Thờ Chồng (10)

Ngày đăng: 11/05/2016 08:29:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

Tháng 9 năm 1983
Khai giảng năm học được một tuần, cô giáo Bích Lam có việc đến Phòng Giáo dục. Xong việc mà còn dư nhiều thì giờ chờ chuyến đò rời bến về chợ xã. Lâu lắm mới rảnh rổi thế này, cô dạo chợ huyện tìm mua một số giấy bút. Sẵn dịp, cô ghé gian hàng tạp hoá của Thảo.

Bích Lam và Thanh Thảo cùng tốt nghiệp sư phạm đại học Cần Thơ, cả hai cùng được phân bổ về trường Trung học quận Bình Minh năm 1974. Thời gian chiến sự bùng nổ thật gần nội ô quận lỵ.
Niên học 1975, học trò trung học thưa vắng, hai cô bị trả về Sở Giáo dục và được điều động về huyện Tam Bình, để tiếp tục khăn gói về trường Cấp 2 Bình Ninh, tại địa phương Cà Ná (ấp Bình An). Trách nhiệm của họ như những cán bộ giảng dạy nòng cốt cho ngôi trường mới thành lập.

Năm 1979, cô giáo Thanh Thảo lập gia đình với một cựu giáo viên trung học, anh ta là con trai duy nhất của gia đình có tiếng là giàu nhất chợ huyện trào trước. Vị nầy trước kia dạy ở một trường trung học ở Long An. Hè đỏ lửa 1972, thầy bị gọi nhập ngủ. Ra trường Thủ Đức lúc chiến cuộc tạm lắng dịu, chiếc lon chuẩn uý chưa một ngày trận mạc thì hầu như khoá thầy giáo tùng quân nhập ngủ được bộ Quốc phòng cho ai nấy trở về dạy ở trường cũ. Đến năm 1975, chính quyền mới ra lịnh tập trung những thầy giáo có tình trạng như anh phải chấp hành cải tạo. Sau hơn một năm lên rừng cuốc đất trồng khoai, cầm tờ lệnh tha về nhà,  anh ấy không trở lại nghề cũ.

Còn Thanh Thảo sau khi lấy chồng, cô quyết định thôi phục vụ ngành giáo dục để mở một gian hàng nhỏ bán tạp hoá mà lúc đó hầu như sinh hoạt  thương nghiêp tư nhân  tại chợ huyện còn rất đìu hiu.

Hàng ngày bận bịu việc mua bán, đôi lúc Thanh Thảo nhớ kỷ niệm gặp lại bạn bè trong dịp đám cưới của cậu út Tâm sắp tròn năm. Hôm đó, một cô giáo khác tên Vân, người lên tiếng cáp đôi cô giáo Bích Lam với người anh độc thân của Thảo. Rất nhiều lần, Thanh Thảo định đến trường của Bích Lam thúc đẩy kết hợp mối lương duyên rất xứng nầy, nhưng chưa có dịp. Trưa  hôm đó gặp lại bạn cũ, Thanh Thảo vui mừng và không quên yêu cầu còn bỏ ngỏ.

– Sau đám cưới thằng Út, anh mình có hỏi thăm về Lam. Mà nè, lúc chia tay, Bích Lam nói thỉnh thoảng ra nhà ba má mình làm bánh như thuở trước, vậy mà có ai thấy mặt người đẹp đâu.

– Hôm nghỉ tết vừa rồi, trước khi về Rạch Giá, Lam từ nhà tập thể quá giang xuồng máy ghé nhà bác Tư, luôn tiện đón chuyến đò trưa từ Hựu Thành lên Cần Thơ. Thảo cũng biết rồi, trường mình ra vô chợ bằng ngã Ba Phố, chứ không tiện đường ghé nhà bạn ở Chợ Cũ. Hôm đó Lam gặp bác Tư trai ở nhà một mình, bác gái và vợ chồng Út Tâm đi đám cưới bên Trà Ôn. Bác trai cho biết anh Thuận lúc nầy chạy ghe chở mật đường quanh năm, ghe về tới là tranh thủ lái vòng vòng mấy chục lò kết tinh đường vùng Tam Bình-Trà Ôn để múc mật chuyến mới. Cả năm rồi, ảnh ít khi ở nhà với gia đình.

