NHỮNG CHIẾC ÁO LEN ĐAN

Ngày đăng: 7/01/2016 11:04:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (12)

Tôi được sinh ra ở Thanh Hoá, một tỉnh nằm giữa miền Bắc và miền Trung, ở đây có bốn mùa nên khi đông sang tiết trời lạnh lẽo. Vào những ngày đông giá mọi người thường phải khoác bên ngoài một cái  áo bông để chống lạnh. Áo bông được các bà tự cắt và tự may bằng tay, người có tiền thì dùng hàng nhiễu, hàng lụa, người ít tiền thì dùng vải thô. Tuy nhiên bao giờ cũng có lớp bông độn ở giữa. Để giữ cho lớp bông không bị chạy, trên mặt ngoài của áo cũng như trên lớp vải lót phía trong áo phải có những mũi chỉ đột sát nhau, tạo nên những hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình quả trám nhỏ trông đều đặn và rất đẹp mắt. Tất cả đều may bằng tay, từng mũi kim, từng đường chỉ, thời ấy ở miền quê đâu có ai biết đến chiếc máy may. Len, sợi cũng là những sản phẩm quý hiếm nên hầu như không ai biết đan áo để mặc ấm mùa đông.Khi lập gia đình, mẹ tôi từ Huế theo chồng về sống ở miền quê Thanh Hoá, đem theo cả những gì mà mẹ tôi đã được học hỏi nơi học đường, kiến thức về học vấn lẫn sự khéo léo về việc đan len. Mẹ dạy chữ cho các thanh thiếu niên nam nữ trong vòng bà con bên nội và cũng không quên hướng dẫn phái nữ tập đan. Mẹ nhờ người quen mua len, mua sợi ở Hà Nội, còn kim đan thì mẹ nhờ các chú giúp việc vót dùm từ những lóng tre, sau đó được chà cho láng và trơn để đan cho dễ. Các chị họ của tôi nhờ đó mà đan thật giỏi, đan khăn quàng, tất vớ, áo len đủ kiểu, đủ màu ở lứa tuổi mười một, mười hai.

Sau này gia đình của bác tôi rời làng dọn ra ở tại thị xã Thanh Hoá, bác gái có cửa hàng nên hai chị Hảo, Tố thường dùng thì giờ rảnh để luôn tay đan áo, phần lớn là áo sợi vì thuở ấy len rất hiếm và đắt tiền, đan xong các chị treo lên để bán, áo treo lên là bán được ngay, có thể vì các chị khéo tay, đan đẹp nên áo đan của các chị đắt như tôm tươi.

Tới thăm hai bác, tôi say mê nhìn các chị đan, tay thoăn thoắt trong khi mắt thì đọc sách hoặc nhìn người qua lại bên ngoài, chẳng cần phải để ý gì đến cái áo đang đan. Tôi thán phục các chị lắm nhưng không hiểu sao tôi lại bỏ lỡ cơ hội học đan với các chị mặc dầu lúc đó tôi cũng đã lên năm, lên sáu.

Vào trong Nam, mưa nắng hai mùa, thời tiết nóng ẩm quanh năm, chỉ khoảng gần Tết, trời hơi se lạnh nên cũng chẳng ai nghĩ hoặc nhắc nhở đến chuyện đan len. Ở tuổi mười ba, mười bốn, tôi được ba mẹ cho lên Đà Lạt thăm bác Cơ, chị ruột của mẹ tôi. Nhìn người Đà Lạt mặc áo len đủ kiểu thật đẹp thêm vào đó thấy bác đan áo, tôi như bị mê hoặc nên xin bác dạy cho đan. Hài lòng vì cô cháu say mê đan lát nên khi trở về Saigon tôi được bác tặng cho một đôi que đan bằng tre và một ít len vụn để thực tập. Kể từ đó mỗi lần xuống Saigon bác đều hướng dẫn thêm cho đến khi tôi đã tự đan cho mình chiếc áo len đầu tiên trong đời.

Những ngày dạy học ở Đà Lạt, cần áo lạnh nên tôi lại giở kim đan ra để thực hành, càng ngày đan càng khá hơn nên không chỉ đan lên, đan xuống như lúc ban đầu mà đã biết dùng các mũi đan khác nhau để đan bện thừng, mũi trái dâu, quả trám, con bướm…làm cho áo đẹp hơn.

Ở xứ lạnh, nhu cầu len sợi cao, tại vài hiệu bán len chuyên môn ở chợ Hoà Bình mọi người có thể mua được nhiều loại len mà mình ưa thích, tuy nhiên len pha với sợi hoá học lại nhiều hơn len nguyên chất. Lý do giản dị là len nguyên chất vừa đắt giá vừa phải bảo trì cẩn thận mặc dù rất ấm. Mợ Tân, chủ nhà nơi tôi ở trọ là một bà nội trợ giỏi và có nhiều sáng kiến. Để có len tốt mà không phải trả giá cao, mợ chịu khó ra ở bậc thang ngay chợ Hoà Bình, nơi mà những người buôn quần áo cũ nhập cảng từ ngoại quốc, ngày nay gọi là hàng Sida, đổ từng đống và khách mua tha hồ lựa chọn. Với con mắt rành nghề, mợ chọn mua những chiếc áo len đan cũ còn tốt với giá rẻ. Đem về, những chiếc áo len đó được tháo ra, xếp sợi len đã tháo thành những lọn dài  chừng 40cm, buộc lại hai đầu rồi đem trụng trong nước đang sôi, kỳ lạ thay những lọn len bùm xùm khi mới được tháo ra, sau khi được trụng nước sôi và phơi khô, sợi len sẽ thẳng băng như mới và có thể cuộn tròn để đan thành áo như ý muốn. Cũng nhờ sáng kiến này của mợ mà tôi luôn luôn có nhiều áo len khác nhau để diện, một cái áo có thể tháo đi, tháo lại vài ba lần để đổi kiểu.  Nhất cữ lưỡng tiện và cũng tiết kiệm cho túi tiền của nhà giáo phải sống xa nhà như tôi.

Lên đường sang Tân Tây Lan, trong hành trang của tôi cũng có vài cái áo len đan tay, những chiếc áo này đã cho tôi thêm hơi ấm trong tiết trời thu, đông lạnh lẽo nơi xứ người. Khi có thời giờ rảnh tôi hay ra phố và lần nào cũng ghé các hiệu len để ngắm nhìn. Đây là xứ sản xuất lông cừu nên có biết bao nhiêu loại len nguyên chất, cuộn len nào cũng thấy đề trên nhãn hiệu “100% Wool”, đủ màu, đủ cỡ, đủ loại. Có nhiều thứ len mà tôi mới được thấy lần đầu tiên như len Mohair làm bằng lông của một loại dê được nuôi ở vùng núi của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), giống dê này có bộ lông thật dài, loại len này bóng và sợi len rất chắc; len Angora mịn như nhung làm bằng lông của một loại thỏ đặc biệt, sợi len rất đẹp nhưng bở. Dĩ nhiên những loại len này đều rất đắt tiền nên sinh viên tu nghiệp như tôi với số học bổng ít oi làm sao mà dám với tới. Tự an ủi là được nhìn ngắm để biết thêm như vậy cũng đã thoả mãn lắm rồi!

Thời gian đi tham quan các trường học tại Dunedin, một tỉnh ở cực Nam của Tân Tây Lan, tôi cũng thâu thập được một ít kiến thức về việc đan len, bà Aitken, chủ nhà nơi tôi ở cũng là một người đan rất giỏi, không những chỉ đan mà bà còn tự se len thành sợi từ lông cừu, sau đó tự nhuộm len theo màu như ý muốn. Bà không dùng màu hoá học mà dùng toàn nguyên liệu thiên  nhiên, khi đi dạo bà chỉ cho tôi những cây, lá, những loại rong rêu bám vào các tảng đá bên đường mà bà hay hái hoặc thu lượm về để pha chế thành màu. Tôi thích thú ghi nhận lời chỉ dẫn và khi từ giã bà tôi đã đem theo một kinh nghiệm quý báu mà tôi vẫn còn áp dụng đến ngày nay, đó là việc nối len khi đan để cho sợi len mới nối tiếp sợi len cũ như thế nào mà mũi len không thay đổi, vẫn bằng phẳng, đều đặn nên không ai phân biệt được. Cám ơn bà Aitken, thời gian sống với bà chỉ có hai tuần, sau khi rời Tân Tây Lan mất liên lạc với bà nhưng tôi luôn nhớ tới bà, nhất là những lần nối những sợi len khi đan áo.

Sang tới Âu Châu, khả năng đan len của tôi được tận dụng triệt để khi tôi đã lập gia đình và có hai con, một gái và một trai. Ở Đức mùa đông thật lạnh, có năm xuống tới -20 độ C, có thể nói là mỗi năm phải mặc áo len tới sáu tháng nên những chiếc áo len là bạn đồng hành cần thiết của mọi người, áo len đan tay lại đắt giá hơn áo len dệt nhiều lắm, tuy quý nhưng không thông dụng.

Hai con nhỏ cần áo len để thay đổi, lớn nhanh như thổi nên trong vòng mười năm, từ lúc con ba tuổi trở đi, tôi đã đan không biết bao nhiêu áo len cho các con. Bên này có điều lợi là có thể mua sách báo chuyên dạy đan các kiểu áo cho người lớn, trẻ em, dạy đan các mũi đan khác nhau và nhất là đan hình các súc vật xinh xắn, máy bay, xe hơi, xe lửa trên áo cho trẻ em nên trẻ em khi mặc áo có hình đều thích thú.

Đan nhiều nên từ từ tôi đã nắm được kỹ thuật sáng tạo các hình ảnh để đan vào áo cho các con. Tôi lấy mẫu trong các truyện cổ tích bằng tranh để thực hiện bảng hình dùng để đan chẳng hạn như hình “Công chúa ngủ trong rừng”, “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Mỹ nhân ngư” cho con gái; “Lucky Luke”, “Mickey Mouse and Donald Duck”, “Ghost Buster” v..v…cho con trai.

Đan hình cần nhiều công phu và phải chú ý từng mũi đan vì phải xử dụng nhiều sợi len với màu sắc khác nhau trong cùng một hàng đan, có khi tôi phải dùng tới mười mấy cuộn len cùng một lúc. Mặc dù công phu và mất nhiều thì giờ nhưng khi nhìn hai con mặc những chiếc áo len đẹp, ai thấy cũng phải trầm trồ, tôi vui như đã hoàn thành được một tác phẩm mỹ thuật.

Lên trung học được vài năm các con không mặc áo len đan nữa vì thích theo thị hiếu ăn mặc giống như các bạn trong trường, nhu cầu đan len của tôi vì thế không còn nhiều như trước, có thể nói người xưa “gác kiếm” còn tôi “gác kim đan”, tuy vậy thỉnh thoảng cũng đan vài cái áo để tặng sinh nhật bạn bè.

Đối với tôi, đan là một cái thú, một đam mê, một cách thư giãn tinh thần, bỏ lâu quá nên tôi đã quên bẵng đi, mới đây em Lê Liên, một cựu học sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt nhắc tới áo len và việc đan len làm tôi nhớ lại những chiếc áo len mà tôi đã đan cho hai con khi chúng còn bé. Những chiếc áo này tôi vẫn còn giữ riêng trong một va li, tôi muốn để dành cho các cháu nội, ngoại. Biết là cha mẹ của các cháu vì bận công việc sẽ không có thời giờ rảnh để ngồi đan cho các cháu những chiếc áo như bà nội, (bà ngoại) của các cháu đã làm….Những chiếc áo len đan tay cũng là một phần kỷ niệm trong tôi và biết đâu nhờ đó mà các cháu còn nhớ tới bà nội, (ngoại ) khi bà không còn hiện hữu trong cõi đời này nữa…..

 Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2015 )

 

image1H1/ Ba mẹ và con trai mặc áo len do mẹ đan (  1987)

image2H3

image4h4

image5H5

image6h6      ÁO CỦA MẸ ĐAN CHO HAI CON ( Hình 2, 3, 4, 5 )

Có 12 bình luận về NHỮNG CHIẾC ÁO LEN ĐAN

  1. Huedang nói:

    Trên cả tuyệt vời nửa Cô ơi. Em là người đầu tiên xin được là học trò cho môn học mới. Em mới mua len màu đẹp lắm định đan khăn choàng cổ và nón , đọc bài của Cô em đỏi ý rồi, em sẽ đan áo. Em ghi tên rồi đó nha, qua Tết em học. Cô giáo Hồng Khanh của mình quá ư là giỏi. Em xin bái phục.

  2. Lyhuong nói:

    Cô ơi, ai có cầm kim đan rồi mới thấy hết sự khéo léo ,tinh tế, trong mọi chiếc áo len đan tay của Cô ,đúng là những bức tranh màu sắc tươi đẹp,hài hoà và là tất cả tấm tình yêu thương của Cô dành cho gia đình.Cô thật tuyệt vời .Năm mới em kính chúc Thầy ,Cô và gia đình nhiều sức khoẻ ,hạnh phúc.

  3. lưu thu hà nói:

    Như bạn HUỆ nói ” Cô của chúng em trên cả tuyệt vời “, mỗi chiếc áo như một bức tranh sinh động . Lúc học ở Dalat em cũng đan được áo , mủ và khăn quàng cũng chỉ vài chiếc để thay đổi , bây giờ em còn giữ một áo và một khăn quàng đồng màu , những dịp lên Dalat em mang theo có khi mặc , có khi không , mang theo để nhớ thời sinh viên . Ngày 19-20/12 /2015 các khoa các khóa về trường Dalat dự lễ giổ cha LẬP và lễ kỹ niệm 50 năm thành lập khoa CTKD , vợ chồng em không đi được rất tiếc .Kính thăm bà luôn khỏe , sinh nhật của bà đã qua , qua cô cho em kính lời mừng sinh nhật muộn , kính chúc bà luôn minh mẫn -khỏe mạnh , luôn vui cùng con cháu .Em kính thăm cô +thầy QUANG và các em  năm mới an vui +hạnh phúc .

  4. PhươngNga nói:

    Chị Huệ nghe…giành ghi danh trước em nghe.

    Cô ơi, nhận em làm đồ đệ. Em hứa sẽ chăm ngoan!

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Cô,
    Đi Đà Lạt, em thấy các bà các cô bán đồ len, ngồi thoăn thoắt
    tay đan áo, nón. Em có mua đồ đan tay này nhưng sao nó dệu dạo,
    không chắc và không sắc nét.
    Hồi sinh viên, em có học chúng bạn móc và đan trong những lúc rỗi
    Nếu Cô mở lớp hướng dẫn đan tay từ xa, ngoài Đặng Huệ ghi danh,
    em cũng tập tành kim chỉ lại.

  6. Nguyen Tuyet nói:

    Bài viết rất hay . càng đọc càng cảm thấy thú vị ,  nhìn những tác phẩm trưng bày rất đẹp , NT chỉ biết trầm trồ  phục lăn thôi .  Chúc sức khỏe cô & gia đình an khang hạnh phúc.

  7. Hoành Châu nói:

    Cô ơi , những gì viết cho cô đều   bị xóa sạch hết rồi,,
    ,,,Cô Hồng Khanh   kính quý ,
    Bài   viết    của  Cô  rất   tuyệt   chứng tỏ  người viết   thật   đa tài  , đa tình , đa  cảm ,,   từ   thưở nhỏ  Cô   đã   là người con gái  thông minh : công dung ngôn hạnh ,  cảm động  nhất  là   tấm lòng  người mẹ biết  lo  toan  quán  xuyến chắt  chiu  cho    gia  đình    và tâm  tư  của một   người  bà,,  khi  nghĩ  về  các  cháu  thể hiện  lòng thương yêu thiêng liêng   vô  bờ bến ,, Bài  viết   còn thể  hiện tám  lòng nhân  hậu  mang tính giáo dục cao  ,,thật đáng  cho  các  trò nhỏ  của  cô học  tập  dài  dài,,, Thương và nhớ  cô   nhiều  , giữ  gìn  sức  khỏe  cô  nhé .            Em Hoành Châu  (Gia đình C  )         

  8. My Nguyen nói:

    Cô thương kính! Cô thât là chịu khó và khéo léo, trên cả tuyệt vời. Những mẫu áo len đan tay của cô ngoài thị trường hiện nay không ai bì kịp. Em rất mê đồ len dù ở VL chưa có khi nào lạnh lắm. Lần nào đi Đà Lạt em cũng mua đồ len cho các cháu, chuyến đi vừa rồi cũng vậy. Đà Lạt bán rất nhiều đồ len, nhất là hôm  em ra trời đang lạnh lắm. Em thấy họ bán đa phần là đồ len dệt, đan bằng máy, ít thấy đồ len đan tay cô à!

    Em kính chúc cô và gia đình luôn vui khỏe.

  9. Hoàng Hưng nói:

    Chúc mừng Đặng huệ chon nghề mới. Chúc Đặng Huệ sẽ thành công, đan được những chiếc áo đẹp như cô trước năm 80 tuổi. Chúc mừng! Chúc mừng!

    (“Bịnh nghề nghiệp”, lập program mẫu áo đầu tiên đưa lên máy CNC khắc trên mặt phẳng, chắc program sẽ dài gắp nhiều lần sớ Táo Quân của Phan Lương.)

    Kính thưa cô. Nơi em ở là vùng đất của người da đỏ nhượng lại, trong thư viện tại đia phương trưng bày những dụng cụ thô sơ, nón, áo của những người da đỏ hàng trăm năm về trước. Em nghĩ sau này người Việt xa xứ cũng thu thập những đồ dùng, nhất là những món đồ tự chế của những nhóm người Việt tha hương đầu tiên. Những mẫu áo tự thêu của cô rất quý cho việc sưu tầm sau này. Hiện tại đã có nơi trưng bày đồ dùng của những người trước năm 75.

     

  10. Các em thương mến,

    Khi học tại TPH, trong các giờ ” Nữ công Gia chánh ” chắc chắn là các em đều đã được học đan, kiến thức về đan các em nay đều đã có sẵn nên việc trau dồi tiếp về đan là một điều rất dễ dàng. Chỉ dẫn đan hàm thụ là điều rất khó trong khi nếu gặp trực tiếp, cô chỉ cần vài tiếng đồng hồ là có thể truyền tất cả ” bí quyết ” cho các em ngay. Cô tin là với sự khéo tay  và nhiều sáng kiến, các em sẽ thực hiện được những chiếc áo len thật đẹp mà mọi người phải ngưỡng mộ, đặc biệt là các em đã có nhiều kinh nghiệm đan len như Thu Hà, Huệ Đặng, Phương Nga……Cô cám ơn các em đã có phản hồi, cô gởi lời thăm tất cả các em cùng gia đình.

    Cô Hồng-Khanh

  11. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! cô  giáo của em rất giỏi, nhìn những chiếc áo len cô đang trông rất là đẹp,đọc bài viết của cô ai cũng sẽ thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiền dịu, công dung ngôn hạnh vẹn toàn,tấm lòng nhân hậu bao la.Năm mới chúc cô sức khỏe ,gia đình an vui hạnh phúc,sớm có cháu nội, cháu ngoại ẩm bồng.

  12. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, những chiếc áo len của cô thật tuyệt vời, những người. thân yêu bên cô sẽ luôn cảm thấy vô cùng ấm áp khi mặc những chiếc áo do cô tự tay đan. Em rất thích các áo len của hai em hồi nhỏ, đẹp như các bức hoạ hoạt hình. Và chẳng biết phải nói bao lần nữa là cô của emquá tuyệt vời.

Trả lời vothilai Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác