người bên Trà Ngoa.

Thuận hiểu má anh và cô em càng lúc càng quyết liệt, gia đình đang triệt tất cả cơ hội anh làm ăn với Như Ngọc. Nếu anh tới lui thì chỉ gây phiền cho người ta. Thuận đành phải chọn cách mà mấy tháng nay anh không nghĩ đến.

– Hôm nay con trả 2 lượng vàng cho em Thảo, ba má giữ dùm con một lượng còn lại. Con quyết định bỏ nghề ghe. Hôm trước tại chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, con gặp người bạn ở phi đoàn cũ, giới thiệu nguồn hàng đón mua thùng thuốc tây nước ngoài gởi về qua hệ thống bưu điện. Con xin ba má cho con nán lại hai tuần để hướng dẫn anh Cả lấy bằng tài công, rồi con lên Sài Gòn theo bạn tập tành bỏ mối thuốc tây cho các tỉnh.

– Má không đồng ý. Con lập tức cắt đứt mọi dính líu. Con chọn người đàn bà đó hay còn lân la với họ, thì đừng về nhà nầy nữa. Con ráng mà nhớ lời má hôm nay.

Tháng 11 năm 1983, Hai Thuận về nhà được vài ngày rồi lặng lẽ biến mất. Khoảng 10 ngày sau, Thằng Mẫn qua Trà Ngoa cho hay việc Hai Thuận đi khỏi nhà không để lại một lời từ giã. Khó hiểu là Hai Thuận không mang theo vật gì, cũng không hỏi lấy lại cây vàng mà anh gởi ông bà Tư sau ngày bán phần hùn ghe. Xóm Chợ Cũ đồn rần là có người gặp Thuận xuống tóc đi tu trên núi Cấm. Cũng có người quả quyết gặp anh mặc áo lam nhưng còn để tóc và làm công quả trong một cảnh chùa ở Vũng Tàu, chưa kịp hỏi thăm thì anh ta lập tức lãng tránh. Tất cả quan tâm hỏi han về Thuận, lối xóm chỉ nhận được thái độ lạnh lùng của bà Tư Son.
Vài tháng sau ngày Thuận từ nhà ông bà Tư bỏ đi biệt tích, cô ba Thảo đóng ghe lớn gấp  hai chiếc ghe của Như Ngọc, giao cho Út Tâm quản lý. Mẫn nói với mọi người là  Ba Thảo đóng ghe để nhữ Hai Thuận nóng lòng trở về giúp em. Nhưng trước nhất, cô ba Thảo hạ giá cước chuyên chở cùng tuyến với Như Ngọc. Ghe của Như Ngọc có trọng tải nhỏ và máy yếu,  chỉ còn chở hàng nhà và của người lối xóm thân quen.

Ngày tháng trôi qua, không ai và ngay cả thằng Mẫn được nghe thấy bà Tư Son viết một tin nhắn, nói một lời tha thứ. Hay tiếc nuối buông một câu mở đường cho Hai Thuận trở về bến cũ nhà  xưa.

xox
Santa Ana, California

March 16, 2016


Cháu xin phép được gọi bác theo lời giới thiệu của người cậu. 


Thưa bác Lúa! Cháu tên Trần Như Thủy, 41 tuổi, quê quán ấp Trà Ngoa (hiện nay là ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn)

Trong chuyến về thăm quê hương hồi tháng trước, ba má cháu gặp thầy Lưu nhà ở Sa Co, người có họ hàng xa với bà nội Như Thuỷ. Thầy Lưu nguyên là giáo viên dạy văn trường Phổ thông Cơ sở xã Trà Côn một thời với gia đình cháu trước năm 1986.  Má cháu định nhờ thầy viết lại câu chuyện đời riêng của bà. Hai ngày sau đó, thầy Lưu đến nhà bác Cả, nơi ba má và tụi cháu tạm trú trong thời gian về quê nội. Xem qua quyển nhật ký của mẹ cháu, thầy Lưu từ chối viết bài vì ngại mích lòng với con cháu của gia đình người quen trong xã. Thầy hứa sẽ  liên lạc bác Lúa, bạn cùng xóm Chùa với thầy thuở nhỏ.

