Thành phố chưa xa đã nhớ (phần cuối)

Ngày đăng: 4/05/2016 10:52:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

1/ Chúng tôi đến Ngũ Hành Sơn trong một buổi chiều trời quang mây tạnh, một phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt. Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm năm ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, có diện tích 2 km2, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam; thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Thực ra tên gọi núi Non Nước đã có từ lâu đời, đã đi vào ca dao như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của dân chúng ở nơi này: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Trong ký ức của nhiều người, đây là vùng “địa linh” của xứ Quảng xưa nay.

Ngũ Hành Sơn gồm những ngọn núi mang tên: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, chất liệu đá, hang động…Trong đó, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và kiều diễm nhất. Thang máy sẽ đưa bạn lên đỉnh Thủy Sơn, từ đó có thể viếng chùa Linh Ứng và các danh thắng khác. Đứng trên ngọn núi này, nhìn xuống một góc TP Đà Nẵng, trời mây tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình… ngoạn mục làm sao!

Ngày 22 tháng 3 năm 1990, Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn Hóa ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

2/ Rời Ngũ Hành Sơn, chúng tôi đến phố cổ Hội An khi thành phố sắp lên đèn. Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách TP Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Vào thế kỷ 17 và 18, Hội An là một thương cảng sầm uất nhất ở VN. Nơi các thương gia nhiều nước đến buôn bán như Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý…Vì vậy, phong cách kiến trúc ở đây ảnh hưởng văn hóa Nhật, Pháp, Ý…Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ào ạt vào cuối thế kỷ 20.

Kiểu nhà phổ biến ở Hội An là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng. Đặc trưng là chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài, tạo nên một kiểu nhà hình ống. Chúng tôi được vào tham quan một ngôi nhà trên 200 năm tuổi, có lối kiến trúc như thế.Gian trước nhà dùng để mua bán, tiếp theo là phòng khách, kế đến là gian thờ phụng và hội họp gia đình, tiếp nữa là gian có giếng trời dùng để vui chơi giải trí, phần cuối cùng dùng để ở.

Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Ban ngày ở đây sinh hoạt bình thường như một phố chợ nhưng đêm đến thì đèn lồng được thắp lên rực rỡ, đủ màu; tạo nên nét huyền bí của một khu phố cổ. Năm 1999, phố cổ Hội An được công nhận Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.

3/ Địa điểm chúng tôi tham quan cuối cùng trước khi rời Đà Nẵng là Bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông. Đây là một bán đảo với khu rừng nguyên sinh có khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Là nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng, tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại và khám phá rừng hoang sơ. Vẻ bình yên nơi đây đã thu hút mỗi khi du khách đến với bán đảo Sơn Trà. Dù nắng nóng lên đến 38 độ C, thời tiết vẫn dễ chịu nhờ gió biển. Sơn Trà có những đỉnh núi cao 700 m so với mực nước biển. Từ đây có thể quan sát toàn bộ thành phố Đà Nẵng.

Vì thời gian không còn nhiều, xe chỉ đưa đoàn tham quan một vòng bán đảo Sơn Trà, viếng chùa Linh Ứng. Được biết, chùa Linh Ứng là tên gọi chung của ba ngôi chùa ở Đà Nẵng. Chùa Linh Ứng Non Nước nằm trên một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn; Chùa Linh Ứng Bà Nà nằm trên một ngọn núi cao của Bà Nà Hills. Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất ở bán đảo Sơn Trà, rộng khoảng 20 ha.

Với tượng Phật Quan Thế Âm cao 67 m, được xem là tượng Phật cao nhất nước ta.

Tượng đứng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển, tay cầm bình nước cam lộ như rưới an bình cho những ngư dân đang vượt khơi xa…

Những ngày ở Đà Nẵng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai. Một thành phố văn minh, tuyệt đẹp được mệnh danh là “Thành phố đáng sống” hay “Thành phố của những chiếc cầu”. Con người ở đây thật chân tình, hiếu khách. Tôi nhớ mãi đêm hội ngộ với chị Hoành Hà và Như Thùy, chỉ quen biết nhau trên trang nhà, lần đầu gặp mặt mà như đã thân nhau từ lâu lắm… Tạm biệt thành phố thân thương, tạm biệt những người bạn dễ mến. Hẹn ngày gặp lại với bao niềm mong nhớ!

Tháng 5 / 2016

My Nguyễn

0 hoi 1H 1: Trên đỉnh Ngũ Hành Sơn

0 hoi 2     H 2: TP Đà Nẵng nhìn từ Ngũ Hành Sơn

0 hoi 3  H 3: Ngũ Hành Sơn

0 hoi 4                  H 4: Thang máy lên đỉnh Thủy Sơn(internet)

0 hoi 5            H 5: Chiều phố cổ Hội An

0 hoi 6H 6: Phố cổ Hội An về đêm

0 hoi 7H 7: Phố cổ Hội An về đêm

0 hoi 8H 8: Chùa Cầu, di tích của phố cổ Hội An

0 hoi 9H 9: Bán đảo Sơn Trà( internet)

0 hoi 11H 10: Tượng Phật Quan Thế Âm chùa Linh Ứng

0 hoi 12H 11: Cổng chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Sơn Trà)

Có 4 bình luận về Thành phố chưa xa đã nhớ (phần cuối)

  1. Hết có từ nào để khen nữa rồi My ơi! Chỉ biết gom lại một chữ mà thôi: TUYỆT !!!.

    • My Nguyen nói:

      Thật không biết nói gì hơn, anh luôn động viên em. Đó là động lực giúp em cố gắng hơn trong thời gian tới. Em xin cảm ơn anh và chúc anh luôn vui khỏe.

  2. Nguyễn Văn Gương nói:

    NGUYỄN GƯƠNG
    Bài viết, hình chụp không thua gì một phóng viên du lịch_Nội dung chuyển tải qúa đầy đủ.  Hình ảnh đẹp

    • My Nguyen nói:

      Cảm ơn anh Nguyễn Gương thật nhiều với những lời nhận xét dành cho MN.

      Có lẽ cuối tháng 11/2016, lớp SP của MN sẽ về họp mặt tại nhà chị Kim Sa. Chừng đó sẽ mời anh đến dự nha!

Trả lời Nguyễn Văn Gương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác