ĐƯỜNG XA VẠN DẶM

Ngày đăng: 20/04/2016 06:11:29 Sáng/ ý kiến phản hồi (15)

 Khoảng gần hai mươi năm sau này tôi thường sang Úc để thăm mẹ tôi, trung bình hai năm một lần. Quãng đường bay dài hơn 16.000 km giữa Đức và Úc đã trở thành con đường dài quen thuộc đối với tôi.  Thực ra tôi là người ít thích di chuyển hoặc đi du lịch đây đó nên mọi người trong gia đình thường chọc ghẹo là tôi cầm tinh con chó mà lại sinh ra vào ban đêm, suốt đời chỉ thích ở nhà để giữ của, mặc dù chẳng có của gì đáng giá để mà giữ.

Ý muốn được ở một nơi cho yên bình nhưng ông trời lại không chiều lòng người. Vì thời cuộc, tôi phải theo ba mẹ di chuyển nhiều lần từ chỗ này đến nơi khác ngay lúc còn ở lứa tuổi thơ dại.  Khi trưởng thành vì vấn đề nghề nghiệp, tôi phải xa nhà nên việc đi đi, về về bằng xe đò cũng là chuyện bình thường, mặc dù những lần đi như vậy cũng không phải là không nguy hiểm, đất nước thuở đó đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Tháng 2/1975 tôi làm một cuộc hành trình dài bằng đường hàng không để có thể thăng tiến nghề nghiệp. Ra đi nước ngoài một năm rồi lại trở về, thật đơn giản nhưng không ngờ đó là lần đầu tiên cũng tưởng là lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương xứ sở của mình.

Từ dạo đó tôi lang thang qua nhiều nước, đem theo chút ít hành trang cần thiết cho cuộc sống và rất nhiều nỗi u buồn, những gánh nặng, những ngỡ ngàng trước cuộc sống nơi xứ lạ quê người.
Sau khi lập gia đình, do công việc của chồng, chúng tôi cũng phải dời đổi chỗ ở vài ba lần tại những thành phố khác nhau trên nước Đức, cuối cùng cũng yên bình một nơi để tạo nên mái ấm, chăm sóc hai con còn nhỏ. Khi con bắt đầu hiểu biết, chúng tôi thường đưa con đi đây, đi đó để các con có cơ hội mở mang tầm mắt lẫn trí tuệ. Đi cũng chỉ vì con chứ không phải vì ý thích du lịch riêng của mình, với tôi qua sách vở, qua các phương tiện truyền thông, tôi có thể tìm hiểu và nhìn thấy hình ảnh của nhiều địa danh lẫn thắng cảnh ở khắp nơi trên thế giới là đủ hài lòng, không cần phải đến tận nơi, nhìn tận mắt. Những chuyến đi xa do tôi quyết định đều có một mục đích khác hơn là ý thích ngoạn cảnh.

0 co khanhHình 1 : Phi trường tại Düsseldorf (CHLB Đức)
Năm 1984 chúng tôi đưa hai con sang Úc thăm ông bà ngoại và đại gia đình, chuyến đi thật vất vả. Hai con còn nhỏ quá, cháu gái sắp lên ba, cháu trai mới hơn một tuổi, chuyến bay thật xa và thật dài. Dạo ấy phải mất hơn 30 tiếng đồng hồ trên máy bay, chưa tính đến thời gian chờ đợi ở các phi trường nhưng lòng mong muốn được gặp lại cha mẹ, anh chị em sau gần mười năm xa cách đã giúp tôi vượt qua được mọi sự khó nhọc của cuộc hành trình.
Ngày nay, phương tiện di chuyển bằng đường hàng không phát triển và tiến bộ hơn xưa rất nhiều, cuộc hành trình từ Đức sang Úc chỉ còn mất 22 tiếng đồng hồ trên máy bay mà thôi. Những thời gian chờ tại các phi trường trong lúc đợi đổi máy bay, ngắn là vài tiếng và dài có thể kéo đến sáu bảy tiếng tuỳ theo những chuyến bay đã được chọn. Các hãng hàng không của các nước trên thế giới cũng thật nhiều và hành khách cũng tuỳ theo túi tiền của mình để tha hồ chọn lựa. Tôi thường chọn những hãng nào tương đối an toàn vào những lúc họ hạ giá vé phải chăng cho hành khách.Từ những hãng máy bay nổi tiếng như Lufthansa, Air France, British Airways, Qantas, Singapore Airlines… đến những hãng ít nổi tiếng như Air Italia, China Airlines tôi đã từng là hành khách và chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ lại mua vé của hai hãng máy bay sau cùng này vì vấn đề vệ sinh cũng như phục vụ hành khách không được chu đáo.
Các phi trường để du khách dừng lại nghỉ chân và đổi máy bay tại các nước đều rộng lớn, tân tiến và tấp nập kẻ đi, người đến, những quán ăn, những gian hàng bán các sản phẩm, nhiều nhất là mỹ phẩm, nước hoa, rượu, thuốc lá, bánh, kẹo, những dãy ghế cho hành khách ngồi nghỉ chân, những bảng điện tử ghi chuyến bay, giờ bay ….., hầu như đâu đâu cũng trang bị giống nhau, chỉ khác biệt là diện tích các phi trường lớn nhỏ mà thôi. Riêng với tôi, tôi thích phi trường Dubai, đây là một trong những phi trường lớn, mới xây, nhất là lại có những hàng ghế mà khách có thể nằm dài một cách thoải mái trong lúc chờ đợi. Tôi đã qua nhiều phi trường nhưng không thấy nơi nào có phương tiện ghế nằm này, mới đây đọc bài viết của Như Thuỳ mới biết ở ở phi trường Seoul, Nam Hàn cũng có ghế nằm, xem hình thì những ghế nằm này còn tiện nghi và thoải mái hơn cả ở Dubai, phải thầm khâm phục Nam Hàn ngày nay tiến bộ vượt bực về nhiều phương diện.

Đường xa vạn dặm nên trong chuyến bay, hành khách được phục vụ ăn uống chu đáo, nhất là thức uống được đem đến thường xuyên để giúp hành khách điều hoà lượng nước cần thiết trong người và cũng để giúp cho hệ thống tuần hoàn máu chuyển vận dễ dàng.
Với những người lớn tuổi như tôi, ngồi quá lâu một chỗ đều không có lợi cho sức khoẻ vì vậy dù uống nhiều nước để máu loãng hơn, sau đó phải mất công đi thăm WC giúp chân cẳng được vận động một chút, cũng là việc nên làm. Vì lý do này, tôi thường ghi chỗ ngồi ở ngoài bìa để khỏi làm phiền người ngồi cạnh. Lâu nay vẫn thấy tin tức trên báo chí, trên TV về những vụ hành khách bị tử vong vì bị những cục máu đọng lại làm nghẽn mạch máu, đặc biệt là mạch máu trong phổi trên các chuyến bay xa.

Xin được trích ra đây một vài đoạn trong bài viết ” CẨN THẬN KHI ĐI MÁY BAY ĐƯỜNG DÀI ” của BS Tôn Thất Hứa, BS cấp cứu của tỉnh Würzburg và vùng phụ cận (CHLB ĐỨC)

Sự nguy hiểm do đâu mà ra?  

Chúng ta chỉ biết rõ là chức năng đưa đến sự đông máu thường lại xảy ra do chỗ ngồi quá hẹp của hạng bình dân (Economy-Class) . Chính vì sự kiện ngẫu nhiên này nên người ta đã không ngần ngại và đã nhầm lẫn khi viết: triệu chứng lâm sàng của sự đông máu ở hạng du lịch bình dân (Economy-Class- Syndrom). Sự nhận xét trên không đúng 100% vì ngay cả những hành khách hạng nhất, hạng thương gia cũng bị tai biến mạch máu nêu trên. Nguyên nhân được chứng minh rõ ràng là biến chứng tạo nên do sự tạo thành cục máu nhỏ rồi phát triển và lan dần rộng ra do các cục máu tụ kết hợp lại.  

Hiện tượng máu tụ được hiểu biết là do là thiếu cử động trong chuyến bay và 2 cẳng chân xếp lại do tư thế ngồi trên máy bay. Hai nhận xét này thực ra rất đúng cho các hành khách máy bay ở hạng bình dân, do chỗ ngồi khá chật chội.

Tuy nhiên một điểm phải được chú ý thêm nữa là trên máy bay, khí thông trong buồng hành khách rất khô. Ví dụ trong chuyến bay, quý vị để một chén cơm nóng thì chỉ cần 1 tiếng đồng hồ sau cơm sẽ khô như chén cơm chiên. Tác động “phụ” của không khí khô khan trong buồng hành khách sẽ “hút thêm” nước từ các mạch máu của cơ thể bạn trong hành trình, sự kiện “máu cô lại” chính là yếu tố quyết định nguyên nhân bắt đầu xuất hiện những cục máu đông nhỏ nằm ở phần hạ chi của con người. 

(BS Tôn Thất Hứa)

Uống nhiều chất lỏng như nước trà, nước suối, nước trái cây sẽ làm cho máu bớt đặc, giúp cho việc di chuyển của máu trong cơ thể được dễ dàng hơn, nhưng không nên uống rượu vì rượu sẽ đem lại những hậu quả trái ngược, mạch máu sẽ nở rộng thêm, máu sẽ di chuyển chậm đi nên dễ nảy sinh ra việc máu bị đọng lại.

Ở trên máy bay mới thấy hành khách rất ưa chuộng rượu và không bữa ăn nào là không có rượu vang được các tiếp viên đem đến để phục vụ mọi người, ngoài ra còn có bia và các lọai rượu mạnh khác. Các hành khách thích rượu cứ tha hồ uống miễn phí mà không nghĩ đến những tai hại sẽ xảy ra cho họ.

Thức ăn trên máy bay dù của hãng hàng không nào cũng thế, thường gần gần giống nhau, mỗi người một phần, có hai hoặc ba menu để chọn lựa, những món ăn theo khẩu vị Tây Phương. Ăn vài buổi đầu còn thấy ngon, đến những lần sau thì chỉ cần nghe mùi đã thấy ngán rồi. Làm dân Việt Nam nên thiếu vị “nước mắm” làm sao mà ngon cho được, hơn bốn chục năm sống ở nước ngoài vẫn không gột bỏ được gốc “Mít”, nên buồn hay nên vui ! Mới đây thấy trên thực đơn của vài hãng hàng không như Emirate, British Airways có phục vụ khách hàng món mì gói ăn liền nếu có yêu cầu, như món ăn chơi, ăn dặm ngoài giờ ăn chính. Đi nhiều, đã ăn nhiều món của các hãng hàng không khác nhau, tôi thích các bữa ăn của Qantas, Air Thái, Air Singapore, có thể món ăn của các hãng máy bay này về cách nấu cũng như mùi vị thích hợp với hành khách Á Châu hơn.

Sau một chuyến bay thật dài, mệt mỏi vì thiếu ngủ, phải ngồi bó gối quá lâu nên thở phào nhẹ nhõm khi máy bay đã đến đích, hân hoan đi vội tới nơi lấy hành lý và hoàn tất các thủ tục nhập cảnh. Phi trường rộng mênh mông nên phải đi xa mới đến những địa điểm cần thiết, đã có kinh nghiệm, tôi hạn chế tối đa những hành lý xách tay. Tất cả mọi thứ đều được dồn trong chiếc va li lớn gởi theo máy bay. Qua hải quan, nếu không có gì phải khai báo hoặc bị nghi ngờ, mọi việc đều được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Người đi đón đã chờ sẵn, tay bắt, mặt mừng, bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến hết, những ngày vui được sống bên những người thân yêu bắt đầu

0 cokhanh 2
Hình 2 – Phi trường Sydney (Úc Châu) 
 
Nhà ga, phi trường là nơi đã chứng kiến biết bao cuộc tái ngộ, bao cảnh chia ly, bao nhiêu giọt nước mắt cả vui lẫn buồn. Đường bay tuy xa vạn dặm nhưng ước vọng được gặp lại người thân đã là vị thuốc thần diệu xoá tan hết mọi sự nhọc nhằn. Chỉ còn phải trải qua năm bảy ngày bị “jetlag” vì thời giờ cách biệt giữa Âu và Úc, hiện nay là 8 tiếng đồng hồ, mùa hè là 10 tiếng, sau đó đã có thể ăn ngủ như dân bản xứ để hoà nhập vào nhịp sống hàng ngày nơi xứ sở của các con Kangaroo và những con gấu Koala dễ thương trong khoảng thời gian ít tuần, trước khi phải xách hành lý để trở về Đức quốc, “xứ lạnh” mà tiếc thay “tình lại không nồng”
bài và ảnh Lê Thân Hồng Khanh (2016)

Có 15 bình luận về ĐƯỜNG XA VẠN DẶM

  1. Lyhuong nói:

    Cám ơn Cô, đã cho biết  kiến thức và kinh nghiệm về  những chuyến du lịch đường dài ,em Lý Hương  kính chúc Thầy Cô được nhiều sức khỏe.

  2. Phú Thạnh nói:

    Thưa cô Hồng Khanh,

    Đã từng đọc nhiều bài viết văn và cả thơ của cô trên trang nhà, tôi rất ngưỡng mộ. Vì là những người có tuổi cao như nhau, nên rất dễ đồng cảm về ý tứ. Từ tuổi ấu thơ, đến  thời trưởng thành qua các thời kỳ loạn ly, di chuyển gần khắp mọi vùng trên quê hương đất nước…Giờ đây cô lại trải qua những chuyến bay ĐƯỜNG XA VẠN DẶM thật thú vị , đã làm tăng thêm ý nghĩa trong cuộc sống của một đời người…vuông tròn hạnh phúc như cô, quả thật ít ai được như vậy. Chân thành chúc mừng cô.

  3. Hóa ra Cô đang đi thăm người thân ở Úc.  Chúc Cô có những ngày vui bên người thân. Nước Úc mùa thu hy vọng sẽ mát, không như VN, nóng chảy mỡ! Cuộc đời con người có số. Chiến tranh tạo ra nhiều cuộc chia ly, và Cô là người may mắn, được đoàn tụ dù phải mất nhiều năm. Nhiều người không được như vậy.

    Chào Cô. Học trò cũ. Long.

  4. Phan Lương nói:

    Cô kính mến!

    Cô đi thăm Bà  bên Úc hả cô ? Cho em kính lời thăm Bà  nhiều sức khỏe nha cô

    Chúc cô khỏe ,vui nhiều và luôn ấm áp bên Bà

     

  5. Một Lúa nói:

    Chào cô Hồng Khanh,

    Kính chúc cô có chuyến đi vui vẻ và thuận lợi, hạnh phúc bên người thân.

    Kính chúc sức khoẻ Bà và thân quyến.

    Bên lề những cuộc đi chơi xa, theo dấu bài viết của cô.

    Năm 2003, em có xem tin nói về cái chết của David Bloom, phóng viên truyền hình của đài NBC tại chiến trường Iraq. Lý do tử vong của người đàn ông khoẻ mạnh 39 tuổi là do “cục máu” đông trong huyết quản. Nguyên nhân là anh ta ngồi chật chội bó gối quá lâu trên mui xe thiết giáp của SĐ3/BB trong cái nóng khủng khiếp tháng 4, lúc lính Mỹ tiến vào Baghdad.

    Sau tai nạn của anh phóng viên ít năm, người ta khám phá chất aspirin có thể phòng ngừa cục máu đông “lợn cợn bột bán” trong huyết quản, một nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ.

    Một Lúa ít khi đi du lịch xa, nhưng từ năm 2007 đến nay, vị bác sĩ gia đình khuyên mỗi ngày thầu 1 viên aspirin 81 mg (vì lý do cá nhân và với điều kiện bao tử không bị loét)

     

  6. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô thân yêu, em mừng cô đã sang Úc để gặp Bà và sum họp cùng Đại gia đình. Em chúc cô có nhungngày thật vui vẻ, hạnh phúc. Xin cô cho em gửi lời kính thăm sức khỏe của Bà và toàn gia ạ.

  7. Như Thuỳ nói:

    Cô ơi, quả là ĐƯỜNG XA VẠN DẶM mỗi khi đi từ châu lục này sang châu lục khác , cho dù có bằng máy bay chăng nữa ! Bài viết của cô luôn không chỉ là sự trải lòng mà còn luôn thể hiện sự quan tâm đến lũ học trò già ( ! ) , mang lại những thông tin hữu ích giúp bọn em sống khoẻ sống vui .

    Kính chúc cô có những ngày ” nồng ấm” bên người thân . Cầu mong Bà sống lâu trăm tuổi để cô còn nhiều dịp sum họp cùng đại gia đình .

  8. Hoành Châu nói:

    Cô Hồng Khanh kính quý ,

    Chúc mừng cô đã dù ĐƯỜNG XA VẠN DẶM để về đến   bên BÀ , chắc  Bà vui mừng lắm Cô ơi  !  . Em kính chúc Bà , cô cùng Chị Huyền Khanh   vui bên bếp lửa hồng của Đại gia đình ở ÚC ,,,Chúng em rất mong  chờ đón   Cô về  lại VN Vĩnh Long cô nhé !    Hoành Châu (Gia đình C  )

  9. Vì máy có vấn đề, không trả lời riêng từng người một nên xin được trả lời chung :

    Thưa anh Phú Thạnh, anh nói đúng, cùng một thế hệ nên dễ hiểu và đồng cảm với nhau hơn. Rất vui khi thấy anh luôn hoà đồng và sát cánh với các anh chị em để phát huy tình thân giữa các anh chị em trang nhà tại Vĩnh Long.

    Lý Hương đến nay chắc sức khoẻ đã hoàn toàn hồi phục. Cảm ơn lời thăm hỏi đến cô và thầy. Chúc em và Khắc Long luôn vui mạnh.

    Cô cũng biết là mình được may mắn hơn nhiều người vì sau mười năm xa cách cho đến nay cô vẫn thường xuyên được gặp gỡ mẹ cô và các anh chị em trong gia đình dù rằng càng lớn tuổi, càng cảm thấy ” đường xa quản ngại “. Rất vui khi thấy sự hợp tác thường xuyên của Hoàng Long với trang nhà.

    Cô sẽ chuyển lời thăm của Phan Lương tới Bà và chị Huyền. Hãy thường xuyên áp dụng công thức của Bếp Ấm và nhớ chụp ảnh thành quả, lưu lại cho cuộc triển lãm sắp tới nhé.

    Thăm em và gia đình.

    Cám ơn lời thăm hỏi của Một Lúa đến Bà, cô và đại gia đình. Phần lớn ai lớn tuổi đều phải  uống thuốc A spirin để máu không bị đặc. Theo cô biết có một lọại A spirin uống vào mà không bị hại bao tử, chỉ hơi đắt hơn loại thuốc thường một chút mà thôi.

    Lời thăm hỏi của Đức Tính sẽ được chuyển đến Bà và đại gia đình của cô, hy vọng mọi việc em đang chuẩn bị sẽ tiến triển tốt đẹp để cô sẽ nhận được tin tức chắc chắn trong một ngày gần đây.

    Nghỉ chân ở phi trường London và Singapore, cô lại nhớ đến Như Thuỳ vì cô rất cần đến cái ghế dài để nằm nghỉ chút ít như cái ghế mà Như Thuỳ đã đề cập và chụp hình ở Phi trường Seoul. Gởi lời thăm em và ông xã.

    Rất tiếc là lần này cô không có  dịp ghé thăm các em ở Việt Nam được, tuy vậy lúc nào cô cũng nhớ đến các em và luôn cầu mong Hoành Châu cũng như tất cả các anh chị em luôn vui mạnh và gặp mọi điều như ý.

  10. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! em là người phản hồi cô trể lắm đây, lần đầu em đọc nhanh để xem kết cuộc ra sao.Lần sau đọc chậmđể thưởng, cô   đi mà em thấy mỏi mệt vô cùng,cô thật giỏi.Đúng là”  Đường xa vạn dặm ”, nhưng cuối cùng gặp lại những người thân yêu thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Em kính chúc cô vui vẻ ,hạnh phúc người thân yêu,cô cho em kính lời thăm bà và tất cả những người thân cô nhé .  Học trò VL của cô .

     

  11. Lâu nay ít thấy Võ Thị Lai xuất hiện trên trang nhà, hy vọng là em vẫn bình thường. Cám ơn em đã có lời thăm hỏi Bà, cô sẽ chuyển lời của em đến Bà và người thân của cô. Chúc vợ chồng em cùng các con, các chaú luôn vui mạnh.

  12. My Nguyen nói:

    Cô ơi! Trước khi đi Đà Nẵng em có đọc bài viết này của Cô và học tập được nhiều kinh nghiệm khi đi máy bay đường dài, dù đoạn đường em vừa đi rất ngắn (chỉ hơn một giờ bay). Nghĩ mà thán phục Cô, đã bao lần trên “đường xa vạn dặm”… Cô về chắc Bà vui lắm và sẽ tăng thêm tuổi thọ. Con kính chúc Bà mãi dồi dào sức khỏe. Em kính chúc Thầy Cô có một kỳ nghỉ thật vui, trọn vẹn hạnh phúc bên những người thân trong gia đình.

    • Cô rất vui khi thấy bài viết của mình đã giúp ích em chút ít trong chuyến bay thăm miền Trung, qua fb cô được biết em đã có một cuộc du lịch thích thú với các bạn đồng hành, nhất là được gặp Như Thuỳ cũng như Hoành Hà tại Đà Nẵng. Tình bằng hữu của các anh chị em trang nhà đã trải dài khắp mọi nơi là một dấu hiệu đáng trân quý và làm cô thật cảm động. Cô cầu mong vòng tay lớn của tất cả các anh chị em càng ngày càng mở rộng và tinh thần bằng hữu không vì bất cứ một lý do gì để bị vẫn đục. Hãy nghĩ đến quyền lợi chung để bỏ qua những tỵ hiềm nho nhỏ, hãy chung tay, góp sức để phát triển trang nhà, hãy tìm đến nhau bằng sự chân tình và trái tim độ lượng, được như vậy thì trang nhà mới có thể tồn tại lâu dài và là nhịp cầu để nối tình thân của tất cả các anh chị em ở khắp mọi nơi.

      Cô Hồng-Khanh

  13. Trương phú nói:

    Thưa cô Hồng Khanh. Cộ được vào hoàn cảnh di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều nền văn minh đương đại, kinh nghiệm nhiều cùng tính nhân bản bàng bạc trên trang viết, nhân văn ngày càng rộng rãi vô cùng, khi theo sát những bài viết của cô, nhiều bạn đọc chắc cũng đồng ý như tôi với trãi nghiệm cô truyền lại .

    • Thưa anh Trương Phú,

      Cám ơn anh đã đọc bài viết và đã cảm thông, đúng như anh Phú Thạnh nêu ra ở trên là cùng ở trong một thế hệ của những người đã lớn tuổi nên chúng ta phần nào cũng có những suy tư, những ý nghĩ không khác biệt nhau lắm.

      Gởi lời thăm anh, cháu Ky và nhất là cháu bé Mãn Lộ. Chúc anh và các cháu luôn yên vui.

Trả lời Trương phú Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác