MÓN QUÀ CUỐI NĂM

Ngày đăng: 5/02/2016 08:13:36 Sáng/ ý kiến phản hồi (7)

Năm 1967 sau khi tốt nghiệp và chọn nhiệm sở tại Vĩnh Long xong, tôi mới giật mình khi nghĩ đến chuyện tìm nơi cư trú trong thời gian làm việc tại đó. Làm sao bây giờ khi tôi cũng như gia đình tôi chưa ai từng biết gì về Vĩnh Long và cũng chẳng có ai quen ở tỉnh này cả. May quá, bà Sáu, hàng xóm nhà tôi, có người bạn thân ở Vĩnh Long nhưng gia đình bạn của bà Sáu không ở ngay tại thị xã mà lại ở sâu vào miền quê, cách trung tâm cũng năm ba cây số. Tuy vậy bà Sáu cũng tình nguyện đi cùng với tôi xuống Vĩnh Long để tôi trình sự vụ lệnh tại trường Trung Học Tống Phước Hiệp mấy tuần trước khi niên học bắt đầu.

Lần đầu tiên đi xe đò về miền Tây đối với tôi giống như được làm một cuộc phiêu lưu thú vị, xe đò lớn, đông hành khách, trên nóc xe chất đầy hành lý cũng như hàng hoá, các lơ xe, miệng liền tay, tay liền miệng mời chào rân rang. Đến giờ xe bắt đầu chạy nhưng vẫn còn chỗ trống nên trên đường đi thỉnh thoảng xe cũng dừng lại để đón khách dọc đường. Xe từ từ ra khỏi Saigon, Chợ Lớn tới Phú Lâm thì hướng về các tỉnh miền Tây, đường đi rộng rãi hơn, ít xe hơn, phần lớn chỉ có xe đò qua lại, hai bên đường là những đồng lúa mênh mông, nhờ đó tôi mới biết thế nào là đồng ruộng “thẳng cánh cò bay” mà mọi người vẫn ca tụng để nói về sự giàu có của các đại điền chủ miền Nam. Thỉnh thoảng xuất hiện những ngôi nhà tranh, vách đất đơn sơ, trước nhà là một cái ao nhỏ , cạnh đó là một giàn bầu, giàn mướp với những nụ hoa vàng làm tôi chợt nhớ đến quê nội thuở nào…..
Long An, ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, những địa danh lúc đầu hoàn toàn xa lạ đối với một cô giáo vừa tròn hai mươi tuổi nhưng sau gần ba năm đã trở thành những cái tên khó quên và có thể nói như Thanh Tịnh là “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần”, tuy nhiên tôi không thấy lạ mà lại rất thân quen. Sau mấy tiếng đồng hồ trên xe, đến Bắc Mỹ Thuận lòng thấy vui, đã qua phà thì chỉ còn ít cây số nữa là đến Vĩnh Long. Đôi khi niềm vui này bị dập tắt vì một đoàn xe nhà binh thật dài. Không buồn sao được khi sắp đến nơi mà phải chờ thêm một hai tiếng đồng hồ mới qua được bắc. Những lần chờ, những lần đợi trên con đường Saigon-Vĩnh Long, Vĩnh Long-Saigon vì nhiều lý do khác nhau đã tôi luyện thêm cho đức tính kiên nhẫn của tôi, nhờ đó mà tôi đã vượt qua được một số khó khăn trên đường đời. Đến Vĩnh Long tôi yêu mến ngay thành phố nhỏ êm đềm này, càng vui khi thấy trường Tống Phước Hiệp khang trang, có nét kiến trúc quen thuộc gợi nhớ tới ngôi trường Gia Long của thời nữ sinh trung học. Sau khi xong công việc tại trường, bà Sáu đưa tôi tới thăm bạn của bà, tôi cảm nhận được sự hiếu khách, chân tình của người Vĩnh Long, được thăm vườn trái cây, được uống nước dừa vừa hái xuống trong ngôi vườn trồng toàn dừa, rộng mênh mông, được ăn một bữa cơm thật ngon với món cá bống tai tượng chưng tương, được ngủ một đêm trong tiếng kêu của côn trùng, của ếch nhái như một bản nhạc hoà tấu dân dã, dẫn tôi trở về với bao kỷ niệm của tuổi thơ Thanh Hoá, để rồi đưa tôi vào giấc ngủ thật say, yên bình không mộng mị.
Sáng hôm sau chúng tôi lên xe trở về Saigon để sửa soạn cho việc đổi dời chỗ ở trong những ngày sắp tới. Mẹ tôi hỏi thăm ráo riết để tìm chốn ở cho tôi nơi tỉnh lạ, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của một người bạn cùng sở mà mẹ đã tìm được chỗ trọ cho tôi kịp thời qua sự giới thiệu của ông bà bác sĩ Thiệt.
Tôi đến với gia đình bà Hai năm 1967, tại số nhà 5a đường Trần Công Lại, một ngôi nhà villa nhỏ nhắn, xinh xắn. Nhà có ba phòng ngủ, một phòng khách cùng chung với phòng ăn dành riêng khi đãi khách, phòng gia đình sát với bếp là nơi cả nhà thường hội họp để trò chuyện và dùng bữa. Trong phòng này có bắc một chiếc võng mà tôi thường nằm đu đưa khi đọc sách. Phía trước và sau nhà là mảnh vườn nhỏ trồng vài cây ăn trái. Hai cây mận da người ở vườn trước lẫn sau đều cho trái ngọt và ngon. Bên hông nhà là mảnh đất trống có căn nhà lá nhỏ của gia đình ở tạm trước khi xây xong nhà mới, bà Hai vẫn giữ lại và sau này cho vài ba em nữ sinh Tống Phước Hiệp từ Sa Đéc thuê để ở.
H1Bà Hai lúc đó đã lớn tuổi, phải ngoài bẩy mươi, khi trẻ bà là cô mụ làm việc tại các quận huyện cũng như tại thị xã nên được nhiều người biết đến. Bà có năm người con, bốn gái, một trai, con trai của bà là linh mục Nghĩa, làm việc ở quận lỵ, con gái bà, dì Tư là nữ tu dòng Mến Thánh Giá, hiệu trưởng của trường tiểu học công giáo cạnh nhà thờ Chánh Toà. Chị Ba là người duy nhất lập gia đình và ở xa nên lâu lâu dẫn hai con, một trai, một gái về thăm mẹ, chị Hiền (chị Hai),  con gái đầu lòng của bà, lớn hơn mẹ tôi một tuổi, ngày xưa là nữ sinh Gia Long áo tím, nay chị là công chức, chị Hạnh (chị Út), giáo viên tiểu học. Hai chị đều lớn tuổi, không lập gia đình nên sống chung với mẹ.
Gia đình bà Hai rất đạo đức, hoà thuận và đầm ấm, tôi thấy mình thật là may mắn được sống cùng gia đình bà trong suốt thời gian dạy học tại Vĩnh Long. Được bà và hai chị coi tôi như con, em trong nhà nên tôi không cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ, tưởng như mình đang ở trong vòng tay thương yêu của gia đình ngay từ lúc ban đầu. Nghe bà kể chuyện cuộc đời của bà tôi lại càng ngưỡng mộ hơn vì một tay bà đã đi làm, nuôi và dạy dỗ cả năm người con đều thành nhân. Nhìn bà tôi lại nhớ tới hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tận tuỵ với gia đình, con cái mà nhà thơTú Xương thường ca tụng qua thơ văn.
Quanh năm buôn bán ở men sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng. 


Chị Anh Cúc, giáo sư Pháp Văn và tôi ở chung căn phòng phía trước, rộng rãi, thoáng đãng, tàn lá của cây mận cổ thụ che mát cả căn phòng, kể cả trong những ngày trời nắng chói chang, xa hơn một chút, ngay gần cổng ra vào là cây lan Hoàng Hậu, cành cây là là xuống sân cỏ nhưng quanh năm cho hoa mầu hồng tím thật đẹp.
image2Chị Anh Cúc, tôi và các cô Dương Vương Thị Tùng, Cảnh Tâm, Tiểu Dung ở nhà trọ đối diện, thường rủ nhau đi bộ đến trường khi có giờ dậy trùng, con đường Trần Công Lại thật yên tĩnh hầu như cả ngày cũng không có một cái xe chạy qua nên chúng tôi yên chí rảo bước. Năm 2014 đi lại trên con đường này tôi có cảm giác đang đi trên con đường thật xa lạ không còn một hình ảnh gì của đường Trần Công Lại ngày xưa. Con đường nhỏ yên tĩnh nay đã trở thành đại lộ, xe cộ chạy qua nườm nượp. Những căn phố, những nhà villa nhỏ bé, xinh xắn nay đã biến thành những nhà cao tầng san sát nhau. Nếu không có Ánh Tuyết, học trò cũ của tôi đi cùng, chắc chắn tôi không thể nào biết được đây là nơi tôi đã bao lần đi qua. Do một sự may mắn tình cờ, tôi tìm được nơi tôi đã sống. Đứng trước căn phố cao mấy từng mà chủ nhân là người xa lạ, tôi cảm thấy bùi ngùi khi nhớ đến căn nhà ngày xưa, nhớ đến bà Hai và các chị thuở nào.
Hy vọng được gặp hai chị coi như tan biến, thời gian ở Vĩnh Long lại quá hạn hẹp không cho tôi thêm cơ hội để có thể đi tìm các chị. Sau một thời gian, khi đã thân thuộc với các anh chị em trang nhà, tôi có hỏi anh Trương Phú về gia đình bà Hai với hy vọng là anh sống lâu tại Vĩnh Long nên may ra anh có thể cho tôi tin tức, tiếc thay anh cho biết là anh chỉ mới về sống lại tại Vĩnh Long không lâu lắm nên không được biết gì về gia đình bà Hai.

Chiếc phao cuối cùng đã mất nên tôi đành chấp nhận, tự an ủi là tôi và các chị không có duyên gặp gỡ, hơn nữa các chị đã lớn tuổi, người trên 90, người trên 80 nên không hiểu có còn sống hay không…..

Thế mà món quà cuối năm đã đến với tôi qua những giòng chữ của anh Trương Phú, tôi vừa vui mừng, vừa cảm động khi đọc tin nhắn của anh về hai chị Hiền (chị Hai) và chị Hạnh (chị Út) trên face book.

Hai chị vẫn còn sống, khoẻ mạnh tại Vĩnh Long, lại được nhìn thấy hình của hai chị sau gần nửa thế kỷ làm tôi muốn rơi nước mắt, lại càng xúc động hơn khi được biết anh Trương Phú đã cố công tìm kiếm các chị và tới tận nơi thăm các chị dùm tôi.
Biết nói sao cho xứng đáng để cám ơn anh Trương Phú về món quà tất niên quý báu này, nhân đây tôi xin được vinh danh mối “chân tình” của anh chị em trang TPH-VL.com, hy vọng chúng ta sẵn sàng bỏ qua tất cả mọi sự hiểu lầm hay những bất đồng nho nhỏ để cùng nhau vun xới cho “ngôi vườn tình thân” của chúng ta càng ngày càng tươi tốt, càng có thêm nhiều hoa thơm, cỏ lạ.
Lê-Thân Hồng-Khanh

(25/1/2016)

 

Có 7 bình luận về MÓN QUÀ CUỐI NĂM

  1. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô thân yêu, 

    bài viết của cô thật cảm động. Qua những câu chuyện cô từng kể trên trang nhà về nhiều sự kiện trong cuộc đời, em nhận ra rằng một người có thành tâm luôn thương yêu mọi người như cô sẽ luôn gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tấm gương cho em cùng bao học trò của cô học hỏi noi theo. Em.cũng chân thành cảm ơn anh Trương Phú đã mang lại cho cô giáo yêu quý của tụi em món quà vô giá cuối năm.

  2. Hoành Châu nói:

    Cô kính quý ,
    Qủả đúng Cô là   người phước thiện  nên đi đâu , ở đâu  cũng đều gặp quới nhân giúp đỡ,, sống ở Vĩnh Long  cũng như ở Đà Lạt  Cô nhỉ !  Cô sống hòa đồng , tâm hồn rộng mở  nên được nhiều người thương yêu , mến   mộ  . Bài Cô viết thật hay   và cảm động ,,,, thể hiện một  lối sống đẹp . Giờ  cô mãn nguyện    được tìm gặp lại người thân quen cũ  là nhờ Thám tử S L H Trương Phú  như là món quà tuyệt diệu cuối năm . Chúc  Cô còn gặp nhiều duyên may nữa  cô nhé ,.. Chúc Cô mãi vui  Tết An nam trên đất khách !            Em Hoành Châu  (Gia đình C  )

  3. My Nguyen nói:

    Cô thương kính! Vậy là tấm chân tình của Cô đã được đáp lại rồi. “Món Quà Cuối Năm” của Cô ý nghĩa biết dường nào! Đó cũng là một sự may mắn, là niềm vui vô hạn của Cô trong mùa Xuân này. Em xin chúc mừng Cô với một mùa Xuân đầy phúc lộc.

  4. trương phú nói:

    Cùng cô, chỉ một chút ảnh chủ ý gợi lại vài kỹ niệm đến cô, không ngờ trang nhà được đọc cả dòng sông xưa chảy về rất chi tiết mà lại bao hàm biết bao tình cảm rất có hậu của cô. Cám ơn cô

  5. Hoàng Hưng nói:

    Kính thưa cô. Đúng là món quà cuối năm, cũng nhờ “thám tử” Trương Phú.  Chúc cô, thám tử Trương Phú, anh chị em trang nhà ăn Tết vui vẻ.

  6. Các em thương mến,

    Cám ơn các em đã chia sẻ với cô niềm vui về món quà cuối năm, một món quà thật tuyệt diệu và bất ngờ đến với cô.

    Thưa anh Trương Phú,

    Nếu cứ nói cám ơn hoài thì sẽ trở thành khách sáo, làm giảm đi cái hay, cái đẹp mà anh đã thực hiện. Nhân đây cũng vì tò mò nên xin anh cho biết thêm vì sao anh có thể tìm ra được hai chị Hiền và Hạnh.

    Nói như Hoành Châu và Hoàng Hưng thì tôi xin ngả mũ phục tài ” thám tử ” Trương Phú của trang nhà.

    Trước thềm năm mới, thân chúc anh Trương Phú cùng các em hưởng những ngày Tết thật vui và đầm ấm cùng gia đình, một năm Bính Thân dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng và gặp mọi sự như ý.

  7. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! bài viết của cô thật cảm động, và anh Trương Phú cũng giỏi thiệt,một món quà cuối năm thật vô cùng ý nghĩa.Em xin chúc cô một mùa xuân với vạn điều tốt lành nhất.

Trả lời vothilai Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác