Những cọng giá trắng ngần
Trong các bữa cơm Việt, rau củ là những món không thể nào thiếu được, hoặc dùng để ăn sống hoặc dùng để biến chế, xào nấu với thịt, cá thành những món ăn vừa ngon, vừa đem lại nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Từ ngàn xưa, ông bà, cha mẹ chúng ta đã dùng rất nhiều rau củ, đất nước chúng ta từ Bắc vào Nam nơi nào cũng không thiếu các loại rau xanh, đây là nguồn cung cấp vitamin cũng như các chất khoáng cần thiết cho con người. Ngoài những thứ rau củ có thể tìm thấy và được trồng ở khắp mọi nơi, còn có những loại rau củ đặc biệt chỉ có ở những miền hoặc vùng nhất định vì phải tuỳ thuộc vào khí hậu và thuỷ thổ nên trở thành đặc sản của nơi ấy.
Giàu có về rau củ như vậy mà ngày nay chúng ta phải ngần ngại khi ra chợ mua một bó rau, mua một mớ củ để làm món ăn hàng ngày, cây trái, rau củ sạch trở thành món hàng hiếm, đắt giá vì ở chợ cũng như tại các siêu thị, rau củ nhiễm hoá chất độc hại đang tràn lan. Vì lợi nhuận, vì lòng tham, nhà vườn, người sản xuất, người phân phối, bạn hàng đã không cần quan tâm đến sức khoẻ của người tiêu thụ, không ai có đủ khả năng để kiểm soát, để ngăn chận tệ trang đang hoành hành.
Để tự bảo vệ, rất nhiều người hiểu biết và có phương tiện đã từ từ tìm cách tự trồng rau củ tại gia, trong vườn, ngoài ban công, trên sân thượng, số thu hoạch dù nhiều hay ít không quan trọng bằng cái cảm giác an toàn khi ăn các rau củ do chính mình trồng lấy.
Trên internet chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều điều hướng dẫn trong vấn đề trồng rau củ sạch, cách làm các rau mầm, đặc biệt là giá đỗ, thật nhiều cách, nhiều hướng dẫn chừng như rất dễ dàng nhưng khi bắt tay vào làm thì cũng gặp không thiếu gì khó khăn.
BS Lê Thị Bích, một người bạn của Bếp Ấm đã trải qua và chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm trong quá trình làm giá đỗ, cũng như công thức hoàn hảo sau bao nhiêu lần kiên nhẫn để thử nghiệm.
Bếp Ấm xin cám ơn BS Bích thật nhiều, chắc chắn là các bạn sẽ thành công khi áp dụng công thức của BS Bích để có giá sạch dùng hàng ngày.
Bếp Ấm
CÁCH LÀM GIÁ ĐỖ CỦA BS LÊ THỊ BÍCH
Lên Google chúng ta bắt gặp rất nhiều chương mục hướng dẫn “CÁCH LÀM GIÁ ĐỖ” tại nhà. Đọc qua thì thấy cách nào cũng đơn giản và thuận tiện để thực hiện.
Cũng như mọi người, mình hăm hở đi chợ mua đậu xanh nguyên hạt, về nhà lấy mấy cái khăn sữa vải xô và mấy cái rổ nhựa cũ. Làm đúng như lời chỉ dẫn, vo đậu cho sạch rồi ngâm trong nước 8 tiếng đồng hồ. Buổi chiều đặt khăn xô trên rổ nhựa, rải đậu một cách thận trọng trên từng lớp khăn xô và trên cùng là một lớp vải dày, tối màu. Sau đó tưới dưới vòi nước thật đẫm, ém chặt,để ráo nước, đặt trên một cái sô và để vào một góc tối.
Giai đoạn đầu tiên đã xong, từ đây cứ mỗi ngày 3 lần tưới đẫm dưới vòi nước, để ráo mà lại đặt vào chỗ tối.
Sau ba ngày chỉ có một phần giá lên cao khoảng 2cm, còn lại thì đậu đổi mầu, ủng và có mùi hôi rất khó chịu.
Lần đầu coi như thất bại nên lại xem phần hướng dẫn khác, ngày chỉ tưới 2 lần. Lần này càng thận trọng hơn, kiên trì làm đi làm lại vài lần và kết quả có chiều khá hơn nhưng giá không dài,vẫn sũng nước và có mùi khó chịu.
Nản chí, mình ngưng làm một thời gian, cho đến một hôm tự nhiên nghĩ ra thử bớt tưới nước xem sao. Nghĩ sao, áp dụng liền, sau khi ém đậu, tưới nước lần đầu tiên và rồi trong suốt ba ngày không tưới thêm lần nào nữa…thật ngạc nhiên, giá ùn lên rất nhanh, khô ráo, sạch và không còn có mùi hôi như trước. Có điều là cọng giá trắng, đẹp nhưng không mập mạp.
Nhớ lại ngày xưa nông dân thường ngâm lúa giống với “ba sôi, hai lạnh”, mình thử áp dụng cho giá đỗ xem sao. Nước chỉ cần âm ấm tay là được, tuyệt vời thay thành quả là những cọng giá vừa dài, vừa mập, vừa đẹp mà còn có lợi về kinh tế nữa.
Qua kinh nghiệm này mình nhận ra được một điều là giữa “lý thuyết” và “thực hành” còn có một khoảng trống để chúng ta tìm tòi và xoay sở trước khi đi đến thành công.
I/ VẬT LIỆU VÀ DỤNG CỤ
-Đậu xanh nguyên hột, còn vỏ, nhiều ít tuỳ ý, thường là một lon đậu xanh, đừng dùng hột đậu xanh to quá
-Một cái rổ bằng nhựa có nhiều lỗ
-Mấy khăn vải xô ( nhiều ít tuỳ theo lượng đậu ), tốt nhất chỉ dùng năm sáu cái mà thôi. Vải xô là loại vải mềm để may mùng ngày xưa, ngày nay thường dùng để may khăn lót đầu hoặc chùi sữa cho trẻ sơ sinh
– Một cái sô
-Một cái chậu
-Nước ấm để ngâm đậu ( pha theo một phần nước sôi với hai phần nước lạnh )
-Nước lạnh để tưới đậu
Hình 1 — Đậu xanh và dụng cụ để làm giá
II/ CÁCH LÀM
– Rửa sạch đậu bằng nước lạnh, vo và sát kỹ để cho mày đậu bung ra, ngâm đậu trong chậu nước ấm khoảng 6-8 tiếng đồng hồ.
– Để một cái khăn xô trên rổ nhựa, trải đậu, dàn đều trên khăn xô, các hạt đậu nằm sát nhau nhưng không chồng lên nhau, xếp các mép khăn lại cho gọn rồi đặt một lớp khăn khác lên, tiếp tục làm như vậy với nhiều lớp với khăn xô cho đến khi hết đậu.
Hình 2—Đậu xanh sau khi ngâm được rải đều trên khăn xô– Phủ lớp đậu cuối cùng bằng một lớp vải dày, màu tối.
– Tưới dưới vòi nước cho thật đẫm nước.
– Ém thật chặt, để ráo, đặt rổ trên một cái sô hoặc trong một cái sô nhưng để ý để đáy rổ không sát vào đáy sô, để trong một góc thật tối, có ánh sáng thì đậu không phát triển được, trong 3 ngày không tưới thêm lần nào nữa.
– Sau ba ngày, giá ra dài, trắng và mập mạp là có thể thu hoạch được bằng cách cầm từng cái khăn và dũ giá vào khay
-(1) Sau ba ngày, đậu xanh đã thành giá
-(2) Thành quả
Hình 4 — Giá thu hoạch đem muối dưa với hẹ và củ cải đỏ
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG VỚI PHƯƠNG PHÁP LÀM GIÁ ĐỖ NÀY !
BS LÊ THỊ BÍCH
Cám ơn cô đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách làm giá đỗ của cô, chắc chắn có nhiều người sẽ dùng phương pháp của cô để gia đình luôn có món giá đỗ ngon và lành mạnh trong các bữa ăn.
Xin gởi lời thăm cô chú và toàn thể gia đình.
Hồng-Khanh
Hay quá , rất an toàn vệ sinh thực phẩm ,, cách làm giá đỗ bằng các dụng cụ bếp núc thông thường ,,,nên dễ thực hiện ,Cảm ơn cô BS Lê Thị Bích ạ ! Hoành Châu (Gia đình C )
Cam on Hong Khanh va Hoanh Chau nhe.