– Đúng rồi, anh Thuận chỉ gặp Thảo khi giao hàng của Thảo hay của tiệm khác chợ nầy trong chuyến ghe về từ Sài Gòn. Ba má Thảo cần gì anh Thuận, thường là viết giấy kêu Thảo giao ảnh. Nhắc cho Lam, kẻo mê dạy học trò mà quên ngày tháng xuân thì. Năm nay 31 rồi nghen, lớn quá làm sao sinh con đẻ cái.

– Hôm gặp anh Thuận trong đám cưới, Lam thấy anh Thuận nghiêm nghị ít nói, mình thấy hơi sợ sợ.

– Tại Lam không biết ảnh đó thôi. Anh Thuận của mình rất vui tánh. Hồi đi lính, ảnh có biệt danh Thuận “Tề thiên”. Lam nhớ chuyện gì không, hôm đó trong bàn tiệc cưới, cô Vân vui miệng giới thiệu anh Thuận là pilot trực thăng mới đi cải tạo về không lâu. Kiểm lại trong bàn nầy chỉ còn một nữ độc thân, hy vọng nhân tuyển xinh đẹp đó sẽ chiếu cố tình cảnh của anh ta. Ngồi kế bên anh Thuận là ông Hiệu Trưởng G vọt miệng làm ai nấy đứng hình. Mặt ổng đăm đăm, nói rằng vợ ổng bị trực thăng phóng pháo chết ngay trong hầm trú ẩn, hai đứa con bị thương nhẹ nhờ thân mẹ che chở thời ác liệt 1973 ở Ngãi Tứ. Anh Thuận ngồi trơ ra, anh bị ông hiệu trưởng của Lam kê cứng người buồn hiu, chứ nghiêm đâu mà nghiêm.

– Thảo không rủ anh Thuận vô trường mình chơi.

– Mình mua bán suốt ngày, anh Thuận đi ghe. Anh là tài công, không thể bỏ tàu giao cho người khác.

Lam nheo nheo cười cười:
– Anh Thuận cưới mình, thì “Anh vui sông hồ, còn nơi quê nghèo em vẫn đợi” như lời trong một bản nhạc.

– Anh Thuận đã làm chủ nửa phần hùn chiếc tàu chở cam quýt được 6 tháng. Trước khi anh Thuận cưới Lam, mình ra tiền thối lại nửa phần hùn kia, để cho anh tự quyền làm chủ. Lam dạy học ở đâu thì mỗi chuyến ghe về, ảnh neo gần đó. Mà Lam đã dạy trường Cà Ná cũng 8 năm rồi, Lam làm đơn xin về huyện hoặc về tỉnh đi.

– Thảo quên tụi mình là con bà phước! hì hì. Mấy năm nay, hình như Thảo trở lại thăm trường xưa có một lần à nghe.

– À, Thảo nhớ ra  việc nầy. Đám giỗ ông nội Thảo trong tháng Chín âm lịch, Lam chờ Thảo xem lịch rồi mình tính. Đây nè hên quá, trúng ngày Chúa nhật. Sẵn đây, Thảo ghi ít chữ nhờ Lam mời luôn chị Vân. Thảo mời ngày Tây là 9 tháng 10 cho hai người dễ nhớ. Sáng sớm hôm đó, Thảo nhờ anh Thuận hoặc là thằng Tâm chạy tác-ráng vô rước Lam và chị Vân.

– Chúa nhật thì Lam và chị Vân chắc ăn rồi, còn anh Thuận bận đi ghe thì sao?

– Thảo sẽ yêu cầu anh Thuận nghỉ ngày đám giỗ ông nội.

xox

Hai Thuận được cô em gái Thanh Thảo cho biết, anh dàn xếp thế nào phải có mặt ngày giỗ nội, mục đích chính là làm quen với cô Bích Lam để có thể mau chóng tiến tới hôn nhân.
Nhiều lúc anh tự hỏi, cô em gái nầy được sanh vào giờ linh hay nó có chòm sao thiên tướng chiếu mệnh. Mà ngay cả ba má anh cũng nể nó mấy phần.

Thuận trở về ghe nằm ngay chừ trong ca-bin như bị bệnh. Anh vô cùng khó xử, vì hôm trước Thuận đã bàn với ông Tư Son về tiệc giỗ năm nay, ba anh đồng ý anh mời những người cộng tác và bạn bè giúp đở việc làm ăn. Còn một lo lắng khác, chỉ riêng anh và Như Ngọc ngoéo tay giao ước là sau lần xuất hiện trong lễ giỗ, Như Ngọc sẽ đến chơi thăm viếng ông bà Tư Son vài lần với danh nghĩa người hùn hạp. Rồi Thuận sẽ lựa thời cơ tuyên bố với gia đình là anh sẽ cưới Như Ngọc ngay trong tết Giáp Tý, 1984.

Bỗng nhiên cô em gái bày mưu độc xử. Ở đâu mà nhảy ra cô Bích Lam với một lô hàng hiếm quý:
“Người có học thức, chưa từng có bạn trai, đẹp thuỳ mị, ngoan hiền hiếu thảo, sanh năm 1952 tuổi Nhâm Thìn. Đúng công thức Thân-Tý-Thìn tam hạp, thiên duyên cho người thanh niên nào sanh năm 1948, tuổi Mậu Tý như anh Hai Thuận”

Thuận không biết lễ giỗ ông nội tại nhà ba má anh sắp tới, số phận anh sẽ xoay chuyển ra sao.

(Còn tiếp)

Một Lúa

0 cantho 1H

Có 10 bình luận về Thờ Chồng (10)

  1. Drama, drama ! Tình tiết còn gay cấn hơn cả phim tập Đại Hàn, chúng ta chờ xem cuộc tình của Như Ngọc và Thuận sẽ đi tới đâu, kết cuộc sẽ hạnh phúc hay bi thảm, chưa thể đoán được nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều lâm ly, bi đát……cố lên Một Lúa ! ! !

  2. Phan Lương nói:

    Tình tiết của câu chuyện càng lúc càng tuyệt vời và thân quen.Hình như ngôi trường cấp 2 BN đã từng gắn bó với mình những ngày còn chân ướt ,chân ráo bước vào ngành giáo dục.

    Sự xuất hiện của Bích Lam đã tạo nên những rối rắm trong lòng Thuận .Làm sao để giử được trọn vẹn tình yêu cho Ngọc ? Làm sao để khỏi mất lòng cô em gái Thanh Thảo đã quá tốt với anh trai Hai Thuận chứ ?

    Thật là khó nghĩ à nha !

    Nhà văn Một Lúa đã dẫn dắt chúng ta vào một chuyện tình ngang trái rùi đây !

    Ôi đành phải chờ phần 11 ra lò coi sao nửa

    Haizzzz !

    Yêu chi mà cho khổ lắm thế !

     

  3. HOA ĐĂNG nói:

    Trời xui đất xụi, tình tay ba li kì hấp dẫn, có ai đặt hàng quyển tiểu thuyết nầy chưa Lúa đệ?

  4. My Nguyen nói:

    Thấy chưa, tui nói “lửa gần rơm” mà! Ngoéo tay rồi đó, lại còn hứa hẹn cưới nhau vào dịp tết Giáp Tý nữa. Nhưng sự xuất hiện của Bích Lam, rắc rối rồi đây. Chờ xem anh Một Lúa giải quyết thế nào. Hi hi…

    • Một Lúa nói:

      My Nguyen,

      Một Lúa chỉ làm công việc lon ton như một thầy đề (giống như ghi số đề) trong ấp 5. Chiệng hôn nhân đại sự là luận án của ông bán tơ tằm và bà gì quên rùi. hihihi

  5. Như Thuỳ nói:

    Hai người rồi sẽ đến được với nhau dù trải qua lắm phen lên thác xuống ghềnh …

    Mong như rứa !!!

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác