Thầy cô của tôi (Phần 1)
Thời tôi học tiểu học việc rèn chữ viết không được chú trọng nhiều như ngày nay. Có thể là do trường tôi ở vùng cao, lại nghèo thiếu học cụ, nhưng cũng có thể do thời đó người ta bắt đầu chủ trương viết bằng máy chữ.
Một lần do tôi viết bài chữ xấu quá, cô giận định khẻ tay, nhưng khi thấy tôi rươm rướm nước mắt, cô thương hại không đánh mà chỉ nói, “Chữ viết đẹp là do có hoa tay, không phải ai cũng có, nhưng chữ xấu lắm thì cũng phải đọc được chứ!” Thế là tôi có chỉ tiêu phấn đấu rất rõ ràng: Chữ (cứ) viết xấu nhưng (đủ rõ để) đọc được.
Năm lớp Ba, hai môn học tôi sợ nhất là Vẽ và Tập Làm Văn. Ba mua cho tôi dụng cụ học tập rất tốt, tập tôi học bao giờ cũng là tập Olympic, hay Cyclo máy có giấy dầy và thật trắng, bút, thước … đầy đủ, nhưng khi tôi vẽ (đúng hơn là kẻ) thì không bao giờ thẳng mà cứ cong cong. Mặt ghế gỗ tôi vẽ người xem có thể tưởng là ghế được… bọc nệm vì do vẽ rồi tẩy nhiều lần, mặt giấy cong lên. Điểm môn vẽ của tôi thường dưới trung bình (thời đó Tiểu học cho điểm /10, Trung học cho điểm /20). Môn Tập Làm Văn cũng là một nỗi khổ cho tôi. Lời phê tôi thường nhận được là “Nói được ý chính” , hay “Câu văn cộc lốc, thiếu ý” kèm theo số 5 (thỉnh thoảng là số 6, còn số 7 chỉ có trong mơ). Nếu Toán tôi có thể được 10, Khoa Học Thường Thức và Sử, Địa có thể được 7 hay 8, thì 2 môn Vẽ và Văn lại làm cho điểm trung bình của tôi hạ thấp. Tôi lại phát hiện việc, một tuần chỉ cần đi học 4 ngày là cuối tuần được cô xếp hạng (mỗi tuần học sinh tiểu học học 5 ngày: thứ 2, 3, 4, nghỉ ngày thứ 5, rồi đi học thứ 6, 7, nghỉ Chủ nhật), và ngày thứ 6 là ngày có môn Vẽ. Nếu tôi nghỉ học ngày thứ 6 sẽ khỏi phải học vẽ, không bị điểm thấp làm tụt hạng. Thế là tôi quyết định trốn học ngày thứ 6.
Thứ 6 tuần đó tôi cũng ôm cập đến trường, nhưng khi trống vào lớp tôi lẻn ôm cập trốn ra phía sau trường và chơi ở đấy. “Sáng kiến” trót lọt, điểm trung bình tuần đó của tôi rất cao, tôi được xếp hạng 1. Thành công vượt bậc làm tôi khoe khoang. Hình như “sáng kiến” đến tai cô.
Thứ 6 sau tôi lại áp dụng “sáng kiến”. Đang bắn bi chợt có bàn tay ai kéo tai tôi lên. Ngửng mặt lên tôi thấy cô! Cứ thế cô lôi tôi về lớp. Đám bạn cùng chơi cũng chạy biến. Tôi bị phạt đứng trong góc lớp. Giờ chơi cô gọi tôi lại hỏi chuyện. Tôi thành thật khai ra “sáng kiến”. Như đã biết trước, cô không phạt tôi thêm, cũng không thông báo phụ huynh vì tội trốn học mà chỉ hỏi: “Bộ em cần điểm, hạng cao để phải làm những việc như vậy sao?”
Từ đó tôi không bao giờ dám “sáng kiến” trong học tập.
Nguyễn Hoàng Long
Tui không biết bây giờ bạn vẽ ra sao,
nhưng làm văn thì không những ” nói được ý chính”
mà còn nói có duyên, chọn lọc chi tiết, hấp dẫn bạn đọc…
Điều chắc chắn nếu có thể trở về thời đi học ,với bài viết này tác giả sẽ được các vị Thầy ( cô ) của mình chấm cho điểm 10/10 đó
Vì viết quá hay luôn !
Đúng là trẻ con, ” khôn ” mà không ” ngoan ” nên bao nhiêu ” bí mật ” đều bị ” bật mí ” hết, làm sao qua mặt được cô giáo đã có nhiều kinh nghiệm với đám học trò ” rắn mắt, nhất quỷ, nhì ma”, tuy vậy cũng nhận ra được là cô chỉ ” giơ cao, đánh khẻ ” với cậu học trò nhiều sáng kiến Nguyễn Hoàng Long.
Tuổi nhỏ là thế ,, ham vui hơn ham học ,, kỷ niệm không đáng nhớ vì xấu hổ , nhưng cũng là kỷ niệm rất dễ thương cần tuyên dương thành tích khi về già ! Hihi .Bài viết hay . Hoành Châu (Gia đình C )