Năm nay, má cháu 61 tuổi, bà vẫn còn mạnh khỏe và rất minh mẫn. Tâm ý của bà muốn đưa niềm riêng nầy ra công luận  trước khi bà đến tuổi lú lẫn. Cháu thay mặt má cháu, nhờ bác Lúa phổ biến dùm gia đình cháu dưới bất cứ dạng văn thơ. Cũng nhờ bác sửa tên những người bên ngoài gia đình cháu. Người trong cuộc nếu đọc truyện nầy hiểu ra ngay thì có lẽ còn không nhiều. Má cháu hy vọng với quan niệm hôn nhân thời nay, làng xóm thân thuộc và gia đình của nhân vật nam trong truyện sẽ thay đổi cách nghĩ, mở lòng rộng lượng về một chuyện tình năm xưa trên bờ kênh Trà Ngoa.

Bác Lúa chỉ cần giữ ý chính cốt truyện, ngoài ra bác cứ tự nhiên xếp đặt. Bác cần thêm thông tin thì cứ gởi email và gọi các số phone của gia đình cháu kèm theo phía sau.

Chuyện do mẹ kể,  Như Thuỷ đọc trong nhật ký và mắt thấy tai nghe như thế nầy:
1-/ …
2-/ …

14-/ Gần tết 1986,  buổi xế trưa trong ngày đưa ông Táo, chú Thuận đột nhiên xuất hiện tại nhà nội. Chú mua rất nhiều quần áo giày dép cho bà nội, mẹ, Như Thuỷ, Hậu Thành và quà tặng mấy ông mấy bác. Nội đi xóm trên về tới nhà. Bất ngờ gặp lại chú Thuận, nội mừng rớm nước mắt. Tay nội run run nắm tay chú Thuận. Như Thuỷ và Hậu Thành xum xoe vận quần áo mới khoe với nội, bà nội khen chú:
“Cháu Thuận đi khỏi Tam Bình hơn hai năm không có tin tức. Cháu ở xa mà đoán cở giày dép và quần áo cho hai đứa nhỏ vừa vặn, thiệt là giỏi à nghen”
Chú Thuận cười cười rồi xin phép nội qua nhà bác Cả bác Út dự tiệc tất niên. Ở nhà, Như Thuỷ nghe mẹ thủ thỉ với bà nội:
“Con xin lỗi má là con nhận tin nhắn của anh Thuận hồi tháng trước. Anh Thuận cần gặp con ở Sài Gòn để bàn chuyện mà con chưa dám thố lộ với má. Bạn anh Thuận sắp có chuyến đi, họ nhờ anh làm hoa tiêu và phụ lái. Anh Thuận kèo nài thêm 4 người gia đình mình và phải trả cho người ta 2 cây như là phụ tiền sở phí với bạn bè. Về thăm mình lần nầy, anh Thuận không dám ở đây lâu vì sợ rắc rối với gia đình bên Chợ Cũ, khuya nay anh đón tàu đò từ trong Hựu Thành chạy ngang nhà mình  để lên Cần Thơ. Anh Thuận định thưa với mẹ, nếu mẹ đồng ý thì anh Thuận gởi tiền cho anh Cả, qua tết mướn người bốc mộ anh Hậu và đem đến lò thiêu, con sẽ mang theo hủ tro cốt và di ảnh để thờ anh Hậu. Con cũng sẽ sang tên ghe và giao công việc làm ăn cho anh Cả. Nhiệm vụ của con ngay bây giờ là chăm sóc sức khoẻ thật tốt cho má và hai đứa nhỏ để chuẩn bị ngày đi”
Như Thuỷ nghe bà nội nói nhỏ xíu:
“Tụi con đi đâu, má đi theo đó. Có chết thì được chết chung, chứ sống mà phải chia lìa ngăn cách thì má không còn sức chịu đựng. Ngày mai má đến ông thầy Mười ở vịnh Giàn Xay, nhờ ông xem ngày tháng bốc mộ có cấm kỵ gì không, má cho thằng Hậu vượt biển với mình. Khi nào con có chồng, thì giao cho má thờ thằng Hậu chung với ba của nó”

(Hết)
Một Lúa

0 lua 1H

Có 11 bình luận về Thờ Chồng (14)

  1. Hoành Châu nói:

    Tuyệt  .Hậu đúng là có hậu! Cảm ơn nhà văn Một Lúa .       Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Happy ending ! Kết cuộc khá bất ngờ vì người đọc cứ tưởng chuyện tình của Như Ngọc và Thuận coi như tan vỡ vì Thuận đã bị cha mẹ và em gái áp đặt quá mạnh.

    Lá thơ của Như Thuỷ đã giải quyết được sự ” ấm ức ” của người đọc, hài lòng vì cách giải quyết khôn ngoan của Thuận, tình yêu cuối cùng đã nặng hơn chữ hiếu.

  3. Qua 14 bài viết THỜ CHỒNG, Thế Điên đã tỏ rõ là một nhà văn dân gian tầm cở đáng nể.Từ đầu đến cuối câu chuyện tình cảm luôn hấp dẫn thú vị…và rất có hậu mà ít ai dự đoán đúng ý tứ sâu sắc của tác giả…thật tuyệt vời.

     

  4. My Nguyen nói:

    Vậy đúng là có một “bức phá ngoạn mục” rồi.! Một kết thúc bất ngờ và có hậu. Người đọc có cảm giác rất thỏa lòng. Cảm ơn anh Một Lúa nhiều thiệt nhiều nhe!

  5. Phan Lương nói:

    Đúng là một kết thúc cốt truyện khá bất ngờ và thú vị.Nhà văn Một Lúa đã chọn một kết thúc mở ,làm hài lòng người đọc.

    Còn theo sự suy diễn của PL thì hậu Thờ Chồng như thế này

    @ Đúng hẹn bà 10 ôm hủ cốt của Hai Hậu cùng Như Ngọc đùm túm hai con đến địa điểm để xuống tàu vượt biên. Đó là một con tàu mui trần, được trang bị hai máy. Do Thuận làm tài công cùng hai phụ lái.Chuyến tàu chở khoảng 30 người ngồi sát vào nhau,gối của hai người đối diện cọ vào nhau.Tàu của họ đi được hơn 10 ngày thì bị chết cả hai máy mà ko thể sửa được ,họ lênh đênh trên biển không biết bao nhiêu ngày,lương thực và nước uống đã cạn kiệt.Trong lúc sự sống và cái chết tưởng chừng như sợi chỉ mành treo chuông ,thì họ đã được tàu của Singapo cứu về đất nước của họ. Hai năm sau họ được sang Mỹ .

    Ở đất Mỹ,những tháng ngày đầu Thuận và Ngọc hầu như ko có thời gian gặp nhau dù họ ở chung nhà.Thời gian cứ kéo dài như vậy được ít lâu Như Ngọc đã đủ tiền gửi hai con vào trường, Khi đó  thời gian cũng vừa vẹn 10 năm. Bà Mười đã rát cảm động trước tình yêu thương của Thuận dành cho dâu và cháu nội của bà và bà đã thúc hối cho hai người làm đám cưới,đó là năm 1996

    Nhắc lại,từ dạo đó ở quê người ta đồn rùm là Thuận đã vượt biên và chết trên biển, bà Tư Sơn vì mất đứa con trai đau buồn thương nhớ quá sinh bẹnh mà chết,Thanh Thảo cũng rất hối hận về cách hành xử của mình với anh trai. Còn gia đình Ngọc người ta cho rằng vì Ngọc thất tình nên đùm túm về xứ khác sinh sống

    Thời gian dần trôi ….

    Bỗng đầu năm Bính Thân 2016 gia đình Thuận từ Mỹ trở về.Tin ấy làm chấn động cả Thị Trấn Tam Bình.Thanh Thảo đã nghĩ hưu ,tóc bạc hoa râm ôm anh trai mà khóc, rùi nhìn Như Ngọc vừa ngạc nhiên , vừa cảm thấy ngờ ngợ vì bao nhiêu năm qua mà Như Ngọc vẫn giử được dáng vẽ đài các, quí phái. Đến chưng hai chị em Như Thủy chào cô Ba,khi đó Thanh Thảo mới tỉnh táo trở lại,hỏi ra hai chị em Thanh Thảo bây giờ đứa là Bác si,đứa là kỷ sư rùi.Chờ mọi cảm xúc của Thanh Thảo lắng xuống Như Ngọc mới gọi con trai Thanh Hoa lại chào cô Ba và nói .Đây là cháu Thanh Hòa con của anh chị  cháu sanh ở Mỹ ,năm nay cháu tròn 18 tuổi,đang vào đại học

    Thuận, Ngọc và các con đến đốt nhang bàn thờ Bà Tư Sơn

    Khi đó như chợt nhớ ra cô ba Thảo hỏi, còn Bác Mười có khỏe ko sao ko thấy bác vậy ?
    Ngọc trả lời , mẹ tôi vì nôn nóng muốn thăm lại bà con xóm giềng nên về Trà Ngoa rùi

    Thế mới biết :

    Khi tình yêu chân thực thì luôn luôn sẽ được hạnh phúc

    …hi hi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác