Cá Bơi Đuối Sức
– Đến hồi nào mà ngồi quẹt máy sớm quá vậy Năm mình?
– ‘Nét’ nhà tao lóng rày chập chờn quá, ra đây xài ké ‘quai-phai’ của cô Năm. Ê Sáu, mầy gọi Hai Chích ra đây uống cà phe, bàn chuyện ‘pha học’ thời sự chút chơi. Nãy giờ tao đọc cái nầy, cảm thấy buồn buồn mà cũng phải cười đau bụng.
– Trước khi đi, tao có rủ rồi, nó nói xe hư. Tao biết Hai Chích buồn trong bụng, nó không muốn đi vậy thôi.
Năm Cua Đinh hạ thấp giọng:
– Khỏi nói tao cũng biết. Phải nó buồn vụ cô Năm Cô Đơn sắp có thuyền xưa ghé bến cũ phải không Sáu mình?
– Còn hỏi. Mầy nghe vụ ông Tân ở Ca-li không Năm?
– Vụ nầy thì Tám Lớ mình chắc rành được vài câu. Còn Hai Chích thì cạy răng cũng không nói. Năm tao bó tay luôn.
Sáu Bờ-rô nghe tiếng máy xe ngừng, nó xoay người nhìn ra.
– Vừa nhắc là có mặt liền, phải thần tài mà linh như 2 ông nầy thì mình đỡ vất vả.
– Thầy Năm, thầy Sáu sáng sớm nói lén tao hay nói lén Tám Lớ.
Thằng Năm chu cái mỏ cua đinh vô tai Hai Chích:
– Cô Năm hỏi tụi tao, sao lâu quá không thấy anh Hai Chích ghé quán.
– Xạo quá. Trưa hôm qua tao với Tám Lớ có việc đi chợ xã về, ghé đây ngồi tới chiều. Mầy nói láo không coi giờ, bị tổ trác rồi Năm mình ơi.
Năm Cua Đinh mặt quê cứng đơ. Sáu Bờ-rô tranh thủ cái loa làng vừa bị cúp, quay sang Tám Lớ:
– Ê Lớ, hỗm nay mầy có bắt tin ông Ca-li chừng nào về Việt Nam.
– Về đâu mà về. Nghe nói ổng trốn qua tiểu bang khác rồi.
– Ổng trốn ai, tại sao ổng phải trốn hả Tám Lớ.
– Ổng trốn bà vợ đã ly dị, ra toà chia xong gia tài mà bả trở về đòi chia thêm ngoài sổ.
– Trời đất. Ở Mỹ thời nay mà còn nạn đó nữa sao. Tao nghe đồn, toà Mỹ gõ một cái cốp là tổng thống cũng chịu phép.
– Thì phải rồi, Sáu mình ơi. Nhưng bà nầy chơi dơ. Tao đoán ổng không phải tay vừa, nhưng có lý do phải đầu hàng.
– Toà xử xong thì nhà ai nấy ở, không ai có quyền uy hiếp hay làm phiền. Ổng là đàn ông mà sợ bả sao, Tám Lớ?
– Thời gian ổng trốn ở cù lao Dung, vùng đất còn thưa thớt dân cư ngang với đất liền Long Phú. Bà con của bà nầy che chở và dàn xếp cho ổng vượt biên. Người ta cũng nói ổng có thẹo cũ ‘trên lưng ngựa hoang’, cộng với ân tình bảo bọc cứu mạng. Bả nắm được ‘vít’ đó mà đeo dính uy hiếp ổng. Chắc là vì vậy mà mấy chục năm ổng không dám về thăm cô Năm Cô Đơn. Tụi mầy còn nhớ chuyện sau 75 ít năm, có một lần ổng với cô Năm đi chợ Ba Càng mua đồ, tình cờ ổng gặp lại thằng đệ tử. Ông đệ tử kia ngỡ ông thầy mới đi cải tạo về, nên giữa quán chúc mừng oang oang. Ông đệ tử đâu ngờ chúc buồn cho ông sếp cũ. Nếu không xảy ra tai nạn va chạm ngoài ý muốn đó. Hoặc là ‘gặp nhau làm ngơ’, thì bây giờ cặp nầy có con cháu đầy làng.
– Ổng không về , ở đây có Hai Chích bạn mình lo cho cô Năm. Ổng kia lặn được thì lặn luôn cho xong chuyện. Cứ lâu lâu trồi lên ăn móng kiểu đó hoài, gieo hy vọng rồi thất vọng cho người ta chờ đợi ‘nửa hồn thương đau’. Tao thấy cuối cùng là ba người không ai có đường binh cho sáng nước bài.
– Ê nói vụ lặn tao mới nhớ. Hồi nãy tao coi trong máy, tuần rồi có một thợ lặn của công ty trách nhiệm thầu đê chắn sóng cho cảng nước sâu thuộc nhà máy Formosa, anh ta nhập viện trở về nghĩ dưỡng hai ngày rồi chết queo chưa rõ nguyên do. Còn thêm vài thợ lặn cựu binh 5-10 năm nghiệp vụ khác cũng nhập viện ngắn do khó thở tức ngực và đau đầu nhẹ, triệu chứng giống nhau sau khi lặn trong vùng biển đó.
– Nói như vậy thì nước biển vùng đó bị ô nhiễm rồi, có cơ quan chức năng nào cho biết ô nhiễm chất độc gì, nguyên nhân và mức độ đậm lợt ra sao. Góp ý kiến chút đi, Hai Chích.
– Có người nói nước biển bị tảo đỏ phát triển bùng nổ và nhiễm hoá chất từ các nguồn sản xuất của dân chúng trên đất liền và trên biển.
Tám Lớ tằng hắng mấy cái cho thông khí quản.
– Hai nguyên nhân vô tội vạ. Tảo là do môi trường thiên nhiên thích hợp tạo nên, nghĩa là do ông trời. Vụ nầy chắc phải nhờ cóc rủ bầy ong vò vẽ lên kiện trời. Còn hoá chất linh tinh mà bà con mỗi người lâu lâu đổ một ít xuống sông xuống biển thì ai đứng ra chịu cha ăn cướp. Vậy thì vụ án cá chết trên bình diện 4 tỉnh ven biển nầy coi như không tìm ra người để quy án.
– Hai Chích tao không đồng ý, tảo đỏ hay là tảo trổ hoa phải đậm đặc đỏ nước mới ăn hết oxy làm chết cá. Còn hoá chất từ ruộng đồng mà trôi ra tới biển còn uy lực sát thủ như thế, thì nông dân đã chết trước khi cá chết. Vả lại tảo đỏ và hoá chất chỉ ảnh hưởng lớp nước gần mặt. Nghêu sò hay các động vật tầng sâu sát đáy không ảnh hưởng. Còn đàng này, bãi biển xuất hiện rất nhiều xác cá sống tầng sâu và nghêu sò xa bờ. Vì vậy nguyên nhân cá chết do tảo đỏ và hoá chất độc hại không thể thuyết phục.
– Ê Hai Chích, tình trạng cá phơi bụng như vầy, bao lâu thì mình an toàn ăn món cá biển.
– Tao cũng như thằng Sáu Bờ-rô mầy. Việc đó thì do các nhà khoa học theo dõi thử nghiệm các mẫu nước, các cửa sông thông ra biển, luồng hải lưu, các mẫu cát đá rong tảo đáy biển và thịt các loại hải sản, vân vân…
– Nếu chưa tìm ra nguyên nhân, tao tính tạm thời đặt tên thảm trạng nầy là vụ án cá chết đuối.
– Uý trời! Cá không biết lội, vì vậy hơi bị chết đuối?
– Hoặc cho dễ nghe hơn, cá bơi đuối sức!
– Ô-kê, “nhức trí”
Một Lúa
Anh Một lúa ơi, tôi không “nhức” trí… vì theo tin mới nhất, cá chết là do có quá nhiều khách tắm biển “tè” trong khi bơi, làm hàm lượng ammoniac tăng mạnh; đơn giản vậy thôi:)
Bất ngờ, ngoài tửng tượng. hihi
Một Lúa rất nhạy bén và rất thời sự…vừa hay mà cũng nghe nhức nhối quá tay…he…he…đả thiệt…
Huynh Phú Thạnh vẫn phẻ, cà phơ cà pháo vui vẻ luôn nhé! hihi
Bài viết hay, có sức thu hút nên đi tới đâu vẫn có ngươi tìm đến thưởng thức…
PR,
Hên thui, đụng trúng mạch! hihi
Nhận định trong bài viết mang tính thuyết phục và tính thời sự cao ,,, Hoành Châu (Gia đình C )
Hoành Châu,
Ấp 5 tứ quái cảm ơn Hoành Châu. hihihi
Tôi nghi ngờ có ai đó cho truyền bài nhạc “Gloomy Sunday” trong nước biển làm mấy chú cá buồn rồi tự tử hàng loạt… Tuy nhiên, nghe lóng là sau khi các nhà khoa học ngâm cứu vấn dề , họ cho biết là có một chất độc gì đó trong nước biển làm cho cá chết. Vâng, có một chất độc gì đó…Vô cùng chí lý!
Hồng Lợi,
Lóng rày bà con có phong trào ăn lạt hơn để sống thọ. Các công ty khai thác muối biển giảm sản lượng. Do đó nước biển nhiều muối hơn 999 năm rồi. Tỷ trọng nước biển tăng cao hơn ngưỡng chấp nhận của Ngao Bái long vương (phim Na Tra), đẩy cá nổi lên mặt nước. Tàu ngầm muốn lặn cũng vậy, phải dằn thêm đá núi. hihihi
Nhạy bén tì nh hình của quê hương mình quá hén
Em cũng định ít bửa lĩnh lương mua hai thùng nước mắm 24 chai 1lít để dành ăn vài tháng cho qua đợt cá nhiễm độc này
Bạn trẻ Phan Lương,
Thời buổi ô nhiễm biển, ăn thử nước mắm con voi. Mắc một chút mà ngon và yên tâm. hihihihihi
Chổ anh Một Lúa có nước mắm con voi, còn chổ tôi thì có nước mắm con chim, thơm ơi là thơm!!!
Khỉ Gió,
Chim ở đâu mà đủ làm mắm vậy ta. Còn chiệng nước mắm con voi của tụi tui có sách có chứng còn ràng ràng. hihihi
Anh Một Lúa rất nhạy bén, nắm bắt kịp thời tình hình nóng hổi! Mỗi người một ý, thôi thì cứ cho là “cá bơi đuối sức” hay “cá không biết lội” cũng được. Hi hi hi…
My Nguyen,
Nhạy cở mồi trùn câu tôm ngoài sông cái (cá còn ít quá) hihihi
Hổm rày từ Hà Tĩnh đến Huế cá – bơi – đuối – sức nổi lên mặt biển dàn trời làm du lịch Đà Nẵng cũng “đuối” theo . Mọi khi dịp này bãi biển nghịt khách phương xa mà nay đìu hiu chợ huyện … !!!
Như Thuỳ,
Chúc mừng bạn có cuộc họp mặt vui vẻ với các bạn đến từ Vĩnh Long
Biển có vấn đề thì trèo Ngủ Hành Sơn ngắm trăng và hít thở gió núi cho lành.
Ý em như tất cả quí anh chị đã phản hồi cho anh,và em thêm một câu là ” anh Một Lúa thật giỏi ”.